Wednesday, November 12, 2008

XÓM LIỀU TRONG PHỐ

"Xóm liều" trong phố
Cập nhật lúc 06h54" , ngày 12/11/2008
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=148951&CatId=18
Họ không nhà cửa, hàng chục năm nay sống nhờ trong những căn phòng tạm bợ của chủ. Người địa phương quen gọi đó là xóm Lò, nhưng thực ra đó là tổ 4 và 5 của thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jứt ( Đăk Nông).

Mưu sinh trong vô vọng

Anh Đinh Văn Quân đã vào định cư ở đây được 7 năm. Công việc hàng ngày của vợ chồng anh là làm thuê cho lò gạch. Anh được chủ lò cho một chỗ rộng chừng chục mét vuông. "Mình có hai đứa con hiện đang đi học. Làm ở đây đã 7 năm rồi nhưng cũng chẳng dành dụm được gì. Ngày nắng đi làm, dư được chút thì ngày mưa ăn hết. Không có đất đai, không vốn liếng biết làm gì đây. Cũng không biết nuôi hai con đi học được bao lâu nữa".

Bên cạnh anh Quân là nhà chị Lê Thị Mùi có 6 nhân khẩu. Cả gia đình chị phải "nương nhờ" tại lò gạch anh Hòa gần 5 năm nay. Trong 4 đứa con, thằng lớn học giỏi được người chú thương, nhận nuôi cho con học. Ba đứa còn lại phải nghỉ học theo bố mẹ làm thuê. Cả gia đình chị quần quật cũng chỉ đủ cái ăn hàng ngày.

Là một khu dân cư của thị trấn, nhưng bao năm nay, người dân nơi đây không được hưởng bất cứ một chính sách nào của nhà nước. Họ không có điện sinh hoạt, không có nước sạch để dùng... "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thị trấn kéo điện cho bà con nhưng đều không thấy "hồi âm". Bí quá, chúng tôi tự hùn vốn kéo điện về, mua bồn chứa nước bơm cho họ sử dụng. Khu này hay mưa nên nước giếng đục lắm, không lắng cặn thì không dùng được" - anh Hòa cho biết.

"Phố" thất học

Trong vòng bán kính 5km quanh xóm Lò, không có lấy một ngôi trường, dù chỉ là một phòng cho trẻ mẫu giáo. Không ai thống kê được xóm Lò có bao nhiêu trẻ em thất học. Cuộc sống chật vật, trường lớp thì xa, muốn cho trẻ đến trường thì phải đón đưa nên nhiều nhà cho con nghỉ học từ rất sớm.

Ở tuổi 16, Lương Thị Thúy Hương nhỏ thó, gầy gò như trẻ lên mười. Hương đã có kinh nghiệm 3 năm trong "nghề" làm gạch, còn cái chữ thì Hương chịu, không biết nó ra sao. "Em muốn đi học lắm nhưng bố mẹ không cho. Cả nhà em đều đi làm thuê ở lò gạch này" - Hương nói với chúng tôi.

Ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", Nguyễn Thanh Minh cũng nhỏ thó, đen choắt. Học hết lớp 8, Minh theo bố mẹ vào đây sinh sống. Trường xa, gia đình khó khăn, Minh bỏ học vào làm thuê cho lò bà Vân. Mỗi ngày Minh đẩy không biết bao nhiêu xe gạch đi phơi. Minh làm công việc này đã hơn một năm nay.

So với Minh và Hương, sức khỏe của Phạm Bá Lực còn "khiêm tốn" hơn nhiều. Nhưng cậu bé 14 tuổi, nặng hơn 30 cân một chút này mỗi ngày phải "cõng" cả tấn gạch vào lò. "Em vào đây làm được gần nửa năm. Bố mẹ bảo nhà nghèo quá, phải nghỉ để kiếm tiền thôi" - Lực tâm sự.

Hầu như lò nào cũng có mấy đứa trẻ làm việc. Có em chỉ mười một, mười hai. Khi chúng tôi hỏi các chủ lò, sao lại thuê trẻ em làm việc thì họ biện bạch rằng: "Chúng làm phụ bố mẹ thôi chứ ai thuê(?!)".

Vắng bóng chính quyền

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling đã gọi điện thoại cho hầu hết các cán bộ của thị trấn nhưng vẫn không biết được chính xác hiện xóm Lò có bao nhiêu nhân khẩu, bao nhiêu trẻ em trong độ tuổi đến trường... Cuối cùng, ông giới thiệu chúng tôi tìm gặp tổ trưởng tổ dân phố. Tuy là tổ trưởng, nhưng nhà ông Nguyễn Viết Sơn lại ở trung tâm thị trấn, cách "khu phố" này hơn 3km.

Nghe chúng tôi nhắc đến xóm Lò, ông Sơn thở dài: "Thật lòng chính tôi cũng không biết ở đó hiện có bao nhiêu người sinh sống. Họ ra rồi vào không thể kiểm soát được. Trước đây, tôi cũng đã đề nghị các chủ lò gạch ở đó làm một cuốn sổ để theo dõi, nhưng dần cũng không thấy ai báo nữa. Mà thị trấn cũng chẳng quan tâm nên chúng tôi cũng để họ tự quản lý nhau thôi".

Cũng theo ông Sơn, nhiều lần người dân xin thị trấn cấp cho một mảnh đất để xây một trường mẫu giáo, một nhà cộng đồng để người dân có chỗ họp hành, sinh hoạt nhưng chưa được. Thế là bao năm nay, người dân nơi đây không được thông báo bất cứ một chủ trương, chính sách nào.

Ở xóm Lò có 21 lò gạch, 3 hộ kinh doanh ăn uống, mỗi lò có 5-10 hộ làm thuê. Nhưng theo ông tổ trưởng tổ dân phố 5, hiện tổ ông, ngoài các chủ lò ra, chỉ 2 hộ có hộ khẩu. Người dân ở đây hầu hết di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Trước đây, chúng tôi cũng thường đăng ký tạm trú cho họ, nhưng thấy phức tạp quá nên thôi".

Một chủ hàng nước cho biết: "Khu này phức tạp lắm, trộm cắp vặt, đánh nhau ì xèo suốt ngày. Ngày nắng họ đi làm, ngày mưa thì họ tụ tập đánh bài". Chẳng bao giờ thấy bóng chính quyền, các chủ lò gạch tự dàn xếp với nhau hết". Ông Nguyễn Viết Sơn cho chúng tôi biết thêm, ở đây hầu như năm nào cũng có đối tượng truy nã vào "lánh". Và chỉ khi có chuyện lớn như thế mới thấy thị trấn vào kiểm tra!

Rời xóm Lò trong buổi chiều mưa tầm tã, lòng chúng tôi nặng trĩu bởi một người mẹ: "Ngoài quê nghèo quá, phải tìm vào đây sinh sống. Thôi thì thế hệ chúng tôi coi như bỏ, chỉ mong sao chính quyền "dòm ngó" đến con cái chúng tôi. Các cụ bảo "không ai khó ba đời", nhưng cứ thế này không biết mấy đời chúng tôi mới hết khổ".
(theo Nông Thôn Ngày Nay)

No comments: