Friday, November 14, 2008

TRUNG QUỐC : CHIẾN LƯỢC "LÃNH THỔ MÀU XANH LAM"

Chiến lược "lãnh thổ màu xanh lam"
Trần Kha
Đăng ngày 13/11/2008 lúc 16:43:33 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3266

Chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện nay đang nhắm hai hướng. Một hướng nhắm vào phát triển nhu cầu nội địa với quyết định tăng quyền sử dụng đất đai của nông dân từ 30 hécta lên 70 hécta qua Hội nghị ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ngày 10-10-2008. Một hướng khác nhắm vào việc phát triển ra đại dương qua hai chiến lược: "tiến ra nước ngoài" (thảo xuất khứ) và phát triển hải dương với tên gọi chiến lược "lãnh thổ màu xanh lam" (lam sắc quốc thổ chiến lược).

Quá trình thành hình chiến lược lãnh thổ màu xanh lam

Gần đây, trong nhiều bản báo cáo về chính sách phát triển lâu dài, cụm từ "chiến lược lãnh thổ màu xanh lam" ngày càng xuất hiện thường xuyên.

Lãnh thổ màu xanh lam là tên gọi các vùng biển và đại dương mà Trung Quốc tự cho mình có chủ quyền. Theo tính toán của Bắc Kinh, lãnh thổ màu xanh lam đó rộng khoảng 300 triệu km2, nghĩa là bằng 1/3 diện tích trên đất liền của Trung Quốc.

Trong các văn kiện mới của Trung Quốc, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc ghi rõ: "Trung Quốc có 37 vạn km2 biển nội địa và 300 triệu km2 lãnh hải". Như vậy, đối với Trung Quốc 300 triệu km2 trên biển này là vùng nước thuộc chủ quyền kinh tế của mình, kể cả vùng thềm lục địa. Trong thực tế một nửa diện tích kể trên là vùng đang còn tranh chấp không những Đài Loan mà còn cả với Bắc Triều Tiên, Nam Hàn, Nhật Bản, Việt Nam và ba nước ASEAN khác: Malaysia, Philippines và Brunei.

Vùng biển mà Trung Quốc tự nhận có chủ quyền này bao gồm gần như trọn vẹn vùng Biển Đông Trung Hoa trên bản đồ thế giới. Nó bất chấp đường trung gian trên biển do các nước Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam chủ trương.

Với xác nhận trên, Trung Quốc biện luận rằng vùng đất thiên nhiên ở vùng biển Đông Trung Hoa nếu có lấn vào sâu phía Nhật, vượt qua đường trung gian Nhật-Trung, Trung Quốc vẫn có quyền điều tra, khai thác. Trong thực tế, Trung Quốc đã không ngần ngại ra tay trước khi có tranh chấp chủ quyền với Nhật về quyền khai thác mỏ khí đốt ở vùng này.

Bản đồ Trung Quốc
http://i122.photobucket.com/albums/o256/thongluan/TrungQuoc-diado.jpg
[xem hình khổ lớn]

Ước muốn khai thác hải dương của Trung Quốc thể hiện rõ trước dư luận quốc tế năm 1995 khi ông Giang Trạch Dân, lúc đó đang là tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, tuyên bố: "Quốc gia của chúng ta là một nước nội địa nhưng đồng thời cũng là một nước hải dương. Chúng ta nhận thức vấn đề hải dương một cách chiến lược và phải tăng cường ước muốn khai thác hải dương cho toàn thể dân tộc ta".

Định chế được giao trách vụ nghiên cứu chiến lược hải dương của Trung Quốc là Cục Hải Dương Quốc Gia. Trong Hội nghị kỹ thuật hải dương toàn quốc năm 2003, ông Tôn Chí Huy, cục trưởng lúc đó, nói: "Trung Quốc tuy là một quốc gia lớn về biển nhưng không phải là cường quốc hải dương" và hô hào: "Trong vòng 20 năm nữa chúng ta phải đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc hải dương". Lần đầu tiên cụm từ "hải dương" mới có một hạng mục riêng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) của Hội nghị đại biểu toàn quốc năm 2006. Kế hoạch đó ghi rõ mục tiêu "nhằm bảo vệ quyền lợi hải dương và khai thác tài nguyên hải dương". Theo báo Hải Dương Trung Quốc, số ngày 5-1-2007, chiến lược khai thác hải dương là một trong 10 tin quan trọng nhất của năm 2006.

Để hỗ trợ cho chiến lược cường quốc hải dương này, Trung Quốc cần có một sức mạnh quân sự áp đảo và sức mạnh này đã được tăng cường trong suốt 19 năm qua, đặc biệt là hải quân. Trước kia Cục hải dương quốc gia thuộc quyền quản lý của hải quân, năm 1980 được chuyển qua Ủy ban khoa học nhà nước nhưng vẫn giữ quan hệ mật thiết với hải quân. Trong một phát biểu nội bộ, chính chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nêu rõ những mục tiêu mà Trung Quốc cần phải đạt được: "Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải 2010 và sau đó là Đài Loan". Giành ưu thế ở Đài Loan chính là bước quan trọng để Trung Quốc có thể thực hiện kế hoạch lãnh thổ màu xanh lam của mình.

Mục tiêu của chiến lược lãnh thổ màu xanh lam

Theo dự trù mục tiêu của chiến lược lãnh thổ màu xanh lam là phải đạt cho bằng được một mức lợi nhuận từ 277 tỉ USD lên 3 080 tỉ USD từ hải dương. Để thực hiện chỉ tiêu hơn ba ngàn tỉ USD của chiến lược lãnh thổ màu xanh lam này, thiết tưởng nên tìm hiểu thêm về ngành kỹ nghệ hải dương của Trung Quốc.

Dựa vào thống kê trên báo Trung Quốc Hải Dương, kỹ nghệ hải dương của Trung Quốc có thể được chia ra làm 12 chuyên ngành: Du lịch biển (25,6%), Ngư nghiệp và các nghề liên quan (24,6%), Giao thông vận tải (14,1%), Thuyền bè (6,2%), Điện lực: phát điện thuỷ triều, năng lượng mặt trời, gió... (6,2%), Dầu mỏ (6,1%), Xây dựng (2,6%), Công nghiệp gia công hoá học (2,2%), Thanh lọc nước biển (1,5%), Làm muối (0,5%), Y dược sinh học: rong biển, sứ, hải mã, rùa... (0,5%), Khoáng sản cát biển (0,1%), các ngành khác (9,8%).

Điều đáng ngạc nhiên là tổng số tiền thu được từ kỹ nghệ hải dương này của Trung Quốc lên đến 177 tỉ USD. Trong đó các ngành nuôi trồng thuỷ sản, khí đốt thiên nhiên từ đại dương, làm và chế tạo muối, đứng đầu thế giới. Ngành đóng tàu của Trung Quốc đứng hạng thứ ba thế giới, số thuyền bè của Trung Quốc cũng thuộc hạng 5 thế giới.

Theo dự đoán của chính quyền Trung Quốc, từ đây đến năm 2010 kỹ nghệ hải dương của Trung Quốc sẽ đạt đến qui mô 2 052 tỉ USD và đến năm 2020 dự định sẽ đạt từ 3 080 tỉ đến 3 592 tỉ USD, theo đó Trung Quốc sẽ chiếm 10% tài sản kinh tế về hải dương của thế giới. Chiến lược phát triển hải dương của Trung Quốc đặt trên cái nhìn trường kỳ này.

Các kế hoạch kỹ nghệ hải dương

Từ tháng 5-2003, quốc hội Trung Quốc đã phân phát "cương lĩnh kế hoạch phát triển kinh tế hải dương toàn quốc (từ 2001 đến 2010)" đến các khu hành chính cấp 1.

Về vùng biển, cương lĩnh này qui định như sau: "Đường bờ biển đại lục của Trung Quốc dài 15 000 km, lượng tài nguyên dầu mỏ hải dương của Trung Quốc khoảng 24 tỉ tấn, lượng tài nguyên khí đốt thiên nhiên là 14 000 tỉ m3, diện tích vịnh và biển là 3,8 triệu hécta, diện tích biển cạn đến 15 m là 124 000 km2. Còn vùng chứa nhiều quặng mỏ kim loại thuộc vùng biển sâu quốc tế khoảng 75 000 km2".

Đối với ba nước láng giềng của Trung Quốc là Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam có cùng quan tâm khai thác dầu mỏ, bản cương lĩnh này chủ trương như sau: "Về việc khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng thềm lục địa Trung Quốc và vùng biển độc quyền của Trung Quốc, ở Hoàng Hải, Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra, thẩm tra để thăm dò và khai thác các mỏ dầu và khí đốt. Ở vùng biển Đông, Trung Quốc tăng cường công tác thẩm tra, từng bước tăng lượng sản xuất. Ở vùng biển Nam, Trung Quốc mở rộng việc thẩm tra và giữ vững quyền lợi hải dương của Trung Quốc".

Để cụ thể hoá quyền lợi trên ba vùng biển vừa nói, Trung Quốc phân chia các khu vực kinh tế hải dương ra làm 4 khu vực:
- Vùng 1: bờ biển và phụ cận,
- Vùng 2: đảo và phụ cận,
- Vùng 3: vùng biển độc quyền và thềm lục địa,
- Vùng 4: vùng biển sâu quốc tế.

Trong vùng 1 có khu kinh tế hải dương quanh đảo Hải Nam, vùng 2 tăng cường cơ sở vật chất bến cảng cho các vùng biển xung quanh các đảo trung tâm, xây dựng các trạm phát điện lợi dụng sức gió và thuỷ triều, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, biến nước biển thành nước lọc, biến các vùng hải đảo san hô thành nơi sinh sống được. Riêng vùng 3, Trung Quốc định xúc tiến ngư nghệp, khai thác dầu mỏ và khí đốt. Về vùng 4 biển sâu quốc tế: Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc thẩm tra độ sâu của biển, phát triển kỹ thuật biển sâu vào những thời điểm thích hợp nhất. Kể từ đây Trung Quốc sẽ dồn mọi nổ lực vào việc xác định các khu vực có mỏ chứa kim loại, cobalt..., đồng thời nghiên cứu và khai thác kỹ thuật di truyền sinh vật, nước ngọt dưới đáy biển.

Nhìn cách phát triển cương lĩnh xây dựng cường quốc hải dương này của Trung Quốc, người ta thấy quyết tâm mạnh mẽ của giới lãnh đạo hiện nay. Đối với các nhà lãnh đạo còn mang nặng tư tưởng cổ truyền Trung Hoa, nghĩa là còn mang nặng quan niệm về vùng "biên cương chiến lược", đây là một khái niệm biên cương mới: một biên cương chiến lược vượt qua "biên cương địa lý" (biên giới). Đây là sự triển khai của chủ thuyết "không gian sinh tồn mới", nó đặt nặng trên uy tín và sức mạnh quân sự của Trung Quốc: tùy theo sức mạnh tăng hay giảm của Trung Quốc mà vùng biên cương chiến lược này có thể mở rộng hay thu hẹp. Khi biên cương chiến lược này được mở rộng, trên thực tế biên cương địa lý cũng được mở rộng theo.

Để đạt được chỉ tiêu này, sức mạnh quân sự và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, tài chính của Trung Quốc phải được tăng cường là điều cần thiết. Trong thế kỷ 21 này, Trung Quốc dự định sẽ mở rộng biên giới hải dương màu xanh lam đến vùng lãnh hải 3 triệu hecta trên toàn biển Đông Trung Quốc.Theo dự đoán của giới quan sát quốc tế, sau Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải 2010, Bắc Kinh có thể sẽ liều lĩnh tấn công Đài Loan để thống nhất đất nước vào năm 2012 (năm bầu cử tổng thống Mỹ). Hoa Kỳ có ngăn được hành động liều lĩnh này hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là các nước Đông Á (Nam Hàn, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN).

Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con

Dù biết chiến lược lâu dài của Bắc Kinh là như vậy nhưng trong Hội nghị Á Âu (ASEM) 2008 tổ chức tại Bắc Kinh cuối tháng 10-2008 vừa qua, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra hoà hoãn với cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn.

Từ cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Trung cuối tháng 12-2007 đến chuyến viếng thăm Nhật Bản tháng 5-2008 của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Bắc Kinh đã đồng ý cùng khai thác khí đốt ở hai mỏ nằm ngay trên đường trung gian của biển giữa hai nước, phía đông Trung Quốc và phía nam Nhật. Việc tổng công ty dầu hải dương Teikoku của Nhật được tự do đưa nhân viên và kỹ thuật vào khai thác hai mỏ khí đốt Shirahaba và Asunaro là một nhượng bộ lớn của Trung Quốc đối với cường quốc kinh tế Đông Á có kỹ thuật cao về chế tạo dầu và tiết kiệm năng lượng. Nhật Bản có thể là một chuyển hướng thực hiện của chiến lược lãnh thổ màu xanh lam của Trung Quốc để cùng có lợi lâu dài ở vùng Đông Á.

Đối với Triều Tiên, sự gặp gỡ giữa hai lãnh tụ Nam Hàn và Bắc Triều Tiên cuối tháng 9-2007 vừa qua về quyền lợi của hai nước trên ranh giới vùng biển phía tây Triều Tiên (tức vùng tiếp giáp với Hoàng Hải của Trung Quốc) cho thấy các nhà lãnh đạo ở bán đảo Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhượng bộ khi Trung Quốc định xâm lấn vùng biển giàu tài nguyên của hai nước này. Nhất là cùng với việc Mỹ loại bỏ Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nhà nước khủng bố hồi trung tuần tháng 10-2007 cho thấy việc Bắc Triều Tiên hợp tác với Hội nghị 6 nước về Bắc Triều Tiên đã kéo theo sự hợp tác của Mỹ, Nhật và Nam Hàn vào vùng này khiến Trung Quốc không thể thực hiện bá quyền một mình được.

Còn đối với Việt Nam, từ một thái độ bị động khi bị Trung Quốc lấn chiếm các hải đảo trên Biển Đông có thể đổi qua một thái độ tích cực hợp tác để hiểu rõ nhau hơn. Chẳng hạn như việc hợp tác khai thác kinh tế giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, các công ty có kỹ thuật cao cấp về pin mặt trời hay lọc nước ngọt từ biển của Đại học công nghiệp Phú Thọ (Sài Gòn) có thể thảo xuất khứ sang Trung Quốc. Ngược lại giới đầu tư Hải Nam cũng có thể sang Việt Nam đầu tư khai thác cát biển và chế biến ngư sản. Dân chúng đảo Hải Nam có trình độ học vấn cao và có tinh thần cởi mở hơn người lục địa có thể sẽ có một tinh thần hợp tác cởi mở hơn với các dân tộc xung quanh như Đài Loan, Việt Nam. Khi mầm tan vỡ của Trung Quốc chiếm lĩnh lục địa, người Hải Nam có thể vào Việt Nam để lánh nạn và trở về quê quán khi thái bình trở lại. Phải dám vào hang cọp mới bắt được cọp con.

Trần Kha
(Sagamihara)

No comments: