Saturday, November 22, 2008

TIỀN CHẠY ĐI ĐÂU ?

Thị trường xuống, tiền chạy đi đâu?
Ngô Nhân Dụng
Friday, November 21, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87154&z=7
Sau hai ngày, mỗi ngày mất gần 500 điểm, hôm qua chỉ số Công Nghiệp Dow Jones (DJIA) đã lên trở lại, cũng tăng gần 500 điểm. Vì thị trường New York nghe tin tổng thống tân cử Barack Obama đang chuẩn bị mời ông Timothy J. Geithner làm bộ trưởng Bộ Tài Chánh (gọi là Bộ Ngân Khố).

Bản tin rất vắn tắt chỉ cho biết cơ quan Ðiều Tra Liên Bang (FBI) đã đang chính thức đi dò hỏi những bạn bè quen biết và người cộng sự về ông Geithner. Giới đầu tư cũng bén nhậy như nhà báo, họ đoán ngay là ông Obama đã nhờ FBI điều tra về nhân vật này, một dấu hiệu cho thấy ông ta đang được nhắm cho một chức vụ quan trọng trong chính phủ sắp tới.

Mà ông Geithner thì chắc chỉ làm bộ trưởng Ngân Khố. Hiện ông đang là thống đốc Quỹ Dự Trữ Liên Bang vùng New York, là nhân vật đứng thứ nhì trong ban lãnh đạo Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Fed), tức ngân hàng trung ương nước Mỹ, chỉ sau ông Chủ Tịch Ben Bernanke. Mọi hoạt động của Fed, như cho các ngân hàng vay tiền, mua và bán công trái trong thị trường, đều do chi nhánh Fed ở New York phụ trách, vì thành phố New York là trung tâm tài chánh của Mỹ. Gần đây ông luôn luôn ở bên ông Chủ Tịch Fed và Bộ Trưởng Henry Paulson trong những kế hoạch cứu nguy thị trường. Những vụ môi giới để các ngân hàng đầu tư lớn kết hợp hoặc mua bán lẫn nhau, cũng như việc trợ giúp để cứu các ngân hàng lâm nạn, đều thực hiện qua văn phòng Fed ở New York.

Chiều hôm qua, thị trường phấn chấn tăng thêm 494 điểm, tức tăng 6.5%, sau khi bản tin về ông Thống Ðốc Geithner được truyền đi, không phải vì người ta hy vọng ông này có phép lạ cứu vãn nền kinh tế Mỹ. Ðiều quan trọng là giới đầu tư thấy có dấu hiệu vị tổng thống tân cử quan tâm đến vấn đề kinh tế nên mới sớm lo việc tìm một người quen việc kế nhiệm ông bộ trưởng Paulson, thay vì trong mấy ngày qua chỉ lo những chức vụ khác về ngoại giao, tư pháp, quốc phòng. Ông Geithner chắc sẽ cộng tác ngay với ông Paulson sau khi được chỉ định, trước khi ông Obama nhậm chức, vì họ đã cộng tác sẵn rồi. Thị trường muốn chuyện đó càng sớm càng tốt.

Trong hai tuần qua có quá nhiều tin xấu về tương lai kinh tế Mỹ khiến cho thị trường xuống nặng, riêng trong tuần này đã mất 5.3% sau khi mất hơn 10% trong hai ngày rồi gỡ lại được trong ngày Thứ Sáu. Hôm Thứ Tư chỉ chỉ Số Dow Jones mất 427 điểm, xuống dưới con số 8,000, một ngưỡng cửa báo hiệu sự sa sút. Ngày Thứ Năm DJ lại mất thêm 445 điểm, xuống chỉ còn 7552. Vào Tháng Mười năm ngoái có lúc chỉ số DJ đã lên tới 14,164, con số cao nhất cho tới giờ. Ngày Thứ Sáu, chỉ số DJ cứ nhấp nhỉnh lên xuống mãi, mặc dù trước đó các thị trường ở Á Châu đã tăng lên; cho tới khi nghe tin về ông Geithner thị trường mới tăng vọt lên, như thể tất cả mọi người đang mong mỏi một tin vui, bất cứ tin mừng nào cũng được, để có lý do mua cổ phiếu trở lại!

Tính từ mức kỷ lục 14,164 vào ngày 9 tháng 10 năm 2007 tới chiều Thứ Sáu 21 Tháng Mười Một 2008 chỉ còn là 8046, chỉ số Dow Jones đã bị mất gần một nửa. Chỉ số này chỉ bao gồm 30 cổ phần của các công ty lớn nhất ghi danh trên thị trường New York nhưng thuộc đủ mọi ngành hoạt động kinh tế, có thể coi là tiêu biểu cho tất cả thị trường, gồm gần 3000 công ty ghi danh. Khi cựu Tổng Thống Clinton nhậm chức đầu năm 1992, Dow Jones ở mức 3,241. Số ông này hên, khi ông mãn nhiệm đầu năm 2001, chỉ số Dow Jones đã tăng gấp ba thành 10,587. Kể từ đó đến giờ, còn 2 tháng nữa Tổng Thống Bush rời khỏi chức vụ, chỉ số Dow Jones đã mất đi 20%.

Vào lúc thị trường lên cao nhất hơn một năm trước đây, trị giá cổ phiếu của tất cả các công ty ghi danh trên thị trường New York là vào khoảng 28 ngàn tỷ Mỹ kim. Cho tới giờ, đã giảm mất 43%, coi như cổ đông của các công ty ghi danh ở New York đã mất 12 ngàn tỷ Mỹ kim! Một vị độc giả Người Việt đã đặt câu hỏi: Khi thị trường chứng khoán xuống, giá trị các cổ phiếu bị mất như vậy, thì những đồng tiền bị mất đó chạy đi đâu? Mười hai ngàn tỷ đô la Mỹ, không phải là nhỏ nó mất vào đâu rồi?

Câu hỏi đó có thể đặt ra trên hai bình diện. Một là đối với từng cá nhân hay từng quỹ đầu tư mua bán các cổ phần. Hai là đối với cả thị trường và nền kinh tế nói chung. Xin bàn tới chuyện thứ nhất trước.

Quý vị mua một số, thí dụ 100 cổ phần của công ty A, khi giá cổ phần đang từ 100 đồng tụt xuống chỉ còn 70 đồng, quý vị đã mất tổng cộng 3,000 đồng. Tất cả các chủ nhân cổ phần công ty A đều mất 30% giá trị trong cùng giờ phút đó. Nếu công ty A đã phát hành 10 triệu cổ phần thì khi cổ phần đang từ 100 xuống 70 đồng, giá trị cả công ty đã mất 30% tức là mất 300 triệu đồng. Những món tiền mất đó không chạy sang Tây hay sang Tầu, nó biến mất ngay tại chỗ, không đi đâu cả. Những người nào đang giữ các cổ phần đó thì vẫn là chủ nhân các cổ phần như cũ, với giá trị thấp hơn. Họ có thể chờ một ngày thị trường nó lên lại, từ 70 lên 100. Lúc đó cũng không thể nói là có đồng những tiền nào nó mới chạy vào túi mình được!

Bởi vì giá trị cổ phần một công ty là do cách nhìn của hàng triệu người mua và bán cổ phần, họ đều ước tính, thẩm lượng và quyết định mua hay bán. Người ta mua hoặc bán vì tính toán khác nhau, có nhu cầu khác nhau. Trước hết, họ tính giá cổ phần cao thấp tùy theo khả năng sinh lợi của công ty trong tương lai. Có những công ty chưa làm ra đồng lợi nhuận nào nhưng giá cổ phần vẫn lên vùn vụt, vì người ta thấy trong tương lai nó sẽ lời rất lớn. Ngược lại, khi người ta thấy tương lai công ty sẽ khó kiếm lời hoặc sẽ lỗ thì họ không muốn giữ cổ phần, đem bán đi, thế là giá xuống.

Như vậy thì đối với các nhà đầu tư giá trị các cổ phần trong tay chỉ là những con số, những giá trị “biểu kiến,” ghi trên giấy. Chỉ khi nào quý vị bán các cổ phần đó rồi, đồng tiền giữ trong túi hay gửi trong ngân hàng, đó mới là tiền thật. Nhưng khi đó thì quý vị không làm chủ các cổ phần nữa. Người mua cổ phần của quý vị có thể sẽ thấy giá trị cổ phần lên hoặc xuống, như tất cả các cổ đông khác. Nếu giá lên, người mua đó sẽ được lợi (có thêm tiền, nếu đem bán ngay) và quý vị sẽ cảm thấy mình bị mất tiền (đúng ra là mất cơ hội có thêm tiền). Nếu cổ phần xuống giá, người đó sẽ thấy mình mất tiền; nhưng nếu cứ giữ các cổ phần đó không bán thì chưa chắc sẽ mất.

Tình trạng này cũng không khác gì chuyện giá trị một ngôi nhà. Ví dụ quý vị đã trả hết nợ ngôi nhà của mình; khi thấy hàng xóm có ngôi nhà giống hệt bán được giá một triệu, quý vị có thể nghĩ rằng mình đang là triệu phú, với cái nhà giá một triệu trong tay. Nhưng gặp lúc thị trường nhà cửa xuống như bây giờ, nếu đem bán người mua chỉ trả giá 800 ngàn thôi, thì quý vị thấy mình không còn là triệu phú nữa! Ngôi nhà mình làm chủ mới bị “mất giá” 200 ngàn! Có phải là mình bị mất 200 ngàn thật hay không? Nhìn quanh, vẫn thấy mình ở ngôi nhà như cũ, không có gì thay đổi cả. Con số tiền mất 200 ngàn chỉ có thật nếu trước đây quý vị định bán mà không bán, rồi bây giờ bắt buộc phải bán đành chịu thiệt thòi vì không thể đợi ngày giá nhà lên trở lại.
Ðó là nói chuyện “được” và “mất” đối với những người mua bán cổ phần trong thị trường chứng khoán. Nhưng còn đối với một công ty, với tất cả thị trường, tất cả nền kinh tế thì sao?

Thí dụ một cổ phần công ty General Motors có lúc giá lên tới hơn 39 đô la. Vào Tháng Hai năm 2008 đã xuống chỉ còn 28 đô la. Ngày hôm qua giá cổ phần GM chỉ còn 2.79 đô la, so với đầu năm nay đã mất 90% giá trị! Nếu tính số 593 triệu cổ phần GM được mua bán trong thị trường, mỗi cổ phần giảm 90% giá trị, thì công ty này đã mất hơn 15 tỷ đô la!

Số tiền đó mất đi đâu? Không đi đâu cả. Cũng giống như giá một ngôi nhà xuống khi dân cư trong vùng bỏ đi ở nơi khác ở, giá trị của công ty GM xuống vì thị trường nhận thấy nó không còn triển vọng sinh lời như trước nữa. Công ty vẫn còn những cơ xưởng, những máy móc, và hầu hết lực lượng nhân viên như cũ, nhưng giá trị xuống vì số tiền lời trong tương lai sẽ xuống. Người mua cổ phần tính giá theo kỳ vọng về lợi nhuận so với rủi ro. Các yếu tố như nhu cầu người tiêu thụ, triển vọng kinh tế ở nước Mỹ và thế giới xuống, tình trạng cạnh tranh gay gắt, vân vân, ảnh hưởng tới dự đoán lời lỗ và khiến giá trị của công ty xuống. Một bản tin cho biết quốc hội và chính phủ có chịu giúp công ty hay không cũng làm thay đổi giá trị cổ phần. GM mất 15 tỷ đô la vì thị trường thấy nó không đáng giá như cũ, 15 tỷ đô la tan ra mây khói mà không có đồng tiền nào chạy đi đâu cả!

Ðiều đó cũng đúng với cả thị trường chứng khoán. Từ tổng số giá trị 28 ngàn tỷ vào lúc cao nhất xuống chỉ còn 16 ngàn tỷ bây giờ, cả thị trường New York đã mất giá 12 tỷ. Số tiền đó mất vì hầu hết các công ty ghi danh trong thị trường đã xuống giá. Các công ty đó xuống giá vì triển vọng kiếm lời của họ xuống; mà đó là do tương lai cả nền kinh tế Mỹ và thế giới đang xuống.

Giá trị các cổ phần trên thị trường sẽ lên khi nào kinh tế có triển vọng lên. Chắc phải hàng năm nữa mới hy vọng lên trở lại, vì cơn suy thoái năm nay có vẻ sẽ trầm trọng hơn mấy lần gần đây nhất. Cho nên, khi thị trường nghe tin ông tổng thống tân cử Obama định mời ông Geithner làm bộ trưởng Tài Chánh, một người đã từng cộng tác với ông bộ trưởng đương nhiệm, người ta cảm thấy hy vọng là hai người sắp làm việc với nhau rồi. Chính sách kinh tế của chính phủ có triển vọng sẽ rõ ràng hơn, không ở trong trạng thái chờ đợi và lúng túng của một chính phủ đang chờ giải nhiệm nữa. Chính phủ và quốc hội cũng sẽ hợp tác với nhau dễ dàng hơn, không bị nhiều nỗi tị hiềm ngăn cản nữa. Ðó là lý do khiến thị trường hưng phấn trở lại trong ngày Thứ Sáu. Ít nhất cũng được một ngày. Còn tuần sau, sẽ có những tin tức kinh tế mới, thị trường sẽ lên hay xuống tùy theo các tin tức xấu nhẹ hoặc xấu nặng hơn! Người ta lại có cảm tưởng thị trường đang được thêm tiền hay đang bị mất tiền, mặc dù không có đồng tiền nào chạy đi đâu cả!

No comments: