Friday, November 21, 2008

THAM NHŨNG CƯỜI VÀO MŨI ĐẢNG

Tham nhũng cười vào mũi Đảng “ta”
Phạm Trần

Đăng ngày 20/11/2008 lúc 12:40:22 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3289

Hết Luật đến Nghị quyết, Nghị định, bây giờ lại thêm trò Chiến lược

Nếu chữ nghĩa biết nói thì nạn tham nhũng ở Việt Nam thời Cộng sản đã bị “kìm kẹp” từ lâu rồi, nhưng vì dân không được nói nên Tham nhũng cứ đua nhau cười vào mũi đảng và nhà nước.

Tại sao như thế ? Bởi vì kể từ năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đưa ra không biết bao nhiêu văn kiện pháp lý để phòng, chống tệ nạn tham nhũng nhưng càng có nhiều Luật, Nghị quyết, Nghị định bao nhiêu, tham nhũng càng nghiêm trọng, phức tạp đến độ trở thành quốc nạn.

Đến ngày 18-11-2008, nhà nước lại bày ra thêm “Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”.

Tại Phiên họp bất thường của Chính phủ ngày 18-11-2008, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết kế họach mới có mục đích: “Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ điều kiện phát sinh tham nhũng và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội là những mục tiêu lớn trong phòng chống tham nhũng”.

Ông Truyền cũng nói những biện pháp cụ thể của Chiến lược mới là nhằm “hạn chế tối đa điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật. Xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội với đội ngũ cán bộ, công chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy. Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”. (báo điện tử Chính phủ)

Chiến lược lý thuyết

Chi tiết hơn, Nhà nước cho biết có 5 nhóm giải pháp trong Chiến lược mới sẽ được sử dụng để chống tham nhũng, đó là:
1) Tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động công quyền, minh bạch hoá quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách pháp luật.
2) Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
3) Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh trạnh bình đẳng, công bằng, minh bạch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng.
5) Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Nhưng công tác phòng, chống tham nhũng từ trước đến nay đã đem lại kết qủa ra sao?

Nhà nước trả lời trong bản tin ngày 18-11-2008: “Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tuy có những chuyển biến tích cực, song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…

Vì vậy việc sớm ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong tình hình mới”.

Những điều viết trong Dự thảo Chiến lược mới cũng chỉ là lý thuyết, giống như hằng hà sa số chữ nghĩa của đảng và nhà nước đã viết trong các văn kiện chống tham nhũng trước đây.

Nội dung đưa ra ngày 18-11 đã có sẵn trong các Luật lệ hiện hành, Nghị quyết của đảng và Nghị định của nhà nước quy định trong nhiều lĩnh vực điều hành của Chính phủ, Công tác cán bộ, Công tác kiểm tra-giám sát trong đảng, nhà nước v.v…

Nhiều việc cũng đã ghi trong “Luật Phòng, Chống Tham nhũng” ngày 29 tháng 11 năm 2005 và “Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày 22/8/2006.

Ngoài ra nhà nước cũng đã có “ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “minh bạch tài sản, thu nhập” (ngày 9/3/2007).

Nghị quyết Hội nghị lần ba của Ban Chấp hành Trung ương đảng cũng đã nhắc lại việc này:
“Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản và xác minh bản kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong Đảng, xây dựng và thực hiện cơ chế đảng viên là cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, phải công khai trong chi bộ bản kê khai, là cấp uỷ viên thì còn phải công khai trung cấp uỷ; phải giải trình nguồn gốc tài sản của mình theo yêu cầu của tổ chức Đảng có thẩm quyền; trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý thì bị xem xét kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, công bố trong chi bộ, cấp uỷ và giải trình nguồn gốc khi có yêu cầu”.

Vậy tại sao phải cần đến một “Chiến lược” mới để chống tham nhũng, mà chắc gì đã chống được ? Hay để che mắt nhân dân mà đảng phải tự “vẽ ra việc” để làm nên trong phiên họp ngày 18-11-2008 ông Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến trong việc thực hiện Chiến lược mới để “trình Bộ Chính trị cho ý kiến, trước khi ban hành”.

Bao giờ Chiến lược này ra đời và liệu có làm nên cơm cháo gì không thì ngay cả Nhà nước cũng chưa dám bảo đảm, nếu lấy quá khứ chống tham nhũng, lãng phí để chứng minh cho hành động của đảng từ ngày có Luật Phòng, Chống Tham nhũng (2005) cho đến bây giờ.

Mai Quốc Bình - Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã nhìn nhận tại Cuộc Hội thảo quốc tế về Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020, họp tại Hà Nội ngày 25-9-2008: “Một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng là Việt Nam còn thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng; thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, lộ trình cụ thể, hợp lý để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách hiện hành về phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ góp phần gia tăng tham nhũng đó là đội ngũ cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị xuống cấp.” (trích Đài Tiếng Nói Việt Nam, 25-9-2008)

Vậy câu hỏi đặt ra cho đảng CSVN bây giờ là: Nếu đến năm 2020 mà quốc nạn tham nhũng “vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp” như đang diễn ra thì đảng có còn dám nhìn mặt dân không , hay lại đẻ ra một Chiến lược mới nữa ?

Phạm Trần
20/11/2008

No comments: