Monday, November 3, 2008

TỪ VIỆT NAM NHÌN VỀ CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Tổng thống mới của Mỹ và quan hệ với Việt Nam
Ngày 03.11.2008 Giờ 14:30
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=42790&fld=HTMG/2008/1102/42790

Vào ngày thứ tư này, người dân Mỹ và thế giới sẽ biết được ai là người dẫn dắt nước Mỹ trong bốn năm tới. Liệu nước Mỹ sẽ có một tổng thống da màu đầu tiên? Hay đảng Cộng hoà lại có thêm một cơ hội nữa? Không ai có thể nói trước được một cách chắc chắn trước khi lá phiếu cuối cùng được bỏ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, mọi thuận lợi đang dồn về phía thượng nghị sĩ Barack Obama, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ

Chưa thành tổng thống, nhưng thượng nghị sĩ Obama đã trở thành một nhân vật nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới. Ông đặc biệt được ưa thích ở châu Âu. Hơn 200 ngàn người đã đổ tới một quảng trường ở Berlin để nghe Obama nói chuyện, một sự ái mộ công chúng tương đương với tình cảm dành cho những ngôi sao nhạc rock. Các chính phủ thì thận trọng hơn trong việc bày tỏ quan điểm của họ về các ứng viên tổng thống Mỹ. Về mặt ngoại giao, ít chính phủ nào công khai bày tỏ sự ưu tiên của họ với một ứng viên tổng thống Mỹ, cho dù họ đều cân nhắc tổng thống nào thì có lợi hơn cho mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai bên.

Không ít người Việt Nam cho rằng quan hệ ngoại giao song phương sẽ thuận lợi hơn hẳn nếu thượng nghị sĩ John McCain đắc cử. Ông McCain có rất nhiều duyên nợ với Việt Nam, từ khi ông tham gia chiến tranh Việt Nam, lái máy bay bỏ bom Hà Nội và bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch, đến những năm tháng làm tù binh chiến tranh ở Hoả Lò. Khi trở thành thượng nghị sĩ Mỹ, ông McCain là một trong những chính trị gia có vai trò tích cực nhất trong việc thúc đẩy nối lại quan hệ ngoại giao hai nước. Trong suốt bốn nhiệm kỳ ở thượng viện Mỹ, ông đi lại Việt Nam rất nhiều lần với quan điểm một quan hệ hợp tác, gắn bó thì tốt hơn là căng thẳng, chất vấn. Trong con mắt của nhiều lãnh đạo Việt Nam, ông McCain là một người bạn.

Ông Đặng Đình Quý, một nhà ngoại giao Việt Nam từng công tác lâu năm ở Mỹ và hiện là giám đốc viện Chiến lược ngoại giao, nhận xét: “Người Việt Nam, vốn thiên về tình cảm, có xu hướng tin rằng khi là thượng nghị sĩ, ông McCain hành xử như vậy thì nếu làm tổng thống, ông cũng sẽ hành xử tương tự. Thế nhưng một tổng thống John McCain sẽ không hành xử hoàn toàn giống thượng nghị sĩ McCain trong mọi quan hệ”.

Ông Quý cho rằng phải nhìn nhận cách tiếp cận của các chính trị gia ở phương diện lý trí. Lựa chọn hành xử ngoại giao của ông McCain đối với Việt Nam là vì sự trùng hợp lợi ích và tốt cho mối quan hệ của cả hai bên, không hẳn là vì tình cảm.

Nói như vậy, không có nghĩa là thượng nghị sĩ Obama, một người không có quan hệ gì trong quá khứ với Việt Nam, sẽ có cách tiếp cận khác đi trong quan hệ ngoại giao hai bên. Theo nhận định của ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ không ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. “Cả hai đảng chính trị Mỹ đều nhận thức được vai trò quan trọng của châu Á đối với tương lai nước Mỹ, và nhu cầu đẩy mạnh quan hệ chính trị, kinh tế với các nước Đông Nam Á. Cả hai đảng hiểu rằng một nước Việt Nam thịnh vượng thì tốt cho nước Mỹ, với tư cách là đối tác thương mại cũng như một quốc gia ổn định trong tương quan một khu vực có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng”.

Ông Pincus cho rằng cả Obama và McCain nếu thành tổng thống đều sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương nhiều mặt với Việt Nam. Quan hệ hai nước hiện nay ngày càng gắn chặt hơn: “Dĩ nhiên hai bên không đồng ý với nhau về mọi mặt, nhưng những khác biệt là nhỏ so với những điểm đồng ý với nhau. Tôi nghĩ là đảng nào hoặc ai trở thành tổng thống không phải là vấn đề”.

Không ai mong đợi có những thay đổi lớn trong quan hệ ngoại giao của Mỹ với Việt Nam. Bất kỳ ai đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày thứ tư này, cũng sẽ thừa hưởng một nước Mỹ đang suy thoái kinh tế với thâm hụt ngân sách cực lớn, hệ thống ngân hàng yếu ớt và một thị trường nhà đất què cụt. Bất kỳ tổng thống là ai, thì chính sách kinh tế Mỹ cũng sẽ phải tập trung vào việc kích thích nền kinh tế, ổn định thị trường tài chính và hỗ trợ những người đang nợ nần chồng chất về mua nhà. Trong ít nhất là 1 – 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ sẽ bận rộn và không có thời gian quan tâm đến việc thay đổi chính sách ngoại giao hay bất cứ gì tương tự với Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng, một chính phủ do đảng Cộng hoà nắm quyền, với truyền thống là ủng hộ doanh nghiệp và tự do mậu dịch, thường sẽ thuận lợi hơn cho những nước như Việt Nam, so sánh với đảng Dân chủ vốn có truyền thống quan tâm nhiều đến các vấn đề tự do công dân, nhân quyền, tôn giáo và hay đặt nặng những vấn đề này. Về vấn đề này, ông Quý nhận xét rằng Obama thuộc về lớp lãnh đạo mới của đảng Dân chủ, theo trường phái của Bill Clinton ở chỗ ủng hộ tự do thương mại và kinh doanh. Obama theo đuổi quan điểm đánh thuế cao với những người có thu nhập cao và giới kinh doanh, nhưng điều này không có tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại hai nước.

Nước Mỹ sáng lập ra tổ chức Thương mại quốc tế và hàng loạt các thoả ước tự do mậu dịch song phương, đa phương khác nhau. Thế nhưng, các ứng viên tổng thống luôn đối mặt với không ít sức ép nội địa về việc bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Việt Nam có kinh nghiệm thấm thía từ các vụ kiện phá giá cá basa và tôm ở Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Obama đã chỉ trích rất gay gắt việc các công ty Mỹ xuất khẩu (outsource) việc làm sang các nước khác. Ông Pincus cho rằng ông Obama chỉ trích về chuyện thuế doanh nghiệp nhiều hơn là hàng rào mậu dịch. Khả năng chính phủ mới của Mỹ đi ngược lại các thoả ước phi mậu dịch là khó xảy ra. Hy vọng là chính quyền mới của ông Obama hay McCain cũng đều chống lại áp lực bảo hộ, vì điều đó xấu cho người tiêu dùng Mỹ cũng như nhà sản xuất Việt Nam.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu trị giá hơn 10 tỉ USD sang Mỹ và nhập khẩu khoảng 2 tỉ USD từ Mỹ. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt 8 tỉ USD. Bên cạnh đầu tư trực tiếp, Mỹ tiếp tục là một đối tác thương mại hết sức quan trọng với Việt Nam. Tiêu thụ sụt giảm ở Mỹ có ảnh hưởng ngay lập tức đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng chính phủ mới của Mỹ sẽ bận rộn giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Mỹ trong hai năm đầu, và nếu vượt ra khỏi cuộc suy thoái này vào cuối 2009 hoặc năm 2010, lại sẽ bận rộn tái tranh cử. Cho nên khó có thể có một sáng kiến lớn nào về thương mại toàn cầu sẽ được thông quan trong vòng bốn năm tới.

“Dù ai thắng thì chiều hướng quan hệ với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam ta nói riêng cũng sẽ không có thay đổi lớn”, ông Quý nói. “Hướng chiến lược, chính sách hiện tại phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của nước Mỹ và được sự ủng hộ của cả hai đảng”.

Lan Anh

No comments: