Wednesday, November 19, 2008

SỰ GIỐNG NHAU KỲ LẠ CỦA HAI BÀI NGHIÊN CỨU

Sự giống nhau kỳ lạ của hai bài nghiên cứu
Thứ Hai, 17/11/2008, 06:25 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=288152&ChannelID=10

TT - Ðó là tham luận "Khảo sát văn bản sắc phong thuộc triều đại nhà Nguyễn" của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng Trường đại học Hồng Bàng tại TP.HCM trong hội thảo "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI-XIX", tổ chức tại Thanh Hóa hồi tháng mười vừa qua. Tham luận trên của ông Nguyễn Mạnh Hùng in trong tập kỷ yếu hội thảo, do NXB Thế Giới cấp phép xuất bản vào ngày 9-10-2008 (từ trang 567-569).

Một phần nội dung bài tham luận của TS Nguyễn Mạnh Hùng in trong kỷ yếu hội thảo (trái) và một phần nội dung bài viết của tác giả Trần Văn Chánh in trong tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển-Ảnh: LĐiền
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=297461

Trước đó, vào tháng 3-2008, trên tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Sở Khoa học - công Nghệ Thừa Thiên - Huế), số 1 [66] năm 2008, có đăng bài "Bước đầu khảo sát văn bản các sắc thần ở Việt Nam" của tác giả Trần Văn Chánh (trang 54-58).

Ông Trần Văn Chánh là chuyên gia Hán ngữ tại TP.HCM, tác giả các bộ sách: Từ điển Hán Việt - Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Ngữ pháp Hán ngữ cổ và hiện đại, Toàn thư tự học chữ Hán...

So sánh tham luận của ông Hùng và bài báo của ông Chánh, có thể thấy hai văn bản giống nhau đến lạ kỳ. Thậm chí có nhiều đoạn giống đến từng câu từng chữ, như một sự cắt dán.

Ở tham luận của ông Hùng, có thêm bốn dòng đầu giới thiệu "qua bộ sưu tập gồm 642 sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn - kéo dài từ các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và đặc biệt là Thành Thái, chúng tôi đã phân loại về mặt văn bản và biên dịch để có thể chú giải về mặt lịch sử văn hóa VN trong giai đoạn cận hiện đại"; phần tiếp theo giống y như bài báo của ông Chánh, kể cả tên các tiểu đề mục, cách phân đoạn bố cục và những đoạn định nghĩa, bình luận... (ảnh). Bài tham luận của ông Hùng chỉ khác bài viết của ông Chánh ở chỗ: không có các chữ Hán nguyên văn để chú thích, và không có một đoạn phân tích các cụm từ chuyên môn trong bản sắc phong.

Và nữa, trong bài viết của ông Trần Văn Chánh có dẫn chứng một bản sắc phong niên hiệu Thành Thái nguyên niên ban cho xã Lỗ Hà, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội, thì trong tham luận của ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng dẫn và biên dịch đúng bản sắc phong này.

Ðằng sau sự giống nhau kỳ lạ của hai bài nghiên cứu này là chuyện gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc trong số báo sau.

LAM ĐIỀN


Sự giống nhau kỳ lạ của hai bài nghiên cứu:
Chưa có câu trả lời cuối cùng
Thứ Ba, 18/11/2008, 07:48 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=288394&ChannelID=10

TT - Tìm hiểu câu chuyện đằng sau “
Sự giống nhau kỳ lạ của hai bài nghiên cứu” (Tuổi Trẻ ngày 17-11-2008), Tuổi Trẻ đã chủ động tìm gặp hai người trong cuộc: tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - tác giả của tham luận Khảo sát văn bản sắc phong thuộc triều đại nhà Nguyễn và chuyên gia Hán ngữ Trần Văn Chánh - tác giả bài báo Bước đầu khảo sát văn bản các sắc thần ở VN.

Cả ông Hùng và ông Chánh đều khẳng định tác phẩm đã in là của mình. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng nguyên văn ý kiến phản hồi của hai ông.

Tôi có đưa anh Chánh bài viết tay nhờ góp ý
1. Khi tôi là sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, tôi có sưu tập nhiều tư liệu cổ, trong đó có một khối lượng sắc thần của miền Bắc.
Tôi đã đọc, phiên âm và phân loại theo từng triều đại. Sau 1975 - mặc dù công tác - tôi vẫn đam mê đọc sách. Cách nay khoảng mười năm, tôi có đưa một phần sắc phong ra Hà Nội, do báo Lao Động đứng ra để nhờ các học giả tại đây đọc và chú giải về mặt văn hóa. Và tôi có đưa bài viết tay của tôi cho anh Chánh để đọc, xem xét và bổ sung ý kiến để giúp tôi hoàn chỉnh kiến thức. Anh Chánh đã góp công cho tôi và đánh ra làm hai bản để cho tôi công bố. Tôi đã công bố trên tạp chí Xưa & Nay và trên một số báo chí cách nay đã năm ba năm. Anh Chánh còn giữ lại một bản.
Việc công bố là bản nhận xét sơ bộ và tôi sẽ còn đi sâu về mặt lịch sử văn hóa khi tôi tổng hợp thêm các sắc phong và chiếu chỉ mà tôi còn lưu trữ. Nhưng đến nay, tôi chưa công bố thêm, nhân cuộc hội thảo tại Thanh Hóa, tôi có đưa bài viết cũ của Xưa & Nay (*) để góp phần tìm hiểu về triều đại Nguyễn mới đây.

2. Về sắc phong và chiếu chỉ triều Nguyễn, tôi đã tiếp xúc phái đoàn Nhật để họ có dịp đối chiếu, so sánh với các triều đại Nhật Bản, Trung Quốc và về cấu tạo giấy dó.
Tôi đã phát biểu về sự hiểu biết của riêng mình, nhìn chung, tôi đã công bố trên cơ sở kiến thức của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt nội dung đã được công bố trong phạm vi hạn chế của báo Lao Động mà tôi không còn lưu giữ.

3. Cách nay hơn mười năm, tôi có quen anh Chánh được giới thiệu là nhà nghiên cứu chữ Hán khi anh vừa từ vùng quê lên thành thị. Tôi đã có ý đưa tài liệu của tôi và bản viết để anh giúp góp ý và đánh máy. Đây là cách tôi giúp đỡ một phần cuộc sống của anh khi anh chưa ổn định và tôi có giúp cung cấp nhiều tư liệu (đặc biệt là bộ sưu tập Kiều) và góp ý với anh về phương pháp nghiên cứu, chú giải như là một phần kiến thức của tôi để anh tự biên khảo độc lập.
Trên đây là lời viết chính thức mà tôi nhớ lại. Xin gửi lời chào trân trọng.
NGUYỄN MẠNH HÙNG

(*) Bài viết trên tạp chí Xưa & Nay (2003) mang tên “Khảo sát văn bản các sắc thần VN”, còn bài tham luận trong hội thảo mang tên “Khảo sát văn bản sắc phong thuộc triều đại nhà Nguyễn” và có thêm bốn dòng nói về bộ sưu tập gồm 642 sắc phong như Tuổi Trẻ đã đưa trước đó (chú thích của tòa soạn).
___________________

Bài này đúng là tôi viết...

Khoảng năm 1996, ông Nguyễn Mạnh Hùng có nhờ tôi dịch khoảng 150 bản sắc thần vì lúc đó tôi đang rảnh việc, vả lại việc dịch các bản cũng thuộc loại kiến thức Hán ngữ bình thường. Tôi hoàn thành việc dịch trong khoảng hơn một tuần. Ông Hùng đề nghị tôi viết một bài tổng kết số tư liệu đó để lưu lại làm cơ sở nghiên cứu. Tôi đánh máy làm hai bản, đưa cho ông Hùng một bản và giữ lại một bản, lâu quá rồi cũng quên.

Mãi đến cuối năm 2007, một người bạn là đại diện tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển ở Huế vào thăm, muốn tìm bài thể loại khảo cứu để đăng báo. Tôi nhớ lại bản tổng khảo các sắc thần khi xưa, kẹp trong một quyển sách cũ, rất thô sơ và đơn giản nhưng có thể bổ ích, nên đem ra đưa cho người bạn này. Sau đó, bài đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển số 1 năm 2008. Bài này đúng là tôi viết, nhưng chỉ có tính cách chấp bút dựa trên sự bàn luận chung và trên cơ sở những tư liệu là các bản sắc thần do ông Nguyễn Mạnh Hùng có công sưu tập được.

Tôi vẫn luôn quý ông Hùng cái khoản công phu sưu tập những tư liệu về các vấn đề văn hóa, không phải ai cũng làm được và có tâm chí như ông. Tôi thật tình nghĩ ông Nguyễn Mạnh Hùng hoàn toàn có quyền sử dụng tài liệu này như một tài liệu tham khảo, khi cần thì phát triển thêm cho đạt giá trị của một bài tham luận về khoa học lịch sử.

Tôi đâu có dè hơn 10 năm sau có một hội thảo như hội thảo về vương triều Nguyễn, mà người ta đăng lại tài liệu đó. Xét cho cùng, tôi nhận thấy ông Nguyễn Mạnh Hùng không có động cơ gì xấu, chẳng qua anh quá bận việc và ít có thời gian để theo dõi các sách báo, như anh vẫn thường than thở với tôi.
TRẦN VĂN CHÁNH


No comments: