Saturday, November 22, 2008

MỘT NỘI CÁC ĐA DẠNG DƯỚI THỜI OBAMA ?

Một Nội Các Đa Dạng Dưới Thời Obama?
Minh Thu
(LÊN MẠNG Thứ sáu 21, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4981
Hoa Kỳ là quốc gia đặc biệt khác với hầu hết các nước trên thế giới ở việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống khá sớm trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Các cuộc bầu cử tổng thống đều diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên trong tháng 11, nhưng người thắng cuộc phải chờ đến đúng ngày 20 tháng Giêng của năm sau mới được chính thức nhậm chức. Thông thường tại đa số các nước khác, người được thắng cử sẽ lên nắm quyền chỉ vài ngày sau đó, và do đó thường được gọi là tân tổng thống. Ngược lại ở Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian dài xấp xỉ 75 ngày (sau khi kết quả bầu cử và ngày 20 tháng Giêng) quốc gia này trải qua một thời kỳ chuyển tiếp với hai vị nguyên thủ quốc gia. Một người là đương kim tổng thống (TT Bush hiện nay), nắm giữ toàn quyền quyết định tối hậu từ đây cho đến ngày ra đi vào 20 tháng Giêng. Nhưng người thứ hai cũng có quyền quan trọng, đó là đã được đa số cử tri trong nước trao phó quyền lãnh đạo (như ông Barack Obama), và do đó đã được gọi là tổng thống tân-cử (President-elect), tức là người vừa mới đắc cử để được làm tổng thống, nhưng phải chờ đợi một thời gian.

Truyền thống và luật lệ chuyển giao quyền hành ở Hoa Kỳ cũng rất kỹ lưỡng để giúp cho việc điều hành đất nước luôn được vững bền nhưng đồng thời cũng tôn trọng tinh thần dân chủ và lá phiếu của người dân. Do đó, tuy vị tổng thống đương nhiệm vẫn còn giữ toàn quyền, ông vẫn luôn cho vị tổng thống tân-cử biết rõ tất cả những chi tiết về những quyết định trọng đại mà ông có thể chọn lựa, để tránh gây ngạc nhiên bất ngờ cho người lên kế nhiệm. Ngay cả những tin tức tối mật và quan trọng nhất cũng được báo cáo lên cho vị tổng thống tân-cử, xuyên qua các buổi báo cáo hàng ngày của ông trùm cơ quan tình báo CIA về những diễn biến mới nhất, tương tự những buổi báo cáo cho vị tổng thống đương nhiệm.

Thông thường, nếu như vị tổng thống tân-cử là người cùng đảng với vị tổng thống đương nhiệm, thì sự chuyển tiếp quyền hành cũng dễ dàng và êm thắm, nhất là trong nhiều trường hợp, vị tổng thống tân-cử cũng thường là vị phó tổng thống đương nhiệm, và do đó không xa lạ gì với khung cảnh và cơ cấu của chính quyền mà họ sắp đảm nhiệm. Trong trường hợp vị tổng thống tân-cử là người thuộc đảng đối lập thì sự chuyển tiếp có phần tế nhị và rắc rối hơn, nhất là trong trường hợp kết quả bầu cử được coi như là một sự chối bỏ về đường lối của vị tổng thống đương nhiệm, chẳng hạn như trong kỳ bầu cử lần này.

Trong thời gian chuyển tiếp, Quốc Hội cũng thường ít có dịp hay khả năng thông qua những đạo luật mới và do đó, vị tổng thống đương nhiệm có thêm nhiều quyền hành qua việc ban hành các sắc lệnh để ấn định những điều lệ hay quy định có tính cưỡng hành trên nhiều lãnh vực không thua gì các đạo luật. Dĩ nhiên, trong nhiệm kỳ sau, vị tân tổng thống hay tân quốc hội cũng có quyền thông qua những đạo luật mới để đảo ngược lại các sắc lệnh cũ, nhưng thường là sẽ gặp trở ngại và mất nhiều thời gian mới đạt được. Ngược lại, vị tân tổng thống cũng có quyền ban hành những sắc lệnh mới để đảo ngược lại những quy định cũ, nhất là trên những hồ sơ mà sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai đảng có phần khá rõ rệt.


Chẳng hạn như các cựu tổng thống Reagan và Bush Bố, vì là người của đảng Cộng Hoà, nên luôn ủng hộ lập trường bảo thủ, và đã ký những sắc lệnh giới hạn gắt gao việc viện trợ cho những chương trình nhân đạo hay những quốc gia không đặt nặng việc chống phá thai. Nhưng khi đến phiên ông Clinton lên nắm quyền, tuân theo lập trường cấp tiến của đảng Dân Chủ ủng hộ quyền của phụ nữ trong quyết định phá thai, thì ông liền ký ngay những sắc lệnh tháo gỡ những đòi hỏi gắt gao này. Đến 8 năm sau, khi TT Bush lên nắm quyền, thì ông cũng đã nhanh chóng ký những sắc lệnh áp đặt lại các đòi hỏi theo tinh thần bảo thủ như trước. Do đó, không ai ngạc nhiên khi biết rằng trong những ngày đầu vừa nhậm chức sắp tới, ông Obama cũng sẽ ký những sắc lệnh khác để phủ quyết lại những quy định cũ, tương tự như trường hợp của ông Clinton đã làm trước đó.

Một trong những điều khác mà người ta trông đợi xem ông Obama có làm giống như cựu TT Clinton hay không là việc lập ra một nội các đa dạng, quy tụ nhiều thành phần thiểu số. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1992, ông Clinton đã thường nói đùa rằng nếu như cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu tín nhiệm ông thì coi như là họ chỉ bỏ tiền có 1 mà mua được 2, ám chỉ là 2 lãnh tụ tài giỏi, tức là thêm vợ ông, Hillary Rodham Clinton. Nhưng ông cũng đồng thời long trọng hứa hẹn rằng nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm một nội các "trông giống như Hoa Kỳ". Câu nói đùa của ông có thể khiến nhiều người không ưa và tìm cách chống đối, xuyên qua việc họ đã thành công đánh bại được kế hoạch bảo hiểm y tế phổ thông cho mọi người dân trong nước do bà Clinton đề xướng.

Tuy nhiên, lời hứa thứ hai của ông Clinton đã được thực hiện tốt đẹp, đem lại nhiều uy tín cho Hoa Kỳ trên trường quốc tế, cũng như giúp đẩy mạnh cơ hội thăng tiến cho khối dân thiểu số tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nội các dưới thời ông Clinton gồm rất nhiều phụ nữ và những sắc dân gốc thiểu số được nắm những chức vụ then chốt. Đến phiên TT Bush lên nắm quyền vào năm 2001 thì ông cũng tiếp nối con đường này, bổ nhiệm nhiều phụ nữ và dân thiểu số vào các chức vụ quan trọng, trong số đó phải kể đến hai nhân vật da đen nắm giữ hai chức vụ quan trọng là Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại Trưởng. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người tranh cãi rằng những nhân vật thiểu số nằm trong nội các dưới thời TT Bush thật ra chỉ là có tính cách phiến diện chứ không có thực quyền, vì quyền hành thực sự trong nội các này, nhất là trong 4 năm đầu, được coi như nằm dưới quyền kiểm soát của hai nhân vật da trắng lão làng là PTT Dick Cheney và Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld.

Dĩ nhiên, lần này thì sự thay đổi có phần chấn động to lớn hơn nhiều, bởi lý do đơn giản là cái nội các cầm quyền sắp tới không phải chỉ có những thành phần thuộc nhóm thiểu số mà còn được điều hành bởi người đứng đầu có quyền hành tuyệt đối lại là một người thiểu số gốc da đen. Do đó, tự bản chất, ngay cả nếu như cái chính quyền Obama không có đa dạng với nhiều thành phần nữ giới và dân thiểu số, thì chính nó cũng sẽ mang ảnh hưởng to lớn nhất của dân gốc thiểu số bởi vì tất cả thành viên trong nội các đều "cúc cung" phục vụ tuỳ theo ý thích của vị tổng thống. Câu nói phổ thông của mọi tổng trưởng trong nội các cũng như của bất cứ nhân viên nào trong Toà Bạch Ốc là họ luôn luôn phục tùng cho người sếp lớn, gọi là "serving at the pleasure of the president".

Trong lúc vận động tranh cử, ông Obama thường đưa ra lời hứa rằng ông muốn đại diện cho mọi người dân của nước Mỹ, chứ không phải của những người thuộc phe mầu xanh (cấp tiến) hoặc mầu đỏ (bảo thủ). Sự ủng hộ rộng rãi dành cho ông trong nhiều tầng lớp quần chúng đã đem lại cái kết quả thắng lợi to lớn trong ngày 4 tháng 11. Do đó, việc ông Obama sẽ bổ nhiệm một nội các với nhiều thành phần đa dạng gồm phụ nữ và dân gốc thiểu số cũng không có gì là ngạc nhiên, nếu không muốn nói là một điều tất yếu mà nhiều người có thể chờ đợi. Tuy vậy, nhiều chính trị gia kỳ cựu gốc da đen cho rằng ông Obama không nên chịu áp lực để bổ nhiệm một nội các theo sự đòi hỏi hay trông đợi này. Theo họ, thì ông nên lựa chọn những nhân vật có tài ba và khả năng xuất sắc nhất để đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, thay vì chú trọng đến việc phải lựa chọn nhân vật theo tỉ lệ để thoả mãn mong ước của nhiều khối cử tri.

Đây là một vấn đề khá tế nhị. Ông Obama đã tranh cử với chiêu bài phá bỏ những suy nghĩ lỗi thời đẩy đưa đến những chia rẽ sâu xa trong xã hội, và kết quả thắng cử vẻ vang cũng đã chứng minh sự ủng hộ rộng lớn của người dân tin tưởng vào lập luận này. Nhưng không ai chối cãi được việc ông thắng cử cũng là nhờ sự ủng hộ nồng nhiệt và hăng say của khối cử tri da đen, nhất là trong kỳ bầu cử sơ bộ, cũng như đã trở thành biểu tượng hi vọng và mơ ước một đời của khối dân này. Giờ đây nếu ông chỉ có quanh mình một lô các phụ tá da trắng thì có thể khiến cho người da đen dễ thất vọng.

Ngay cả trong khối dân da đen cũng đã có những suy nghĩ trái ngược trong đề tài này. Ông Mike Espy, một chính trị gia ôn hoà — một người da đen đầu tiên đắc cử chức vụ dân biểu liên bang tại Mississipi, và sau này được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Nông Nghiệp dưới thời TT Clinton — thì cho rằng ông Obama sẽ không gặp áp lực (để bổ nhiệm một nội các đa dạng, gồm nhiều người gốc da đen) vì chính ông đã làm nên lịch sử đó. Theo ông Espy thì ông Obama nên chú trọng vào khả năng, và hãy mang đến những người tài giỏi nhất.

Nhưng bà Lani Guinier thì thuộc khuynh hướng cho rằng sự đa dạng trong nội các là một điều cần thiết. Bà Guinier là phụ nữ da đen đầu tiên được trở thành giáo sư thực thụ (tenured professor) của trường Đại học Luật của Harvard, được coi như là một người theo khuynh hướng cực tả. Dưới thời TT Clinton, bà đã được lựa chọn làm tổng giám đốc đặc trách nhân quyền trong Bộ Tư Pháp nhưng sự bổ nhiệm bị chống đối vì những quan điểm cực tả của bà. Bà Guinier cho rằng sự đa dạng tự nó đã là một câu trả lời cho muôn vàn khó khăn mà quốc gia này đang phải đối phó. Tuy vậy, bà cũng không hài lòng về cái tình trạng đa dạng này nếu như nó chỉ là hình thức, kiểu như trường hợp của bà Condoleezza Rice trong nội các của TT Bush, chỉ làm người mẫu để loè mắt thiên hạ (window dressing).

Donna Brazile, một phụ nữ da đen đầu tiên được trao quyền điều hành một chiến dịch vận động tranh cử tổng thống (của ông Al Gore vào năm 2000) cũng đồng ý với quan điểm rằng sự đa dạng sẽ làm vừa lòng nhiều người, tuy nhiên, cuối cùng thì yếu tố khả năng vẫn là điều quan trọng nhất để quyết định sự lựa chọn những nhân vật quan trọng trong nội các.

Ông Rodney Slater, một người gốc thiểu số được TT Clinton bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giao Thông, cho rằng những quyết định có tính cách lịch sử của các vị tổng thống như Clinton và Bush 43 đã dọn đường cho sự thành công của ông Obama. Bởi vì, những khuôn mặt dân gốc thiểu số được bổ nhiệm vào nội các đã dần dần khiến cho người dân da trắng bắt đầu làm quen và cảm thấy thoải mái với viễn tượng của một người da đen có thể lên làm nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, những vụ bổ nhiệm này cũng đã tạo ra một con đường dấn thân của nhiều tài năng thuộc gốc thiểu số và nhờ đó mà ngày nay ông Obama có thể dễ dàng lựa chọn để tìm ra những người để bổ nhiệm vào nội các tương lai. Tuy vậy, ông Slater cũng đồng ý rằng ông Obama phải luôn chú trọng đến việc lựa chọn những người tài giỏi và xứng đáng nhất.

Theo ông Slater, thì sự đa dạng có thể rắc rối hơn nhiều, chứ không chỉ giới hạn ở việc lựa chọn những thành phần thuộc những mầu da, giới tính hay văn hoá khác nhau. Ông đưa ra thí dụ của việc ông Obama đã lựa chọn bà Jennifer Granholm, nữ thống đốc của tiểu bang Michigan, đứng cạnh ông trong buổi họp báo quan trọng tuần trước để bàn về những vấn đề khó khăn về kinh tế. Dĩ nhiên, ai cũng thấy rõ là bà Granholm là một người da trắng, nhưng bà cũng đại diện cho một tiểu bang đông dân đang gặp khó khăn rất nhiều về kinh tế, đặc biệt là trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Ông Slater kết luận rằng hình ảnh đó cho thấy là ông Obama muốn nói với mọi người rằng cái nền kinh tế sản xuất đó rất quan trọng đối với ông. Và dù có đa dạng hay không thì nhiều phần là đa số dân chúng sẽ sẵn sàng ủng hộ ông Obama trong sự lựa chọn này.

Minh Thu


TIN LIÊN QUAN


Obama đề cử bộ trưởng tài chính
22 Tháng 11 2008 - Cập nhật 05h15 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/11/081122_us_treasury.shtml


'Bà Clinton sẽ nhận chức Ngoại trưởng'
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/11/081122_clinton_job.shtml
Tờ New York Times cho hay bà Hillary Clinton sẽ chấp thuận vị trí ngoại trưởng trong nội các của ông Barack Obama.

Obama chọn Bộ trưởng Tư pháp
19 Tháng 11 2008 - Cập nhật 07h21 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/11/081119_us_attorneygeneral.shtml


Obama chọn 'Chánh Văn Phòng'
31 Tháng 10 2008 - Cập nhật 19h28 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/10/081031_obama_chief_of_staff.shtml

No comments: