Sunday, November 23, 2008

MIỆNG TÚI CÀN KHÔN

Miệng Túi Càn Khôn
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Việt Báo
Thứ Bảy, 11/22/2008, 5:18:00 PM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=137468
Khi người Mỹ trở thành biết điều hơn....
Thì họ sẽ thành đáng ghét hơn với thế giới.
Năm tới, chúng ta sẽ nghiệm thấy điều ấy khi nhìn vào... trong túi mình.

Hoa Kỳ chỉ sản xuất ra chừng 22% tổng sản lượng kinh tế của địa cầu. Với dân số chỉ bằng 5% dân số thế giới (nhớ cho gọn là 300 triệu trên sáu tỉ người), thì đấy là một thành tích. Nhưng đã có thời mà sức nặng kinh tế của Mỹ còn lớn lao hơn nhiều, khi các nước khác bị tàn phá bởi chiến tranh và cách mạng, và kinh tế bao cấp theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Dù chỉ đóng góp có 22% tổng sản lượng - có nơi khác đưa ra con số 25% - kinh tế Hoa Kỳ là một đầu máy lớn nhất, lôi kéo theo sự thịnh vượng của nhiều nước khác. Hoa Kỳ đóng góp chừng 60% vào tốc độ tăng trưởng sản xuất của thế giới. Giả dụ như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chừng 5% một năm thì cái “công" của nước Mỹ là góp phần được 3% - nếu không, tốc độ tăng trưởng của thế giới chỉ còn là 2%. Vài con số đơn giản như vậy, mình cần ghi nhớ trong đầu.

Sở dĩ như vậy vì dân Mỹ tiêu xài như Mỹ. Tiêu thụ đóng góp chừng 70% vào tổng sản lượng GDP của Hoa Kỳ và nếu sản xuất để xài mà chưa đủ thì nhập cảng. (Xin lỗi độc giả khi giải thích thêm bằng một câu rất ngắn: theo định nghĩa, Tổng sản lượng là Tiêu thụ của tư nhân + Đầu tư + Tiêu thụ của khu vực Chính phủ + Xuất cảng - Nhập cảng). Sức tiêu thụ và nhập cảng của Mỹ là lực đẩy cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Người ta gọi đó là thế giới "duy Mỹ"!

Năm 1992, Thống đốc Bill Clinton đắc cử Tổng thống khi kinh tế Mỹ vừa ra khỏi một giai đoạn suy trầm ngắn, từ tháng Bảy năm 1990 tới tháng Ba 1991. Ông kêu gọi dân Mỹ phải thoải mái tiêu thụ để nâng cao số cầu và giúp cho kinh tế chóng phục hồi. Sau khi thị trường chứng khoán bị bể bóng đầu tư vào năm 2000 rồi nước Mỹ bị khủng bố tấn công vào năm 2001, vì vậy, kinh tế bị suy trầm (từ tháng 11 năm 2001 tới tháng 11 năm 2002), Tổng thống George W. Bush cũng kêu gọi dân chúng thoải mái tiêu thụ. Hãy tiếp tục sống như chúng ta đã sống.... để hồi phục kinh tế. Đối với cả hai đảng, tiêu thụ là chuyện "phải đạo" vì giúp cho tài hoá lưu thông... Và cả thế giới đều trông mong chuyện đó.

Ngày xửa ngày xưa, tình hình lại không như vậy.

Vào thời khai phá của nước Mỹ mà ta thấy trong phim ảnh Viễn Tây, tức là hơn trăm năm trước một, Đô đốc Nhật ghé thăm xứ này và ngạc nhiên khi thấy dân Mỹ tiết kiệm rất nhiều, rầt mạnh. Trở về, ông trình bày và quảng bá đức tính tiết kiệm đó của người Mỹ, để dân Nhật tích cực góp vốn làm lực sản xuất và phát triển. Từ đấy, nơi nào tại Nhật cũng có những trạm thu nhận tiền tiết kiệm, kể cả các ty bưu điện và công cuộc kỹ nghệ hoá của Nhật khởi sự từ đó, y như nước Mỹ, của thời xưa. Sau này, nhiều bậc "thức giả" Mỹ đã ngợi ca Nhật Bản và khuyên dân nên học truyền thống Nhật!

Các nước Đông Á ngày nay cũng thế, vì những bất trắc của chiến tranh và cách mạng - hai chữ thường là đồng nghĩa và cái sau thường dẫn đến cái trước - họ có sức tiết kiệm rất cao, từ 30 đến 40% số lợi tức khả dụng. Việc huy động nguồn vốn tiết kiệm ấy thành tài nguyên đầu tư có hữu hiệu hay không thì ta chưa nói đến ở đây. (Hãy liếc vào Trung Quốc thì mình đoán ra nạn tẩu tán tư bản ra khỏi nước để đầu tư ngược... vào Mỹ. Người dân thắt lưng buộc bụng để bán hàng rất rẻ cho Mỹ hầu các quan chức ở trên có tiền đầu tư vào Mỹ kiếm lời riêng!)

Ngày nay, sự thể tại Hoa Kỳ đã khác.

Tỉ lệ tiết kiệm của dân Mỹ đã giảm liên tục, từ khoảng 13% tổng sản lượng hơn ba chục năm về trước đã sụt phân nửa, chỉ còn chừng 6% cách đây mươi năm và ngày nay mấp mé số không. Tiết kiệm ít đi mà vẫn tiêu thụ như xưa thì tất nhiên là phải mắc nợ... Một trong nhiều lý do giải thích hoặc biện bạch cho nếp văn hoá tiêu xài ấy là ngôi nhà. Dân Mỹ tiết kiệm để mua nhà rồi rút ruột ngôi nhà - gọi là ăn vào vốn - để xài, nếu trị giá ngôi nhà có tăng. Chuyện ấy cũng đã hết từ năm 2006 khi thị trường gia cư đình đọng, giá nhà "điều chỉnh", tức là giảm và giảm mạnh tại nhiều khu vực.

Từ thị trường gia cư qua thị trường tín dụng, qua loại tín dụng thứ cấp bị ung thối kéo theo sự xụp đổ của các ngân hàng đầu tư, v.v... chúng ta trở lại nguyên nhân của vụ khủng hoảng tài chính rồi nạn suy trầm kinh tế hiện nay.

Đầu năm nay, Chính quyền Bush đã xin Quốc hội cấp phát một ngân khoản kích cầu - kích thích số cầu, tức là gia tăng khả năng tiêu thụ để kéo kinh tế ra khỏi nguy cơ suy trầm. Ngân khoản trị giá chừng 150 tỉ đã... không công hiệu. Lý do chính là vì dân Mỹ được trả lại tiền thuế thì dùng tiền đó trả nợ và lần đầu tiên từ vài năm nay người ta mới thấy mức tiết kiệm của dân chúng đã lên khỏi số âm, tức là có tiết kiệm. Tức là có tiền mà lại không vội xài ngay. Một đức tính rất không hợp thời khi tài chính khủng hoảng và kinh tế sa sút! Mà chiều hướng tiết kiệm tai hại đó, than ôi, sẽ còn tiếp tục, hoặc ngược lại, sức tiêu thụ của dân Mỹ sẽ giảm và sẽ còn giảm mạnh trong những năm tới.

Bây giờ, hãy tạm quên chuyện Mỹ mà nhìn ra ngoài..

*

Trong hai tháng liền, từ giữa tháng Chín đến giữa tháng 11, cả thế giới đều nói đến vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ và nguy cơ suy trầm kinh tế toàn cầu. Các nước Âu Châu, đứng đầu là Pháp và Đức, đã kéo một gạch nối giữa khủng hoảng Mỹ và suy trầm toàn cầu thành tương quan nhân quả. Vì Mỹ bị khủng hoảng mà toàn cầu bị suy trầm.

Một lý luận ngoa ngụy để biện minh cho một giải pháp tào lao: vì trách nhiệm của Mỹ - và hình thái phát triển mà Tây gọi là "Anglo-Saxon" (hàm ý Mỹ và Anh) - thế giới phải quan niệm lại triết lý phát triển của tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ và cải tổ lại cơ chế tài chính quốc tế do Mỹ khuynh đảo quá nặng. Lý luận kinh tế hàm hồ này hàm chứa một mục tiêu chính trị là xây dựng lại một trật tự kinh tế và một kiến trúc tài chính mới. Trật tự đó là chế độ quản lý thị trường có vai trò lớn hơn của nhà nước và kiến trúc tài chính mới là sự xuất hiện của các thế lực đối trọng với nước Mỹ.

Người tích cực nhất trong cuộc vận động này là Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp. Ông mơ ước một chế độ quản lý kinh tế toàn cầu để dẹp bớt những thái quá của Mỹ - nhân tiện củng cố vị trí của Pháp trong cơ chế Âu Châu. Giấc mơ rất chính đáng, nếu nhìn từ giác độ của Pháp.

Biến cố đóng góp mạnh nhất cho cuộc vận động này từ phiá Âu Châu là việc Nghị sĩ Barack Obama đắc cử và đảng Dân Chủ giành được một đa số lớn hơn tại Quốc hội. Hàm chứa bên dưới là chuyện đảng Cộng Hoà thất cử và chủ trương kinh tế tự do của phe Cộng Hoà bị đại bại. Người ta không nhìn vào thực tế là vụ khủng hoảng tài chính hay - lâu dài hơn - tính tiêu xài phóng túng, là thành tích lưỡng đảng, với nhiều nguyên do sâu xa đã thấy từ thời Jimmy Carter.

Người ta cũng không nhìn thấy là sau Đại hội ở Reims, đảng Xã hội tại Pháp đang bị khủng hoảng còn tơi tả hơn đảng Cộng Hoà tại Mỹ!

Vấn đề không đơn giản là chuyện ganh đua giữa hai chủ trương kinh tế tả hữu, mà còn có nhiều lý do khác: với vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ hôm 15 tháng Chín thì dù đảng Dân Chủ có đề cử loại ứng viên khôi hài như John Kerry hay John Edwards ra tranh cử tổng thống, và dù có giỏi như Teddy Roosevelt hay Abe Lincoln, John McCain cũng vẫn thua! Huống hồ ứng viên lại là Barack Obama. Nói theo một người am hiểu là Tổng trưởng Ngân khố Hank Paulson, đây là một vụ khủng hoảng... trăm năm mới thấy một lần. Cho nên Hoa Kỳ mới làm nên biến cố lịch sử là bầu một người da đen... Thật ra, nếu Đại tướng Colin Powell không lạnh cẳng thì ông đã là ứng cử viên Tổng thống bên Cộng Hoà từ năm 2000 và là Tổng thống da đen đầu tiên mà khỏi cần kiện tụng vì 570 lá phiếu tại một quận hạt nhỏ của Florida. Khi ấy, chưa chắc đã có thảm kịch Iraq! Và nếu không chán ngán chính trị mà muốn trở về nghề mô phạm, Condoleezza Rice đã là ứng cử viên Phó Tổng thống đầu tiên là phụ nữ và da đen bên đảng Cộng Hoà. Nhưng thế giới nào chỉ có Hoa Kỳ và những lý luận lịch sử giả tưởng như vậy!

*

Một quốc gia có sức tiết kiệm rất cao là Nhật Bản vừa chính thức xác nhận là kinh tế đang trôi vào suy trầm, lần thứ sáu trong 18 năm. Kinh hãi hơn vậy, lần đầu tiên từ gần ba chục năm nay, đệ nhất quán quân về nghệ thuật xuất cảng là Nhật đã bị nhập siêu - nhập nhiều hơn xuất cảng! Đồng thời, đầu máy kinh tế mới nổi của thế giới là Trung Quốc cũng đang sợ bị suy trầm sản xuất và thất nghiệp tăng quá sức ngăn chặn của guồng máy đàn áp. Đằng sau hai đại gia Đông Á ấy, nước tân hưng lẫy lừng nhất và đã ra khỏi khủng hoảng 1997-1998 sớm nhất là Nam Hàn cũng bắt đầu rung chuyển.

Một động lực chìm bên dưới sự kiện này không phải do khủng hoảng tài chính hay cạn kiệt tín dụng của các ngân hàng Mỹ, mà do phản ứng thắt lưng buộc bụng của dân chúng Hoa Kỳ. Mà chuyện ấy xảy ra sau khi thế giới đã trút bớt gánh nặng năng lượng: trong có mấy tháng, dầu thô sụt giá từ 147 đồng một thùng vào ngày 11 tháng Bảy xuống khoảng 50 đồng một thùng vào tuần qua. Nhờ dầu thô sụt giá mà hoá đơn năng lượng của các nước mua dầu đã giảm mạnh và kinh tế Mỹ tiết kiệm được hơn 200 tỉ. Vậy mà dân Mỹ vẫn chẳng chịu chi!

Thật đáng ghét!

Đáng ghét hơn nữa, nếu người ta theo ánh mặt trời mà từ Á Châu tiến tới Âu Châu.

Âu Châu gồm có bốn đầu máy kinh tế mạnh nhất là Anh, Đức, Pháp,Ý thì Đức đã bị suy trầm kinh tế. Việc cường quốc kinh tế số một và có kỷ luật chi thu vững nhất Âu Châu mà bị suy trầm thì đó là chuyện đáng lo. Âu Châu có 15 quốc gia đã thống nhất tiền tệ, tức là xoá bỏ đồng bạc của mình để xài chung đồng Euro, theo quy cách chừng mực của nước Đức. Vậy mà đồng Euro tuột dốc và khối Euro bắt đầu bị suy trầm, lần đầu tiên từ khi thống nhất tiền tệ. Âu Châu có 27 quốc gia trong một cơ chế thống nhất là Liên Hiệp Âu Châu, với kỷ luật công chi thu (ngân sách) được phối hợp với nhau nên từng quốc gia rất khó xoay trở khi khủng hoảng bùng nổ và kinh tế suy sụp là chuyện đang xảy ra.

Từ mùng Năm tháng 10 tới nay, các nước Âu Châu hội họp liên miên mà chưa thể có một đối sách chung với nguy cơ suy xụp kinh tế. Nhìn ra nhược điểm của đồng Euro là thiếu hậu thuẫn của một chính quyền mạnh và có chính sách thống nhất, Tổng thống Sarkozy đã gợi ý về việc thành lập một "chính quyền kinh tế" để hỗ trợ đồng bạc chung, lập tức ông bị Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel phản bác! Là Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu Châu trong sáu tháng, từ đầu tháng Bảy tới cuối tháng 12, ông Sarkozy đã có một đề nghị rất Phú Lang Sa, nghĩa là láu cá: nên triển hạn chủ tịch cho tới khi tìm ra giải pháp kinh tế đồng bộ cho toàn khối Âu Châu. Lập tức, Tổng thống Cộng hoà Tiệp Vaclav Klaus lắc đầu vì sau Pháp, Tiệp sẽ là chủ tịch từ mùng một tháng Giêng năm tới. Nhiều nước khác còn thì thầm với nhau: nhân vụ khủng hoảng, Paris định đảo chính cơ chế Âu Châu!

Những chuyện khôi hài ấy, dân Mỹ không biết.

Nhưng họ cần biết là Âu Châu cũng bị mọi chứng tật kinh tế tài chính như Hoa Kỳ mà không do Mỹ gây ra. Cũng nạn bong bóng gia cư hay tín dụng thứ cấp, cũng loại nghiệp vụ đầu tư bất kể rủi ro từ Tây Âu chảy vào Đông Âu, và khủng hoảng sẽ nổ dây chuyền trong thời gian tới, sau khi đã khởi sự từ Iceland và Hungary (hai nước đã cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF).

Có 14 quốc gia đang xếp hàng trên bảng phong thần đó, từ sớm đến muộn: ba nước Cộng hoà vùng Baltic phia Bắc là Latvia, Lithuania và Estonia sẽ đi đầu, sau đó là Bulgaria, Slovakia, rồi ba nước bị bể bóng gia cư là Anh, Tây Ban Nha và Ireland. Kế tiếp là Hy Lạp, Ba Lan, Cộng Hoà Tiệp (Czech), Đan Mạch và đỉnh cao trí tuệ là nước Pháp. Tổng cộng là 16 quốc gia, chưa kể nước Đức mới chỉ suy trầm chứ chưa bị khủng hoảng. Đây là ta chưa nói đến một quốc gia bản lề, nằm giữa gọng kìm sinh tử, là Ukraine. Xứ này muốn gia nhập Âu Châu và Minh ước NATO nhưng đang mấp mé khủng hoảng. Xứ này lại nằm tại Hắc Hải, nơi mà chiến hạm Liên bang Nga và Tây phương đang chòm chõm nhìn nhau sau khi Georgia bị tấn công. Xứ này còn bị sức ly tâm rất nặng là nửa miền Đông thì thân Nga và nửa miền Tây lại muốn được tự do dân chủ như Âu Châu, ở giữa là ba đảng cứ liên tục liên minh song phương theo kiểu Tam quốc, mà bấp bênh hơn nhiều. Đảng của Tổng thống Viktor Yuschenko thì thân Tây phương, đảng của nguyên Thủ tướng Viktor Yanukovitch thì thân Nga, ở giữa có đảng của nguyên Thủ tướng Yulia Timosheno thì chơi trò quả lắc, do nhiều tài phiệt giật dây ở đằng sau.

Nếu Ukraine bị khủng hoảng - là chuyện sắp tới sau khi đã cầu cứu IMF - xứ này có thể vỡ đôi trong một Âu Châu cũng bị rạn làm đôi: phân nửa miền Đông cố chống Nga và chờ Mỹ giúp, và phân nửa miền Tây thì chống Mỹ bằng mồm để thoả hiệp với Nga. Và nửa nào thì cũng mong là dân Mỹ sẽ lại xài tiền như nước để kéo mình ra khỏi nạn suy trầm, suy thoái hay khủng hoảng!

Đây là ta chưa nói đến Pakistan đang ở mé bờ phá sản và đã xin IMF cấp cứu. Paksistan mà khủng hoảng thì đại loạn sẽ mở rộng vào Afghanistan. Cũng chưa nói đến Argentina, vừa quốc hữu hoá hệ thống hưu bổng và sẽ lại vỡ nợ như đã từng vỡ nợ năm 2001. Hoặc Mexico, một quốc gia đang bị tanh bành vì các tổ chức ma túy và cũng lặng lẽ trôi vào khủng hoảng như đã từng bị năm 1994 và phải nhờ Mỹ cấp cứu.

Nhưng, ngày nay, miệng túi càn khôn đã khép lại rồi.

*

Nước Mỹ mắc nợ quá nhiều và người dân không thể tằn tiện hơn vì rất nhiều lý do chính đáng, phải đạo.

Giá nhà đã sụt nên rút ruột ra xài là tự rút ruột. Thất nghiệp đã tăng và sẽ còn tăng nên nhà nào cũng ghim tiền phòng xa ngày mất việc. Từ tháng Sáu, từ khi có quyết định của Quốc hội là triển hạn trợ cấp thất nghiệp, nhiều người bề nào cũng không muốn xin việc đã khăn áo xếp hàng khai báo để ăn lương thất nghiệp, làm số người khai báo thất nghiệp càng tăng (quy luật "hậu quả bất ngờ" của kinh tế học, quá dài để nói ở đây) và càng khiên thiên hạ nản chi mà hết dám tiêu xài.

Khi nguy cơ lạm phát đã lui và còn nhường bước cho rủi ro giảm phát - deflation, hàng họ hạ giá mà bán không chạy - Ngân hàng Trung ương Mỹ đã và sẽ còn hạ lãi suất, vậy mà biện pháp ấy vẫn khó kích thích đầu tư và sản xuất và không đem lại triển vọng gia tăng lợi tức. Vì vậy, ai dám xài tiền? Mà xài làm sao khi hàng ngày người ta thấy thị trường chứng khoán cứ đỏ sàn như máu nhuộm bãi Thượng Hải?

Từ đỉnh cao vào tháng 10 năm ngoái đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất giá phân nửa. Nếu xét vào chỉ số tiêu biểu là S&P 500 (tiêu biểu hơn chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones DJIA vì bao gồm 500 doanh nghiệp lớn nhỏ) thì từ 1.500 điểm nay chỉ còn 750 điểm. Phân nửa số mất đó là từ ngày bầu cử cho đến nay, từ 1.005 tới quãng 750 - thị trường có cách chào mừng Obama rất bạc bẽo! Và nếu theo dõi sự chuyển động ấy trong trường kỳ, ta nên chờ đợi S&P ở khoảng 600 điểm, tức là sẽ còn mất thêm 20% trị giá nữa mới là đụng đáy, trong giả thuyết lạc quan rằng đấy là đáy.

Khi thị trường tăng trưởng sung mãn, người ta thấy mình trở nên giàu có hơn, cũng tương tự như khi giá nhà gia tăng vọt thời 2001-2006. Tâm lý ấy khiến người ta tiêu xài xởi lởi và tạo ra của cải cho người khác. Đó là "hiệu ứng phồn thịnh", wealth effect. Bây giờ, hiệu ứng phồn thịnh lại tác động ngược. Khi thị trường chứng khoán mất toi hơn bảy ngàn tỉ - khoảng ba ngàn tỉ kể từ ngày ông Obama thắng cử - và quỹ đầu tư hưu bổng bị bào mỏng mỗi ngày, mọi người đều sẽ thu vén chi tiêu và kinh tế vì vậy càng thêm co cụm. Gọi đó là "hiệu ứng lầm than" chăng?

Người ta có cả chục lý do khác giải thích vì sao dân Mỹ sẽ tằn tiện và sống đích thực với khả năng của họ. Đây là một cuộc cách mạng văn hoá đáng mừng nhưng là một thực tại kinh tế bi đát. Vì ngay trước mắt, kinh tế Hoa Kỳ và thế giới sẽ chậm ra khỏi nạn suy trầm và có khi tuột vào suy thoái.

Sau nhiều năm chửi bới hoặc dạy dỗ nước Mỹ vì tính phóng túng bất cẩn, cả thế giới ngày nay sẽ lại oán Mỹ là đạp thắng tiêu thụ khiến kinh tế toàn cầu bị suy trầm lâu hơn. Lúc đó, ông Bush hoang phí, ngang ngược, sát quân, ngớ ngẩn đã trở về làm thường dân. Khi đó, vị cứu tinh Barack Obama - được tờ Time sánh với đấng Cứu Thế và tờ Newsweek sánh với Abe Lincoln - mới là người gây thất vọng cho thế giới. Sau khi tranh cử với những tư tưởng kinh tế rất "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Âu Châu", ông đang điều chỉnh lại cho ôn hoà thực tế hơn. Mà vẫn sẽ bị oán.

Oán oan!

Nguyễn Xuân Nghĩa(USA)

No comments: