Wednesday, November 12, 2008

LỤT NHÀ RA MẶT CHUỘT

Lụt Nhà Mới Ra Mặt Chuột
Quốc Hương - ĐDCND

11/11/2008
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=480&Itemid=9
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Cháy nhà mới ra mặt chuột": ý nói cái xấu, cái ác, hay lũ chuột bọ luôn ẩn nấp, bòn rút, vơ vét, đục khoét kín đáo, nhưng khi có "cháy nhà", xảy ra sự việc làm xáo trộn trật tự "mờ ám" hiện hành, thì tất cả những cái xấu xa đó sẽ bị phơi bày, lộ rõ bộ mặt của lũ chuột bọ dơ bẩn.

Trận mưa lịch sử vừa qua, nhấn chìm toàn bộ TP Hà Nội mở rộng. Các đường phố trong nội thành Hà Nội biến thành các con sông, thuyền đò tấp nập, người người nhà nhà đều lội... Một cảnh tượng giống như "thành phố nổi", thật là: "Lụt nhà mới ra mặt chuột".

Gần đây, đã xuất hiện nhiều Điềm báo về ngày tàn của Chính quyền Cộng sản, thời thế đang đổi thay, lực lượng Dân chủ lớn mạnh và thắng lợi. Càng gần ngày Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các Điềm báo càng nhiều, càng rõ. Từ Đền Đô, quê hương của Lý Thái Tổ, các vị Vua Nhà Lý như đang dõi theo "lũ chuột bọ đội lốt Cộng Sản" ở Hà Nội, các Ngài đã bắt bọn chúng phải lộ nguyên hình.

Hà Nội mới mở rộng chưa lâu, Chính quyền Hà Nội dự định Tổ chức ngày Đại Lễ 1000 năm Thăng Long thật hoành tráng. Sự thật là "lũ chuột bọ" đã ngặm nhấm, đục khoét cả các công trình tâm linh liên quan đến Nhà Lý, và cái gì phải đến đã đến.

"Lũ chuột bọ" vẫn cố lảng tránh tội lỗi, trách nhiệm, bọn chúng còn tuyên bố: Thiên tai không thể đoán trước, rồi đổ lỗi cho dân mình ỷ lại nhà nước... Vậy hãy xem cái Đảng Cộng sản và cái Nhà nước Cộng sản đã làm "méo mó" đất Thăng Long như thế nào.

Mùa thu năm 1010, cách đây đúng 998 năm, trong Chiếu Dời Đô, đức vua Lý Thái Tổ đã viết::
"Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không chịu cảnh thống khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời...".

Lời của Ngài không chỉ mãi mãi tạc trong tâm thức con dân Việt, mà còn tạc trong thế phát triển, thế bay lên của đất kinh thành, làm nên niềm kiêu hãnh và khí phách của người Hà Nội.

Thế nhưng đâu rồi cái thần thái ấy, cái trù phú ấy, cái vượng khí ấy?

Những ngày qua, nhìn cảnh vật Hà Nội trông không khác mấy những xứ sở nghèo khổ của một số quốc gia, nơi được mệnh danh là cái "van nồi áp suất" của thế giới. Thậm chí nhìn Hà Nội ở bất cứ góc độ nào, ở bất cứ con phố, khu tập thể, chung cư nào, cũng thấy Hà Nội cũng xấu xí, nhếch nhác, và khốn khổ không kém so với những vùng đất quanh năm bão lũ, quanh năm gió Lào...

Những lời trên được trích dẫn trong bài báo: Ai làm "méo mó" đất Thăng Long? Của tác giả Phạm Viết Đào, đăng trên VietNamNet. Dân ta làm "méo mó" đất Thăng Long ư? Người dân chúng tôi cố gắng sống, cố gắng tồn tại để không bị "méo mó" bởi cái cơ chế "cong queo" này đã khó lắm rồi, đâu dám nghĩ đến việc lớn kia.

Người dân chúng tôi đã "trao gửi" niềm tin, quyền hành cho các vị "quan cách mạng", và chính các vị đã tự nhận là "đày tớ" của dân. Việc quản lý đô thị, trật tự xây dựng thuộc trách nhiệm của các vị. Nếu Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, khô, thoáng, thì đó là thành tích của các vị, còn nếu không, các vị phải tự thấy xấu hổ chứ!

Hà Nội so với xưa đã rất xấu, còn khi so với các Thành phố nổi tiếng trên thế giới như Paris, London, Sydney, New York... chẳng khác nào con Vịt đứng cạnh Thiên Nga. Chính quyền Thuộc địa Pháp năm xưa đã quy hoạch và quản lý xây dựng TP Hà Nội, Sài Gòn rất khoa học, chứ không làm "méo mó" như ngày nay.

Theo một chuyên gia: "Trước đây, khi giải quyết vấn đề cốt nền của Hà Nội, người Pháp đã tôn nền lên khoảng 1-1,5m, nên tổng thể nền tự nhiên của khu phố không bị ngập lụt. Khu vực úng ngập hiện nay chủ yếu là bởi việc úng ngập cục bộ từng khu trong đô thị, do hệ thống xử lý thoát nước không được kết nối với quy hoạch chung của toàn thành phố. Trước kia, toàn bộ hệ thống thoát nước Hà Nội do người Pháp xây gồm 1.000 ha và 74 km đường cống, hệ thống thoát nước có tới 3 loại hình: Cống ngầm, cống hở và mương hở, chảy ra 4 con sông và thoát ra sông Hồng..."

Ngày nay, người ta lấp hồ điều hòa để xây chung cư, đường bị đào xới vô tội vạ, cống thoát nước bị tắc bẩn. Theo như lời ông Chủ tịch TP Hà Nội: Cho dù Dự án cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội thi công xong, nếu mưa to vẫn ngập lụt. Hiện nay chỉ còn một trạm bơm Yên Sở điều hoà thoát nước cho toàn TP Hà Nội, nhưng mới xây dựng được công suất khoảng 45-50m3/s, trong khi công suất thiết kế 90m3/s giai đoạn 2 chưa xây dựng.

Vậy là, nếu lại có "Thiên Tai", mưa trên 500 mm, thì Hà Nội trái tim của cả nước lại chìm trong nước. Và người dân thủ đô chỉ còn biết học cách thích nghi.

Người dân chờ được nghe lời xin lỗi từ phía Chính quyền. Muốn nói giời nói biển, ngụy biện hay đổ lỗi thì rõ ràng, tất cả chúng ta đang làm "méo mó" đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Trận lụt vừa qua là một bài học xót xa, nhưng cần thiết, nhất là đối với các cấp quản lý, lãnh đạo TP Hà Nội nói riêng, với người dân sống ở Hà Nội nói chung...

Sự can thiệp làm "méo mó" đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay, có "vuông lại tròn" được hay không, trông chờ ở sự đổi thay chính trị, vào một "Đức Tin Tâm Linh" người Việt. Vận nước đang trung hưng thời Nhà Lý, các Vua Nhà Lý đã hiển linh ở Đền Đô, giáng mưa làm "Lụt nhà ra mặt chuột".

Ngày Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ là ngày kỷ niệm kép; mừng đất nước bước vào kỷ nguyên Dân chủ và Tự do.

Hà Nội, ngày 10-11-2008
Quốc Hương

No comments: