Wednesday, November 12, 2008

LÀNG LUYỆN THÉP ĐA HỘI

Muôn nỗi mưu sinh
Cập nhật 12:33 ngày 12-11-2008
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=39&sub=127&article=134813
ND - Nhiều người quan niệm, kiếm được nhiều tiền thì sẽ giàu, cuộc sống sẽ no đủ, sung sướng. Nhưng không, ở làng luyện thép Ða Hội lại hoàn toàn ngược lại.
Họ giàu có nhưng luôn sống trong tiếng ồn, môi trường ô nhiễm, đường sá lầy lội và nỗi vất vả cứ chồng chất lên vai. Nơi đây cũng rất nhiều người ngoại tỉnh về bán sức lao động, vì thế mà cái nhịp sống cơ cực như ngày một gia tăng.

Vất vả làng thép


Hiện nay các làng nghề đang phát triển rất mạnh, nhưng hiếm có làng nghề nào bảo đảm được vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Trong mối lo ấy, tôi tìm về làng thép Ða Hội, thuộc xã Châu Khê, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Ðứng ở thị trấn Từ Sơn, hỏi đến làng Ða Hội chẳng ai lạ lẫm. Họ chỉ ngay vào con đường "khổ ải" dẫn vào làng, cách thị trấn chừng 2 km. Tôi cùng với chiếc xe cà tàng của mình tiến vào. Chẳng ngờ "khu công nghiệp" giàu có mà người ta giới thiệu cho tôi đang phục kích rất nhiều ổ trâu ổ bò.
Chiếc xe dã chiến từng theo tôi đi khắp trong nam ngoài bắc lại có dịp được ngụp lặn trong những vũng nước sâu đen sì trên con đường "độc đạo" vào Ða Hội.
Từ năm 1997 trở lại đây Ða Hội nổi tiếng là làng tỷ phú. Nghề luyện thép đã mang lại cho người dân ở đây những khoản thu nhập kếch xù mà nhiều người dân nơi khác có nằm mơ cả đời cũng chẳng thấy. Rất nhiều ông chủ sau khi giàu có ở làng "kéo quân" vào Sài Gòn mua đất, đầu tư làm xưởng luyện thép, vì trong đó có nguồn cung cấp sắt thép phế liệu vô cùng dồi dào. Tuy vậy, ở làng người ta vẫn tìm ra những ông chủ có số tài sản lên đến vài chục tỷ như bà Nam béo, ông Việt Bầm, anh Nam Tiến...
Quán nước đầu làng là một trong những địa chỉ cung cấp cho tôi khá nhiều chuyện. Chủ quán là ông già dễ gần, hay chuyện. Chẳng bao lâu tôi đã có thể hỏi ông rành rẽ chuyện mưu sinh ở làng. Ông nói: "Ðấy chú xem, cả làng cứ tấp nập như vậy từ ngày này qua ngày khác, từ sáng sớm tới khuya. Có những xưởng người ta còn làm cả đêm nữa". Tôi hỏi: "Nhưng hôm nay có điều gì đó hơi buồn thì phải". Ông chủ quán giải thích: "À, chú cảm thấy thế thôi. Ðúng là làng có người chết vì ung thư phổi".
Quan sát, thấy không khí ngôi làng có vẻ buồn hơn chút ít, nhưng chẳng vì vậy mà thưa thớt những người lao động. Họ vẫn đang cặm cụi làm việc, đánh gỉ sắt, kéo xe, đẩy than, bốc vác, chuyên chở... Cả một không gian đậm đặc một mầu mờ mờ ảo ảo như muốn bốc khói. Dọc hai bên đường, la liệt những đống than, những đống dây thép, những phế liệu chuẩn bị vào lò nấu. Ðặc biệt là có những con người mệt mỏi, dật dờ và nhem nhuốc.
Ông hàng nước chỉ tay về phía những người đang gò lưng kéo thép bằng xe cải tiến: "Tất cả mọi người trong làng chỉ nhăm nhăm làm kiếm tiền, kể cả ông chủ lẫn người làm thuê. Cho nên, môi trường sống bị đầu độc họ cũng thây kệ, như đó không phải trách nhiệm của mình. Làng có khoảng 500 hộ dân thì tương đương với nó là 500 xưởng. Phần lớn đều chật chội, lại phải chứa những cỗ máy kềnh càng. Làm việc nặng nhọc mà bảo hộ lao động không được chú ý đâu chú ạ!".
Trên con đường lầy lội, đầy ổ trâu ổ bò, những chiếc xe ô-tô đủ mọi kích cỡ vẫn ngày ngày ngược xuôi ngụp lặn trong những vũng nước, rù rì tha cái xác nặng nề của mình và cõng thêm sắt thép, than, xỉ, đá, cát xây dựng... Chúng nhúc nhích từng bước đến tội nghiệp.
Ðược biết, xưa kia đây là một ngôi làng có nghề rèn. Do cụ ông tên là Trần Ðức Huệ truyền cho. Khi đó, làng chủ yếu rèn các nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sau làng đi thu mua sắt vụn, thứ gì đem tận dụng rèn được thì rèn, còn sắt vụn thừa lại bán đi. Cho đến năm 1995, người Trung Quốc "ngửi" thấy Ða Hội có tiềm năng về sắt thép, họ cử người sang tư vấn, dạy cách luyện thép để thành thép cán, phôi thép và sắt dây như ngày nay. Có "tiền đề" này, người dân chớp lấy. Họ ra sức dựng xưởng luyện và trở nên giàu có như ngày nay.

Giàu nhưng không sướng


"Người dân ở đây có sướng không ạ?"- Tôi hỏi một ông già mà tôi không tiện nhắc tên. Ông thật thà nói rằng: "Giàu thì có giàu nhưng sướng thì chưa chắc. Lý do thì chú biết đấy, nhìn vào đường sá, không khí. Ðộ này mưa nên đường mới đỡ bụi. Chứ vào độ nắng dài, đường bụi mù mịt đen ngòm. Bởi vậy mà hầu hết người dân đi lại quanh đây phải dùng khẩu trang và đeo kính".
Tôi cũng hòa trong dòng xuôi ngược ấy và chẳng bao lâu từ quần áo đến phương tiện đi lại bị bao phủ một cái mầu sâm sẫm, đen đen và tôi tối đến rợn người. Con người mệt mỏi, cáu gắt, bước đi dật dờ. Dường như họ chỉ biết có mỗi công việc của mình. Rất hiếm tiếng cười nói, tiếng đùa. Chỉ có tiếng ầm ào của xe cộ, tiếng vận hành của máy dậm, máy cắt cùng tiếng quai búa, tiếng sắt gỉ bị nung chảy...
Từ nơi khác đến, nếu không quen thì sẽ rất khó sống. Âm thanh của ngôi làng cũng chẳng khác gì tiếng ầm ào ngoài đường phố. Vậy mà người dân ở đây cả đêm lẫn ngày, sống chung với bẩn, bụi và ồn. Lại nữa, đường lầy lội như vậy, những chiếc xe của làng vẫn ngày đêm nối đuôi nhau hoạt động, mà người ta không nghĩ đến chuyện đầu tư cho một con đường tử tế để tiện đi lại và sinh hoạt.
Tôi gọi đây là "khu công nghiệp" giữa vùng khổ ải. Ai chưa tin tôi, đến thì sẽ biết. Ðổi lại, họ lại no đủ, giàu có. Những ngôi nhà cao tầng sừng sững mọc lên, xen lẫn với những ngôi nhà tạm phên liếp lui cui dành cho người làm thuê. Ðó như một sự thật hiển nhiên.
Dù công việc vất vả, môi trường không bảo đảm, sống tạm bợ trong các dãy nhà ổ chuột, nhưng được làm thuê cho các ông chủ làng Ða Hội là mơ ước lớn của nhiều người ở những vùng quê nghèo khó. Ðơn giản là họ bất chấp nhọc nhằn, bất chấp sự ô nhiễm để có thu nhập cao, hơn hẳn nhiều nghề khác. Thường một người khỏe mạnh mỗi tháng cũng được sáu triệu đồng, có anh chịu khó được đến chín triệu đồng mỗi tháng. Nhiều gia đình đã "cõng" cả vợ lẫn con đi làm. Ðiều đó khiến dân số của làng tăng lên vùn vụt. Chả thế mà đi đường, tìm mãi không cho ra một người Ða Hội mà chủ yếu là dân tứ xứ tụ tập về. Họ được thuê làm công nhân và chủ phân loại họ ra để làm những công việc khác nhau.

"Quên đời cơ cực"


Ðồng tiền đã kéo những người làm thuê đến đây, bắt họ làm việc quần quật trong lò lửa nóng, bắt họ gò lưng kéo xe cải tiến với những khối sắt lớn, chưa kể những ngày mưa phải lội bì bõm trên con đường lầy lội khủng khiếp.
Con đường trục chính song song với sông con của làng mà theo người dân cũng đã được đổ đá nhiều lần, cao hơn trước đến hơn một mét, nhưng bị xe tải lớn nhỏ "cào" lên, rồi thành ra lồi lõm. Tăng dân thì phải có nhà ở, vậy nên mỗi nhà chủ lại làm thêm một cái lán tạm để cho công nhân ở. Cho nên, dọc bờ sông có hàng trăm cái nhà tạm mọc lên. Dăm bảy cọc bê-tông con con và tre nứa đóng xuống lòng sông để tạo "móng nhà". Rồi người ta dùng cót ép, phên nứa để bao bọc chung quanh.
Ðoạn sông này diễn ra những sinh hoạt thường ngày của hàng nghìn người, người ta trút tuốt tuột cặn sắt, xỉ than xuống khiến cho nước sông biến thành một mầu đen nhờ nhợ, sanh sánh. Nếu một khi nước sông dâng cao, những đồ do con người thải ra sẽ quay trở lại "hành hạ" họ là chắc chắn. Tôi được biết ở xóm Ðầm, xưởng của bà Hiền, hiện có 12 công nhân (chín nam, ba nữ) và tất cả họ sống chung trong một cái lán rộng chừng 12 m2, trung bình mỗi người 1 m2. Hai năm trước, tại xưởng của bà có đôi sống chung như vậy đã "ăn cơm" không cần kẻng. Sau đó phải về quê cưới nhau.
Lựa lúc những người làm thuê này nghỉ ngơi, tôi hỏi một số công nhân, họ cho biết: "Phần lớn dân lao động chúng em đổi bát mồ hôi lấy bát cơm ăn. Ðấy, anh đi khắp xem, chúng em lao động như vậy, tiếp xúc với sắt thép, với lò luyện vài nghìn độ mà chẳng có lấy cái gọi là đồ bảo hộ lao động". Một người khác tiết lộ: "Làng này tháng nào chả có vài vụ tai nạn lao động. Người thì bị sắt đè, người thì bị bỏng, có người thì bị cả đoạn dây thép vừa trong lò ra còn đỏ cắm vào mặt. Thật kinh khủng!".
"Ai cũng biết là cơ cực, là vất vả. Nhưng người lao động vẫn thích làm việc ở đây"- anh Chí, một lao động làm thuê đến từ Hải Dương cho biết. Anh tâm sự thêm rằng, có người đã làm đến bảy năm trời và còn chưa có ý định trở về quê hương, có lẽ họ định bám mãi ở mảnh đất này. Cũng bởi vì, họ không kiếm được một công việc nào cho ra lợi nhuận như thế. Nghề đi bốc vác, đi xây, gánh gạch cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt, nhưng thu nhập chỉ bằng phần nhỏ.
Ðối với những người làm thuê ở Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên... Ða Hội là ngôi làng để họ làm giàu, gửi gắm những ước mơ. Tôi bạo gan nói với họ rằng, hãy cẩn thận với môi trường lao động này, khi mà làng đã có rất nhiều người mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, bệnh ung thư. Dù vậy, dám khẳng định nhiều người sẵn sàng chấp nhận sự đe dọa của bệnh tật, chỉ để có tiền. Mà tiền thì dứt khoát không thể so với mạng sống.
Ra khỏi làng thép bằng đoạn đường cũ, gập ghềnh, xóc nảy óc, hình ảnh những người lao động lại đập vào mắt, nghĩ thật xót xa.

KHÁNH VĂN

No comments: