Friday, November 14, 2008

LÚA THÁI, LÚA MIÊN XÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Lúa Campuchia và Thái Lan xâm nhập sâu thị trường nước ta
Bài học về quy hoạch canh tác các giống lúa chất lượng cao
Thứ năm, 13/11/2008, 00:38 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2008/11/171594/

Lượng lúa chất lượng cao nhập từ Campuchia và Thái Lan về nước ta vẫn đang gia tăng cho thấy nhu cầu “ăn ngon” của người dân là rất lớn. Trong lúc ngậm đắng nhìn lúa, gạo ngoại lấn át ngay trên sân nhà, ngành nông nghiệp ĐBSCL mới sực tỉnh: cũng tại lâu nay chỉ chăm chăm lo xuất khẩu mà quên mất nhu cầu trong nước.

Mua bán rầm rộ

Trưa 11-11, có mặt tại khu vực gần cầu Xuân Tô (thị trấn Tịnh Biên, An Giang), chúng tôi tận mắt chứng kiến từng đoàn xe ba gác biển số Campuchia chất đầy lúa đậu thành dãy dài. Hai bên đường, đầy rẫy những đống bao lúa ngồn ngộn, bên cạnh là những tốp xe tải biển số các tỉnh xếp hàng. Cảnh cò kè ngã giá, mua bán diễn ra sôi động. Ông Nguyễn Văn Khoái, cán bộ địa phương, cho biết: “Nửa tháng nay, mỗi ngày lượng lúa bên Campuchia được đưa về nhiều hơn do ngày càng đông thương lái đến mua, nhu cầu cũng tăng mạnh”.

Đoàn xe ba gác chở lúa ngoại tiếp tục ùn ùn đổ qua trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu. Nhiều tốp ghé đổ hàng ở bãi đất trống cạnh chân cầu sắt. Trên dòng kinh Vĩnh Tế ghe tàu cũng neo đậu san sát quanh các gian nhà kho với cảnh lên xuống hàng tấp nập. Quanh khu vực này có ít nhất năm điểm thu mua lúa ngoại có “tầm cỡ”, mỗi điểm thường có một nhóm bốc vác riêng. Po Tha, một thanh niên Campuchia qua hành nghề tại đây cho biết, nhóm của anh có 30 người, mỗi ngày bốc được khoảng trên 300 tấn lúa xuống các ghe.

Những xe ba gác “siêu trọng” của Campuchia chờ đưa lúa lên xe tải của thương lái Việt Nam. Ảnh: Đ.TUYỂN
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269341_L3A.jpg


Ước lượng lúa nhập qua ngả cửa khẩu này trên 1.500 tấn/ngày. Ông Giang Lâm, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết lượng lúa nhập ấy đều của nông dân nước bạn tự gom lại đem qua Việt Nam bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi người bán hầu hết là dân lái buôn. Cánh chủ xe ba gác (mỗi chiếc chở 7 - 8 tấn lúa) thú nhận: mỗi chuyến xe chở lúa qua cửa khẩu họ đều thủ sẵn giấy tùy thân của nhiều người dân nước bạn để hợp thức hóa và “né” thuế. Lúa nhập về nước ta chủ yếu là loại hạt dài giống Khaodakmali (giống Thái Lan) và loại lúa sóc hạt nhỏ (giống Campuchia). “Tụi này phải lặn lội lên tận Ta Keo, Pusat, Kongpong Speui… mới mua được”, chị Si Tha, thương lái người Campuchia, nói.

Có cầu mới có cung

Theo quan sát của chúng tôi, có khá đông thương lái tận Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… đưa phương tiện lên Tịnh Biên mua lúa. Lúa Khaodakmali 5.300 đồng/kg, lúa sóc khoảng 5.000 đồng/kg. Hầu hết các thương lái đều mua về để xay bỏ mối chợ gạo, đưa về TPHCM, các thành phố, thị xã tiêu thụ. Đặc biệt, hiện có xu hướng người dân TPHCM thích gạo ngon Thái Lan và có thể tìm mua bất cứ lúc nào vì gạo Thái đã xuất hiện ở mọi quầy sạp bán lẻ. Khi được hỏi có mua lúa cao sản như IR50404, 3217… nhiều người lắc đầu. “Lúa ấy đem về xay gạo bán chậm lắm, ở đâu chẳng có, việc gì lặn lội lên tận biên giới xa xôi mua cho cực công lại tốn chi phí” - chị Lê Thị Tuyền, một thương lái ở Bến Lức, Long An kể.

Lúa gạo từ Campuchia được tập kết ở cửa khẩu Tinh Biên (An Giang) để đưa về các tỉnh.Ảnh: Đình Tuyển
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269363_L1A.jpg

Ông Trần Thanh Hào, một chủ kinh doanh lương thực lâu năm tại Tịnh Biên, cũng khẳng định như vậy. Ông Hào cho biết hai giống lúa ngoại của Thái và Campcuhia vốn cho gạo khá ngon cơm nên rất được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng lâu nay. Ngoài giới buôn gạo TPHCM và các tỉnh lân cận, nhiều người làm nghề hàng xáo tại địa phương cũng tranh thủ sang tận Campuchia thu mua lúa đem về nhà xay xát bỏ mối gạo chợ. Cùng với lúa, các loại gạo Thái Lan, gạo sóc Campuchia cũng đang đưa về nước ta khá lớn qua ngả biên giới Tây Nam như: thị xã Châu Đốc, các cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Xương (An Giang); Thường Phước (Đồng Tháp) và Hà Tiên (Kiên Giang).

Cần xem lại cơ cấu thị trường xuất khẩu và nội địa

Chuyện lúa gạo ngoại đổ vào vựa lúa xuất khẩu của cả nước vốn có từ nhiều năm nay. Campuchia có diện tích trồng lúa lớn, áp lực dân số không nhiều, xuất khẩu gạo ít nên việc trồng lúa còn khá “thong dong”, chưa cần chú ý đến số lượng. Ngược lại, ở nước ta, diện tích đất trồng lúa mỗi năm bị thu hẹp 40.000 ha (chuyển sang làm sân golf, khu công nghiệp…); trong khi đó, dân số mỗi năm “nở” thêm khoảng 1 triệu dân, tạo áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất lương thực nói chung và lúa nói riêng.

Điều cần biết, lúa Campuchia nhập sang nước ta đều có chất lượng tương đối cao. Thời gian canh tác của loại lúa này gần 6 tháng, mà năng suất tối đa cũng chỉ 2 tấn/ha. Thế nhưng ưu thế mà loại lúa này có được lại chính là chất lượng thơm, dẻo, ngon rất phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Đằng sau việc nhập lúa chất lượng cao ngay lúc thị trường trong nước đang trầm lắng, là do có nhu cầu thật sự. Để đáp ứng nhu cầu ấy, dân buôn sẵn sàng vượt dặm trường lên biên giới mua với giá 5.000 – 5.300 đồng/kg cũng dễ hiểu.
Mặt khác, cho đến nay thị trường xuất khẩu của Campuchia vẫn rất hẹp nên Việt Nam là đầu ra lý tưởng cho lượng lúa dư thừa, ngoài tiêu dùng. Đã mấy năm rồi, nông dân ĐSBCL chỉ tập trung trồng loại lúa cao sản IR50404, 3217… Nhu cầu loại gạo này trên thị trường rất hạn chế nên khó tiêu thụ. “Năm nay, cũng do dân mình chủ yếu canh tác giống lúa cấp thấp khiến nguồn cung lúa gạo ngon cho thị trường nội địa càng thiếu hụt”, chị Nguyễn Thị Kim Tuyết, một thương lái thường lên Tịnh Biên mua lúa về bỏ mối ở chợ gạo Bà Đắc (Tiền Giang), giải thích thêm.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng nhu cầu gạo cấp cao tiêu thụ nội địa rất lớn nhưng bấy lâu nay ĐBSCL lo chăm bẵm xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Do đó, ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp cần phải xem xét lại cơ cấu thị trường xuất khẩu và nội địa, cũng như cơ cấu lại diện tích trồng loại lúa chất lượng cao phù hợp.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: “Trong lúc lúa khó tiêu thụ thì việc nhập lúa ngoại này sẽ giúp ngành nông nghiệp các địa phương rút ra bài học về việc quy hoạch phát triển canh tác các giống lúa chất lượng cao, cũng như cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa”. Mặt khác, cũng cần phải nhìn nhận rằng, nhu cầu gạo chất lượng cao của người dân là hoàn toàn chính đáng. Không thể “ép” người dân phải sử dụng một loại gạo nào đó. Làm thế nào để tránh tình trạng đóng băng của thị trường lúa gạo nội như hiện nay cũng chính là câu hỏi lớn dành cho ngành nông nghiệp, thương nghiệp nước ta trong vụ mùa tới.

Đ.TUYỂN – TR.AN

No comments: