Friday, November 14, 2008

ĐÊ ĐIỀU : MỘT HẬU QUẢ LỊCH SỬ

MỘT HẬU QUẢ LỊCH SỬ…
Lại Nguyên Ân
12/11/2008
http://www.viet-studies.info/LaiNguyenAn_HauQuaLichSu.htm

Đối với trận mưa lụt lịch sử vừa qua ở vùng Hà Nội và đồng bằng miền Bắc, đã có một vài cắt nghĩa được nêu ra, trong đó dữ kiện tỏ ra đáng kể nhất là lượng mưa quá lớn trong một thời gian rất ngắn, v.v… Tuy vậy, trong chuyện này còn có cả một hệ quả lịch sử lâu dài mà chưa thấy ai nhắc đến. Ấy là việc xử lý quan hệ giữa đồng bằng và các dòng sông.

Ai cũng biết quy luật nước chảy chỗ trũng. Vậy thì mưa xuống, nước phải chảy ra ruộng, ao, hồ, sông, suối. Thế mà với đợt mưa này, người ta lại được chứng kiến một nghịch cảnh: nước sông Hồng nhiều lắm cũng chỉ trên mức báo động 1, tức là nước sông suốt thời gian trận mưa này vẫn khá vơi, một vài con sông khác thậm chí còn được xem là đang cạn. Chính lúc đó, nước trong phố Hà Nội lại ngập từ nửa mét đến một vài mét, nước ở nhiều điểm phía tây Hà Nội (vùng Chương Mỹ thuộc Hà Tây cũ) sau mưa hơn một tuần rồi vẫn còn ngập sâu hàng mét. Tóm lại: dưới sông đang cạn mà nước trong đồng thì lại quá đầy. Trớ trêu là nước trong phố trong đồng lại không thể chảy xuống sông Hồng và các sông khác để trôi ra biển!
Vì sao? Chính vì các con đê đã có từ hàng mấy trăm năm nay!

Trận mưa lụt, như vậy, khiến chúng ta dù sao cũng phải nghĩ thêm về mặt trái của đê điều ở đồng bằng miền Bắc.

Một số chuyên gia địa chất nhắc chúng ta một thứ “quy tắc” của tự nhiên, ấy là: dòng sông tạo ra đồng bằng phải được “chung sống” với chính cái đồng bằng mà nó tạo ra (như các sông ở miền Bắc và đồng bằng Bắc Bộ), nghĩa là về mùa mưa hằng năm, nước sông phải được dâng lên phủ khắp lưu vực của nó (tùy lượng mưa từng năm), nhân đó mỗi năm bồi đắp thêm cho đồng bằng của nó một lớp đất màu. Quy tắc này không nên bị quên, không nên bị làm ngược, nhất là khi loài người đã bước vào thời hậu công nghiệp, khi loài người thấy cần tôn trọng tự nhiên hơn là chế ngự, làm ngược lại với nó.

Về mặt này, phải nhận rằng, chính hệ thống đê điều sông Hồng và các sông ở Bắc Bộ đã được tạo ra theo hướng đi ngược quy tắc trên.

Khi người ta ngăn cách lòng sông với đồng bằng của nó bằng những con đê, thì cùng với việc ngăn nước lụt từ sông, người ta cũng luôn thể ngăn lượng phù sa vừa có tác dụng bồi thêm màu mỡ vừa có tác dụng nâng cao nền đất. Chưa hết: với con đê ngăn cách đó, nước trong đồng không thể chảy ra sông, dù đó là các trận mưa nhỏ hay các trận mưa lớn như trận mưa gọi là “lịch sử” vừa qua.

Tất nhiên ban đầu, đê điều chỉ được đắp từng quãng, nhằm bảo vệ những vùng nhất định cần ưu tiên bảo vệ, ví dụ thành quách, kho tàng, làng mạc, v.v… Nhưng, trải hàng trăm năm, hệ thống đê điều càng ngày càng được hoàn thiện thì hầu hết các con sông đều được chắn kín bằng các con đê chạy song song hai bên sông ra tới gần cửa biển. Nước cao mùa lũ bị đê điều che chắn, không thể dâng lên vùng đất đồng bằng do nó tạo ra; hệ quả là đồng bằng không được bồi thêm phù sa, trong khi đáy các con sông càng ngày càng bị nâng cao lên, do lượng phù sa chỉ có thể đọng lại ở đáy sông. Không chỉ trong giới các nhà kỹ thuật, ngay trong dân gian người ta từ lâu cũng biết rằng “cốt” đáy sông Hồng cao hơn mặt sân ga Hàng Cỏ! Vậy mà hệ thống đê của sông Hồng và của các con sông khác luôn luôn đứng trước nhu cầu phải được tôn cao thêm lên mỗi năm. Rốt cuộc các sông, nhất là Hồng, về mùa lũ sẽ có hình thế giống như những máng nước khổng lồ treo cao trên đồng ruộng làng mạc Bắc Bộ. Đê vỡ là một nguy cơ thường trực, trong khi đó, còn có một hiện thực thường xuyên đã khó thay đổi là các vùng rốn trũng (mà địa danh Bình Lục chỉ là một trong rất nhiều rốn trũng khác) từ lâu đã bị tước mất cơ hội được bồi đắp phù sa, được nâng cao “cốt” nền.

Nguyễn Trường Tộ (1827 – 71) có lẽ là người Việt đầu tiên nhận ra mặt trái của hệ đê điều ở đồng bằng Bắc Bộ. Chủ trương đắp đê quai vạc của các triều đại trước, theo ông, là bắt chước theo lối “nhai lại mà không tiêu hoá” hệ đê sông Hoàng Hà của Trung Hoa. Không phải ngẫu nhiên hồi những năm 1920, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã toan phá bỏ hệ thống đê sông Hồng. Tất nhiên rồi họ cũng phải mãi mãi từ bỏ dự định ấy, tức là cũng bó tay trước hậu quả lâu dài do lịch sử đắp đê hàng trăm năm của xứ này để lại.

Cho đến thời chúng ta, hệ thống đê điều ở đồng bằng Bắc Bộ đã là cả một định chế, − một hệ quy hoạch kiến trúc nữa − không thể thay đổi. Thậm chí nếu không có một động thái làm lộ diện như trận mưa lịch sử vừa rồi thì ít ai trong đám hậu thế chúng ta còn nhận ra mặt trái, tức là tác hại, của việc xây dựng các con đê ngăn đồng bằng với các dòng sông.

Giờ đây, Hà Nội chỉ còn trông cậy vào các trạm bơm, thêm vài ba bốn năm sáu trạm bơm như trạm bơm Yên Sở càng tốt, có điều, lại phải cần thêm nhiều nguồn điện hơn nữa, có thể lại phải làm thêm nhiều đập thủy điện hơn nữa. Cả một vòng luẩn quẩn khó thoát ra.

Nhân dịp ôn lại bài học về tác hại của đê điều như một hậu quả do lịch sử để lại, điều còn tính thời sự có lẽ là nhắc nhở rằng, giới quản lý xã hội và cả giới kỹ thuật nữa, đừng đem “tư duy sông Hồng” áp đặt cho hệ thống sông Cửu Long, rằng sống với “mùa nước nổi” vẫn là cách thức hay nhất, hợp thời đại nhất, đối với đồng bằng sông Cửu Long.


12/11/2008
LẠI NGUYÊN ÂN

No comments: