Thursday, November 6, 2008

HOA KỲ và NHỮNG THÁCH ĐỐ

Hoa Kỳ và những Thách Đố
Việt Long, phóng viên RFA
2008-11-05
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-Worst-to-Come-11052008135017.html
Hoa Kỳ vừa có tổng thống mới, được bầu lên giữa cơn khủng hoảng tài chính nặng nhất từ mấy chục năm nay
Bất cứ ai đắc cử cũng gặp rất nhiều vấn đề kinh tế trước mắt và trong lâu dài, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định như vừa kể qua cuộc trao đổi sau đây cùng Việt Long trong tiết mục chuyên đề hàng tuần của Diễn đàn Kinh tế.

Những thực tế u ám đang chờ đợi lãnh đạo Hoa Kỳ


Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta thực hiện chương trình này khi dân chúng Hoa Kỳ đi bầu giữa một cơn khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất từ mấy chục năm nay.
Vì vậy, xin đề nghị là chúng ta sẽ nhìn xa hơn vào tương lai, xem lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ xử trí ra sao với những vấn đề kinh tế trước mặt. Câu hỏi đầu tiên là ông tổng kết thế nào về cuộc bầu cử năm nay?

- Cuộc tổng tuyển cử năm nay đặc biệt hào hứng và gay cấn cho tới ngày cuối vì có quá nhiều yếu tố bất ngờ mà không ai tiên đoán được. Đây cũng là cuộc tranh cử tổng thống dài nhất và tốn nhất và cho thấy nhiều ưu điểm lẫn nhược điểm của nền dân chủ Mỹ.
Cho dù hai đảng chính có lắm khác biệt cơ bản về lập trường thì càng gần đến ngày phải lãnh đạo, chủ trương đôi bên đều dời vào giữa, và sẽ tới một điểm tương đồng, là cùng bị thực tế thách đố nặng.

Hỏi: Ông nói tới "thách đố" của thực tế, nghĩa là những vấn đề đang chờ đợi giới lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử này?
- Tôi muốn nói tới thực tế u ám đang chờ đợi lãnh đạo Hoa Kỳ do nhiều vấn đề tích lũy từ lâu chứ chẳng riêng gì vì vụ khủng hoảng tài chính thực ra đang lui dần. Trong mùa tranh cử, người ta cứ phải tóm lược cách chẩn đoán bệnh tình và nêu kế hoạch giải quyết bằng khẩu hiệu dễ nhớ, chứ vấn đề thực tế còn phức tạp và khó khăn gấp bội. Chúng ta sẽ cố trình bày sự thể ấy một cách dễ hiểu cho mọi người vì vấn đề của nước Mỹ cũng sẽ là vấn đề của thế giới.

Hỏi: Dù sao, xin yêu cầu ông trình bày khái quát những giải pháp mà đôi bên đã đề nghị trong cuộc tranh cử này.
- Khi tranh cử, cả hai đảng đều trước hết củng cố hậu thuẫn của thành phần trung kiên dưới cơ sở, thiên tả bên đảng Dân Chủ và thủ cựu bên đảng Cộng Hoà - chữ thủ cựu hay bảo thủ tại Mỹ không có ý tiêu cực như dư luận bên ngoài thường nghĩ.
Sau đó, càng gần ngày bầu cử, đôi bên càng điều chỉnh lập trường cho ôn hòa hơn vì bất cứ ai lãnh đạo cũng phải hội đủ một đa số trung dung và tách khỏi lập trường cực đoan lúc ban đầu. Do đó kế hoạch kinh tế của hai đảng cứ phải thường xuyên thay đổi. Sau khi đắc cử, người ta sẽ còn đổi nữa vì sẽ đụng vào thực tế kinh tế khác hẳn với lý luận chính trị khi tranh cử.
- Thứ hai, trong hoàn cảnh hiện tại, ngoài vấn đề chiến tranh mà người Mỹ đã quên, Hoa Kỳ có hai bài toán cấp bách là nạn ách tắc tín dụng và nguy cơ suy trầm kinh tế. Đối với chuyện cấp bách ấy, bất cứ đảng nào lên lãnh đạo thì cũng chỉ có bốn hướng giải quyết khá cổ điển mà thôi.

Bốn biện pháp căn bản phải áp dụng

Hỏi: Ông cho rằng bất cứ đảng nào lên cầm quyền thì cũng chỉ có bốn hướng giải quyết thôi, nếu vậy, sự khác biệt giữa hai chủ trương đó nằm ở đâu và trước tiên, bốn hướng ấy là gì?
- Ta có thể thấy ra bốn hướng theo tiêu chuẩn thời gian công hiệu từ nhanh đến chậm. Hệ thống tài chính Hoa Kỳ bị can kiệt thanh khoản và cơ sở kinh tế bị nguy cơ đình đọng, vì vậy, hướng giải quyết trước tiên là tiền tệ. Cách cụ thể là bơm thêm tiền vào kinh tế để nâng mức lưu hoạt tiền tệ và giúp các cơ sở sản xuất có nguồn tài trợ.
Chức năng bơm tiền này là do một cơ chế độc lập quyết định, là hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. Họ đã thi hành việc đó từ tháng Bảy năm ngoái với quyết định hạ lãi suất và sau đó mở ra nhiều cửa tài trợ khác cho các ngân hàng, nếu cần, họ sẽ còn tiếp tục sau khi đã hạ thêm lãi suất vào tuần qua. Những biện pháp tiền tệ ấy đang có kết quả, bất kể ai đang hay sẽ lãnh đạo nước Mỹ.
- Hướng giải quyết thứ hai, công hiệu chậm hơn, là biện pháp ngân sách. Nôm na là lấy tiền từ công khố đưa thẳng cho dân xài để nâng mức cầu. Đầu năm nay, biện pháp ấy được áp dụng với hậu thuẫn của cả hai đảng.
Khác biệt nếu có là đảng Dân Chủ muốn bơm nhiều tiền hơn vào kinh tế qua ngả tăng chi ngân sách ấy, đảng Cộng Hoà thì dè dặt hơn vì sợ ngân sách bị bội chi. Trong hoàn cảnh nguy khốn ngày nay, khác biệt ấy không đáng kể và nếu đảng Dân Chủ chiếm đa số lớn hơn tại Quốc hội sau ngày bầu cử, thì biện pháp bơm tiền để kích cầu sẽ được áp dụng nữa.

Hỏi: Đó là hai hướng giải quyết đầu tiên với một khác biệt nhỏ giữa hai đảng về ngân khoản nhiều hay ít của công quỹ sẽ bơm vào kinh tế. Còn hai hướng kia là gì?
- Để kích thích sản xuất khi kinh tế bị đình trệ, người ta có thể hạ thuế cho các cơ sở sản xuất. Đảng Cộng Hoà có xu hướng ngả theo giải pháp này, kết hợp với giải pháp tiền tệ vừa nói ở trên. Ngược lại, đảng Dân Chủ lại thiên về hướng thứ hai ở trên và hướng thứ tư mà ta sẽ nói. Nhưng, cũng do nguy cơ suy trầm, đảng Dân Chủ đã điều chỉnh lập trường cố hữu là tăng thuế để tăng chi.
Họ chỉ tăng thuế thành phần có tiền nhưng giảm thuế cho giới bình dân. Càng cận ngày bầu cử thì họ càng nhấn mạnh đến đề nghị giảm thuế nên đấy là đề tài tranh luận gay gắt nhất trong mấy tuần cuối của cuộc tranh cử.
Thực tế thì những hứa hẹn bên Dân Chủ như tăng chi, mở rộng chế độ bảo hiểm y tế và đồng thời giảm thuế đều có giới hạn vì ngân sách Hoa Kỳ không có khả năng ấy. Bên đảng Dân Chủ còn đòi đánh thuế các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài vì làm công nhân Mỹ mất việc, là biện pháp bảo hộ mậu dịch bất công, khó thi hành và thực tế chả đóng góp gì cho việc tạo thêm việc làm cho dân Mỹ.
- Sau cùng, người ta còn hướng giải quyết chậm có tác dụng nhất, đó là tăng chi cho các dự án đầu tư công cộng để vừa tạo thêm công ăn việc làm vừa nâng cao sản xuất. Đây là chủ trương cổ điển của đảng Dân Chủ, khác với chủ trương bên đảng Cộng Hoà là nhà nước không nên gia tăng công chi vào các dự án công ích mà nên khai thông ách tắc hành chính để tư doanh dễ dàng thực hiện các dự án của họ.
Trong hiện trạng vừa khủng hoảng vừa tranh cử, cả hai bên đều chưa nói tới cái hướng giải quyết thứ tư này. Thật ra, cái hướng ấy cũng sẽ sớm đụng vào thực tế kinh tế. Mà thực tế kinh tế ấy mới là vấn đề còn nguy kịch hơn nhiều.

Kinh tế Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều phức tạp trong tương lai

Hỏi: Chúng ta bước qua phần hai. Hình như ông tin rằng tình hình kinh tế Hoa Kỳ còn u ám hơn những gì đã được các chính khách báo động trong mùa tranh cử này và lãnh đạo mới của Mỹ sẽ sớm gặp thực tế ấy. Vấn đề ấy là gì vậy?
- Tình hình u ám là trong trường kỳ, chứ trong không khí tranh cử, ai cũng phải nói tới giải pháp trước mắt cho các vấn đề mà cử tri đang thấy nhạy cảm nhất. Về thực tế, Hoa Kỳ có ngân sách quãng 3.000 tỷ đô la với nhiều tiết mục công chi không thể cắt được nên mọi giải pháp đều xoay quanh một khoản dự chi là 7-8 trăm tỷ và cùng lắm là một khoản nhỏ vài chục tỷ cắt giảm từ ngân sách quốc phòng như đảng Dân Chủ đề nghị.
Trong khi ấy, thực tế là Hoa Kỳ đang ở trong thời chiến và ngân sách bị bội chi nặng, khiếm hụt tới 455 tỷ vào năm nay và sẽ còn tăng vào năm tới vì những biện pháp cứu vãn hay kích cầu vừa qua. Đây là vấn đề ngắn hạn của một vài năm.
- Nhìn rộng ra, từ sau 1975 đến nay, Hoa Kỳ thường xuyên bị bội chi ngân sách nên mới phải đi vay, và dù là một phần vay của chính ngân khố tức là tay phải vay tay trái, số quốc trái ấy vẫn quá cao, lên tới 10 ngàn tỷ đô la và đòi hỏi chừng 240 tỷ để trả tiền nợ.
Sau vụ khủng hoảng tài chính rồi nạn suy trầm - dù không nặng như vụ Tổng khủng hoảng thời 1929-1933 - Hoa Kỳ sẽ mắc nợ nhiều hơn nữa. Cả bốn hướng giải quyết ta vừa nói ở trên sẽ không thể vượt ra khỏi bài toán nợ nần. Cho nên dù có hứa hẹn rất nhiều khi tranh cử, lãnh đạo mới của Hoa Kỳ sẽ không thể rộng tay giải quyết được vấn đề. Mà chưa hết!

Hỏi: Ông nói tới 10 ngàn tỷ quốc trái, là một con số rất lớn, vậy mà ông cho là chưa hết vấn đề?
- Hãy lấy giả thuyết là cả ngàn tỷ vừa tung ra để cấp cứu hệ thống ngân hàng và hệ thống sản xuất kinh tế, sau này, ngân khố Mỹ vẫn có thể thu hồi lại một phần lớn của ngân khoản ấy khi kinh tế trở lại bình hoà. Cho nên tranh luận về bội chi nhiều hay ít, tăng hay giảm thuế ít hay nhiều, cho những ai, là loại vấn đề đoản kỳ hay trung hạn của các chính khách trong vài năm tới.
- Nhìn về dài và kể từ năm nay, 2008, một thế hệ những người sinh sau Thế chiến II, Mỹ gọi là "Baby-boomers", những người sinh từ năm 1946 đến 1964, bắt đầu đến tuổi về hưu. Thành phần này có dân số khoảng 78 triệu, họ sẽ sản xuất ít dần và sống nhờ quỹ hưu bổng, An sinh Xã hội và có yêu cầu cao hơn về chăm sóc sức khoẻ trong suốt 17 năm tới.
Trong cuộc tranh cử vừa kết thúc, không ai dám nói đến hai cái quỹ An sinh Xã hội và Medicare, vốn thu tiền từ thành phẩn sản xuất để chi trả cho những người về hưu hay cao niên cần dịch vụ y tế.
Quỹ này đang cạn dần vì số thu không đủ cho số chi trong khi sẽ phải chi ra chừng 40 ngàn tỷ nếu giữ đúng cam kết của mình. Hãy so sánh con số đó với gánh nặng quốc trái là 10 ngàn tỷ thì ta rõ kích thước vấn đề.
Đã thế, số chi có khi còn tăng do những hứa hẹn gọi là "giảm thuế" của cuộc tranh cử vừa qua. Cho nên Hoa Kỳ bị đe dọa phá sản còn nguy kịch hơn vụ khủng hoảng vừa qua mà ít ai dám nói tới!

Hỏi: Thính giả có thể ngạc nhiên vì sao một siêu cường như Hoa Kỳ lại lâm vào hoản cảnh nguy kịch như vậy. Ông có thể giải thích ngắn gọn về nguyên nhân được không?
- Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại vấn đề này. Nói cho gọn, một nguyên nhân chính là dân số thì tất cả các nước công nghiệp hoá đều gặp vì tỷ lệ người cao niên gia tăng đều so với dân số sản xuất. Hoa Kỳ bị ít nhất là nhờ chính sách tiếp nhận di dân nên dân số không bị lão hóa nhanh. Ngược lại, Hoa Kỳ bị vấn đề văn hoá với ảnh hưởng vào chính trị là mất dần phản ứng tiết kiệm mà họ đã có từ thời lập quốc nêu dân tiêu xài và chính khách hứa hẹn mà bất kể ngày mai.
Vụ bể bóng tín dụng thứ cấp vừa qua là một thí dụ và thật ra còn nhỏ về kích thước so với vụ bể bóng sắp tới về an sinh và y tế. Cho nên, lãnh đạo mới của Hoa Kỳ, bên Hành pháp và Lập pháp, sẽ còn phải đối phó với vấn đề ấy, nếu họ có viễn kiến.

No comments: