Saturday, November 22, 2008

HỘI NGHỊ APEC THỨ 16

Trọng tâm của APEC là chống lại xu thế bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh thế giới có khủng hoảng
Đức Tâm
Bài đăng ngày 21/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 21/11/2008 15:43 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1651.asp
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, APEC, lần thứ 16 khai mạc ngày mai, 22/11 tại Lima thủ đô Perou, với sự tham dự của nguyên thủ và đại diện Nhà nước, chính phủ của 21 thành viên

Châu Á- Thái Bình Dương sẽ đóng tích cực vai trò thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, kiên quyết chống lại mọi xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trên đây là nội dung tinh thần thông cáo chung được công bố ngày hôm qua, sau cuộc họp cấp bộ trưởng Diễn đàn Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương.

Giải pháp hữu hiệu chống lại khủng hoảng ?

Theo giới quan sát, Diễn đàn APEC lần này diễn ra trong bối cảnh có khủng hoảng tài chính toàn cầu và đình đốn kinh tế trên thế giới. Do vậy, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ đưa ra lời kêu gọi tiếp tục mở cửa thị trường, phát triển thương mại thế giới và coi đây là giải pháp hữu hiệu chống lại khủng hoảng.
Được thành lập năm 1989 với mục tiêu khuyến khích tự do trao đổi mậu dịch trên thế giới, khối APEC bao gồm một thị trường 2,6 tỷ người, tương đương 41% dân số thế giới, chiếm 61% tổng sản phẩm nội địa, PIB, toàn cầu và 47% thương mại thế giới.

Chính vì vậy, trong bản thông cáo chung, các bộ trưởng APEC khẳng định, xin trích “Chúng tôi sẽ có một lập trường cứng rắn chống lại mọi ý định bảo hộ mậu dịch nẩy sinh do khủng hoảng và chúng tôi sẽ duy trì tiến trình cải cách, tự do hóa kinh tế, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư”. Hết lời dẫn.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Susan Schwab đã tuyên bố là một trong những ưu tiên của Mỹ tại diễn đàn APEC lần này là thúc đẩy việc thành lập một khu vực tự do trao đổi thương mại cho châu Á-Thái Bình Dương. Người kế nhiệm tổng thống George Bush là ông Barack Obama ủng hộ tự do hóa thương mại nhưng phê phán các thỏa thuận của Mỹ với một số nước APEC là không có lợi, làm tăng số người thất nghiệp tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, bà Schwab nhận định là tổng thống mới của nước Mỹ, ông Obama vẫn sẽ tiếp tục thực thi những thỏa thuận tự do mậu song phương vì mọi ngưòi đã rút ra được những bài học sau cuộc đại suy thoái trong những năm 30 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia đã phạm sai lầm khi tăng mức thuế quan.

Về phần mình, ông Alan Garcia, tổng thống Perou, nước đón tiếp diễn đàn nhận định APEC là công cụ tốt nhất chống lại khủng hoảng thế giới. Theo ông, “vào thời điểm hiện nay, kinh tế các nước ven bờ Thái Bình Dương là tự do nhất, rộng lớn nhất và có mức độ trao đổi hàng hóa nhiều nhất. Nền kinh tế này tăng nhanh nhất và sẽ trở thành động lực giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng”.

Những tuyên bố trên đây được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 họp tại Washington đã kêu gọi phải nhanh chóng hoàn tất vòng đàm phán Doha về tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, sau khi khẳng định lại quyết tâm kết thúc vòng đàm phán Doha vào cuối năm nay, các bộ trưởng APEC đã kêu gọi sự ủng hộ của lãnh đạo các nước thành viên, đặc biệt là tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc.

Cuối tuần này, các quan chức trong Tổ chức Thương mại Thế giới họp tại Geneve, Thụy Sĩ để soạn thảo một văn bản mới, làm cơ sở cho vòng đàm phán Doha sắp tới. Các cuộc thương lượng về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ Tổ chức Thương Mại Quốc Tế, WTO, bắt đầu từ tháng 11 năm 2001 tại Doha, thủ đô Qata. Qua nhiều vòng đàm phán, các nưóc giầu và nghèo vẫn không đạt được đồng thuận về các điều kiện mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và chế biến.

Vẫn còn bất đồng sâu rộng

Vòng đàm phán đã phải ngưng lại hồi tháng bẩy vừa qua, do những bất đồng nghiêm trọng, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ về cách thức bảo vệ những nông dân nghèo trước xu thế toàn cầu hóa kinh tế.
Như vậy, có thể nói, G 20 cũng như APEC lần này tại Perou cho thấy rõ quyết tâm chính trị của các nước muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng thông qua việc thúc đẩy tự do trao đổi mậu dịch toàn cầu. Tuy nhiên, liệu các nước có chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế hay không, thì đó lại là một chuyện khác.
Được hỏi về khả năng Ấn Độ có lập trường uyển chuyển hơn trong vòng đàm phán Doha, đại diện thương mại Mỹ nhắc lại là thủ tướng Manmohan Singh đã tham dự hội nghị G20 và ký thông cáo chung của hội nghị kêu gọi hoàn tất vòng đàm phán Doha. Thế nhưng, trong tuần, bộ trưởng thương mại Ấn Độ Kamal Nath đã nói rằng tất cả tùy thuộc vào lập trường của các nước trước các mối lo ngại của New Delhi.


Lãnh đạo Mỹ-Trung hội kiến tại Apec
22 Tháng 11 2008 - Cập nhật 03h29 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/11/081122_bush_hu_apec.shtml
Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Apec) tại Peru.
Hai vị lãnh đạo đã thảo luận nhiều chủ đề, trong có chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cuộc họp thượng đỉnh Apec năm nay tập trung bàn biện pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế thế giới.
Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Bush trong vai trò tổng thống Mỹ.
Mục tiêu chính của ông trong hội nghị lần này là thúc đẩy các lãnh đạo 20 quốc gia Apec khác tìm ra biện pháp khắc phục khủng hoảng.
Ông cũng mong muốn tăng tốc cho quá trình giải trừ hạt nhân ở Bắc Hàn với một cuộc họp sáu bên có thể sẽ được triệu tập tại Bắc Kinh vào cuối năm nay.
Người phát ngôn của chính phủ Mỹ nói hai ông Bush và Hồ Cẩm Đào đã thảo luận cách xác thực các tuyên bố về hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trong khi ở Lima, ông Bush cũng sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Nga, Nhật Bản và Nam Hàn, đều là các quốc gia tham dự đàm phán sáu bên.

Tình hình ảm đạm
Tổng thống Bush cũng yêu cầu các quốc gia Apec khác ký vào tuyên bố chung mà nhóm 20 nước lớn đã đưa ra hồi tuần trước nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Khối G20 đã đạt thống nhất ở cuộc họp Washington về các biện pháp ngăn chặn hệ thống kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Họ cũng thỏa thuận tăng cường đàm phán tự do thương mại và cải cách các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Bush đã tới Lima vào đúng lúc thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong suốt một thập niên và ngành sản xuất xe hơi Mỹ vẫn chưa đạt thỏa thuận cứu trợ.
Bà Perino nói hai ông Hồ và Bush đã "tiếp tục cuộc thảo luận về tình hình tài chính toàn cầu, nhu cầu chấm dứt bảo hộ và thiết lập thỏa thuận khung cho vòng đàm phán Doha".
Phát biểu tại Lima hôm thứ Sáu, Chủ tịch Trung Quốc nói tình hình khá ảm đạm nhưng tỷ lệ tăng trưởng mạnh tiếp tục ở nước ông có thể giúp bình ổn tài chính thế giới.
Ông Hồ nói với các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị: "Sự phát triển kinh tế vững chắc và nhanh chóng tại Trung Quốc bản thân nó đã đóng góp mạnh cho ổn định kinh tế thế giới".
Hiện diện của ông Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên có mặt tại Peru, đã làm lu mờ sự xuất hiện của ông Bush, nhất là khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước Mỹ Latin đang ngày càng lớn.

BÀI LIÊN QUAN
APEC tìm cách cứu tài chính thế giới
21 Tháng 11, 2008 Trang chủ


VN-Venezuela ký thỏa thuận hợp tác
21 Tháng 11 2008 - Cập nhật 07h09 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081121_venezuela.shtml
Việt Nam và Venezuela vừa ký 15 thỏa thuận hợp tác về công nghiệp và năng lượng nhân chuyến thăm của chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Đây là chuyến thăm Venezuela đầu tiên của chủ tịch nước Việt Nam.
Ông Triết đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Hugo Chavez hôm thứ Năm, ngay trước cuộc bầu cử địa phương được xem như trưng cầu tín nhiệm cho các chính sách xã hội của ông Chavez.
Chủ tịch nước Việt Nam cũng đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela Cilia Flores và có bài phát biểu trước toàn thể Quốc hội Venezuela.
Ông Triết nói: "Tôi đã chứng kiến tận mắt đất nước Venezuela và tiến trình cách mạng diễn ra ngày hôm nay. Chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ chiến thắng tại đất nước của chúng ta".
Về phần mình, tổng thống Chavez nói người dân Venezuela ngưỡng mộ chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quan hệ giữa hai bên đang được tăng cường kể từ chuyến thăm của ông Chavez tới Việt Nam năm 2006. Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh cũng đã tới Venezuela năm 2007.


Thỏa thuận hợp tác
Hãng thông tấn Pháp Agence France-Presse trích lời các quan chức Venezuela cho hay hai nước đang có kế hoạch thiết lập một quỹ phát triển chung giống như mô hình mà Venezuela đã thực hiện với Trung Quốc và Iran.
Việt Nam và Venezuela đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1989. Cán cân thương mại hai chiều đạt 11,7 triệu đôla trong năm ngoái.
Tập đoàn PetroVietnam hiện đang tham gia khai thác với công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA tại khu vực Orinoco với thỏa thuận tăng sản lượng lên 200.000 thùng/ngày.
Đây là một trong 15 thỏa thuận hợp tác mới ký nhân chuyến thăm của ông Triết.
PDVSA cũng nhắm tới việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã rời Caracas lên đường đi Lima, Peru, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

No comments: