Tuesday, November 18, 2008

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC CHẠY SÔ

Giảng viên ĐH 'đắt sô'
Cập nhật lúc : 8:54 AM, 17/11/2008
http://www.baodatviet.vn/Home/Giang-vien-DH-dat-so/200811/21373.datviet
Các ĐH ở Hà Nội thiếu trầm trọng giảng viên nên phải mời thầy cô ở nơi khác. Dù quá tải ở trường chính, nhưng khi nhận được lời đề nghị, nhiều người không nỡ từ chối.
Nghịch lý này đang tồn tại ở các ĐH. Giảng viên chạy sô ở các trường khác, còn trường nơi họ làm việc phải thuê giảng viên thỉnh giảng.

Cầu vượt xa cung

“Tôi rời nhà lúc 6h30 và trở về sau 21h. Thời gian làm việc của một giảng viên vượt quá số giờ hành chính”, Thạc sĩ Hà Huy Phượng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC-TT) cho biết. Ngoài công việc dạy chính ở trường, thầy Phượng còn “chạy sô” ở bốn trường khác là ĐH Văn hóa, ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn (KHXHNV), ĐH Sư phạm (SP), CĐ Sư phạm Trung ương (SPTƯ).

Khoa Báo in, Học viện BC-TT có 18 cán bộ, nếu trừ cán bộ văn phòng, tập sự, thì chỉ còn 10 giảng viên trực tiếp đứng lớp. Vì vậy, mỗi năm, giảng viên trong khoa thường dạy vượt 500 - 700 tiết.

Triết học, Anh văn, Tin học… là môn bắt buộc tại bậc ĐH. Giảng viên của môn này thường được các trường “săn đuổi”. Thạc sĩ Phạm Hoàng Giang (Giảng viên khoa Triết học, ĐH KHXHNV HN) nhận được nhiều lời “chào mời” thỉnh giảng của trường khác. Với khối lượng công việc khổng lồ “đè” lên vai, thầy Giang phải từ chối. Thông thường, ở khoa Triết của ĐH KHXHVN HN, giảng viên dạy vượt 500 tiết một năm, còn ở ngành kinh tế ĐH Thăng Long, số giờ lên lớp của giảng viên lên đến 720 tiết một năm.

Tiến sĩ Phạm Quang Vinh (Giảng viên khoa Kinh tế Phát triển, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Nhà tôi ở cách trường 20 km, nên hôm nào dạy tại chức thì hơn 22h mới về tới nhà”. Thầy Vinh đảm nhiệm bộ môn kinh tế vĩ mô ở các trường thành viên của ĐH Quốc gia. Trước đây, thầy nhận lời thỉnh giảng ở ĐH Ngoại thương, nhưng công việc dạy tại trường chính quá căng nên phải từ chối.

Chất lượng tỷ lệ nghịch với số lượng

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Khắc Hiệp, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng, nhà trường khó quản lý được giảng viên, có chăng chỉ có khoa nắm được việc “chạy sô”. Nhưng nếu cán bộ được mời thỉnh giảng với tư cách cá nhân thì đành chịu.

Thạc sĩ Phượng cho biết, giảng viên thỉnh giảng thường đến trễ vì quá bận. Đôi khi họ bận đột xuất thì lớp học phải giải tán. Nhiều lúc giảng viên chính phải thế vai, khi giảng viên thỉnh giảng không đến được lớp.
Ngày thường, lịch của giảng viên ở các trường công lập kín, nên các trường ngoài công lập tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần để mời giảng viên bên ngoài đứng lớp. ĐH Thăng Long khi mới thành lập phải “sống” nhờ 100% giảng viên thỉnh giảng. Dù tuyển được giảng viên cơ hữu, nhưng giảng viên thỉnh giảng vẫn được ưu tiên.

Tiến sĩ Đặng Kim Nhung, Phó Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, cho biết: “Các giảng viên thỉnh giảng hầu hết dạy vào cuối tuần. Do dạy vào ngày nghỉ nên một số giảng viên đến trễ, bận công tác, uể oải… làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của SV”.

Theo Thạc sĩ Phượng, giảng viên chính thiếu hụt do trường thiếu cơ chế đãi ngộ. Với mức lương khởi điểm 1.250.000 đồng (hệ số lương 2,34) thì không thể giữ được người tài. Hệ lụy tất yếu là giảng viên chính phải gánh thêm tiết, đồng thời vẫn phải “chạy sô” để có thu nhập thêm.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, cần tạo môi trường làm việc để giảng viên thấy mình có một vị trí nhất định, có cơ hội thể hiện, phát huy hết năng lực. Ở trường Sư phạm, giảng viên trẻ còn được tham gia giảng dạy ở bậc phổ thông để cọ sát thực tiễn và tăng thu nhập.

Lưu Thị Vân

No comments: