Monday, November 17, 2008

CỦNG CỐ GIÁO DỤC MẦM NON hay ĐÀO TẠO TIẾN SĨ ?

Nền giáo dục Việt Nam nên củng cố từ đâu,
giáo dục Mầm Non hay đào tạo Tiến Sĩ?

Gs. Hồng Lê Thọ
17.11.2008
http://vietsciences.free.fr

“Bộ cho mở tràn lan các trường ĐH, CĐ nhưng chất lượng nhiều nơi thấp, nhất là đào tạo tại chức, từ xa. SV ra trường khó xin việc vì mất cân đối cung cầu. Gần đây, Bộ lại có chủ trương đào tạo cấp tốc 20 ngàn tiến sĩ, gây xôn xao dư luận. Có phải Bộ đang làm quy trình ngược, lo cho phần ngọn mà không lo phần gốc?” (Đại biểu Lê Văn Cuông -Thanh Hóa tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa 12)

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói rằng “Bản thân gia đình muốn con em học đại học (ĐH), địa phương muốn có trường, cùng với việc kiểm tra chất lượng chưa tốt nên đã bùng nổ trường ngoài công lập (CL)”
(1) và "nếu người học thận trọng chọn lọc kỹ, có lẽ đã không tạo ra tốc độ tăng các trường ĐH, CĐ nhanh như hiện nay từ 110 trường ĐH và CĐ năm 1997, đến nay, chúng ta đã có thêm 200 trường ĐH, CĐ nữa”(2) trong khi trả lời chất vấn ngày 11/11/2008 tại quốc hội.

Ông đã qui trách nhiệm cho sự khập khiễng của đại học và cao đẳng hiện nay là do các địa phương chạy đua lập trường cũng như sinh viên không biết chọn lựa cho mình giữa lúc Bộ GD-DT chưa có tiêu chuẩn thành lập(!) và hiện nay cũng không có chuẩn đào tạo đầu ra
(3). Không biết khi số đại học lên đến con số 600 trường như kế hoạch của Bộ GD-DT thì lúc ấy Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân sẽ còn đổ lỗi vào những ai trong khi việc cấp phép thành lập đại học là do chính bộ nầy đề nghị Thủ tướng phê duyệt. Tóm lại, thử hỏi như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, người cấp giấy phép hay người xin mở đại học, vậy mà Bộ trưởng quên hay “giả vờ” không biết?

Cũng chính từ việc chạy theo số lượng gấp rút mà Bộ trưởng đưa ra chủ trương phải có số Tiến sĩ cơ hữu tương ứng qua việc cho ra lò 20,000 TS cho đến năm 2020. Một vị phụ huynh đã thảng thốt “Bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà còn biến tướng, khó dẹp bỏ, tạo áp lực rất lớn cho gia đình và bản thân học sinh”
(4). Hệ quả của việc chạy theo “số lượng”nầy đã nẩy sinh không biết bao nhiêu vấn đề gây nhức nhối cho học sinh lẫn người thầy có lương tâm khi xã hội hóa đã biến giáo dục đại học-cao đẳng trở thành một loại “hàng hóa” không-kiểm-định-chất lượng(giáo dục dỏm và giả) của thị trường mà bộ chủ quản không kiểm soát nổi. “Bộ GD-ĐT thừa nhận thiếu sót của bộ là chưa kiểm tra và xử lý nên sai sót kéo dài.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, khi các trường ĐH lập đề án mở trường, đều tuân thủ đủ quy trình, nhưng sau đó rất nhiều trường không thực hiện theo cam kết”
(5). Hiện đội ngũ GV của các trường ĐH, CĐ ngoài CL chỉ đạt khoảng 20%, còn lại là lực lượng thỉnh giảng khiến các trường rất bị động, khó khăn cho việc tăng quy mô đào tạo, mở rộng ngành nghề mới. Trong khi hơn một tháng trước đó, tại Hội nghị bàn về vấn đề “Xây dựng và hoạt động của các trường ĐH-CĐ thành lập từ năm 1998 đến 2008” do bộ trưởng chủ trì, đã hết lời ca ngợi thành tích, rằng ”Chỉ trong 10 năm (chủ yếu từ năm 2005 đến nay) mà có tới 208 trường ĐH-CĐ được thành lập mới và nâng cấp, có nghĩa là chỉ 10 năm mà quy mô tăng bằng toàn bộ hơn 40 năm trước. Đáng mừng là chỉ sau 10 năm, số trường ngoài công lập tăng lên gấp 4 lần (từ 16 trường tăng lên 64 trường), chứng tỏ xã hội hoá giáo dục đã phát huy tốt. Số trường ĐH, CĐ đã tăng gấp đôi, số sinh viên đã tăng lên hơn gấp đôi, nhưng số giảng viên thì tăng ít hơn, số TS thì lại càng tăng ít hơn nữa. Đó là điều chúng ta cần quan tâm, bởi vai trò của đội ngũ là có tính quyết định đối với chất lượng GD-ĐT. Cũng chính vì nhận thức đúng hơn vai trò của giảng viên và chất lượng GV mà chúng ta đang tích cực triển khai Đề án 2 vạn tiến sĩ để chỉ sau 1 năm đã tăng lên 801 TS và 3402 Ths (6). Điều nầy cũng đã được Bộ trưởng giải thích lại tại kỳ họp quốc hội vừa qua trong khi vẫn có không ít đại biểu băn khoăn về việc “bỏ trống” giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục nước nhà với lý lẽ ngược đời “lấy ngọn bỏ gốc”.

Đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu có 10 trường ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế

Qua phần trích dẫn nầy, chúng ta thấy trên “sân chơi” giáo dục đại học và cao đẳng thì đá bóng, thổi còi, đề nghị Thủ tướng phê duyệt cấp phép, kiểm định chất lượng…tất tất đều trong tay bộ GD-DT, dưới quyền điều khiển của Bộ trưởng, thế nhưng khi “có vấn đề” hay bị đại biểu quốc hội chất vấn về độ chênh giữa số lượng và chất lượng thì BT qui “trách nhiệm” sang một nơi khác nếu không nói là “dồn” về phía phụ huynh, sinh viên hay chính quyền địa phương nào đó không địa chỉ!

Hãy lắng nghe một ý kiến của cử tri ở Thanh Hóa: “Bộ trưởng GD-ĐT nói rằng chưa quan tâm đến cấp mầm non được vì đang tập trung cho phổ cập Tiểu học và Trung học cơ sở. Thế thì sắp tới tập trung cho Đại học thì mầm non mãi thả nổi hay sao? Thật buồn khi một ngành học quan trọng bậc nhất đối với mỗi con người khi bước vào hệ thống giáo dục lại phải chờ khi nào quan tâm hết các bậc học khác mới được tính đến. Nếu cứ chạy theo cái ngọn như thế biết bao giờ giáo dục mới khá lên được?“
(7).

Trong báo cáo Giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người năm 2008, Tổ chức UNESCO cảnh báo đã có hơn 1 triệu trẻ em cấp tiểu học đã không đến trường
(8), con số học sinh tiểu học có khuynh hướng giảm trong khi chi phí cho giáo dục tiểu học vẫn tăng chiếm trên 32% ngân sách dành cho giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 1975 đến năm 2000, nước ta hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học và bộ GD-DT phản biện cho rằng con số “không đến trường” của UNESCO là “phi lý” bởi lí do số trẻ độ tuổi tiểu học giảm vì “sinh con ít hơn” nhưng dù vậy cũng không thể phủ nhận hiện tượng giảm sút là có thật. Từ năm 2000, Bộ đã bắt tay vào phổ cập trung học cơ sở, đến nay đã được 8 năm nhưng chưa biết đến năm nào thì “hoàn tất”.

BT Nguyễn thiện Nhân thừa nhận rằng “ không thể phổ cập mầm non và trung học phổ thông được vì sức có hạn”. Để phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, chúng ta phải chi tới 53% ngân sách giáo dục cả nước”…Thế nhưng ngày 3/11/2008 vừa qua, cũng theo Tổ chức UNESCO, Việt Nam tiếp tục mất điểm về Chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người (EDI), đồng thời tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng vị trí 79 trong 129 quốc gia
(9). Nguy cơ nầy liệu sẽ còn tiếp diễn như thế nào, với cái nền giáo dục tiểu học và phổ thông cơ sở ngày càng có khuynh hướng giảm sút thì việc xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế”(theo tiêu chí nào vẫn còn rất mơ hồ)(10) một cách nóng vội chạy theo thành tích và số lượng nêu trên có phải là bài toán tối ưu?

Bên lề cuộc hội thảo "Xếp hạng các trường ĐH: xu thế toàn cầu và các quan điểm" tổ chức ngày 13/11 tại Hà nội, GS.TS Simon Marginson (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH ĐH Melbourne, Australia) cho biết “có lẽ đến năm 2060 hoặc muộn hơn Việt nam mới lọt vào danh sách top 200 đại học trên thế giới.
Giả sử thực hiện ngay lập tức theo mức đầu tư của Trung Quốc và Hàn Quốc thì cũng không thể đạt kết quả xếp hạng trong top 200 của ĐH Giao thông(TQ) vào năm 2020. Một mục tiêu thiết thực hơn, tuy rằng khó, là lọt vào top 500 của ĐH Giao thông vào năm 2025 hoặc 2030.

Trong bảng xếp hạng của ĐH Giao thông hiện tại, có một số nước như Mexico, Brazil, Ấn Độ. Ấn Độ có GDP tính theo đầu người ở mức của VN. Nước này đã tập trung nguồn lực cho một số nhỏ các trường ĐH chất lượng cao”
(11) trong khi các quan chức ngành giáo dục của nước ta vẫn đuổi theo việc nâng tầm “quốc tế” rằng từ nay đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu có 10 trường ĐH, trong đó mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường uy tín trên thế giới. Đến năm 2015, có 20 trường ĐH đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới”. Đây là tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo “Xếp hạng các trường đại học: Xu thế toàn cầu và các quan điểm”, tổ chức tại Hà Nội ngày 13/11/2008 vừa qua(12). Phải chăng việc đặt “con trâu trước cái cày”, là cách làm “quen thuộc” của những ai mang tư duy hoạt động theo lối phong trào trong việc hoạch định chính sách và chiến lược vĩ mô vẫn còn quá nặng?
Các nhà quản lý giáo dục nghĩ gì trước lời cảnh báo của Unesco “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đạt được sáu mục tiêu giáo dục cho mọi người đến năm 2015 gồm: chăm sóc và giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, đáp ứng nhu cầu học tập của thanh thiếu niên và người lớn, xóa mù chữ và môi trường tri thức, cân bằng giới và bình đẳng giới, chất lượng giáo dục”
(13). Liệu đây có phải là một nhận xét sai lệch, phủ nhận thành tích của Bộ GD-DT trong những năm qua.

Mọi người vẫn còn nhớ, lúc mới nhiệm chức Bộ trưởng Bộ GD-DT vào tháng 7/2006, Ông Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một hình ảnh vô cùng sáng sủa và tràn trề hi vọng, rằng “Với truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, với thế và lực mới của đất nước sau 20 năm đổi mới, với quyết tâm chiến lược của Đảng coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, với lòng yêu nghề và quyết tâm tự khẳng định của hơn 1 triệu thầy cô giáo trong cả nước, với sự quyết tâm và chia lửa của hàng triệu người VN là đồng tác giả của sự nghiệp chấn hưng giáo dục, tôi tin là trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước, với truyền thống văn hiến của dân tộc VN''
(14).

Hồng lê Thọ
14/11/2008

Đánh giá của UNESCO, cột bên trái thể hiện vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước, cột bên phải thể hiện điểm số của EDI.
http://phusaonline.free.fr/GiaoDuc/54_Nen2.jpg

------------------------------------

Chú thích:
(
1) Đại học ngoài công lập: Những bất cập kéo dài(theo SGGP) http://education.kiemviec.com/?m=education&a=news_detail&resource_id=9159&type=1&rf=0&tr=&rcate_id=79
(
2) Sao lại đổ lỗi cho người học và địa phương? http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/2008/11/813423/ Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhận định việc nở rộ các trường ĐH, CĐ lỗi phần nào là do người học: "Nếu người học thận trọng chọn lọc kỹ, có lẽ đã không tạo ra tốc độ tăng các trường ĐH, CĐ nhanh như hiện nay"
(
3)Thông báo kết luận của PTT Nguyễn Thiện Nhân trong”Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục Đại học”ngày 5 tháng 1 năm 2008 http://www.ictu.edu.vn/tabid/148/CategoryId/32/ParentCategoryId/32/ArticleId/308/Default.aspx xem công văn của Bộ GD-DT ngày 13/2/2008(PDF)
(
4) Sao lại đổ lỗi cho người học và địa phương? http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/2008/11/813423/ Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhận định việc nở rộ các trường ĐH, CĐ lỗi phần nào là do người học: "Nếu người học thận trọng chọn lọc kỹ, có lẽ đã không tạo ra tốc độ tăng các trường ĐH, CĐ nhanh như hiện nay"
(
5)Anh Phong, Nam Định, tldd
(
6) TC GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI Chủ nhật số 36, 23/8/2008
(
7) Hoàng Anh, Thanh Hoá, tldd,như (2)
(
8) Theo UNESCO,Tỉ lệ đi học tiểu học ở Việt Nam năm 1991 là 90%, năm 1999 là 96%, nhưng năm 2005 lại chỉ là 88%. Trong khi đó theo Bộ GD-DT thì Đã từ lâu giáo dục tiểu học của Việt nam là miễn phí, tỉ lệ trẻ đến trường là trên 97%. moet.gov.vn/?page=1.1&view=703
(
9 )Ngành giáo dục đang nợ một lời giải thích
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/811959/
(
10) xem ”Giáo dục và đào tạo "đẳng cấp quốc tế" ở nước ta” của Hồng lê Thọ trên Vietsciences.free.fr
(
11) ĐH trong top 200 thế giới: Nhiệm vụ bất khả thi http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/813501/ và “ĐH đẳng cấp quốc tế: Lãng mạn nhưng thiếu nhiều tiêu chí” Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN), ĐHQGHN đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường ĐH nghiên cứu ngang tầm khu vực. Còn gần 13 năm để hoàn thành, rất ý kiến nhiều trái chiều đã được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với trường vào sáng 23/9. http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/09/805433/
(
12)Phấn đầu đạt 10 trường ĐH tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2010 http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=149147&Catid=71Xem Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ và QUYẾT ĐỊNH Số: 1505/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 10 năm 2008 do PTT Nguyễn thiện Nhân ký
(
13) “2 khuyến cáo cho giáo dục Việt Nam” http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?NewsId=107099&CatId=56
(
14)''10 năm tới, giáo dục Việt Nam sẽ khác' Tuyên bố của tân BT Nguyễn Thiện Nhân trong thư gửi báo chí (2/7/2006) http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/07/587120/

©
http://vietsciences.free.frhttp://vietsciences.org - Hồng Lê Thọ

No comments: