Friday, November 14, 2008

CHÍNH QUYỀN LÀM KHÓ NÔNG DÂN TRONG VỤ KIỆN VEDAN

Vụ kiện Vedan bồi thường thiệt hại: Lại làm khó nông dân
Thứ năm, 13/11/2008, 01:53 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/11/171623/
Trong khi hướng xử lý Vedan gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải vẫn còn nhiều tranh cãi, thì mới đây UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, trả lại đơn để người dân tự gởi đơn trực tiếp đến Vedan đòi bồi thường thiệt hại. Sự việc này đã đẩy nông dân vào thế khó, liệu quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai có phạm luật?

UBND tỉnh Đồng Nai: Tiền hậu bất nhất!

Trong những ngày này, người dân tại huyện Nhơn Trạch không khỏi bức xúc trước chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc này. Chị Lý Thị Kim Dung, ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, cho biết, gia đình có 5.600m2 nuôi tôm, từ năm 2002 đến nay do nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng, việc nuôi tôm liên tục thua lỗ do tôm chết, nhưng không biết kêu ai.

Vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện Vedan là thủ phạm gây ô nhiễm sông Thị Vải nên chị làm đơn mang lên nộp trên xã, giờ nghe nói xã trả lại đơn để người dân tự gởi đến Vedan thì nản quá. Chị lo lắng: “Bỏ công việc để chạy xe xuống Long Thành nộp đơn đã khó, mà không biết họ (Vedan) có cho vào hay không nữa?”.

Tương tự, anh Phạm Văn Nên, ấp 4, xã Long Thọ, cho biết, trước đây gia đình sống bằng nghề chài lưới trên sông Thị Vải, mỗi ngày thu nhập được 50.000-70.000 đồng, nhưng kể từ khi Vedan xả nước thải ô nhiễm ra sông Thị Vải đến nay khiến cho nguồn lợi cá, tôm bị hủy diệt, gia đình anh trở nên khó khăn. “Tôi đã nộp đơn lên xã, nhưng giờ lại bảo nhận đơn về, tôi cũng không hiểu vì sao nữa” - anh than thở. Còn người dân xã Phước An, huyện Nhơn Trạch cho rằng, dù năm 1995, Vedan có hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà con ngư dân nhưng rồi vẫn tiếp tục xả những chất độc hại xuống sông Thị Vải gây ô nhiễm nghiêm trọng dòng nước. Nhiều người đã phải bỏ nghề chài lưới, chuyển sang nghề khác tìm kế mưu sinh. Giờ chỉ mong chính quyền giúp đỡ yêu cầu Vedan bồi thường để mong lấy lại phần nào thiệt hại.

Anh Trần Tuấn Nhạn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Long Thọ, cho biết, người dân làm đơn gởi đến UBND xã với hy vọng được giúp đỡ đòi Vedan bồi thường thiệt hại. Xã đã nhận hơn 950 đơn của người dân và chờ chủ trương của huyện, tỉnh. Nhưng với quyết định vừa rồi của tỉnh thì người dân phải nhận lại đơn để gởi trực tiếp đến Vedan. Điều này làm người dân hết sức bất bình, yêu cầu xã giải thích, nhưng về phía xã vẫn chưa nhận được hướng dẫn mới của huyện nên cũng không biết giải thích như thế nào với người dân…

Ước tính, có hơn 2.600 đơn của nông dân 4 xã ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai gởi đến chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ đòi bồi thường thiệt hại ô nhiễm do Vedan gây ra. Nhưng việc UBND tỉnh Đồng Nai có những quyết định “tiền hậu bất nhất” nên đã đẩy người dân vào một tình thế khó.
Trước đó, ngày 10-10, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 8792/UBND-CNN giao UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch kiểm tra mức độ thiệt hại của các hộ dân có đơn phản ánh yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Nhưng đến ngày 28-10, UBND tỉnh Đồng Nai lại ban hành văn bản số 9076/UBND-CNN hủy bỏ văn bản 8792/UBND-CNN, đồng thời đề nghị người dân viết đơn riêng gởi trực tiếp đến giám đốc Vedan để yêu cầu bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được bồi thường, các hộ dân có thể gởi đơn đến tòa án nhân dân địa phương để được xem xét giải quyết.

Nông dân đòi bồi thường: Không dễ!

Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu cho biết, để tính được mức thiệt hại do Vedan gây ra thì phải xác định được sản lượng, diện tích nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bị thiệt hại từ việc ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra. Tất cả điều này, một mình người dân không thể nào thực hiện được từ khi có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức như Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở Y tế…
Từ đó mới đưa ra được con số thiệt hại tương đối chính xác, làm cơ sở để yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. Về mặt pháp lý, Hội Nông dân (HND) hay các tổ chức đoàn thể khác có thể thay mặt nông dân đứng ra nhận ủy quyền để khởi kiện tại tòa. Ông cũng cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nông dân tự gởi đơn trực tiếp đến Vedan đòi bồi thường thiệt hại trong khi người dân khó chứng minh được thiệt hại là đã đẩy người dân vào một tình huống quá khó.

Tuy nhiên, Chủ tịch HND tỉnh Đồng Nai Trần Như Độ vừa cho biết, theo điều lệ hoạt động của HND, hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân, hội sẽ đại diện cho nông dân khởi kiện Vedan một khi có yêu cầu từ phía người dân. Cũng theo ông Độ, trong tuần tới HND tỉnh sẽ gởi văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho HND đứng ra đại diện cho nông dân để yêu cầu Vedan bồi thường, trong trường hợp Vedan không bồi thường, sẽ đại diện nông dân kiện ra tòa…

LÊ LONG


No comments: