Monday, November 3, 2008

CHẶNG ĐƯỜNG DÀI CỦA NGƯỜI DA ĐEN ĐỂ ĐƯỢC THỪA NHẬN VỀ MẶT CHÍNH TRỊ

Chặng đường dài của người da đen để được thừa nhận về mặt chính trị
Bài đăng ngày 02/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 02/11/2008 17:19 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1466.asp
Một ứng cử viên tổng thống Mỹ là người da đen, đó là một điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ và cũng từng là điều không thể tưởng tượng nổi đối với những người da đen ở đất nước này.

Cũng như mục sư Martin Luther King, người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ trong những năm 1950, giờ đây ứng cử viên tổng thống Barack Obama đang là người biến giấc mơ của người Mỹ da đen trở thành hiện thực. Đó là giấc mơ được bình đẳng hoàn toàn về chủng tộc, được thừa nhận về mặt chính trị.

Chế độ nô lệ chính thức được bãi bỏ ở nước Mỹ năm 1865. Thế nhưng nhiều thế hệ người da đen sau đó vẫn còn phải chịu những đau khổ thiệt thòi vì bị người da trắng phân biệt đối xử. Cho đến tận giữa thế kỷ 20 nước Mỹ vẫn là nơi nổi tiếng về tệ phân biệt chủng tộc với những đạo luật kỳ thị của người da trắng cấm đoán một cách vô lối, như người da màu không được sinh hoạt chung với người da trắng, lên xe bus phải nhường chỗ cho người da trắng.

Vào thời kỳ đó nước Mỹ còn nổi tiếng bởi những vụ truy bức dã man người da màu của đảng 3K, Ku Klux Klan. Không chịu nổi sự áp bức chỉ vì màu da khi mà chế độ nô lệ trên toàn thế giới đã bị xóa bỏ từ hàng trăm năm, người da đen ở Mỹ đã dấy lên phong trào đòi quyền công dân để được sống tự do hơn. Vị mục sư trẻ tuổi Martin Luther King đã khởi xướng lên phong trào này từ Tuskegee, một thị trấn nhỏ nằm cách Montgomery, thủ phủ bang Alabama có vài chục cây số. Phong trào bất bạo động của người da đen đòi quyền bình đẳng kéo dài đến đến tận đầu những năm 1970 cho đến khi có được bộ luật Affirmative Action công nhận sự bình đẳng đối xử không phân biệt màu da đối với mọi công dân.

Người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của ngừoi da đen ở Mỹ là Martin Luther King bị sát hại năm 1968 đã không nhìn thấy được thành quả ngày hôm nay đó là người da đen đã được thừa nhận về mặt chính trị ở nước Mỹ. Để nhìn lại chặng đường đấu tranh gian nan của người da đen ở Mỹ, thông tín viên RFI Anne Toulouse đã trở về Tuskegee, cái nôi của phong trào đòi quyền công dân của người da đen, để gặp gỡ những con người từng là nhân chứng của cuộc đấu tranh đó.

Người đầu tiên là bà Barbarra Scarlette hiện đang sống tại Atlanta đã. trở về vùng đất mang nặng dấu ấn tuổi thơ. Bà nhớ lại:
"Khi tôi 10 tuổi, tôi đã thấy người da trắng dựng lên những giới hạn nhằm hạn chế và loại bỏ người da đen buộc chúng tôi phải rời khỏi Tuskegee nhường chỗ cho người da trắng."

Tuskegee còn là nơi sinh của Myron Thompson, một trong những thẩm phán liên bang của Alabama nổi tiếng vì đã ra quyết định cho gỡ bỏ một bức tượng thể hiện 10 điều giới luật trong kinh thánh đặt trước Tòa án tối cao của tiểu bang ông cho biết:
" Phong trào đấu tranh vì quyền công dân thể hiện nhiều mặt đến mức không ai có thể đứng sang một bên được, kể cả các em vị thành niên. Tôi sinh ra và lớn lên tại Tuskegee, trung tâm của phong trào đấu tranh đó."

Tuskegee có một vị trí đặc biệt trong lịch sử đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Năm 1880, một số những nô lệ da đen cũ, trong đó có một nhân vật nổi tiếng trong phong trào giải phóng nô lệ là George Washington đã thành lập một trường đại học dành riêng cho người da đen với mục đích tạo điều kiện cho cộng đồng da đen hội nhập vào xã hội. Một bệnh viện dành cho các cựu binh da đen cũng được xây dựng gần nơi đó. Tuskegee trở thành một đô thị của những nhà trí thức. Ở nơi đây người da đen được học hành, họ có một cuộc sống tương đối an toàn. Nhưng chỉ đến khi người da đen phải đối mặt với thế giới bên ngoài thì họ mới thấy thực sự những khó khăn, như trường hợp cha của bà Scarlette. Ông là một người đã tốt nghiệp đại học và từng là Giám quản bệnh viện, đến khi muốn tham gia bầu cử thì bị người ta đã làm khó dễ :
"Người ta nói với ông là không được viết vào phiếu bầu. Họ cũng nói với nhiều người da đen khác rằng anh không thể viết được bằng chiếc bút này. Người ta đưa cho họ một tờ giấy trên dính đầy sáp và bảo hãy viết tên anh vào đây. Như vậy thì làm sao viết được. Trong thi cử cũng có nhiều chuyện, mặc dù bạn phải trả tiền để dự thi. Nếu vô tình mà bạn thành công thì người ta bắt đầu giở chiến thuật hù dọa.

Vào thời kỳ đó Rosa Park, một thợ may sinh ra tại Tuskegee, vì từ chối không chịu nhường chỗ cho cho một người da trắng trên xe bus ở Montgomery (theo luật phân biệt chủng tộc của tiểu bang), bà bị bắt. Cộng đồng người da đen ở đây đã phản ứng lại bằng cách tẩy chay không đi xe bus của thành phố. Chị Marta Hopskin là một trong những người tham gian phong trào đi bộ phản đối chính quyền trong suốt một năm:
"Thật là tuyệt vời đã tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền công dân khi Mục sư King ở tại Montgomery này. Tham gia vào các cuộc biểu tình như vậy vừa phấn khởi nhưng cũng thật khiếp khủng. Những thành viên của đảng 3K (Ku Klux Klan) cưỡi ngựa chạy ngay sau lưng chứng tôi để đuổi đánh."

Chị Marta là hậu duệ của những người nô lệ đồn điền ở Alabama thuộc thế hệ sau khi chế độ nô lệ đã chấm dứt, tuy nhiên thân phận của gia đình họ cũng không cải thiện được bao nhiêu :
" Thật vô cùng vất vả, bố mẹ tôi có 12 người con và tôi nhớ là bố tôi chỉ kiếm được có 75 cents một giờ. Ông là công nhân nông nghiệp."

Lấy chồng năm 16 tuổi, có bốn con, rồi bị chồng bỏ rơi, bản thân thì không được học hành, Marta gần như đã xuống tới đáy xã hội, nhưng nhờ sự giúp đỡ của một nhà thờ, chị đỡ đã mở một quán ăn nhỏ. Đến giờ thì mọi người ở Montgomery muốn thưởng thức những món ăn truyền thống của miền Nam nước Mỹ đều phải kéo đến quán ăn của chị. Với chị, sự thành công của bản thân không tách rời sự tiến bộ của cả cộng đồng da đen :
"Chúng tôi là những người đến từ rất xa. Khi cúng tôi nhìn lại lịch sử của mình, chúng tôi thấy quãng đường mà chúng tôi đã đi qua để có được ngày hôm nay không phải la một món quà tặng. Chúng tôi đã phải làm việc để có được ngày nay."

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày bộ luật hủy bỏ tệ phân biệt chủng tộc, Maryonn Thompson đã trở thành một trong những đại diện xuất chúng của cơ quan tư pháp Alabama. Quả là một sự đảo ngược lịch sử đối với những người đã từng phải chịu tệ phân biệt đối xử hợp pháp :
"Dẫu sao thì tôi vẫn là chính mình. Nếu các bạn hỏi rằng phong trào đấu tranh đòi quyền công dân cho người đen có đóng vai trò gì trong việc tôi trở thành thẩm phán hay không thì tôi trả lời là có. Tôi được chỉ định làm thẩm phán năm 1980. Vào thời kỳ đó, đúng là phải có cố gắng lắm người ta mới dám chỉ định một thẩm phán da đen, mà trước đó chưa hề có ở Alabama. Tôi muốn nói đến chức thẩm phán liên bang. Tôi cho là người ta đã cố sửa chữa sai lầm và đây là thời cơ tốt cho chúng tôi."

Bộ luật có tên gọi Affirmative Action, được tổng thống Richard Nixon ban hành, đã cho phép cộng đồng sắc dân thiểu số được tham gia các cơ quan Nhà nước và ngành giáo dục. Bộ luật này còn giúp cho mọi người đều được hưởng quyền lợi bằng những đóng góp cá nhân không phân biệt màu da. Tuy nhiên trong tầng lớp dân da đen được coi là thành đạt, vẫn tồn tại tâm trạng tách biệt cộng đồng.

Về chuyện này ông Isaac Farris, cháu của mục sư Luther King, Giám đốc trung tâm Luther King tại Atlantat cho biết :
" Tôi nghĩ tất cả người da trắng và da đen đều có thái độ như vậy. Thật không dễ gì khi các bạn đã có một đầu óc kỳ thị chủng tộc ăn sâu trong một thời gian dài đến hơn hai thế kỷ như ở nước này. Tôi cho rằng người da đen và người da trắng đều truyền nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác cái suy nghĩ đó. Chính vì thế, có thể những đứa trẻ sinh ra trong thời đại ngày nay không biết đến những luật lệ phân biệt chủng tộc, nhưng vẫn có những suy nghĩ về sự khác biệt chủng tộc, bởi vì điều đó vẫn luôn tồn tại bên dưới vỏ bề ngoài của xã hội."

Giờ đây Montgomery trở thành như một viện bảo tàng của cuộc đấu tranh vì quyền công dân. Các thành viên da trắng và da đen trong quốc hội Alabama đều đến ăn tại quán ăn của Marta Hoskins, nơi mà Rosa Park từng ngồi ăn ở đây. Bốn đứa con trai của chị Marta cũng đã trưởng thành. Chị cho rằng chúng không biết đuợc quãng đường mà mẹ chúng đã phải trải qua, đó là một điều may mắn :
"Tôi thấy là thế hệ ra đời cách đây hai ba mươi năm được thừa hưởng những gì mà chúng tôi đã phải trả. Chúng không biết những gì chúng tôi đã phải chịu đựng, chúng không hiểu được thế nào là bị cấm đến một số nơi. Giờ đây thế hệ này muốn đến đâu cũng được chúng muốn làm gì theo ý muốn thì làm, chúng không nhìn thấy những gì chúng tôi đã được chứng kiến và chúng không đánh giá hết được những gì chúng tôi đã làm."

Còn chị Barbara thì đã đi đựoc một vòng trọn vẹn từ khi còn là cô bé ngồi lắng nghe Matin Luther King trên đường phố Tuskegee, cho đến Đại hội Đảng Dân chủ tại Denver chính thức chỉ định ông Obama làm ứng cử viên tổng thống. Chị cho biết:
"Với tôi, Obama như là đứa con tinh thần. Cha ông chúng tôi đã chuẩn bị hành trang cho chúng tôi và giờ đây chúng tôi đang chuẩn bị cái gì đó cho Barack Obama. Trong lịch sử, chúng tôi đã có được cơ hội thành công cho cá nhân, nhưng với cả cộng đồng thì chúng tôi còn phải tiếp tục."

Nhưng nếu ông Barack Obama được bầu làm tổng thống, liệu ông có thể hoàn thành những kỳ vọng mà toàn thể cộng đồng da đen đặt vào ông trong chiến dịch tranh cử. Isaac Farris, giám đốc Trung tâm Martin Luther King nhận định : .
" Có thể trả lời là Có, mà cũng là Không. Trước hết nếu ông Barack Obama thắng cử thì ông sẽ phải là tổng thống Mỹ, chứ không phải là tổng thống của người da đen. Ông phải là vị tổng thống của mọi người. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã đạt được bước ngoặt trong lịch sử của mình. Vì đa số người dân Mỹ hiện nay vẫn là người da trắng, nếu ông thắng cử có nghĩa là người da trắng đã chấp nhận quan niệm một người da đen có có thể lãnh đạo họ. Đó mới chính là bước ngoặt, nhưng liệu điều này có nói lên rằng như vậy nước Mỹ sẽ không còn tệ kỳ thị chủng tộc ? Có thể trả lời là : Không. Với tư cách là một tổng thống da đen liệu ông Obama sẽ thanh toán được tệ phân biệt chủng tộc? Câu trả lời cũng là Không. Ông ta sẽ rơi vào thế khó xử. Nếu trở thành tổng thống da đen đầu tiên,ông Obama phải lưu tâm hơn đến việc làm sao cho người da trắng không cảm thấy bị ông lãng quên, không nghĩ rằng chính bản thân ông cũng có thái độ phân biệt chủng tộc đối với người da trắng."



Obama: đại diện cho giấc mơ mới của người Mỹ
Thụy Mi
Bài đăng ngày 02/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 02/11/2008 17:24 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1458.asp
« Họ có dám bầu cho ông ấy không ? » Đó là tựa lớn trên trang nhất của tuần báo Le Courrier International. Ứng cử viên Dân Chủ, vốn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ, dường như cũng đang được thế giới coi như tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.

Tờ báo trích dịch bài viết của tờ Los Angeles Times, nhắc lại rằng các cử tri người da đen ở Mỹ đương nhiên sẽ dồn phiếu cho ông Obama, nhưng họ cũng lo ngại những sai sót hay gian lận trong việc kiểm phiếu, và nhất là nạn kỳ thị chủng tộc, sẽ cản bước tiến của ông vào Nhà Trắng.

Còn báo The New York Times cho rằng ông McCain sẽ không thu hút được cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha, vốn ủng hộ ông Bush trước đây. Ngược lại, những cử tri gốc Mỹ La tinh sẽ giúp cho ông Obama thắng điểm tại một số tiểu bang quan trọng. Câu hỏi lớn nhất mà các tờ In These Times và The New York Times Magazine đặt ra ở đây là: liệu các cử tri da trắng trong giới công nhân có thể thay đổi khuynh hướng truyền thống xưa nay hay không ? Liệu họ có thể quay sang bầu cho một ứng viên đảng Dân Chủ, hơn nữa, lại là một người da đen hay không ?

Theo tờ In These Times ở Chicago, thì giấc mơ Mỹ– một nhân viên cổ trắng thuộc tầng lớp trung lưu - nay không còn như xưa nữa ; mà giờ đây, ông Barack Obama là đại diện cho giấc mơ mới của người Mỹ. Là một đứa con lai sống với người mẹ đơn thân, ông đã lọt được vào một trường đại học nổi tiếng nhất, sau đó trở thành luật sư và thượng nghị sĩ. Sự sụp đổ của Wall Street đã giúp phe Dân Chủ có thể đóng vai người bảo vệ quyền lợi của những người đóng thuế thuộc giới công nhân.

Kỳ thị chủng tộc

Còn theo tờ The New York Times, điều quan trọng nhất là: vấn đề chủng tộc có phải là một yếu tố mang tính quyết định trong sự lựa chọn của cử tri hay không? Cho đến nay, chưa có cuộc biểu tình mang tính phân biệt chủng tộc nào diễn ra và ngay cả một thành viên của tổ chức Ku Klux Klan, nổi tiếng là kỳ thị người da đen, cũng kêu gọi bầu cho ông Obama.

Tờ báo tiếng Anh The Economist cũng đưa ảnh ông Obama trên trang nhất, và chạy tít “ Đây là thời điểm”. Tờ tuần báo của Anh, vốn có số phát hành quan trọng trên đất Mỹ, đứng hẳn về phía ứng viên của đảng Dân Chủ. Theo nhận định của The Economist, ông Obama đã tiến hành chiến dịch tranh cử một cách thông minh, tổ chức tốt và có phong cách riêng. Vấn đề còn lại là cần phải xem những khả năng tuyệt vời của ông có thể trở thành hiện thực hay không. Nhưng tờ báo cũng nhấn mạnh, ông Barack Obama rất xứng đáng trở thành vị tổng thống mới của Hoa Kỳ.

Tờ Le Figaro Magazine cũng dành hẳn một hồ sơ cho bầu cử ở Mỹ. Tờ báo nhận xét, cả hai ông Barack Obama và John McCain đều tuyên bố sẽ có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ. Nhưng một chiến thắng của ứng viên Dân Chủ sẽ là một sự thay đổi sâu sắc.

Nhìn rộng hơn, tuần báo L’Express nhận định, tương lai sẽ khác hẳn, hoặc nồng ấm lên với chiến thắng của ông Obama, hoặc sẽ đông cứng nếu cặp McCain & Palin giành thắng lợi. Nhưng bên cạnh đó, trong năm tới, bộ mặt thế giới cũng sẽ có nhiều thay đổi, với những cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ở một số điểm nóng khác như Iran, Afghanistan, Ukraina, cũng như một số nước châu Âu.

Ghi nhận của đặc phái viên L’Express tại Florida, tiểu bang nóng nhất hiện nay cho thấy, các tình nguyện viên của hai phe đều huy động tổng lực, vì một lần nữa, kết quả có lẽ sẽ rất khít khao, khó thể đoán được ai là người chiến thắng tại đây.

Nếu Obama thất cử?

Le Courrier International trích dịch một bài báo của tờ The Phoenix ở Boston, vẻ nên một kịch bản rất có thể xảy ra : nếu những cử tri phe Dân Chủ cho rằng chiến thắng đã chắc chắn nên không thèm đi bầu, thì cũng có thể ngựa sẽ về ngược. Tờ Journal du Dimanche hôm nay cũng đã đặt ra câu hỏi này. Theo một giáo sư về chính trị học ở Pennsylvania, đó sẽ là một thử thách thật sự cho Hoa Kỳ, nhất là nếu việc kiểm phiếu không rõ ràng. Có thể tưởng tượng ra những cuộc nổi loạn tại các thành phố lớn, nơi mà cộng đồng người da đen chiếm đa số. Còn theo tờ báo, sự ủng hộ nhiệt thành dành cho ông Barack Obama đã lên đến một mức độ khiến cho chiến thắng của ông sẽ là một sự cần thiết để tránh mọi thảm họa có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, tuần báo Témoignage Chrétien muốn kéo mọi người trở lại với thực tại. Ngay cả khi vị thượng nghị sĩ da đen của bang Illinois có thắng cuộc đi nữa, thì sự hồ hởi ban đầu chẳng bao lâu sẽ phải nhường chỗ cho thực tế phũ phàng. Với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các vụ sa thải và tình trạng nghèo khó sẽ tiếp tục diễn ra nước Mỹ. Ông Obama chỉ có thể chống chọi phần nào, làm công việc quản lý khủng hoảng mà thôi. Người nghèo sẽ tiếp tục nghèo, các ngân hàng tiếp tục làm giàu.

No comments: