Tuesday, November 18, 2008

CHIẾN HẠM TRUNG QUỐC ĐẾN ĐÀ NẴNG

Tàu Trịnh Hòa tới Đà Nẵng
18 Tháng 11 2008 - Cập nhật 04h44 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081118_zhenghe_arrival.shtml
Tàu hải quân Trung Quốc mang tên thủy sư đô đốc Trịnh Hòa đã cập cảng Đà Nẵng lúc 10 giờ sáng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ 18/11 - 22/11.

Bộ phận quân sự đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam xác nhận với BBC rằng tàu Trịnh Hòa đã tới Đà Nẵng theo đúng lịch trình.
Các báo trong nước cho tới nay chỉ chạy vài dòng tin ngắn về chuyến thăm của 'tàu hải quân' Trung Quốc nhưng không nói rõ tên.

Tuần dương hạm Trịnh Hòa có thủy thủ đoàn 411 người, vừa thăm Campuchia và Thái Lan.
Trước hải quân Trung Quốc, hải quân các nước như Hoa Kỳ, Anh quốc và Australia đã nhiều lần thăm viếng Việt Nam trong các chuyến đi được loan báo rộng rãi.
Chuyến thăm của tàu Trịnh Hòa lần này sẽ bao gồm các hoạt động: chào xã giao lãnh đạo địa phương, tiếp xúc với bộ tư lệnh khu 3 hải quân và quân khu 5, đồng thời tham gia thi đấu giao hữu bóng đá.
Được biết chương trình của tàu hải quân Trung Quốc được thiết kế tương tự chuyến thăm của tuần dương hạm phóng lôi USS Mustin của Hoa Kỳ tới Việt Nam hồi tháng trước, điều cho thấy Hà Nội tỏ ra thận trọng trong quân bình quan hệ với hai siêu cường ở khu vực Thái Bình Dương.

Củng cố quan hệ

Trung tướng Vũ Xuân Vinh, ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng chính sách của Việt Nam là "giữ cân bằng".
"Nằm bên cạnh đất nước một tỷ dân, mà vốn dĩ 'bán anh em xa mua láng giềng gần', Việt Nam phải quan hệ tốt với Trung Quốc."
"Còn Mỹ thì có thể tạo điều kiện giúp Việt Nam hội nhập, nên cũng phải quan hệ tốt với Mỹ. Chúng tôi không thể bên nặng bên nhẹ, mà phải cân bằng."

Chuyến thăm của tàu mang tên Đô đốc Trịnh Hòa tới Đà Nẵng xảy ra một tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Trung Quốc.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, nhận xét: "Chuyến thăm này thể hiện sự hợp tác Trung - Việt tiếp theo sau chuyến đi của thủ tướng Dũng".
"Cảng Đà Nẵng là địa danh quan trọng vì tại đây có bộ tư lệnh hải quân phụ trách khu vực biển Đông của Việt Nam".
"Nếu đặt trong bối cảnh hiện đã có các cuộc tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ thì đây là bước tiếp theo trong quá trình xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước."

Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 tới nay, hải quân Trung Quốc mới thăm chính thức Việt Nam có một lần vào năm 2001, khi tàu phóng lôi Ngọc Lâm cập cảng Sài Gòn trong bốn ngày.

Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433) là nhà thám hiểm hàng hải lỗi lạc của Trung Quốc đời nhà Minh. Ông được coi như biểu tượng của sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Thời kỳ có các chuyến viễn dương của Trịnh Hòa cũng là lúc triều nhà Minh đưa quân vào xâm lăng Đại Việt, dẫn tới cuộc nổi dậy của Lê Lợi.


Vụ đón tầu tuần dương Trịnh Hòa
Bùi Tín
Đăng ngày 18-11-2008
http://danchimviet.com/articles/621/1/Th-gi-bn-ben-nha-s-5/TrangPage1.html

Ngày 18 - 11 tầu tuần dương Trung quốc mang tên Trịnh Hòa sẽ ghé thăm cảng Đà nẵng cho đến ngày 22-11.
Vẫn cái kiểu "chăn dắt", kiểm soát chặt báo chí. Ngang ngược, lộ liễu, và trẻ con ! Bộ thông tin truyền thông và vụ báo chí bộ ngoại giao ở Hà nội chỉ thị cho các ban biên tập báo chí, phát thanh, vô tuyến... không được tuyên truyền quá đậm sự kiện này, và cấm dùng tên phiên âm tiếng Việt Trịnh Hòa, chỉ dùng tên phiên âm la-tinh theo tiếng Bắc kinh là : Cheng Ho hoặc Zheng Ha.
Sao lạ thế ?

Trịnh Hòa là tên viên Thuỷ sư đô đốc người gốc Mông cổ, hồi thế kỷ 15 thời nhà Minh, theo đạo Hồi. Ông có công xây dựng, huấn luyện, chỉ huy một hạm đội hùng mạnh, làm những cuộc hải hành rộng lớn xa xôi, với hàng trăm tầu thuyền, hàng vạn thuỷ thủ, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc xuống phía Nam, sang Ấn Độ Dương, sang cả Trung Đông, rồi sang cả Thái Bình Dương và châu Mỹ.

Những năm gần đây, lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc có ý đồ hiện đại hoá gấp quốc phòng, chú trọng bành trướng nhanh hải quân, thực hiện "lam sắc quốc thổ chiến lược" - chiến lược lãnh thổ quốc gia màu xanh lam (ngụ ý là màu xanh nước biển). Các nhà học giả Trung quốc giải thích nội dung của chiến lược này là coi chủ quyền Trung quốc mở rộng ra các vùng biển và đại dương phía Đông và phía Nam, rộng đến 300 triệu km vuông, gồm vùng biển nội địa và vùng lãnh hải, đều thuộc chủ quyền kinh tế của Trung quốc. Họ trịch thượng bỏ qua mọi tranh chấp còn tồn tại với Việt nam, Philippin, Malaixia, Nam dương, Brunây...

Do đó cuộc thao diễn về phía Nam của tuần dương hạm hiện đại Trịnh Hòa là một cuộc biểu dương lực lượng mang tính chất bành trướng, khống chế, đe doạ các lân quốc phương Nam của Bắc kinh. Nó vượt xa tính chất xã giao, hữu nghị được công bố.

Điều này rất rõ. Mấy tháng nay, báo Nhân dân Giải phóng Quân ở Bắc kinh giới thiệu đô đốc Trịnh Hòa từng cùng tàu chiến và tàu buôn đặt chân lên thị trấn Hội An của Việt nam, đặt nền tảng thông thương Trung - Việt; đô đốc Trịnh Hòa còn ghé Hoàng Sa và Trường Sa - nhằm chứng minh rằng 2 quần đảo này từ thời Minh đã thuộc chủ quyền của Trung quốc(!).

Thật ra, sự kiện tuần dương hạm Trịnh Hòa cập bến Đà nẵng không phải ngẫu nhiên, bình thường, cũng không phải chỉ là triển khai thực hiện chiến lược nói trên. Nó còn có một mục tiêu khác. Nhóm lãnh đạo Bắc kinh muốn nhóm lãnh đạo Hà nội duy trì dứt khoát hướng ngả theo Bắc kinh - " nhất biên đảo ", không được chập chờn, giao động, phải giáo dục lại toàn xã hội theo hướng đó. Họ yêu cầu 14 vị trong bộ chính trị phải luôn nhất trí theo hướng đó, phải mạnh tay bóp chết từ trong trứng mọi ý tưởng muốn gắn bó với thế giới dân chủ trong thanh niên, trí thức, phài kiên quyết cô lập và chuyên chính mạnh với các chiến sỹ dân chủ, cứ coi đó là những kẻ "trẻ người non dạ", háo danh, vi phạm pháp luật cần nghiêm trị.

Ngay với nhóm lãnh đạo, Bắc kinh cũng không ngần ngại thị uy để phòng ngừa xu hướng rời xa họ dù chỉ về chiến thuật. Từ Hà nội, một bạn làm việc ở cơ quan trung ương đảng cho biết, đoàn ông thủ tướng Dũng sang thăm chính thức Bắc kinh, dự định đầu tiên là sẽ dừng chân ở Quảng châu (Quảng đông) trước khi đến Bắc kinh, nhưng vào giờ chót, Bắc kinh lại yêu cầu "mời " ghé ra đảo Hài nam, rõ ràng là trái đường, mua lối. Sao lại mời đoàn khách dừng chân ở ngay cửa ngõ phía cạnh nhà người ta ? Để làm gì ? Để gián tiếp khoe rằng Hải Nam đã trở thành không phải chỉ là một khu kinh tế thương mại đặc biệt mà điều quan trọng hơn là đã là một căn cứ hải quân tiền phương hiện đại nhất, với căn cứ cho tàu ngầm nguyên tử ở Sanya (Tam Á) ngay bờ Nam của đảo, hướng về phương Nam. Phía Trung quốc khoe riêng với đoàn ông Dũng về những hầm sâu, dài, nơi trú ẩn của những tàu ngầm nguyên tử kiểu Vũ Lâm (Yulin), rằng hạm đội Nam hải với vũ khí nguyên tử vô địch nay là lực lượng mũi nhọn vươn rộng, vươn xa; - đừng có đùa với lửa.

Chính những tàu chiến ở căn cứ này đang tuần tiễu vùng biển phía Nam, đã doạ bắn các tàu kỹ thuật của Mỹ, Nga, Na uy được Petro VN thuê làm việc trong vùng biển Việt nam, buộc các tàu này phải lần lượt yên lặng bỏ cuộc từ tháng 5 đến tháng 10 này.

Hơn nữa, những tay Đại hán quả là thâm. Họ đưa ông Dũng ra Hải Nam còn để nhắc rằng đó là tỉnh nhỏ, nhưng là tỉnh đang quản lý hành chính Hoàng Sa và Trường Sa đó.

Cũng lại một chi tiết lễ tân; đón thủ tướng một nước láng giềng lẽ ra phải có một quan chức ở trung ương, chí ít là một thứ trưởng ngoại giao xuống đón, nhưng ra đón đoàn ông Dũng không có một mống nào ở trung ương, chỉ có viên phó tỉnh trưởng của địa phương, lại là tỉnh bé nhỏ nhất nước ! Vẫn là cái kiểu cách kiêu ngạo khinh người kiểu đại Hán.

Thế còn vì sao tàu tuần dương Trịnh Hoà lại ghé Đà Nẵng, mà không là Hải Phòng, Vinh hay Vũng Tàu, hay Sài gòn ? Vì Đà Nẵng là trụ sở của Bộ tư lệnh Quân khu V và trụ sở của Vùng Hải quân Nam Trung bộ trực tiếp có nhiệm vụ quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng đang trắng tay. Một kiểu làm nhục đối tác để buộc phải thần phục.

Cho nên sự kiện tuần dương Trịnh Hoà có thể phân tích ý nghĩa trên nhiều mặt, nhiều phía.

Nhóm lãnh đạo khi một mực thần phục nước lớn bành trướng để duy trì quyền lực và đặc lợi luôn ở thế trên đe dưới búa. Họ bị nước lớn lợi dụng, đe doạ hiếp đáp, mặt khác họ bị nhân dân khinh thị, chê bai, chống đối, nên vừa phải vâng lời nước lớn, vừa lo sợ rằng quá liều lượng nịnh bợ bọn bành trướng sẽ đổ thêm dầu vào lửa căm hờn của quần chúng yêu nước.

Cho đến khi nào họ mới buộc phải mở mắt, phải chịu nhận ra lẽ phải là đi với nhân dân, để đi với nền dân chủ đa nguyên đa đảng vững mạnh của thế giới, từ bỏ chế độ độc quyền đảng trị, dựa vào luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của đất nước.

Sống bên nước láng giềng lớn hung bạo đâu phải là định mệnh hiểm nghèo. Mông cổ, Ấn độ, Pakistan, Népal, Nga... đều là láng giềng với Trung quốc, đâu có chịu làm chư hầu cho Bắc kinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Chúng ta vẫn gọi là tầu tuần dương Trịnh Hòa. Sợ ai, việc gì mà phải từ bỏ tiếng Việt mẹ đẻ của mình, để gọi trệch đi là Cheng He hay Zhang Ha! Vô duyên!

Paris 17-11-2008
© 2008 www.danchimviet.com


Chiến hạm Trung Quốc 'Trịnh Hòa' thăm Việt Nam
DCVOnline
14-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5693

Chiến hạm Trung Quốc mang tên "Đô đốc Trịnh Hòa" ghé cảng Đà Nẵng Việt Nam

HÀ NỘI - Một chiến hạm Trung Quốc sẽ ghé thăm Việt Nam vào tuần tới, kể từ khi Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1991, sau một trận chiến biên giới tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu xảy giữa hai nước trong năm 1979.
Chiến hạm được dùng cho công tác huấn luyện của hải quân Trung Quốc mang tên Zheng He (Trịnh Hòa), với hơn 400 thủy thủ đoàn quân sự, sẽ vào cảng Đà Nẵng từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Mười Một này


Chiến hạm Trung Quốc mang tên Đô đốc Trịnh Hòa, người chỉ huy cuộc thám hiểm biển Ấn Độ dương trước đây, và theo Trung Quốc là người đã tìm thấy Hoàng Sa và Trường Sa (?). Nguồn: The EarthTimes
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/china-ship2.jpg

Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CHXHCNVN ông Lê Dũng: “Cuộc viếng thăm hữu nghị này sẽ giúp phát triển sự hợp tác và tình hữu nghị giữa hai bộ quốc phòng cũng như nhân dân hai nước.”

Những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam đón chào tin này, họ cho rằng quan hệ sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều cuộc viếng thăm như thế.
“Sự đồng ý của Việt Nam để cho phép chiến hạm Trung Quốc ghé thăm là có ý nghĩa,” ông Bùi Trường Giang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc tế ở Hà Nội nói. “Việt Nam đã đồng ý cho những chiến hạm của Hoa Kỳ và các nước khác như Nhật Bản và Úc Đại Lợi (Australia) ghé thăm. Tại sao Việt Nam không nhận cho chiến hạm Trung Quốc vào thăm?”
“Cuộc viếng thăm này có ý nghĩa vì tàu Trung Quốc vào cảng Đà Nẵng, là nơi kiểm soát hoạt động vùng Biển Đông,” theo ông Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Học viện Phòng thủ Quốc gia Úc Đại Lợi. Ông nói rằng cuộc viếng thăm này đi theo sau những hoạt động khác nhằm xây dựng niềm tin của hai bên chẳng hạn như chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm tháng Mười rồi.

Ông Lê Dũng cho hay là sĩ quan của chiến hạm Zheng He này sẽ gặp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và sẽ có những buổi hội thảo với sĩ quan Hải quân và những ngành khác của Việt Nam. Thủy thủ của hai nước sẽ có những sinh hoạt cùng nhau trong thời gian này, như đấu bóng chuyền giao hữu.

Trước khi đến Việt Nam, chiến hạm này đã ghé Cam-bốt và Thái Lan.
Chiến hạm này được mang tên đô đốc Trịnh Hòa là người đã chỉ huy một hạm đội Trung Hoa to lớn đi thám hiểm Ấn Độ dương trong năm 1405 và 1433.

Được biết, lúc đô đốc Zheng He (Trịnh Hòa ) này đang tiến hành những chuyến đi thám hiểm ở trên biển trong khoảng thời gian 1405 và 1433 thì cũng cùng thời điểm đó, nhà Minh của Tàu đang đô hộ tàn khốc nước Việt Nam (Đại Việt) và phải mất mười năm nằm gai nếm mật trước khi Lê Lợi có thể quét quân sạch Minh ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho nước Đại Việt và lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ) vào năm 1428.

© DCVOnline
--------------------------
Nguồn:
(1)
Chinese naval ship to visit Vietnam for first time. The Associated Press, 13 November 2008
(2)
Chinese warship to dock in Vietnam. DPA, 13 November 2008
(3)
Trịnh Hòa Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

No comments: