Thursday, November 13, 2008

BẮC KINH NGUY HIỂM

ASIA TIMES
Bắc Kinh nguy hiểm
Beijing dangerous
By Verna Yu
Nov 12, 2008
http://www.atimes.com/atimes/China/JK12Ad01.html

BẮC KINH - Với mức độ phát triển của Trung Quốc, càng ngày càng nhiều người phương Tây đã tới làm việc và sống tại Bắc Kinh. Nhiều người ấp ủ cơ hội được chứng kiến công cuộc hiện đại hóa đầy kịch tính của xứ sở này, song những người khác lại có những cảm giác lẫn lộn về một thành phố phải hứng chịu những cái chết do tai nạn giao thông tăng cao, nơi mà không khí thường dày đặc ô nhiễm, và nơi mà họ và con cái họ có cảm giác trơ trọi trước những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm luôn đáng ngờ của đất nước này.

Dan Sandifer-Stech và vợ ông là một ví dụ, khi đứa con gái năm tuổi của họ đã bị một chiếc xe hơi cán phải chỉ sáu tuần sau khi họ tới đây vào năm 2006. Đứa con gái bé nhỏ của họ bị hôn mê trong tám ngày, cho họ cảm giác không chắc chắn về tương lai của mình ở Trung Quốc. Họ đã quyết định lưu lại thêm một thời gian nữa, và hiện đang bình yên với cuộc sống trong một thủ đô như đã quốc tế hóa này, song người cha của ba đứa trẻ vẫn còn tức giận về tình trạng giao thông hỗn loạn ở đây.

"Chúng tôi nhận ra hầu hết họ đều lái xe theo lối thô bạo, đua tranh và nguy hiểm, các tài xế không chịu giảm tốc độ khi thấy trẻ nhỏ," ông Sandifer-Stech nhận xét. "Nó là một thực tế luôn làm ta nản lòng - một thành phố kỳ diệu nhưng quy tắc và hành vi giao thông đã gây trở ngại cho những trải nghiệm đó."
Theo Tân Hoa Xã, 1.181 người đã chết vào năm ngoái trong các tai nạn giao thông ở Bắc Kinh, tăng gần 200 so với năm 2006.

Nhiều người phương Tây sống ở Bắc Kinh cùng chia sẻ những cảm giác thất vọng với ông Sandifer-Stech, và trong khi hầu hết bị mê hoặc bởi văn hóa và lịch sử độc nhất vô nhị của đất nước này, họ cũng nhận ra cuộc sống trong cái thành phố cổ kính đầy dẫy những hiểm nguy và không thể đoán trước được.

Có hơn 65.000 người ngoại quốc sống ở Bắc Kinh, theo số liệu của nguyệt san Chinese National Geography. Họ chủ yếu đến từ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Âu châu, Nga và Singapore, và hầu hết đều làm việc cho các công ty nước ngoài hoặc dạy tại các trường trung tiểu học.

Thế nhưng ông Robert Gordon-Smith, 39 tuổi, đã quyết định đưa cái gia đình trẻ của mình sang Hong Kong vào đầu năm nay sau khi đã sống ở Bắc Kinh trong gần bốn năm.

"Việc không thể nói trước được về cuộc sống hàng ngày của mình ở Bắc Kinh có nghĩa là điều gì đó khủng khiếp có thể bất ngờ xảy ra và bạn sẽ không thể làm gì được để đối phó," đó là nhận xét của một chuyên gia tư vấn người Anh về công nghệ thông tin. Ông cho biết ông và vợ đã phải lo lắng triền miên khi ông đạp xe tới nơi làm việc, khi những tai nạn trên đường là cảnh tượng xảy ra phổ biến tại trung tâm Bắc Kinh và những công trình xây dựng kém chất lượng thường dẫn tới những thảm kịch.

Tháng Mười hai năm ngoái, một cột điện bê tông to tướng đã đổ xuống lề con đường vành đai phía đông thành phố, đè chết một người đi xe đạp và gây thương tích nặng cho hai người khác. Những người ngoại quốc không nói được tiếng Trung thường ít có cơ hội nhận được trợ giúp tức thì nếu như có sự cố xảy ra.
"Tôi từng sống trong một xã hội ngăn nắp và chu đáo hơn," ông nói.

Mặc dù có những điều luật để đảm bảo an toàn ở Trung Quốc, song sức ép buộc phải tuân thủ lại thường không được thực thi, ông nhận xét và buồn rầu về sự thiếu vắng một nền báo chí tự do. "Thông tin chính thức thường là một trò đùa - bạn không thể trông đợi chúng nói cho bạn biết sự thực," ông nói tiếp. "Nó không phải là những gì bạn biết, mà là những gì được che giấu, làm cho bạn lo lắng."

Những vụ bê bối về an toàn thực phẩm gần đây như vụ hoá chất melamine bị phát hiện trong sữa và trứng, và những nỗi sợ hãi trước đó về kem đánh răng, thức ăn cho vật nuôi độc hại, tân dược giả và vắc xin phòng bệnh bị hư hỏng đã làm cho các bậc cha mẹ đặc biệt lo lắng.

"Bạn sẽ phải tự hỏi xem cái gì nữa đây trong hàng loạt các loại thực phẩm khác," ông Sandifer-Stech nói.
Chất lượng không khí cũng là một nguyên nhân cho mối quan ngại của những người ngoại quốc với những đứa con của mình. Mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện những biện pháp nhằm kiểm soát mức độ giao thông và ô nhiễm trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Mùa hè 2008, song sau khi Thế vận hội kết thúc, tình trạng tắc nghẽn giao thông và không khí tồi tệ đã trở lại.

"Rốt cục thì vấn đề chất lượng không khí sẽ tác động tới khoảng thời gian dài ngắn chúng tôi có thể lưu lại ở Bắc Kinh. Chúng tôi có một nỗi lo sợ nếu như ở lại quá bốn năm do những gì đã thấy ở đây," ông Sandifer-Stech tâm sự.

Những người ngoại quốc có những trải nghiệm văn hóa ở đây cũng mang những nỗi thất vọng về việc quá nhiều dĩ vãng của thủ đô đã bị mất đi trên bước đường đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa của Bắc Kinh.
"Bắc Kinh giờ đây có vẻ giống như bất cứ thành phố nào khác của châu Á - không cảm thấy được ở nó những nét văn hóa đặc biệt," đó là nhận xét của Jane, một người New Zealand. "Họ đã giữ được những kiến trúc cổ kính hơn từ thời đế quốc, song trong quyết tâm của mình nhằm thoát khỏi tất cả những vết tích của quá khứ, bạn hầu như không thể tìm thấy những dấu hiệu của những gì mà người dân đã từng sử dụng để sống trước năm 1949," bà nhận xét.

Một cuộc vung vít tiền của cho xây dựng được gấp gáp thực hiện trong thời gian hướng tới Olympic đã dẫn đến việc hủy hoại nhiều ngôi nhà kiểu cổ truyền thống có sân bên trong và các hutong (ngõ nhỏ) trong thành phố cổ, là những thứ có từ Triều đại nhà Minh thế kỷ 14.

Các cư dân gốc Bắc Kinh trong những khu phố cổ - mà nhiều người đã từng sống tại đó qua nhiều thế hệ - thường chỉ được trả những khoản bồi thường ít ỏi cho việc trưng dụng nhà cửa rồi bị đuổi ra sống ở vùng ngoại ô.

"Trung Quốc đang đẩy dân chúng rời đi, và tạo nên vùng chết, những tuyến đường khổng lồ và các tòa nhà đồ sộ để phô trương," bà nhận xét. "Không còn cảm giác thú vị trong thành phố và không có cảm giác nhộn nhịp ở Trung tâm Bắc Kinh, không giống với các thành phố lớn khác như Hong Kong, Tokyo."

Mặc dù nhiều Trung Quốc sống ở nước ngoài vẫn nghĩ rằng Bắc Kinh có nhiều vẻ bên ngoài hấp dẫn, ví như giá cả sinh hoạt tương đối thấp và bản chất toàn cầu của thành phố tạo nên cơ hội chứng kiến một kỷ nguyên của sự biến đổi đầy kịch tính. Những Hoa kiều khác nói là họ coi trọng thực tế rằng con cái của họ chịu học tiếng Trung và tin rằng kinh nghiệm văn hóa sẽ giúp ích cho chúng khi lớn lên.

"Đó là một sự sắp đặt mang tính quốc tế, có quá nhiều người từ các quốc gia khác nhau đến đây và vì đó là một sự vội vã mang tính hoang dã, là một nhóm có chọn lọc những người muốn khám phá về nước Trung Hoa," đó là nhận xét của Annabelle, 39 tuổi, một cựu chuyên gia tư vấn về môi trường của Anh.
"Nhưng những gì tôi thích ở Bắc Kinh lại là thứ đang mất đi, như những lối đi giành cho xe đạp, những con ngõ nhỏ, ăn uống trên hè phố và cuộc sống cộng đồng địa phương - song chúng không được những con người có trách nhiệm cho sự phát triển của thành phố nhìn với thái độ quý trọng," Gordon-Smith nhận xét.

Verna Yu là một nhà báo ở Hong Kong.

Hiệu đính:
Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
Thursday November 13, 2008 - 06:47am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2494

No comments: