Friday, March 28, 2025

TRUNG QUỐC : KHI AI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ CHÍNH TRỊ (Anh Vũ / RFI)

 



Trung Quốc : Khi AI trở thành công cụ chính trị

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 25/03/2025 - 12:00  -  Sửa đổi ngày: 25/03/2025 - 15:23

https://www.rfi.fr/vi/khoa-h%E1%BB%8Dc/20250325-trung-qu%E1%BB%91c-khi-ai-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A5-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B  

 

Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy việc áp dụng Deepseek-R1 ở mọi cấp độ xã hội. Công cụ hội thoại tự động này đã có màn ra mắt ấn tượng trên thị trường cách đây hai tháng và đang được quảng bá để phục vụ ý đồ chính trị và kinh tế của Tập Cận Bình, người tự coi mình là kiến ​​trúc sư của một "cuộc cách mạng dữ liệu".

 

HÌNH :

Các sách về chủ tịch Tập Cận Bình, phát triển kinh tế, chính trị và trí tuệ nhân tạo... tại gian hàng sách dành cho các đại biểu dự kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 06/03/2025. AP - Andy Wong

 

Tìm lại người mất tích? Đây là nhiệm vụ của DeepSeek-R1. Những chú ngựa lang thang vô định trên đường phố Vũ Hán? DeepSeek-R1 có thể giúp xác định đến tận trang trại gốc của chúng. Săn lùng tham nhũng ở mọi cấp độ? Trung Quốc đang có một cảnh sát trưởng mới trong thành phố là AI.

 

Công cụ hội thoại tự động nổi tiếng của Trung Quốc Chatbot này, từng  làm lu mờ ChatGPT và Perplexity của Mỹ vào tháng 1 năm nay, đang dần mở rộng ảnh hưởng của mình đến ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị tại Trung Quốc. DeepSeek-R1 nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền trung ương.

 

Vào giữa tháng 3, Bắc Kinh khuyến khích các chính quyền địa phương triển khai giải pháp do công ty khởi nghiệp DeepSeek phát triển để theo dõi gian lận trợ cấp của Nhà nước. Chính quyền địa phương tại Vu Hồ, một thành phố có 3,8 triệu dân ở miền đông Trung Quốc, xác nhận AI "Made in China" "là một công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật", giúp "xuyên thủng lớp vỏ bọc vô hình của tham nhũng".

 

Tại thành phố lớn Thâm Quyến, sát cạnh Hồng Kông, DeepSeek-R1 đang được sử dụng để phân tích nguồn hình ảnh do camera giám sát ghi lại nhằm tìm kiếm dấu vết có thể có của những người mất tích, báo New York Times cho biết

 

 

DeepSeek len lỏi khắp nơi

 

Chatbot này cũng đã bắt đầu trả lời người dân thành phố Mai Châu, miền nam Trung Quốc, khi họ liên hệ với chính quyền thành phố để giải đáp các thắc mắc hành chính. Hoàn cầu Thời báo, một trong những nhật báo chính thức hàng đầu của Trung Quốc, phấn khởi chia sẻ :  "Sau khi áp dụng DeepSeek tại Mai Châu, thời gian chờ cuộc gọi đến đường dây nóng của thành phố đã giảm từ 32 giây xuống còn 23 giây, nghĩa là tốc độ phản hồi tăng 28%",.

 

Để tuân theo chỉ thị của chính quyền trung ương, các nhà chế tạo ô tô cũng không bỏ lỡ chuyến tàu đang chuyển động. Trang tin Rest of World ghi nhận có hơn hai chục nhãn hiệu xe Trung Quốc công bố ý định tích hợp AI mới của Trung Quốc vào các mẫu sản phẩm tương lai của họ.

 

Các bệnh viện cũng không muốn bị tụt hậu. Gần 100 cơ sở cho biết DeepSeek sẽ giúp họ khẳng định các chẩn đoán, kê đơn và phân tích hình ảnh y tế như siêu âm.

 

Carlotta Rinaudo, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS), cho biết: "DeepSeek thực sự là món quà tuyệt vời nhất mà một công ty Trung Quốc có thể tặng cho chính phủ hiện nay".

 

Về kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại. Về ngoại giao, Bắc Kinh đang chịu sức ép từ Hoa Kỳ của Donald Trump, trên đường trở lại cuộc chiến thương mại. Về mặt xã hội, tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, đang ngày thêm căng thẳng.

 

 

Tín hiệu gửi đến Washington

 

Trong bối cảnh như vậy, chính phủ "cần thành công về kinh tế và công nghệ để chứng minh rằng Trung Quốc vẫn có khả năng đổi mới", Marc Lanteigne, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Bắc Cực của Na Uy nhấn mạnh.

 

Các quan chức Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để phất lá cờ DeepSeek. Kỳ họp Quốc Hội, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, kết thúc hôm 11 tháng 3 vừa rồi - là "cơ hội để các giới chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hân hoan với thành công của AI này", Marc Lanteigne lưu ý. Những người tham dự đại hội cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trẻ có khả năng giúp Trung Quốc tỏa sáng trên trường quốc tế.

 

Carlotta Rinaudo nhận định, với ĐCSTQ, "DeepSeek thể hiện một thời điểm Huawei mới, như khi nhà sản xuất điện thoại này công bố mẫu điện thoại vào tháng 9 năm 2023 được trang bị chip 5G do Trung Quốc sản xuất giữa lúc Hoa Kỳ đang cấm vận các linh kiện điện tử". Theo Marc Lanteigne, với AI này « được triển khai vào thời điểm Donald Trump trở lại Nhà Trắng với phát ngôn rất chống Trung Quốc" thì đó thậm chí còn là niềm « tự hào dân tộc ». Ông đánh giá, "rõ ràng đây là một tín hiệu được gửi đến Washington để nói với người Mỹ rằng việc cố gắng cô lập họ về mặt công nghệ chắc chắn sẽ thất bại".

 

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc " DeepSeek đang được triển khai nhanh chóng ở mọi cấp độ của đời sống kinh tế và xã hội". Đây không phải là ngẫu nhiên, đó là một nỗ lực khác nhằm vượt mặt Hoa Kỳ. Ở bên kia Thái Bình Dương, người Mỹ đang lao vào cuộc chạy đua sức mạnh, trên hết là tìm cách phát triển một mô hình ngôn ngữ mạnh hơn mô hình của đối thủ cạnh tranh, "trong khi ở Trung Quốc, chính quyền muốn chứng minh rằng DeepSeek đã được sử dụng cụ thể trong cuộc sống hàng ngày", Marc Lanteigne lưu ý.

 

Khía cạnh thực tế này "có thể có nghĩa là Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng DeepSeek như một công cụ quyền lực mềm, đặc biệt là đối với các nước Nam Bán cầu. Thông điệp muốn nói rằng Trung Quốc không chỉ có chiến lược trong lĩnh vực AI mà giải pháp của họ cũng đã sẵn sàng để sử dụng", chuyên gia Carlotta Rinaudo phân tích. Tất cả những ví dụ cụ thể mà phương tiện truyền thông Trung Quốc hối hả đưa tin đều như là một "phòng trưng bày" cho các đối tác tiềm năng sẵn sàng áp dụng AI "sản xuất tại Trung Quốc".

 

 

Quyền lực mềm và ý tưởng của Tập Cận Bình

 

"Cuộc cách mạng DeepSeek" cũng mang tầm mức cá nhân đối với Tập Cận Bình, liên quan đến một chiến lược mà ông đã thúc đẩy trong gần mười lăm năm và thậm chí còn ám ảnh ông lâu hơn thế. Carlotta Rinaudo khẳng định rằng AI này "là điểm mấu chốt quyết định sự hoàn thiện chương trình 'Trung Quốc kỹ thuật số' mà chủ tịch Trung Quốc đã cho triển khai kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012".

 

Chuyên gia của Viện ITSS giải thích rằng chiến lược quốc gia này "nhằm mục đích giúp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn ở mọi cấp độ nhờ vào dữ liệu". Carlotta Rinaudo giải thích rằng Tập Cận Bình đã bị ám ảnh bởi việc khai thác dữ liệu từ hơn hai mươi năm trước, khi ông còn là chủ tịch tỉnh Phúc Kiến. Ông tin rằng công nghệ chính là chìa khóa để cải thiện công tác quản lý một vùng mà vào « thời điểm đó khá tụt hậu so với phần còn lại của đất nước", chuyên gia này giải thích.

 

Việc AI và DeepSeek lên ngôi giống như một khoảnh khắc phát kiến đối với ông. Nó thể hiện tầm nhìn lớn của ông về một "cuộc cách mạng dữ liệu" và đưa Trung Quốc vào vị thế thuận lợi để đóng vai trò chủ động trong biến chuyển xã hội lớn này trên quy mô quốc gia.

 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nỗ lực đưa đất nước  vào kỷ nguyên DeepSeek bằng mọi giá. Nhưng bước tiến gắng sức này chắc chắn sẽ gặp phải những trục trặc. "Các nhà chức trách nhận thức rằng mô hình này không hoàn hảo và có thể mắc sai lầm", Marc Lanteigne thừa nhận. Như thế, chế độ Trung Quốc đang đặt ngày càng nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc vào tay một công ty khởi nghiệp mà chỉ vài tháng trước, công chúng hoàn toàn không biết đến.

(Theo france24.com)

 

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - CÔNG NGHỆ - CHÍNH TRỊ

Bắc Kinh muốn nhồi chủ nghĩa xã hội vào trí tuệ nhân tạo

 

 





No comments: