Ai
đang gây lãng phí cây xanh ở trung tâm thành phố?
Lê Huyền Ái Mỹ
25/03/2025
https://baotiengdan.com/2025/03/25/ai-dang-gay-lang-phi-cay-xanh-o-trung-tam-thanh-pho/
Những ngày qua, nhiều cây lim sét, cao khoảng
10m trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, dù còn xanh tốt đã bị đốn hạ. Trả lời báo Tuổi Trẻ, Công ty TNHH MTV Công viên cây
xanh TP.HCM cho biết: “Do trong quá trình thi công cải tạo vỉa hè đơn vị thi
công đã làm đứt một số rễ của các cây trên. Nhận thấy cây có khả năng mất an
toàn trong mùa mưa bão sắp tới nên đơn vị đã xin phép đốn hạ, trồng mới thay thế”.
Có 17 cây đã bị đốn hạ. Cây cao khoảng 10m,
giờ thì “bỏ hết đi ta làm lại từ đầu”, lại trồng mới thay thế.
Cũng theo Tuổi Trẻ, Ban quản lý dự án đầu tư
xây dựng khu vực quận 1 nói việc đơn vị thi công làm đứt một số rễ nhỏ (rễ con
trên bề mặt, không phải rễ chính của cây, số lượng số ít) chứ không phải cây
nào cũng bị, do đó nếu nói do thi công vỉa hè mà phải đốn cây thì chưa đúng
100% (!)
Không phải đốn cây để thi công vỉa hè nhưng
“nhờ” thi công vỉa hè, làm đứt rễ nên buộc phải hạ cây, nếu không muốn gây nguy
hiểm cho người đi đường khi mùa mưa đến.
“Siêu” ban cấp quận này cũng cho biết, quá
trình thi công đã kiểm tra nhắc nhở và có các văn bản chấn chỉnh, yêu cầu
nghiêm túc thực hiện việc không xâm hại cây xanh, bó bồn cây hiện hữu. Nhưng tại
sao thực tế vẫn để xảy ra tình trạng làm hư hại cây? Trước khi tiến hành đào, xới,
đơn vị thi công đã tham vấn, thậm chí có sự phối hợp để lên phương án bảo đảm
không ảnh hưởng, tác hại lên cây xanh hay không? Hay để khi sự đã rồi, cụ thể
là 17 cây lim sét bị đốn hạ thì mới “sẽ phối hợp phía cây xanh để tăng cường kiểm
tra và có chấn chỉnh nghiêm khắc với các nhà thầu”?
Nếu vậy, với báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ
tầng kỹ thuật Thành phố “hiện việc triển khai thi công một số công trình chỉnh
trang vỉa hè có ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an
toàn, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lâu dài của cây xanh” thì trách nhiệm
của “siêu” Ban và đơn vị thi công sẽ phải xem xét ra sao?
Theo báo Sài Gòn Giải phóng, Công ty TNHH MTV Công
viên cây xanh TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND quận 1 về việc thi công cải tạo,
chỉnh trang vỉa hè xâm hại đến hệ thống cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Theo đó,
trong quá trình thi công, phương tiện cơ giới phá dỡ, cào bóc nền vỉa hè, đào gần
gốc cây làm đứt rễ, gây tổn thương cơ học cho hệ rễ cây xanh hiện hữu trên tuyến
đường.
Một số tuyến đường trên địa bàn quận 1 đã và
đang thực hiện thi công, chỉnh trang vỉa hè từ cuối năm 2024 đến nay bao gồm:
Alexandre de Rhoder (13 cây); Cô Bắc (16 cây), Cô Giang (5 cây), Lê Thánh Tôn
(61 cây), Lý Tự Trọng (59 cây), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (176 cây), Nguyễn Công Trứ
(20 cây), Nguyễn Đình Chiểu (2 cây), Nguyễn Thị Minh Khai (49 cây), Nguyễn
Trung Trực (14 cây), Mạc Đỉnh Chi (5 cây), Phùng Khắc Khoan (96 cây), Pasteur
(43 cây), Trần Cao Vân (25 cây), Tôn Thất Đạm (9 cây), Sương Nguyệt Anh (30
cây).
Thống kê trên các tuyến đường này có khoảng
623 cây xanh bị xâm hại.
Phía Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh
TP.HCM dù có tăng cường tuần tra phát hiện, lập biên bản, nhắc nhở đơn vị thi
công nhưng do “việc thực hiện thi công cải tạo vỉa hè đa số thực hiện vào ban
đêm nên công tác tuần tra phát hiện hành vi xâm hại đến hệ thống cây xanh rất
khó khăn” – đại diện Công ty nói.
Theo Sở Giao thông công chánh, chỉnh trang vỉa
hè ở TP.HCM gây hư hại cây xanh sẽ phải bồi hoàn, bị xử phạt. Thế nhưng, hàng
trăm cây xanh đang tăng trưởng bị xâm hại, nhiều cây buộc phải đốn hạ thì bồi
hoàn ra sao, xử phạt ai, xử phạt như thế nào?
Tại sao chúng ta không thể kết nối đồng bộ
các ngành – lĩnh vực vốn đã có sự liên đới (cụ thể là cây xanh và vỉa hè) để thống
nhất phân lập, theo dõi, giám sát, thực thi các công đoạn; triển khai theo đúng
“biểu đồ” kỹ thuật để đảm bảo không tác động, gây hại lên hạ tầng xung quanh? Tại
sao cùng là “người nhà” của hạ tầng đô thị mà không có sự ngồi lại, bàn thảo,
xây dựng các phương án thi công khoa học, đồng bộ để không dẫn đến việc hàng
trăm cây xanh bị xâm hại như thế?
Thành phố này đã thiếu cây xanh trầm trọng
nên xin đừng dễ dàng xâm hại, đốn hạ cây xanh như thế! Đó là biểu hiện của sự
lãng phí. Lãng phí thời gian, công sức, môi trường và tất nhiên là tiền ngân
sách. Việc này cần triệt để chấn chỉnh và cũng cần xử lý những ai gây ra lãng
phí.
No comments:
Post a Comment