Liên
minh các quốc gia tình nguyện bảo đảm an ninh cho Ukraina họp tại Paris
Thu
Hằng|Phan Minh|Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 27/03/2025 - 11:49 - Sửa đổi ngày: 27/03/2025 - 16:05
Liên
minh các quốc gia tình nguyện bảo đảm an ninh cho Ukraina họp tại phủ tổng thống
Pháp ở Paris hôm nay 27/03/2025. Tổng thống Pháp, trên cương vị chủ nhà, tiếp
lãnh đạo của gần 30 quốc gia và các định chế quốc tế như Liên Hiệp Châu Âu (EU)
hay Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng cuộc họp không có sự tham dự của
Hoa Kỳ.
HÌNH
:
Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron (G) đón tiếp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky
(P) tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 27/03/2025. AP - Thibault Camus
Sau
hai cuộc họp trước đây ở Paris và Luân Đôn, hôm nay tại điện Elysée, tổng thống
Emmanuel Macron lại triệu tập các nước đồng minh và mời thêm một số quốc gia,
như Thổ Nhĩ Kỳ, tham dự. Mục tiêu hội nghị lần này nhằm « đúc kết » những
điều khoản bảo đảm an ninh và quyền lợi cho Ukraina, qua đó bảo đảm an ninh của
toàn thể châu Âu.
Theo
giới quan sát, một cách cụ thể, các bên sẽ bàn thảo về « những
phương tiện để hỗ trợ Ukraina về mặt quân sự, những giải pháp để giám sát các
bên nghiêm chỉnh thực thi thỏa thuận ngưng bắn nếu có đạt được ».
Hãng
tin Pháp AFP đưa tin, kế hoạch này gồm 3 giai đoạn : Thứ nhất là củng cố sức
mạnh cho quân đội Ukraina. Trong giai đoạn thứ nhì, cũng là khâu đang gây nhiều
tranh cãi hơn cả, các nước trong liên minh tình nguyện sẽ cùng thành lập
và triển khai một lực lượng quân sự sang Ukraina một khi thỏa thuận hòa bình giữa
Nga và Ukraina có hiệu lực. Trong giai đoạn thứ ba, châu Âu cần được Mỹ hậu thuẫn
trong việc đưa quân sang Ukraina. Nhưng AFP nhắc lại là đến nay, chính quyền
Washington chưa lên tiếng về điểm này.
Trước
khi đến dự hội nghị Paris hôm nay, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã khẳng
định Kiev cần biết « có những quốc gia nào sẵn sàng gửi quân sang
Ukraina ». Hiện giờ, Anh và Pháp đang trên tuyến đầu. Vấn đề đặt ra là
Nga không muốn có sự hiện diện của các lực lượng châu Âu ở ngay sát cạnh, trên
lãnh thổ của Ukraina.
Tham
dự hội nghị Paris lần này có tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, thủ tướng
Anh Keir Starmer, thủ tướng Đức Olaf Scholz, thủ tướng Ý Giorgia Meloni, phó tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Mỹ không được mời tham dự.
Pháp
viện trợ thêm 2 tỷ euro cho Ukraina, cáo buộc Nga không muốn ngừng chiến
Trước
cuộc họp tại Paris, tổng thống Pháp đã tiếp đồng nhiệm Ukraina tại điện Elysée
chiều 27/03. Ông Emmanuel Macron thông báo viện trợ thêm 2 tỷ euro cho Ukraina,
đồng thời cáo buộc Nga đã « thể hiện quyết tâm chiến tranh ».
Tổng
thống Macron nhấn mạnh « bảo đảm an ninh đầu tiên » là
phải củng cố cho quân đội Ukraina. Khoản viện trợ bao gồm « tên lửa
chống tăng Milan », « các phương tiện phòng không như tên
lửa Mica » trang bị cho chiến đấu cơ Mirage mà Pháp cung cấp cho
Ukraina, « tên lửa phòng không địa đối không Mistral », « xe
bọc thép VAB », « xe tăng AMX-10 RC », « các
loại đạn dược, kể cả điều khiển từ xa, và drone ». Khoản viện trợ này
bao gồm cả « việc sản xuất thiết bị tại Ukraina », « dựa
vào những thỏa thuận đối tác với các doanh nghiệp quốc phòng Pháp ».
Về
thỏa thuận ngừng bắn ở Hắc Hải do Mỹ làm trung gian, tổng thống Pháp cáo buộc
Nga đơn phương thêm « nhiều điều kiện mới », « kéo
dài thời gian » và cho thấy « quyết tâm tiếp tục chiến
tranh ». Ông Macron kêu gọi Nga chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trong
vòng 30 ngày mà « không đặt điều kiện tiên quyết », như
Ukraina đã làm. Ngay cả ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng phải thừa nhận là cần
thời gian để đi đến một thỏa thuận hòa bình.
Theo
AFP, tổng thống Zelensky đã cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp, đồng thời cho biết « đã
thảo luận về việc tăng số lượng chiến đấu cơ Mirage » mà Paris
cung cấp cho Kiev. Tối 26/03, tổng thống Ukraina đã trả lời phỏng vấn với năm
cơ quan truyền thông châu Âu do đài truyền hình quốc gia Pháp France 2 điều phối.
Ông
Zelensky cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ cần duy trì mặt trận chung để đối phó với
Nga : « Ông Putin sợ tình đoàn kết của châu Âu và Hoa Kỳ. Vì
thế ông ấy hành động để cản trở, chia rẽ và làm suy yếu tình đoàn kết đó. Tôi
nghĩ rằng biện pháp này đã thành công, không hẳn là hoàn toàn, nhưng ông Putin
đạt được nhiều kết quả. Tiếp theo, ông ấy tác động đến mối quan hệ trong nội bộ
Liên Hiệp Châu Âu. Và chúng ta cũng thấy là ông ấy thành công phần nào thông
qua lập trường chính thức của Hungary, của các nhà lãnh đạo nước này, tôi không
nói đến lập trường của người dân Hungary. Tôi nghĩ đến việc Hungary đôi khi
ngăn chặn các biện pháp trừng phạt Nga, chống lại áp lực đối với Nga và tìm
cách đưa các nhà tài phiệt Nga khỏi danh sách trừng phạt. Đó là những chuyện
đang diễn ra hiện nay. »
Chiến
sự vẫn ác liệt tại mặt trận Kursk
Về
tình hình chiến sự, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại mặt trận Kursk, gần biên
giới Nga-Ukraina. Trong những tuần gần đây, phía Nga đã đẩy lùi quân Ukraina và
giành lại được gần như toàn bộ phần lãnh thổ mà Kiev đã chiếm được cách đây nhiều
tháng.
Đặc phái
viên Anissa El Jabri đã tới Soudja và các ngôi làng xung quanh để tường thuật về
diễn biến tại chỗ :
«
Phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép đặc biệt, để đồng hành cùng các
binh sĩ Chechnya thuộc nhóm Akhmat tới khu vực Soudja và 7 làng lân cận mà tôi
đã đến cách đây vài ngày.
Hợp
tác với các cơ quan chức năng địa phương, những người lính này, cùng
với một giáo sĩ, đến để cung cấp thực phẩm cho dân thường vẫn còn bám
trụ tại đó, đôi khi được sơ tán theo yêu cầu của gia đinh. Đó là những
người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già, đôi khi bị mắc kẹt trong cuộc
tấn công bất ngờ này, và mất mọi liên lạc với bên ngoài.
Tại
những ngôi làng này, cũng như trong khu vực Soudja, giờ chỉ còn một ít người
dân với rất nhiều binh sĩ, do khu vực này vẫn cấm dân thường hiện diện. Mặc dù
Nga đã chiếm lại hầu hết phần lãnh thổ bị mất, chiến sự vẫn diễn ra tại khu vực
gần biên giới. Vẫn còn những mối đe dọa từ trên không, chủ yếu là từ các drone.
Các phương tiện đều được trang bị hệ thống cảm biến, binh sĩ mang súng đặc biệt.
Họ di chuyển trên những con đường và trong các ngôi làng bị tàn phá nặng nề, số
tòa nhà nguyên vẹn còn rất ít và đôi khi phải có trí tưởng tượng phong phú để
nhận thấy dưới những đống đổ nát và tôn sắt đã từng có những ngôi nhà với người
dân sống trong đó. »
Về
phần mình, quân đội Hàn Quốc hôm nay, 27/03, cho biết Bắc Triều Tiên đã gửi
thêm 3.000 binh sĩ và cung cấp thêm cho Nga tên lửa, đạn dược để hỗ trợ nước
này chống Ukraina. Quan hệ giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng đã khăng khít hơn kể từ
khi Kremlin xua quân xâm lược Ukraina vào năm 2022. Hàn Quốc đã cáo buộc nhà
lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đưa hàng nghìn binh sĩ và container vũ khí
sang hỗ trợ Matxcơva.
------------------------------
Các
nội dung liên quan
ĐIỂM
BÁO
Bị
Mỹ bỏ rơi sau ba năm chiến đấu, Ukraina có thể tồn tại trước Nga ?
PHÂN
TÍCH
Pháp
tích cực tìm kiếm bảo đảm an ninh cho Ukraina và Châu Âu
PHÁP
- UKRAINA - QUÂN SỰ
Pháp
huy động gần 200 triệu euro tăng viện trợ quân sự cho Ukraina
No comments:
Post a Comment