Thursday, March 27, 2025

NĂM NĂM SAU BREXIT, LÀN SÓNG DI DÂN VÀO VƯƠNG QUỐC ANH VẪN LÀ VẤN ĐỀ NỔI CỘM (NGuyễn Giang / RFI)

 



Năm năm sau Brexit, làn sóng di dân vào Vương quốc Anh vẫn là vấn đề nổi cộm

Nguyễn Giang  -  RFI

Đăng ngày: 26/03/2025 - 11:56

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20250326-n%C4%83m-n%C4%83m-sau-brexit-la%CC%80n-so%CC%81ng-di-d%C3%A2n-v%C3%A0o-v%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BB%91c-anh-v%E1%BA%ABn-l%C3%A0-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-n%E1%BB%95i-c%E1%BB%99m

 

Nhìn lại 5 năm sau khi thỏa thuận Brexit có hiệu lực (từ 31/01/2020), vấn đề di dân vào Anh, cả hợp pháp và trái phép, vẫn là vấn đề nổi cộm lớn ở quốc gia nay đã nằm ngoài Liên Hiệp Châu Âu, dẫu rằng cắt giảm di dân là một tiêu chí của Brexit. Thông tín viên Nguyễn Giang từ Anh quốc tìm hiểu chủ đề này.

 

HÌNH  :

Một xuồng chở di dân rời bãi biển Wimereux, tây bắc Pháp, vượt biển Manche hướng đến Anh, ngày 04/09/2024. REUTERS - Benoit Tessier

 

RFI : 5 năm sau khi Thỏa thuận Brexit đưa Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực, vấn đề di dân vào Vương quốc Anh nay ra sao? Dư luận Anh nghĩ gì về chuyện này ?

 

TTV NGUYỄN GIANG: Có thể nói là sau 5 năm Brexit, dòng người vào Anh vẫn đông hơn dòng người ra đi, khiến con số ròng nhập cư vào Anh tăng lên. Tuy thế, thành phần của các nhóm người tới Anh có sự thay đổi. Chúng ta nhớ rằng Brexit năm 2016 chính là hệ quả của việc quá 50% (dù không lớn) cử tri Anh muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) để dân các nước khác trong EU không thể tới Anh sinh sống tự do.

 

Nước Anh đã đạt được điều này vì lý do chủ quan (Brexit referendum) và khách quan là sau đại dịch Covid, số người từ châu Âu thuộc EU tới Anh giảm, và kinh tế Anh kém đi, người EU quay về đất nước họ, như trường hợp của Ba Lan, nơi có tăng trưởng kinh tế tốt hơn Anh.

Bù vào đó thì di dân từ các nước khác trên thế giới, tạm gọi là nhóm nhập cư ngoài EU, lại tăng lên từ năm 2020. Người từ các nước Commonwealth (ví dụ Nigeria) hay đặc khu như Hồng Kông (nơi có nhóm mang hộ chiếu hải ngoại của Anh), và cả Trung Đông, Đông Nam Á (chủ yếu từ Việt Nam), vẫn vào Anh đều đều. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2024, con số nhập cư ròng tăng mạnh, đạt trên 900 nghìn/năm tính vào thời điểm đầu năm 2024. Số dân EU thì sang Anh giảm dần đều từ đầu năm 2024.

 

Dư luận Anh tiếp tục phản đối nhập cư mà họ cho là đang quá mức vì chi phí của chính quyền cho người xin tỵ nạn ngốn vào ngân sách nhà nước. Còn với cả di dân kinh tế, sinh viên du học, thì dù họ vào hợp pháp nhưng con số đông đảo lại đẩy giá thuê nhà ở các đô thị lên cao ngất, khiến người bản địa cũng không hài lòng.

 

Giới trẻ Anh sau khi học xong gần như không thể nào mua được căn hộ đầu tiên, kể cả khi đi làm có lương khá. Tân chính phủ Lao Động tung ra kế hoạch xây thêm 1,5 triệu căn nhà từ nay đến năm 2029 để điều chỉnh sự mất cân bằng cung-cầu, nhưng lạm phát và lạm chi ngân sách, nhu cầu cắt chi tiêu công khiến mục tiêu này ngày càng khó đạt, theo các bình luận trên báo Anh.

 

 

RFI : Chính phủ của đảng Lao động bỏ chương trình Rwanda nhiều tai tiếng của chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm, vậy họ có giải pháp nào thay thế  ?

 

TTV NGUYỄN GIANG: Sau khi đảng Lao động lên cầm quyền tháng 7/2024, Anh quốc đã đẩy mạnh việc truy bắt các băng đảng buôn người và đẩy mạnh việc trục xuất và cho hồi hương người không được tỵ nạn.

 

Trong nước, Anh thay đổi luật để phạt rất nặng những chủ lao động thuê nhân công thiếu giấy tờ cư trú. Mức phạt nay lên tới 60 nghìn bảng Anh cho một lao động lậu. Đây là khoản tiền rất lớn, tương đương 71,5 nghìn euro, hay 77,4 nghìn đô la Mỹ. Chủ lao động có thể bị tước giấy phép hành nghề, hoặc bị phạt tù nếu đã tham gia buôn người vào Anh để làm việc.Cụ thể là cảnh sát, cục di trú và biên phòng tăng cường truy bắt và kiểm tra các tiệm ăn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, và cả tiệm làm móng của chủ là người châu Á, gồm Việt Nam.

Chính quyền còn công khai tin tức và số liệu về các vụ truy quét này để răn đe. Ví dụ, trang của chính phủ Anh hôm 28/02/2025 viết: “Từ ngày 05/07/2024 đến 31/01/2025, số vụ kiểm tra giấy tờ lao động và số vụ bắt giữ đã tăng khoảng 38% so với cùng kỳ 12 tháng trước. Trong thời gian đó, Bộ Nội Vụ đã công bố 1.090 giấy phạt dân sự đối với những người sử dụng lao động trái phép. Chủ thuê lao động phi pháp có thể đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 60.000 bảng Anh cho mỗi người tuyển dụng sai trái ».

 

Về đối ngoại, Anh đã thành lập Lực lượng An ninh Biên giới mới do cựu cảnh sát trưởng Martin Hewitt lãnh đạo. Bên đối tác là Pháp đã bổ nhiệm một Đại diện cao cấp về di cư, Patrick Stefanini. Hai bên hợp tác chặt để hạn chế dòng thuyền nhỏ vào Anh.

 

 

RFI: Những năm qua, quan hệ Anh-Pháp đã qua các bước thăng trầm vì dòng « thuyền nhỏ » (small boats) qua eo biển Manche vào Anh, vậy tình hình nay ra sao?

 

TTV NGUYỄN GIANG: Kể từ sau khi đảng Lao động bỏ kế hoạch Rwanda của đảng Bảo thủ cầm quyền nhiệm kỳ trước, chính sách của chính phủ Anh hiện thời là tập trung “phá án” buôn người, tăng quyển cho Biên phòng Anh và hợp tác chặt với Pháp và các nước châu Âu nhằm “chặn nguồn người nhập cư từ gốc” trước khi họ vào Anh.

 

Nhờ không khí chính trị Anh-Pháp cải thiện và chiến lược “tái sắp đặt” (reset) quan hệ với EU, nhất là với Pháp, tháng 2 vừa qua, hai nước đã tung ra sáng kiến mới nhất chống di dân bằng thuyền nhỏ từ Pháp vào Anh. Cụ thể thì bộ trưởng Nội Vụ Anh, bà Yvette Cooper, và người đồng cấp Pháp, Bruno Retailleau, đã gặp nhau ở Calais vào ngày 27/02 để thống nhất các hành động thực thi pháp luật mới, như một phần của quan hệ đối tác đã được làm mới, nhằm đối phó với nạn vượt biên bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche (English Channel). Hai bên đã lập đơn vị Cảnh Sát Đặc Nhiệm mới, kèm bộ phận khởi tố, tương tự như những các đại đội cảnh sát « compagnie de marche » được triển khai trong Thế Vận Hội Paris 2024, để bắt và nhanh chóng đưa ra tòa các chủ băng buôn người. 

 

Đơn vị hỗn hợp có tên tiếng Pháp là Groupe d’Appui Operationnel, đóng trụ sở tại Dunkerque, cảng biển vùng Pas de Calais, ở tây bắc nước Pháp, giáp Bỉ, và có 2 nhiệm vụ : Thứ nhất là tăng cường tuần tra vùng bờ biển của Pháp bằng hoạt động trinh sát điện tử và thực địa ; thứ hai là tăng số chuyên viên điều khiển từ xa cho đội drone để rà soát từ trên không các hoạt động buôn người sâu trong nội địa và chặn thuyền trước khi ra biển.

 

Dù còn quá sớm để đánh giá tính hiệu quả của đơn vị hỗn hợp Anh-Pháp này, chúng ta có thể nói là sau các bước trầm trong quan hệ với Pháp, thì nay mối giao hảo đã tốt hơn. Điều đáng nói là đảng Lao động được phe đối lập, như đảng Bảo thủ, thúc vào lưng trong chính sách ngăn di dân “trái thông lệ” (irregular) vào Anh. Lãnh đạo đảng Bảo thủ còn vừa gợi ý hôm 09/03 rằng Luật Nhân quyền mà Anh ký với châu Âu “không nên áp dụng vào các vụ trục xuất di dân trái phép”. Các nhóm nhân quyền đã phê phán rằng đảng cầm quyền hay đối lập ở Anh đều đua nhau dùng lá bài chặn di dân trái phép để thỏa mãn tâm lý cử tri.

 

Riêng với người Việt Nam vào Anh bằng thuyền nhỏ, thì thời gian qua tình hình khó khăn do việc kiểm tra các hàng quán, nên nhiều trang Facebook của người Việt Nam thông báo với nhau về chuyện xin hồi hương. Vấn đề cũng được chính phủ Anh đẩy mạnh gần đây. Có các kênh nhận xác minh nhân thân rồi đưa họ hồi hương với chi phí do phía Anh trả.

 

Xin nhắc rằng, trên đài báo Anh, kể cả đài BBC, thì chủ đề di dân bằng thuyền nhỏ từ Pháp sang Anh những năm qua được đề cập liên tục. Đã có kênh truyền hình Anh quay cảnh ở bờ biển Calais với hàng trăm người trèo lên thuyền đi sang Anh mà “cảnh sát Pháp đứng lắc đầu nhìn, không chặn lại”. Anh và Pháp đổ lỗi cho nhau về vấn đề này. Nhưng đó là mấy năm trước, nay thì có vẻ như hai chính phủ đã hợp tác “chặn di dân bằng thuyền nhỏ” từ điểm xuất phát. Chúng ta cần chờ xem việc này có hiệu quả tới đâu trong năm nay là năm đầu tiên Anh và Pháp cùng triển khai phối hợp xử lý vấn đề này.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ANH QUỐC - DI DÂN

Luật đưa người xin tị nạn đến Rwanda của Anh : Nỗi sợ hãi cho những di dân muốn vượt eo biển Manche

 

ANH - RWANDA - TỊ NẠN

Anh Quốc bắt đầu trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda từ tháng Bẩy

 

ĐIỂM BÁO

Anh ra luật trục xuất di dân sang Rwanda: Tiền lệ ‘‘đáng lo’’ và ‘‘nguy hiểm’’

 

 





No comments: