Trung
Quốc, bên thắng cuộc khi Trump "trở mặt" với đồng minh
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 26/03/2025 - 11:49
Tổng
thống Mỹ hứa sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina, từ tham vọng ban đầu là 24 giờ
thành 100 ngày nhưng đồng nhiệm Nga đã không vội chiều theo ý. Vòng đàm phán đầu
tiên kết thúc ngày 25/03/2025 đã không đi đến thỏa thuận ngừng bắn nào. Tuy
nhiên, việc Mỹ “bỏ mặc” Ukraina, trực tiếp đàm phán với Nga
đang khiến nhiều nước châu Á bồn chồn vì Donald Trump cũng có thể làm tương tự
với Trung Quốc, nhân nhượng về Đài Loan với chủ tịch Tập Cận Bình thay vì bảo vệ
hòn đảo.
HÌNH
:
Ảnh
minh họa : Một xe hoa trong lễ hội truyền thống « Rosenmontag » ở Düsseldorf (Đức)
với hình tượng tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Ukraina Volodymyr
Zelensky và tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 03/03/2025. REUTERS -
Wolfgang Rattay
Trong
bài phân tích đăng trên trang Asialyst ngày 07/03/2025, nhà nghiên cứu
Pierre-Antoine Donnet nhận định : “Trung Quốc thắng lợi trước biến động
toàn cầu mà Trump mong muốn” (La Chine gagnante face au basculement
du monde voulu par Trump). Lòng tin - nền tảng cơ bản của mối quan hệ giữa
các đồng minh - đang bị tổng thống Trump chà đạp. Ngay sau vụ tổng thống
Ukraina bị “xỉ vả” tại Nhà Trắng ngày 28/02 trước truyền thông
thế giới, Bắc Kinh đã “đánh tiếng”, thông qua nhật báo Hồng Kông
South China Morning Post, rằng “Washington sẽ khiến bạn phấn khích hoặc
bỏ rơi bạn chỉ trong chớp mắt”
Trump
gieo rắc hoài nghi ở châu Á có lợi cho Trung Quốc
Lập
luận này xuất phát từ việc chính quyền Trump phớt lờ sự thật rằng Nga đã tấn
công Ukraina và không cáo buộc Matxcơva. Cho nên, trên thực tế, Mỹ đang trao
toàn quyền cho Trung Quốc tấn công Đài Loan. Thế nhưng, “Lịch sử dạy
chúng ta rằng các thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình” không bao giờ có kết thúc tốt
đẹp” theo tiến sĩ Rahman Yaacob trong bài nhận định trên trang Nikkei
Asia ngày 02/03. Tiền lệ là thỏa thuận Munich được Đức, Anh, Ý ký tháng 09/1938
nhượng cho Đệ Tam Đế Chế (Đức quốc xã) vùng Sudetenland (vùng Séc và Slovakia).
Hitler hứa không chinh phục thêm vùng đất nào khác. Thủ tướng Anh Neville
Chamberlain tự hào vì mang lại hòa bình. Nhưng chưa đầy một tháng sau, Đức quốc
xã chiếm Ba Lan, khởi đầu Thế Chiến II. Liệu lịch sử sẽ lặp lại ?
Daniel
Ten Kate, cây bút xã luận chuyên về châu Á của Bloomberg, trong bài phân tích
ngày 02/03, đánh giá : “Những tuyên bố của Trump cho thấy ông sẽ tránh
tấn công các đối thủ chiến lược như Nga và Trung Quốc trừ khi các lợi ích quan
trọng của Mỹ bị đe dọa trực tiếp. Đây là một viễn cảnh đáng lo ngại cho các đồng
minh truyền thống ở châu Âu và Viễn Đông, cũng như Đài Loan”. Vì vậy, những
chính sách, hành động gây hỗn loạn hiện nay của chính quyền Trump “về
cơ bản đang phục vụ cho lợi ích chiến lược của ông Tập Cận Bình”, người “chỉ cần
đợi cho đến khi mọi chuyện trở nên bất lợi cho Mỹ”. Đến lúc đó, vẫn theo
Daniel Ten Kate, “bất kể ai nắm quyền (ở Washington hay Bắc
Kinh) sẽ thấy rằng “nền dân chủ mang đặc tính Trung Hoa” giờ đây sẽ trở
thành chuẩn mực và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” sẽ thay đổi cơ bản và có
lẽ là mãi mãi”.
Trung
Quốc xoa tay vì Trump “đổi trắng thay đen” và “mù mờ” về
Đài Loan
Điểm
thứ hai cần lưu ý là chính quyền Trump “đổi trắng thay đen”. Từ
nạn nhân chịu chiến tranh từ 3 năm qua, Ukraina như bị chính quyền Trump coi
là “đáng bị như vậy”, tổng thống Zelensky trở thành “độc
tài” trong phát biểu của tổng thống Trump và là “kẻ vô ơn”,
theo cáo buộc của phó tổng thống JD Vance vì không cảm ơn đủ Hoa Kỳ và tổng thống
Trump. Nga hả hê vì những cáo buộc này. Trung Quốc im lặng. Nhưng nhận định của
giáo sư Thẩm Nghị (Shen Yi), Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, phản ánh phần nào
quan điểm của Bắc Kinh : “Trong tương lai, ngày càng nhiều quốc gia sẽ
hiểu được một vài sự thật cơ bản : việc phụ thuộc vào Hoa Kỳ có thể gây ra hậu
quả thảm khốc”.
Còn
theo Rahman Yaacob trên trang Nikkei Asia, “cách Trump xử lý cuộc xung
đột này cũng có thể phá hoại sự ổn định về lâu dài của Đài Loan”. Đài
Loan có vai trò quan trọng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, đối thủ chính
của Mỹ, nhưng cũng không thoát khỏi đòn tấn công trực diện của tổng thống
Trump. Ngày 17/02, ông lại cáo buộc “Đài Loan ăn cắp (công nghệ
bán dẫn) của Mỹ” và dọa đánh thuế đến 100% sản phẩm bán dẫn
Đài Loan. Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan (NSC) Ngô Chiêu Nhiếp
lên tiếng bác bỏ những phát biểu này. Sau đó, tập đoàn TSMC thông báo với tổng
thống Trump tại Nhà Trắng khoản đầu tư bổ sung 100 tỷ đô la và việc xây dựng
năm nhà máy lắp ráp chip mới tại Mỹ. Quyết định được tổng thống Donald Trump
đánh giá là một “nước cờ cao tay” của “công ty quyền lực
nhất thế giới”.
Về
mặt chiến lược, chính quyền Mỹ hiện nay dường như có thái độ mập mờ hơn trong
quan hệ với Đài Loan. Tại phiên điều trần ở Thượng Viện về việc phê chuẩn làm
thứ trưởng ngoại giao phụ trách chính sách quốc phòng, ông Elbridge Colby phát
biểu : “Tôi từng nói rằng Đài Loan rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nhưng
(…) đó không phải là một lợi ích sống còn”. Giải thích về sự thay đổi, thứ
trưởng Colby cho là liên quan đến “sự suy giảm nghiêm trọng về tương
quan quân sự” với Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc
xung đột với Trung Quốc và nếu xảy ra, cuộc xung đột đó có nguy cơ hủy hoại
quân đội Mỹ. Do đó, Washington sẽ mượn tay đồng minh trong khu vực để phục vụ “Lợi
ích cơ bản của Mỹ là phủ nhận quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc”. Cụ thể,
Mỹ “cần tập trung nỗ lực cho quốc phòng của Đài Loan một cách hiệu quả,
hợp lý và cung cấp cho Đài Loan cũng như cho Nhật Bản, phương tiện để thực hiện
điều đó và để làm hơn thế nữa”. Thứ trưởng Colby cũng cho rằng Đài Loan phải
tăng gấp ba ngân sách quân sự để đạt 10% GDP.
Trung
Quốc thủ lợi từ một châu Âu bất mãn với Mỹ
Một
số nhà phân tích cho rằng chủ trương của tổng thống Trump đàm phán riêng với
Nga nhằm “phá vỡ” liên minh Nga-Trung và Nga-Bắc Triều Tiên -
điều này cũng được đặc sứ Mỹ về Ukraina Kellogg nhấn mạnh ở Hội nghị An ninh
Munich - để Washington tập trung đối phó với Bắc Kinh và tiếp tục chính sách
xoay trục sang châu Á. Nhà Trung Quốc học François Godement nhận định với tuần
báo Pháp Le Point rằng “việc làm giảm xung đột với Nga và thúc đẩy
Israel loại bỏ Hamas ở Gaza có thể là bước mở đầu cho việc chuyển hướng sang
Trung Quốc. Nhưng thực tế thì đây chỉ là chính sách hão huyền”.
Hai
nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc không chỉ hiểu rõ nhau mà thậm chí còn thông báo sự
hợp tác “không giới hạn” giữa hai nước chỉ ba tuần trước khi
Nga bắt đầu tấn công Ukraina. Bắc Kinh khẳng định “Putin thông báo những
điểm mới nhất trong các cuộc tiếp xúc Nga-Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh “Trung
Quốc và Nga là những láng giềng hữu hảo không thể chia cắt”.
Không
những không tách được Nga khỏi Trung Quốc, Washington còn đang giúp Bắc Kinh
tranh thủ được tâm trạng bất mãn của Liên Hiệp Châu Âu về đồng minh Mỹ. Theo
nhà Hán học François Danjou, có sự chuyển hướng về “quyền lực mềm” có
lợi cho Trung Quốc. “Nhận thấy được sự rối loạn của châu Âu”, ngoại
trưởng Trung Quốc Vương Nghị “chủ trương xích lại (Liên
Âu) một cách thân thiện” theo phương châm “kẻ thù của
kẻ thù là bạn”. Tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vương Nghị khẳng định Liên
Âu và Trung Quốc “là đối tác chứ không phải đối thủ”. Năm 2025 đánh
dấu tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương được ông nhấn mạnh là
cơ hội để “tăng cường giao lưu chiến lược và hợp tác cùng có lợi”.
Để
kết luận, tác giả bài phân tích Pierre-Antoine Donnet cho rằng đối với châu Á,
điều cấp bách là phải cùng nhau chuẩn bị ứng phó với khả năng bị Mỹ “bỏ
rơi”. So với châu Âu, nhiệm vụ có vẻ phức tạp hơn vì những bất hòa lịch sử
giữa một số nước như Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc tìm ra một chính sách chung giữa
những nước này sẽ là một quá trình chậm chạp và đầy rủi ro, không có gì bảo đảm
thành công. Và điểm yếu cố hữu của các nước châu Á là có một Trung Quốc không bỏ
lỡ cơ hội để cố gắng áp đặt quyền lãnh đạo và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
THEO
DÒNG THỜI SỰ
Chiến
tranh Ukraina : Hành xử của Trump khiến các đồng minh châu Á của Mỹ
bất an
THEO
DÒNG THỜI SỰ
Truyền
thông châu Á : Khủng hoảng Trump – Zelensky, bài học dành cho đồng minh và
kẻ thù
No comments:
Post a Comment