Wednesday, March 26, 2025

TỔ CHỨC VAO PHẢN ĐỐI ICE TRỤC XUẤT NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ HOA KỲ TRƯỚC 1995 (Người Việt Online)

 



VAO phản đối ICE trục xuất người Việt nhập cư Hoa Kỳ trước 1995

Người Việt

March 25, 2025 : 4:34 PM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/vao-phan-doi-ice-truc-xuat-nguoi-viet-nhap-cu-hoa-ky-truoc-1995/#google_vignette

 

SAN JOSE, California (NV)Tổ chức Vietnamese American Organization (VAO) vừa lên tiếng mạnh mẽ lên án các hành động trục xuất của Cảnh Sát Di Trú Hoa Kỳ (ICE) nhắm vào những người gốc Việt nhập cư Hoa Kỳ trước năm 1995, qua một thông cáo báo chí đưa ra hôm Thứ Hai, 24 Tháng Ba.

 

Theo VAO, “đây là những người tị nạn có tiền án, nhưng họ đã hoàn thành bản án của mình và từng bị ICE giam giữ và được thả ra theo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những cá nhân này đã xây dựng lại cuộc sống, lập gia đình, và trở thành những thành viên đóng góp cho xã hội. Thế nhưng, ICE lại một lần nữa chia cách họ khỏi cộng đồng và những người thân yêu, hoàn toàn phớt lờ quá trình nỗ lực thay đổi, xây dựng lại cuộc sống, và các nguyên tắc căn bản của công lý.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Phan-Doi-Truc-Xuat-1536x1025.jpg

(Hình minh họa: David Dee Delgado/Getty Images)

 

Lời hứa bị phản bội và chính sách vô nhân đạo

 

Theo VAO, những người Việt nhập cư Hoa Kỳ trước năm 1995 – phần nhiều là những người tị nạn chạy trốn khỏi bạo lực và sự đàn áp từ chính quyền cộng sản sau Chiến Tranh Việt Nam – từ trước đến nay được bảo vệ không bị trục xuất.

 

Tại Hà Nội, ngày 20 Tháng Giêng, 2008, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ đặc trách di trú, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, có ký một Bản Ghi Nhớ Thỏa Thuận (Memorandum of Agreement – MOU) quy định rõ ràng rằng Việt Nam sẽ không chấp nhận trục xuất những cá nhân đến Hoa Kỳ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày Mỹ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

MOU này cũng được các chính quyền George W Bush, Barack Obama, và Joe Biden tôn trọng.

 

Vẫn theo VAO, tuy nhiên, vào năm 2020, tức dưới thời chính quyền Donald Trump, theo một thỏa thuận mới, Hoa Kỳ – Việt Nam đã thiết lập một quy trình để trục xuất những người Việt Nam nhập cư Hoa Kỳ trước năm 1995.

 

“Hiện nay, ICE đang ráo riết nhắm vào những cá nhân này, hoàn toàn phớt lờ hàng chục năm nỗ lực thay đổi cuộc sống của họ, sự gắn bó sâu sắc với cộng đồng, và những đóng góp quý giá cho Hoa Kỳ. Các gia đình đang bị chia cắt, và Hoa Kỳ một lần nữa phản bội lời hứa bảo vệ, mang lại sự an toàn và hy vọng cho những người đã từng tuyệt vọng tìm kiếm sự cứu giúp và tái xây dựng cuộc sống tại đây,” theo thông cáo của VAO.

 

Nghĩa vụ lịch sử và đạo đức để bảo vệ người Việt nhập cư Hoa Kỳ trước năm 1995

 

Theo VAO, phần lớn những người nhập cư gốc Việt vào Hoa Kỳ trước năm 1995 là thành viên, hoặc là con cháu chính quyền VNCH và là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Năm 1975, Hoa Kỳ đã bỏ rơi những đồng minh VNCH khi rút khỏi Việt Nam, để họ phải chịu sự đàn áp, bỏ tù, tra tấn hoặc tử hình dưới thời chính quyền cộng sản. Những người sống sót đã phải trốn chạy, tìm kiếm sự an toàn và tự do tại Hoa Kỳ, nơi họ xây dựng lại cuộc sống, lập gia đình và đóng góp cho xã hội. Bây giờ, gần 50 năm sau, Hoa Kỳ lại một lần nữa phản bội họ bằng cách trục xuất họ về chính đất nước đã từng đàn áp họ và gia đình họ.

 

“Nhiều cá nhân này đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi đến Hoa Kỳ, bao gồm sự khác biệt ngôn ngữ, khó khăn kinh tế, thiếu thốn phương tiện và hỗ trợ từ chính phủ, phân biệt kỳ thị chủng tộc, và nỗi ám ảnh từ chiến tranh và sự ly tán. Một số người đã phạm sai lầm đối với guồng máy pháp lý trong những năm tháng tuổi trẻ của họ, thường không có đại diện pháp lý thích hợp và hỗ trợ cần thiết,” VAO cho biết. “Tuy nhiên, họ đã hoàn thành đầy đủ các bản án, thay đổi cuộc sống, làm lại cuộc đời, và kể từ đó đã trở thành những thành viên gương mẫu, đóng góp tích cực cho xã hội.”

 

VAO cho rằng: “Thay vì công nhận sự thay đổi và những đóng góp của họ, ICE lại trừng phạt họ một lần nữa – chia cắt họ khỏi gia đình, phớt lờ những năm tháng nỗ lực làm lại cuộc đời của họ, và tàn nhẫn chà đạp lên những nguyên tắc căn bản của Hoa Kỳ, đó là đoàn tụ gia đình, công lý, và cơ hội làm lại cuộc đời.”

 

Lên tiếng chống lại các vụ trục xuất vô nhân đạo này

 

VAO kêu gọi các tổ chức, giới chức, và công chúng cùng nhau lên tiếng phản đối các nỗ lực trục xuất bất công này, để:

 

- Yêu cầu ICE chấm dứt ngay lập tức các hành động trục xuất nhắm vào người nhập cư gốc Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995.

 

- Vận động các nhà lập pháp thiết lập các biện pháp bảo vệ cho người người nhập cư gốc Việt vào Hoa Kỳ trước năm 1995, thông qua các chính sách và hành động lập pháp.

 

- Hỗ trợ các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bằng các phương tiện, hỗ trợ pháp lý, và vận động.

 

- Kêu gọi thống đốc tiểu bang nhanh chóng xét duyệt và ưu tiên các đơn xin ân xá cho những người đang đối mặt với việc trục xuất, nhằm cung cấp hỗ trợ kịp thời cho những ai đã nỗ lực xây dựng lại cuộc sống và đóng góp tích cực cho xã hội.

 

- Kêu gọi các văn phòng biện lý và tòa án xem xét giảm án, công nhận sự thay đổi tích cực, mối quan hệ sâu sắc với cộng đồng, và sự bất công của việc trục xuất những người đã hoàn thành án phạt và xây dựng lại cuộc sống.

 

“Chúng tôi kêu gọi các tổ chức cộng đồng, các nhà vận động, và các giới chức hãy nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn ICE đang phá hoại và chia rẽ các gia đình một cách tàn nhẫn, VAO kêu gọi. “Năm 1975, Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh VNCH. Bây giờ, Hoa Kỳ lại một lần nữa quay lưng với họ, với gia đình và con cháu họ. Chúng ta không thể để lịch sử lặp lại. Hãy cùng chúng tôi lên tiếng, hỗ trợ các nỗ lực, hoặc chia sẻ những gì có thể để cùng giúp đỡ những gia đình trong hoàn cảnh này. Mọi tiếng nói và hành động đều quan trọng.”

 

VAO, có văn phòng ở San Jose, là một tổ chức bất vụ lợi với sứ mệnh khuyến khích và truyền cảm hứng cho mọi người chủ động tham gia vào các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng. VAO tạo cơ hội, hỗ trợ các cá nhân tích cực tham gia, học hỏi, và lãnh đạo trong việc phát triển cộng đồng thông qua các dịch vụ xã hội, giáo dục, chương trình lãnh đạo, và các hoạt động văn hóa. (Đ.D.)

      

 





No comments: