Friday, March 28, 2025

CHÂU ÂU CỐ KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ ĐỐI TRỌNG VỚI NGA-MỸ GIẢI QUYẾT CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE (Thu Hằng / RFI)

 



Châu Âu cố khẳng định vai trò đối trọng với Nga-Mỹ giải quyết cuộc chiến ở Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 28/03/2025 - 14:42  -  Sửa đổi ngày: 28/03/2025 - 16:45

 https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250328-ch%C3%A2u-%C3%A2u-c%E1%BB%91-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-vai-tr%C3%B2-%C4%91%E1%BB%91i-tr%E1%BB%8Dng-v%E1%BB%9Bi-nga-m%E1%BB%B9-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-%E1%BB%9F-ukraina

 

Ba cuộc họp thượng đỉnh giữa các đồng minh của Kiev đi đến kết quả « bảo đảm cho quân đội Ukraina được hùng mạnh » nhưng vẫn bất đồng về « lực lượng trấn an » và răn đe một khi hòa bình trở lại ở Ukraina. Cho dù có « rất nhiều câu hỏi nhưng ít câu trả lời », theo nhận định của tổng thống Zelensky, mục đích của châu Âu khi liên tục tổ chức họp thượng đỉnh là « trấn an công luận » và cố gây trọng lượng trong đàm phán vào lúc châu Âu bị Mỹ và Nga gạt ra ngoài.

 

VIDEO :

Lãnh đạo các nước, Liên Hiệp Châu Âu và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự thượng đỉnh « Liên minh tình nguyện », Paris, Pháp, ngày 27/03/2025. AP - Ludovic Marin

 

Thượng đỉnh tại Paris ngày 27/03 là cuộc họp thứ ba được Anh và Pháp, hiện là đầu tầu trong liên minh ủng hộ Kiev, tổ chức. Ông Éli Tennebaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Viện IFRI, giải thích với trang HuffPost ngày 27/03 là có hai cấp độ thảo luận chính trị và quân sự xen kẽ nhau trong các cuộc họp thượng đỉnh. Hai lần đầu ở Paris (16/02) và ở Luân Đôn (02/03) đều mang tính chính trị để xác nhận với các đồng cấp châu Âu về việc khởi động một cuộc thảo luận ở cấp độ quân sự.

 

 

Chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng khi hội tụ đủ điều kiện ở Ukraina

 

Một « lực lượng trấn an » được tổng thống Macron đề cập, trong đó Anh và Pháp giữ vai trò đầu tầu nhưng nhiều nước đối tác châu Âu đã không tán đồng, lưỡng lự hoặc chỉ tham gia nếu có Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về thành phần lực lượng này vẫn được tiếp tục : chỉ cần lực lượng không quân, đặt tại Ba Lan, là đủ hay cần thêm cả bộ binh, thậm chí là hải quân ? Chuyên gia Éli Tennebaum nhận định « có vẻ như thời điểm này vẫn chưa thích hợp để lập kế hoạch "nóng", tức là triển khai ngay lập tức, mà là lập kế hoạch và tính toán "lạnh", cho phép tiến nhanh hơn nếu hội tụ được đủ các điều kiện chính trị, đặc biệt là những điều kiện liên quan đến lệnh ngừng bắn ».

 

Tuy nhiên, lo lắng tránh làm công luận hoảng loạn lại đẩy châu Âu vào thế khó. « Lực lượng trấn an » là biện pháp răn đe hiệu quả nhất nhưng chỉ vào Ukraina khi lệnh đình chiến có hiệu lực. Điều này có nghĩa biến « đình chiến » thành « điều kiện tiên quyết », theo nhà nghiên cứu Éli Tennebaum, trong khi Nga « hiểu rằng chừng nào chưa có đình chiến thì Nga có thể tránh được việc châu Âu triển khai quân, khiến Matxcơva lo sợ ». Cũng vì khả năng gián tiếp « đối đầu » với Nga, thậm chí trở thành « một bên tham chiến » theo cáo buộc của điện Kremlin mà một số nước trong liên minh ủng hộ Ukraina lưỡng lự tạm dừng ở mức « quan sát viên », còn một số khác chỉ tham gia nếu có Mỹ.

 

 

Trao cho Ukraina các lá bài trong trường hợp bị Nga và Mỹ bắt chẹt

 

Dù « không được hoàn toàn ủng hộ » nhưng kế hoạch cử các lực lượng « cố vấn » đến Ukraina là cách hỗ trợ tổng thống Zelensky đối đầu với đồng nhiệm Putin. Ông Éli Tennebaum nhấn mạnh : « Đây cũng là cách gián tiếp để gây trọng lượng đến mối quan hệ song phương Nga-Mỹ hiện nay, và trao cho Zelensky những lá bài để mạnh mẽ hơn trước Mỹ và Nga, nếu những gì được đề xuất với tổng thống Zelensky đi ngược lại với lợi ích của Ukraina. Những cuộc gặp này cho phép nguyên thủ Ukraina khẳng định được cả 31 quốc gia ủng hộ, phần lớn là châu Âu ».

 

Sự ủng hộ hoàn toàn này còn được thể hiện qua việc liên minh nhất trí không dỡ bỏ cấm vận đối với Nga. Và tổng thống Trump, dù muốn làm hài lòng đồng nhiệm Putin, cũng khó có thể tác động. Khi không hưởng ứng lời kêu gọi dỡ bỏ cấm vận, châu Âu cũng thể hiện lập trường độc lập của mình.

 

Cho dù còn nhiều nước, đặc biệt là Đức, vẫn trông cậy vào Mỹ, nhưng tại châu Âu đã bắt đầu hình thành chủ trương tự chủ quốc phòng. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp LCI ngày 27/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khẳng định : « Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể trình bày kế hoạch chuẩn bị năm 2030, trao cho các quốc gia thành viên nguồn tài chính để đầu tư vào chi tiêu quốc phòng ». Vì theo cảnh báo của bà Ursula von der Leyen, « Putin sẽ không dừng nếu ông không bị ngăn chặn bằng một thế lực quân sự mạnh mẽ ».

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

THƯỢNG ĐỈNH PARIS - UKRAINA

Lực lượng « trấn an » ở Ukraina : Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp tại thượng đỉnh Paris







No comments: