Thursday, March 27, 2025

MỸ : HĂM DỌA - QUÂN BÀI LÃNH ĐẠO CỦA DONALD TRUMP (Anh Vũ / RFI)

 



Mỹ : Hăm dọa - quân bài lãnh đạo của Donad Trump

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 26/03/2025 - 15:59

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250326-diem-bao-my-ham-doa-quan-bai-lanh-dao-cua-donad-trump

 

« Trump lãnh đạo bằng hăm dọa như thế nào ? » là tựa chính của Le Monde. Nhật báo Pháp nhận thấy từ khi trở lại cầm quyền ở Mỹ, tổng thống Donald Trump liên tục có những đe dọa với các định chế ở trong nước làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.

 

HÌNH :

Ảnh lưu trữ : Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/05/2020. AP - Alex Brandon

 

Trong bài viết dài có tựa đề : « Hăm dọa, công cụ hiệu quả của chính phủ Trump », Le Monde phân tích chiến lược « Sốc và khiếp sợ - Shock and Awe » mà Donald Trump sử dụng trong nhiệm kỳ thứ hai để áp đặt quyền lực của mình. Chiến thuật này bao gồm việc đàn áp đối lập bằng cách tăng cường tấn công vào các tổ chức quan trọng như trường đại học, công ty luật và các thẩm phán, những đối tượng thường bị ông coi là thù địch với chính quyền.

Các trường đại học chịu áp lực lớn. Đại học Columbia, nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza, đã phải nhượng bộ yêu cầu của chính quyền Trump trước nguy cơ bị cắt giảm ngân sách. Nhiều cơ quan tổ chức khác cũng đang chịu áp lực tương tự. Một số công ty luật bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc điều tra chống lại Trump đã bị trừng phạt bằng hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng liên bang của họ và đe dọa sự tồn tại. Các thẩm phán chặn các sắc lệnh hành pháp của Trump đang phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa công khai

 

Với báo chí, Donald Trump gọi các cuộc điều tra của báo chí về ông là bất hợp pháp và đặt các phương tiện truyền thông chỉ trích ông vào tầm ngắm. Le Monde cũng cho biết thêm trong bối cảnh như vậy, giới doanh nghiệp im lặng, tránh chỉ trích Trump, cho dù các biện pháp của tổng thống đang gây khó cho họ. Chiến lược hăm dọa này cũng có tác dụng đối với nội bộ đảng  Cộng Hòa. Nhiều thượng nghị sĩ phải miễn cưỡng ủng hộ dẫn đến tình trạng sùng bái cá nhân xung quanh Trump.

 

Le Monde nhận thấy, nhiệm kỳ thứ hai của Trump được đánh dấu bằng chiến lược gây hoang mang lo sợ nhằm khuất phục các định chế và đối thủ, tạo ra bầu không khí chính trị chuyên quyền ngày càng rõ.

 

 

Ngừng bắn trên Biển Đen, thỏa thuận tối thiểu

 

Các báo Pháp hôm nay chú ý nhiều vào các cuộc đàm phán con thoi Mỹ - Ukraina rồi Nga - Mỹ  trong hai ngày 23 và 24/03 tại Ryiadh, Ả Rập Xê Út nhằm tìm kiếm ngừng bắn cho cuộc chiến tranh Ukraina. Le Figaro trong bài « Ukraina và Nga chấp nhận ngừng bắn trên Biển Đen » cho rằng một kết quả không như Donald Trump mong muốn nhưng có thể mở đường cho việc chấm dứt chiến sự trên Biển Đen. Thỏa hiệp đã đạt được nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng hải thương mại, mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng.

 

Theo Le Figaro, có thể đã có nhượng bộ với  Nga : Nhà Trắng có thể đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt để tạo điều kiện cho Nga quay trở lại thị trường ngũ cốc quốc tế. Cụ thể,

Matxcơva yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế đối với ngân hàng nông nghiệp và các nhà xuất khẩu của nước này. Các bước tiếp theo chưa rõ ràng. Kiev nhìn thấy ý đồ của Nga muốn trì hoãn thời gian. Câu hỏi đặt ra : Liệu thỏa thuận hạn chế này có thực sự thay đổi được cục diện của cuộc xung đột hay chỉ là một sự hoãn lại mang tính chiến lược ? Nhìn chung, các báo đều có nhận định rằng tác động về mặt quân sự của thỏa thuận này không có gì lớn. Các cuộc giao tranh trên Biển Đen vốn không ở cường độ cao và khốc liệt như trên đất liền.

 

 

Hưu chiến toàn diện, Kiev lo hơn là mừng

 

Liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraina, trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ -Ukraina, Nga - Mỹ đang được thúc đẩy, Le Monde có bài « Tại Kiev triển vọng hưu chiến gây lo lắng ».

 

Đặc phái viên của Le Monde tại Kiev trong bài phân tích quan điểm của các chuyên gia quân sự Ukraina về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Mỹ, nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn có thể mang lại lợi ích cho Matxcơva hơn là Kiev. Theo các chuyên gia được trích dẫn, Nga có thể tận dụng thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng và chuẩn bị cho cuộc tấn công mới.

 

Hầu hết các nhà phân tích Ukraina cho rằng Vladimir Putin chưa đạt được mục tiêu ban đầu là chiếm đóng toàn bộ Ukraina, thay đổi chính quyền, và giải giáp quân đội Ukraina. Nga đến giờ mới chỉ kiểm soát được 19% lãnh thổ Ukraina. Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiện tại Ukraina cũng đã tăng cường năng lực quân sự với sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là trang bị quân đội và tình báo. Dù Nga vẫn là một mối đe dọa lớn, Ukraina tin rằng họ có thể phòng thủ và duy trì cuộc chiến. Điều lo ngại nhất là sự thay đổi chính sách của Mỹ. Chính quyền Trump có thể thiên về nhượng bộ Nga, giảm sự hỗ trợ cho Ukraina. Trong hoàn cảnh như vậy, Ukraina buộc phải tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quân sự và chính trị của các đồng minh, chủ yếu từ Châu Âu. Kiev hiểu rằng một lệnh ngừng bắn có thể chỉ là tạm thời trước một cuộc chiến tiếp theo với Nga.

 

 

Doanh nghiệp Pháp tan giấc mơ Mỹ với Donald Trump

 

Trong lĩnh vực kinh tế và vẫn liên quan đến chính quyền Trump, Le Figaro chạy tựa « Đối mặt với Trump, sự tỉnh ngộ của các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp ». Tờ báo cho thấy phần đông các lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Pháp đã tỏ ra rất phấn chấn hào hứng với việc Donald Trump trở lại cầm quyền.

 

Họ nhìn thấy ở Trump là người ủng hộ doanh nghiệp, chống thuế khóa, quy định gò bó cản trở các danh nghiệp. Hầu hết đều cho rằng Hoa Kỳ của Donald Trump là một miền đất hứa mới cho hoạt động làm ăn của họ. Thái độ hồ hởi đó nhanh chóng nhường chỗ cho tâm trạng bất ổn và lo ngại sau các tuyên bố và biện pháp bảo hộ của ông, trong đó có tăng thuế hải quan và nhiều chính sách kinh tế khó lường.

 

Tờ báo dẫn lời một chủ ngân hàng thương mại tại Paris nhận xét : « Thật kinh khủng, mọi người đều mò mẫm mù quáng. Trong những điều kiện như thế này, việc quản lý công ty trở nên không thể ».

 

Các công ty Pháp và Châu Âu, vốn trước đây phụ thuộc vào Hoa Kỳ về đầu tư, hiện đang xem xét lại chiến lược của mình. Sự bất ổn trong các quyết định của Trump đã gây ra hoang mang  trong giới lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, cuộc chiến kinh tế của Trump không chỉ giới hạn ở thuế quan mà còn mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng, công nghệ hay liên minh địa chính trị, đáng chú ý là sự xích lại gần với Nga.

 

Một doanh nhân lớn đã thốt lên « tất cả chúng ta đã nhầm ». Theo tờ báo, trước tình hình bất ổn này, các công ty đang giảm đầu tư vào Hoa Kỳ và thậm chí tạm ngừng một số dự án. Đầu tư vào Hoa Kỳ không còn là ưu tiên. Nhưng trở lại Châu Âu cũng lại là một vấn đề không đơn giản, bởi chính sách thuế khóa và các quy định của Châu Âu cần phải được đơn giản hóa mạnh mẽ tạo thuận lợi cho đầu tư.

 

 

Người Pháp muốn tẩy chay hàng Mỹ

 

Chuyển qua với nhật báo Libération. Hồ sơ chính của tờ báo là  tẩy chay sản phẩm Mỹ đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại, địa chính trị giữa nước Mỹ của Donald Trump và Châu Âu.

 

Libération dành một bài viết dài cho hồ sơ đề cập đến thực tế hiện nay là người tiêu dùng Pháp sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Tesla, McDonald, Coca… để chống lại Donald Trump.

 

Theo cuộc thăm dò dư luận của Viện Ifop cho Libération, 62% người tiêu dùng Pháp ủng hộ việc cấm các sản phẩm và dịch vụ từ Hoa Kỳ. Một phần ba trong số này cho biết đang thực hiện cuộc tẩy chay này để lên án thái độ và chính sách của Donald Trump và Elon Musk.

Theo Libération xu hướng tẩy chay Tesla và các sản phẩm Mỹ tại Pháp, phần nào phản ánh sự phản đối chính quyền Trump. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, doanh số Tesla tại EU đã giảm 49% trong hai tháng đầu năm. Mặc dù chưa thể xác định rõ tác động từ những hành động gây tranh cãi của Elon Musk, như chào kiểu phát xít hay ủng hộ Trump, nhưng một cuộc khảo sát của Ifop cho thấy 47% người Pháp có ý định tẩy chay Tesla. Xu hướng tẩy chay còn mở rộng sang các sản phẩm Mỹ nói chung. Theo khảo sát của Ifop, 62% người Pháp ủng hộ việc ngừng mua hàng từ Mỹ. Điều này cho thấy tác động tiêu cực của Trump đối với hình ảnh nước Mỹ. Hiện tượng này được xem như một phong trào đang lan rộng, nhất là sau cuộc cãi vã nảy lửa giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky hồi tháng 2 vừa qua.

 

Bên cạnh đó, Libération phân tích ý nghĩa chính trị của những đợt tẩy chay sản phẩm Mỹ trong quá khứ ở Pháp. Trong thập niên 1970, các phong trào cánh tả sử dụng tẩy chay để phản đối chiến tranh Việt Nam, nhưng ít ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Đến thập niên 1990, ý thức tiêu dùng có trách nhiệm lan rộng, dẫn đến các phong trào chống toàn cầu hóa, hay như vụ đập phá cửa hiệu McDonald năm 1999 nhằm phản ứng trước thuế quan của Mỹ lên hàng hóa Pháp. Tuy nhiên, các hành động như vậy không mấy khi làm suy yếu các nhãn hiệu đôi khi còn củng cố nó, như trường hợp McDonald trở thành thương hiệu mạnh hơn tại Pháp. Hiện nay, trong bối cảnh chính quyền Trump gây tranh cãi, phong trào tẩy chay Mỹ có thể mở ra một chương mới. Theo giới chuyên gia, người tiêu dùng ngày càng đặt câu hỏi về quan hệ với một nước Mỹ không còn được coi là đồng minh thân thiết và xu hướng phản đối này có thể còn kéo dài.

 

 

Sóng thần ma túy đổ vào Pháp

 

Về thời sự nước Pháp, nạn buôn bán ma túy đang hoành hành ở Pháp là chủ đề lớn của Le Figaro. Tựa chính trang nhất của tờ báo :  « Cocain, cần sa… ma túy đang đổ ập vào nước Pháp như thế nào ».

 

Tờ báo cho hay, lượng ma túy các loại bị bắt giữ tại Pháp trong năm 2024 đã tăng 18%. Hải quan Pháp đang phải đối mặt với tệ nạn buôn bán ma túy ngày càng tinh vi và quy mô lớn hơn. Theo Le Figaro, trong năm ngoái, Hải quan Pháp đã thu giữ được 110,8 tấn sản phẩm ma túy các loại, tức tăng 18% trong một năm. Để đưa được hàng vào lãnh thổ Pháp và qua mắt được 16.500 nhân viên hải quan ở các nhà ga, sân bay, hải cảng và mạng lưới đường bộ, những kẻ buôn ma túy đã không ngừng tìm ra được những thủ đoạn vận chuyển giấu hàng ngày càng tinh vi. Chính quyền Pháp hiện nay tăng cường các cuộc tuần tra kiểm soát ngay từ ngoài khơi để cố ngăn chặn làn sóng độc hại.

 

Có cung là phải có cầu. Vẫn theo Le Figaro, tại Pháp số lượng tiêu thụ cocain đã đạt mức kỷ lục, hơn một triệu người. Cuộc chiến hàng ngày chống ma túy giờ đang trở nên dữ dội và phức tạp khi mà chính quyền vẫn chạy đuổi theo mạng lưới buôn ma túy.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Hai tháng cầm quyền, Donald Trump đại náo thế giới

 

PHÂN TÍCH

Quyền lực nào tại Mỹ có thể đối trọng được với Donald Trump ?

 

 

 





No comments: