Nguyễn Đình Cống
11/10/2016
Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã thể hiện tinh thần rất
cao khi đưa đơn kiện Formosa, biểu tình đòi chúng phải cút khỏi Việt Nam. Tuy vậy
theo pháp lý thì hình như việc làm này chưa hoàn toàn đúng địa chỉ. Vì thế mà đại
diện Formosa cho rằng họ không có trách nhiệm gì, dân muốn hỏi gì thì đi mà hỏi
Chính phủ, họ đã thỏa thuận xong với Chính phủ.
Việc đuổi Formosa là nguyện vọng chính đáng của dân,
nhưng đuổi hay không là quyền và việc làm của Chính phủ. Người dân biểu tình dù
đông đến hàng triệu, hàng chục triệu thì cũng chỉ tỏ rõ quyết tâm và sức mạnh
tinh thần chứ không thể trực tiếp đuổi được Formosa ( trừ khi dùng bạo lực để tấn
công, phá nhà máy). Vì vậy để đuổi được Formosa thì dân phải thỉnh cầu Chính phủ
và Quốc hội để họ làm việc đó. Thỉnh cầu không được thì đấu tranh, biểu tình,
nhưng đối tượng của đấu tranh và biểu tình phải nhắm vào Chính phủ, để Chính phủ
tác động vào Formosa.
Về việc đền bù cũng vậy. Chính phủ đã không hỏi gì
dân, tự ý đứng ra thương lượng, nhận 500 triệu đô, tự ý đề ra mức đền bù. Dân
thấy không thỏa đáng thì trước hết phải yêu cầu Chính phủ tăng lên. Nếu Chính
phủ thấy 500 triệu đô chưa đủ thì phải tìm cách đòi thêm hoặc bỏ ngân sách ra.
Như vậy dân có đấu tranh thì cũng đấu tranh với Chính phủ.
Trong vụ Formosa có dấu hiệu một số quan chức vì nhận
hối lộ mà cố tình ưu đãi và bao che cho Formosa. Việc đấu tranh của nhân dân
cũng nên hướng vào yêu cầu tìm ra và trừng trị bọn người vô lương tâm, bán rẻ
nhân dân cho bọn tài phiệt.
Vấn đề đi kiện. Việt Nam đã có Tòa án hành chính, là
nơi để công dân kiện các cơ quan hành pháp. Việc người dân kiện chính quyền cấp
xã, huyện là bình thường. Vấn đề đặt ra là có thể kiện Chính phủ ra tòa án hành
chính tối cao hay không. Trước đây LS Cù Huy Hà Vũ chỉ mới kiện Thủ tướng CP và
gần đây ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ VN ra tòa án quốc tế La Haye, đòi đền
bù 1 tỷ đô la. Vụ kiện của LS Vũ bị dập đi, nhưng vụ kiện của ông Bình không dễ
gì tránh được. Nếu như theo luật pháp VN cho phép người dân trong nước kiện
Chính phủ thì nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị phát đơn kiện
Chính phủ mới đúng địa chỉ. Việc trước đây chúng ta đi kiện công ty sản xuất chất
dioxin (chất độc màu da cam), bị thất bại vì kiện sai địa chỉ là một bài học cần
rút.
Trường hợp pháp luật VN chưa cho phép dân kiện Chính
phủ thì nên tập trung đưa vấn đề ra Quốc hội, buộc Quốc hội phải thảo luận và
gây áp lực đối với Chính phủ. Nếu Quốc hội và Chính phủ cho rằng họ không đủ thẩm
quyền giải quyết mà quyền lực được quyết định ở chỗ khác kia thì cũng để nhân
dân càng thấy rõ tính chất bù nhìn và hướng đấu tranh vào nơi cần thiết.
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ và gợi ý, mong được
các Luật sư, các nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào xem xét để hành động đạt
hiệu quả như mong muốn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:17
No comments:
Post a Comment