Phạm
Nguyên Trường dịch
Posted on Oct 11, 2016
Cuộc
tập trận chung của hải quân hai nước thể hiện mục tiêu chiến lược của hai bên:
đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này.
Vladimir Putin
(trái) và Tập Cận Bình (phải) tại Điện Kremlin ngày 8 tháng Năm, 2015. Ảnh:
Reuters/Mikhail Klimentyev/RIA Novosti/Kremlin
Trung Quốc và Nga đã kết thúc cuộc tập trận của hải
quân hai nước kéo dài tám ngày ở Biển Đông, và lần này địa địa điểm cũng đồng
thời là một thông điệp. Hai nước độc tài này đang mở rộng sự hợp tác và hỗ trợ
lẫn nhau trong những vụ tranh chấp lãnh thổ – xu hướng này có thể làm gia tăng
bất ổn trong khu vực, kéo dài từ Đông Á đến Trung Âu.
Một vài ngày trước khi cuộc tập trận bắt đầu – tập
trung chủ yếu vào cuộc chiến chống tàu ngầm, hãng thông tấn Tân Hoa Xã gọi những
hành động này là “chiếm các hòn đảo”, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã có cuộc
họp song phương lần thứ 15, bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 ở Hàng Châu.
Putin tuyên bố ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền hung hãn của Bắc Kinh ở Biển
Đông, cũng như phản đối “bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba”, rõ ràng là
nói đến Hoa Kỳ rồi.
Thái độ khúm núm của Putin trước Bắc Kinh tạo ra một
số rủi ro. Việt Nam, nước phản đối mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc, là nước mua
nhiều vũ khí Nga nhất, cũng là nước cho lực lượng quân sự Nga tiếp cận với các
sân bay và hải cảng chiến lược ở Vịnh Cam Ranh. Putin cũng bày tỏ ủng hộ quan hệ
với Hà Nội, và với những lân bang của nước này, khi ông ta tham gia Hội nghị
thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở Sochi vào tháng 5 vừa qua, tuy nhiên,
việc hạ mình trước Bắc Kinh của ông ta đã gửi cho người ta thông điệp ngược lại.
Putin có đủ lý do để không tin Trung Quốc, vì nước
này đang làm suy yếu ảnh hưởng của ông ta ở Trung Á, và đang gia tăng vị thế ở
Bắc Cực, và có thể đang lên kế hoạch cho vùng Viễn Đông Nga, ở đây có khoảng
hai triệu người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc đang làm việc, họ là thợ mỏ,
ngư dân và nông dân, vì Nga không đủ lực lượng lao động để khai thác các nguồn
tài nguyên thiên nhiên của khu vực này. Trong những năm gần đây, thương mại giữa
Nga và Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức mà người ta từng kì vọng, hợp đồng trị
giá 400 tỷ USD về cung cấp khí đốt trong vòng 30 năm được kí năm 2014, đã bị
đình trệ do công tác dựng các đường ống dẫn.
Nhưng dù sao, Putin cũng đang đang nghiêng về phía Bắc
Kinh. Bắc Kinh là khách hàng mua khí đốt tốt nhất của ông ta, và ông đang hy vọng
rằng năm 2020 thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt mức kỉ lục là 220 tỷ
USD, trong khi đó, năm ngoái mới là 68 tỷ.
Quan trọng hơn, như Putin nói tại Bắc Kinh hồi năm
ngoái: Quan điểm của Nga và Bắc Kinh “về các vấn đề quốc tế … là rất gần gũi hoặc
trùng khớp với nhau”.
Nói khác đi: Họ là những nước lớn, muốn thống trị
các lân bang nhỏ hơn mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ và các đồng minh của
Hoa Kỳ trong khu vực.
Như vậy nghĩa là, Putin và ông Tập [Cận Bình] cùng
chống lại các hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả
hai nước đang áp dụng những hành động quân sự phi qui ước, trong đó, Nga đang sử
dụng những lực lượng đặc biệt và những người trung gian nhằm chia Ukraine ra
thành những phần khác nhau, trong khi Trung Quốc dùng tàu đánh cá và đội tàu của
các đơn vị bảo vệ bờ biển để đe dọa trên vùng biển của Philippines, Nhật Bản và
các nước khác. Rõ ràng là, Putin đã giúp Tập [Cận Bình] trong đêm ngày 8 sang
ngày 9 tháng 6, đấy là khi tàu chiến Nga và tàu chiến Trung Quốc xuất hiện gần
quần đảo Senkaku của Nhật Bản, mà không thông báo trước.
Ngoài ra, Bắc Kinh và Moskva đang xây dựng những thiết
chế độc tài, có thể được sử dụng trong giai đoạn dài. Họ cộng tác với nhau
trong việc phát triển các cơ chế thanh toán điện tử, hệ thống sử dụng thẻ tín dụng
và các mạng lưới tài chính khác, tức là những hệ thống không phụ thuộc vào đồng
USD và do đó, các biện pháp trừng phạt sẽ không làm gì được họ.
Cả hai nước đang hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý
Internet toàn cầu, nhằm thiết lập quyền kiểm soát của nhà nước. Và thông qua
các kênh tuyên truyền, năng lực tài chính, cũng như bằng những cuộc tấn công
vào hệ thống máy tính thỉnh thoảng lại được tiến hành, họ đã tạo được ảnh hưởng
vào nền chính trị dân chủ trong khu vực trải rộng từ Hoa Kỳ đến Australia.
Những cuộc tập trận hải quân chung là một bằng chứng
nữa về việc các chế độ độc tài sẽ nhảy vào chỗ trống khi Mỹ rút lui. Vị Tổng thống
Mỹ sau đây sẽ phải thực hiện những bước đi nhằm lập lại một cách nhanh chóng nhất
ảnh hưởng của Mỹ, và cần phải làm để những chỗ trống không trở thành rộng ra.
No comments:
Post a Comment