Thursday, October 13, 2016

CHỌN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN hay CHỌN NHÀ NƯỚC PHÁP TRỊ ? (Hoàng Văn Khải)




Hoàng Vân Khải
Posted by adminbasam on 13/10/2016

Để hiểu rõ thêm mục đích và nội dung bài báo “Bàn về chủ đề chống ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’” của tác giả Nguyễn An Dân, đăng trên BBC và trang Ba Sàm ngày 12/10/2016, có một bài báo có nội dung liên quan nên đọc thêm là bài “Pháp quyền hay Pháp trị”, đăng trên Tạp chí Tia Sáng ngày 21/4/2006, của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng.

Xin giới thiệu để các bạn đọc cùng tham khảo: Phân biệt giữa Pháp quyền, Pháp trị, Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp trị.

– Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc tư tưởng từ Châu Âu. Với tư cách là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước, nhà nước pháp quyền không mang tính giai cấp của riêng một giai cấp nào. Đây là điểm khác biệt cơ bản với nhà nước xô viết chuyên chính vô sản. Các giai cấp trong xã hội muốn các quyền của mình không bị tước đoạt bởi một nhóm những kẻ cầm quyền thì cần tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền.

– Nhà nước pháp trị có nguồn gốc tư tưởng từ Trung Quốc cổ đại,tiêu biểu là tư tưởng của Hàn Phi Tử.

Khái niệm pháp trị theo cách hiểu của người Trung Hoa cổ đại đối lập với khái niệm đức trị. Pháp trị là dùng luật để cai trị (rule by law) chứ không dùng đạo đức để cai trị (rule by moral). Pháp luật khi đó chỉ là công cụ của nhà nước và nhà nước đứng trên pháp luật. Như vậy một nhà nước chuyên quyền độc đoán có thể ban hành mọi thứ pháp luật, kể cả những luật xâm phạm các quyền cơ bản của con người. Xây dựng bộ máy nhà nước theo mô hình nhà nước pháp trị của người Trung Hoa cổ đại thì không thể đưa đất nước đi về phía tương lai mà chỉ có thể trở về thời quá khứ.

 Khái niệm pháp trị theo cách hiểu của người Anh và người Mỹ rất gần với khái niệm nhà nước pháp quyền của Châu Âu, không giống cách hiểu khái niệm pháp trị của người Trung Hoa cổ đại.

Người Anh, người Mỹ hiểu khái niệm pháp trị là pháp luật cai trị chứ không phải là con người cai trị, nghĩa là không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Theo cách hiểu đó, pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập (độc lập với chính trị, tôn giáo…), bao gồm 3 ý nghĩa cơ bản: 1- pháp trị là là công cụ để điều chỉnh nhà nước (tức là để điều chỉnh quyền lực), 2- tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật, 3 – bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức.

Với tư cách là công cụ điều chỉnh quyền lực nhà nước, pháp trị có 2 chức năng: 1- hạn chế sự độc đoán của nhà nước và hạn chế sự lạm quyền, 2– làm cho nhà nước hành xử hợp lý và làm cho chính sách của nhà nước được anh minh.

Từ chức năng hạn chế sự độc đoán và sự lạm quyền, có những nguyên tắc cơ bản sau đây: Bảo đảm tính tối thượng của pháp luật, pháp luật phải được đặt trên nhà nước và đảng phái – Nhà nước phải tuân thủ một hệ thống thủ tục được xác lập từ trước và được công bố công khai – Bảo đảm nguyên tắc người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm nhưng nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép.

Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với nhà nước. Không thể công dân vi phạm pháp luật thì bị trừng trị nhưng nhà nước vi phạm hoặc quan chức nhà nước vi phạm thì được bỏ qua.

Với tư cách là công cụ bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức, pháp trị đòi hỏi: – Hệ thống pháp luật phải có đầy đủ các quy định công bằng về việc ban hành quyết định và về thủ tục (không thể tùy tiện quyết định theo ý thích cá nhân) – Các quy định về việc ban hành quyết định và về thủ tục phải được xác định trước và công bố từ trước (không thể để tình trạng sửa luật chơi ngay trong lúc đang chơi) – Các quy định về việc ban hành quyết định và thủ tục phải được áp dụng công khai, minh bạch và phải đượcáp dụng nhất quán.

– Khái niệm nhà nước pháp quyền của Châu Âu rộng hơn khái niệm pháp trị của người Anh, người Mỹ. Về cơ bản, nó bao gồm khái niệm pháp trị như cách hiểu của người Anh, người Mỹ, cộng với tư tưởng và nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến tự do,trong đó có 4 điểm:

1– Quyền lực giữa nhà nước được phân chia theo khế ước xã hội (nhà nước không đương nhiên có quyền). Bản khế ước đó chính là bản Hiến pháp. Vì vậy Hiến pháp phải do Quốc hội lập hiến soạn thảo và phải được toàn dân phê chuẩn, việc sửa đổi Hiến pháp phải do toàn dân phúc quyết

2- Quyền con người là những quyền hiến định, không thể bị xâm phạm

3- Quyền lực nhà nước phải bị phân chia để tránh bị lạm quyền và lộng quyền

4- Các quyền lực của nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc kiểm tra và cân bằng lẫn nhau (check and balance).
____

Mời xem lại bài của tác giả Trương Nhân Tuấn: Pháp quyền hay pháp trị? (BS).



No comments: