Wednesday, October 14, 2015

GÓP Ý CHO DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐH XII (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
15/10/2015

Bản góp ý này tập trung vào 3 vấn đề : 1- Đánh giá tình hình thời gian qua; 2- Nhiệm vụ quan trọng thời gian tới; 3- Nhận xét về Dự thảo báo cáo.

I - ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỜI GIAN VỪA QUA

Mỗi lần ĐH đều có đánh giá cùng dự báo tình hình. Ngày nay xem lại các đánh giá trước đây thấy có không ít điều sai, như là: Thời đại của 3 dòng thác cách mạng, sự thắng lợi của CNXH trên toàn thế giới, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, Liên Xô là thành trì vững chắc của CNXH, đế quốc Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn của nhân dân VN và nhân loại tiến bộ, gió đông thổi bạt gió tây v.v… Dự báo là khó, có thể đúng và cũng có thể sai do tình hình phức tạp, do trình độ non kém. Về tình hình đã qua và hiện tại, bình thường, nếu có năng lực và quan trọng là trung thực, thì có thể đánh giá đúng hoặc ít nhất cũng gần đúng. Việc đánh giá sai thường là do kém trình độ, chỉ nhìn thấy một số mặt bên ngoài mà bỏ sót những điều quan trọng có tính bản chất nhưng bị ẩn giấu, hoặc là thiếu trung thực, bị áp đặt bởi một thế lực nào đó. Nếu tin vào sự đánh giá như vậy mà hoạch định chính sách thì khó tránh khỏi nhầm phương hướng, phạm sai lầm. Câu châm ngôn “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa của sự thật nhiều khi là dối trá” vẫn rất đúng. Có thể kể ra không ít các dẫn chứng về đánh giá sai tình hình, dẫn đến chủ trương và biện pháp sai như thời gian đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, của cải cách ruộng đất, của cải tạo công thương v.v… Việc chỉ thấy và nêu ra một phần sự thật, phần mà lãnh đạo muốn có, muốn nghe, còn không thấy, không nêu ra phần khác của sự thật, phần mà lãnh đạo không muốn có, không muốn nghe có nhiều nguyên nhân như sự độc quyền toàn trị, sự dối trá, mất dân chủ, phẩm chất thấp ( yếu kém về trình độ, sợ sệt, nịnh bợ…).
Gần đây Đảng luôn đề cao việc “Nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật”, tuy vậy chủ yếu cũng là sự thật về kinh tế, còn về chính trị và xã hội thì vẫn bị che giấu một phần nào đó. Rồi dần dần “Nhìn thẳng vào sự thật…” chỉ còn lại chủ yếu là khẩu hiệu, là lời hô hào hình thức. Thực chất thì những lời nói lên sự thật mà lãnh đạo muốn che giấu bị quy kết là phản động, nhiều người sợ không dám nói ra. Hình như nhiều người lãnh đạo Đảng chưa hiểu thấu đáo một nguyên lý phổ biến như sau: “Nghe những lời ca tụng thì sướng cái lỗ tai đấy nhưng ít có tác dụng. Nghe những lời chê bai, phê phán thì khó chịu đấy nhưng biết nghe thì sẽ thu được nhiều ích lợi”.

Trong Dự thảo báo cáo chính trị ĐH XII , trong phần “… một số kinh nghiệm…” vẫn có đoạn: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước…

Tôi tạm tin vào thiện chí trên đây mà mạnh dạn nêu ra, phân tích một vài phần còn lại của sự thật bị ẩn giấu, chưa được nêu ra hoặc có nêu ra nhưng còn sơ sài. Trong 5 ý kiến dưới đây thì ý 1 , 2 và 3 có liên quan đến dự thảo báo cáo, ý kiến 4 và 5 không liên quan, được trình bày để có nhận thức đúng. Đây là bản góp ý kiến chứ không phải báo cáo nên để tránh dài dòng, tôi không nêu lại những sự thật tốt hoặc chưa tốt đã được viết trong Dự thảo, không nêu chứ không phải là không biết và không phủ nhận.

1- Trong 5 bài học có bài 4 là: “Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết…”. Đây là điều được nhiều người cho là mới. Đúng là “mới được viết ra” vì trong các báo cáo trước đây chưa thấy. Tuy vậy về lời nói thì từ lâu Đảng vẫn tuyên truyền: “Ngoài lợi ích của dân tộc Đảng không còn lợi ích nào khác”. Nói và viết như vậy nhưng đối chiếu với thực tế xem Đảng có làm được như thế không. Tuy rằng trong Hiến pháp, trong Điều lệ đều viết là Đảng hoạt động tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, nhưng thực tế Đảng tự đặt mình cao hơn Quốc hội , cao hơn chính quyền, cao hơn dân tộc và còn cao hơn cả luật pháp. Đảng tự cho mình là sáng suốt nên đã đem ý kiến của một số người trong Bộ Chính trị áp đặt cho toàn dân với chiêu bài “lo cho dân”. Đảng chưa bao giờ hỏi ý kiến dân một cách thực sự dân chủ xem có điều gì dân không vừa lòng, có quyền lợi nào của Đảng ngược với dân hay không khi mà nhiều điều quan trọng được thảo luận và quyết định bởi Bộ Chính trị rồi đưa ra cho Quốc hội thông qua. Theo ý kiến của một số nhà hoạt động dân chủ thì có một số lợi ích của Đảng là trái với lợi ích của dân tộc. Khi viết và nói: “Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết…” thì nhiều người giải thích là trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích địa phương. Tôi muốn nhấn mạnh là phải trên cả lợi ích của Đảng.

2- Đảng CSVN theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML). Đảng lãnh đạo nhân dân, đạt được một số thắng lợi trong chiến tranh cách mạng. Từ đó rút ra kết luận là nhờ CNML mà nhân dân ta thu được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là một kết luận quá sai lầm về phương diện suy luận lôgic, một sự ngụy biện. Sự thật được rút ra từ thực tế là CNML mang lại cho dân tộc VN lợi ít, hại nhiều. Mỗi lần Đảng tìm cách vận dụng, áp đặt CNML đều mang lại tai họa cho dân tộc. Thắng lợi của ĐCS trong chiến tranh CM nhờ nguyên nhân khác là chủ yếu chứ cơ bản không phải nhờ CNML. Việc đổi mới nền kinh tế từ ĐH VI là làm ngược lại CNML thì một số người lại ngụy biện, dối trá, cho là vận dụng sáng tạo CNML. Một đặc điểm lớn cuối thế kỷ 20 là sự từ bỏ CNML trên phạm vi rộng thì Đảng không muốn nói đến, vẫn quyết kiên trì. Đó là một sai lầm về đường lối.

3- Trong Dự thảo có nhận định “Chính tri- xã hội ổn định”. Sự ổn định của VN chỉ là hình thức, thực chất không hoàn toàn đúng như vậy. Về chính trị, tuy không có những rối loạn lớn, Đảng vẫn nắm chặt chính quyền, nhưng sự lệ thuộc vào Trung Quốc kể từ hội nghị Thành Đô, sự thiếu nhất quán về quan điểm giữa một số cán bộ chủ chốt, giữa các phe phái, sự mất lòng tin của nhân dân càng ngày càng gia tăng, sự lộng hành của các nhóm lợi ích, sự không minh bạch trong việc kết án, giam giữ và trục xuất một số người hoạt động dân chủ, sự lộng hành của các thế lực công an v.v… là những dấu hiệu của sự kém ổn định về chính trị. Mà ổn định chính trị không phải là mục đích tự thân, nó nhằm phục vụ cho ổn định xã hội, là vấn đề quan trọng hơn, cần thiết hơn. Thực chất của xã hội VN thời gian qua là không có được sự ổn định cần thiết, nó thể hiện trong nhiều mặt mà chủ yếu là sự tha hóa của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp. Vì nạn tham nhũng và mua quan bán tước hoành hành, nhiều người phải bỏ khá nhiều vốn để “chạy việc, chạy chức” nên cơ quan nhà nước khó tuyển được người có thực tài. Cán bộ đã yếu kém về năng lực, lại lo tìm đủ mọi cách thu hồi vốn, lấy đâu trình độ và trách nhiệm để làm tốt nhiệm vụ chính.

Một xã hội ổn định trước hết phải thực hiện được “chính danh”, nghĩa là ai nhận làm việc gì phải có năng lực và trách nhiệm để làm việc đó và dành tâm trí, sức lực cho công việc đó. Thế nhưng trong xã hội VN hiện nay sự chính danh như vừa nêu là thuộc loại hiếm, đa số quan chức, dù làm việc gì, ở cấp nào thì đều quan tâm đến việc kiếm thêm tiền ngoài lương để thu hồi vốn, để cải thiện đời sống, để làm giàu, phần nhiều công việc chính chỉ được làm cho qua chuyện, ít được quan tâm tới chất lượng và hiệu quả. Ngoài ra có rất nhiều thứ dổm mà nguy hại nhất là “người dổm”, đó là những người mà “danh thực bất tương đồng”, năng lực và đạo đức không phù hợp với chức danh và công việc, chính những người đó là lực lượng làm mất ổn định xã hội một cách ngấm ngầm.

Tệ nạn dối trá tràn lan, từ các cơ quan Đảng và chính quyền đến toàn dân cũng là nguyên nhân quan trọng làm mất ổn định xã hội vì nó làm mất lòng tin, mà lòng tin là cơ sở cho ổn định. Rồi những vấn đề như dân oan, sự xuống cấp về đạo đức và giáo dục, sự lừa đảo trong nhiều hoạt động, người dân sợ công an hơn là pháp luật, sự rối loạn trong giao thông, trong thị trường, sự hủy hoại môi trường v.v… đều là những biểu hiện của mất ổn định xã hội.

Về kinh tế, theo thống kê thì mỗi năm đều có tăng trưởng nhưng hiệu quả thấp, VN nổi tiếng vì làm được những cái cầu, những đoạn đường, những ngôi nhà, những tượng đài đắt nhất và mau hỏng nhất thế giới. Hàng năm GDP tăng, lương tối thiểu tăng nhưng đời sống của đại đa số nhân dân hầu như không tăng theo vì nạn leo thang của giá cả. Sản xuất của kinh tế quốc doanh chủ yếu là thua lỗ vì tham nhũng và ngu dốt. Nhiều thứ hàng hóa, kể cả nông sản của tư nhân có giá thành cao hơn hàng nhập khẩu, người ta đổ lỗi cho công nghệ kém, năng suất thấp mà lờ đi một việc rất quan trọng là nền sản xuất phải chịu sự nhũng nhiễu, hạch sách, bóp nặn của các quan chức chính quyền. Những điều như thế đều góp phần làm mất ổn định xã hội.

Trong Dự thảo có nêu: “còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội”. Theo tôi, không phải là tiềm ẩn nhân tố và nguy cơ mà thực sự là xã hội đang mất ổn định một cách ngấm ngầm.

Khi chúng ta ký các hiệp định như WTO, TPP… thì đồng thời nhận cả cơ hội (cái được, triển vọng) và nguy cơ (cái thua, thách đố, rủi ro). Khi xã hội ổn định, mọi sự minh bạch thì cơ hội sẽ là chủ yếu, giúp sự phát triển nhanh. Với một xã hội kém ổn định như VN hiện nay, khi tham nhũng và tệ nạn mua quan bán tước tràn lan, khi các nhóm lợi ích thao túng nền kinh tế, khi sự nhũng nhiễu, hạch sách, bóp nặn nền sản xuất và lưu thông, khi gian dối tràn lan thì các nguy cơ sẽ lấn át cơ hội và không khéo dân tộc sẽ rơi vào cảnh càng tụt hậu xa hơn. Việc một số người Phương Tây cho rằng vào TPP thì VN là nước có lợi nhất, đó là một nhận định chủ quan, chưa xét đến sự kém ổn định của xã hội VN hiện tại. Nguyễn Quang Duy nêu ý kiến: chớ vội lạc quan về TPP, còn theo Trà Mi-VOA thì TPP có thể gây thiệt hại lớn cho VN ( trang Bauxite ngày 10 tháng 10-2015)

4- Trong số trên 3 triệu đảng viên hiện nay chỉ có một số tương đối ít thỏa mãn được yêu cầu có tác dụng tích cực cho sự phát triển của đất nước, bằng năng lực, phẩm chất và sự gương mẫu. Một số khá đông đảng viên chỉ giữ danh hiệu để làm vì, không có tác dụng gì đáng kể cho vai trò của Đảng (trong đó có tỷ lệ khá lớn người hưu trí). Một số khác là những kẻ cơ hội, lợi dụng được sự sơ hở hoặc sai lầm trong việc phát triển Đảng, vào Đảng để tạo điều kiện vinh thân, phì gia hoặc thỏa mãn mưu đồ cá nhân. Như vậy Đảng có đông đảng viên nhưng không mạnh, đặc biệt là khá thấp về trí tuệ.

5- Cách tổ chức 3 loại cơ quan nhà nước trong một nước như hiện nay, gồm Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc làm cho hiệu quả công việc thấp, tạo ra quan liêu và lãng phí, tạo ra số người ăn lương quá đông, rất khó tinh giản biên chế, rất khó tăng năng suất

II – NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG THỜI GIAN TỚI

Nhiệm vụ cụ thể có rất nhiều, quan trọng là tìm ra được cái then chốt để khi đụng vào nó sẽ có tác động đến mọi mặt. Từ trước đến nay Đảng vẫn có nhận định rằng: cái then chốt ấy là sự lãnh đạo của Đảng, là sự trong sạch và vững mạnh của Đảng. Chẳng thế mà dự thảo báo cáo có 15 đề mục với khoảng 4 vạn chữ thì đề mục thứ 15 về Xây dựng Đảng… chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 9 ngàn chữ (trên 20%). Tuy vậy xây dựng Đảng như thế nào thì còn phải bàn nhiều vì con đường Đảng chọn, chủ thuyết Đảng theo, công việc Đảng làm trong thời gian qua và dự định tiếp tục tỏ ra có nhiều sai lầm. Khi chủ thuyết đã sai mà càng tăng cường lãnh đạo theo nó thì dễ bị sa lầy. Theo kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước thì việc quan trọng và cấp thiết nhất đối với dân tộc VN là cải cách thể chế, vì nó không những đang trở thành lực cản rất lớn cho mọi sự tiến bộ mà còn kéo lùi lịch sử. Có cải cách thể chế thì mới có điều kiện phát triển các lĩnh vực khác.

Từ trước đến nay Đảng vẫn rất quan tâm đến sự thống nhất tư tưởng và củng cố niềm tin, nhưng dưới khẩu hiệu thống nhất đó là sự áp đặt tư tưởng của một hoặc của vài người cấp trên, rất mất dân chủ. Khi cấp dưới và nhân dân còn yếu kém, còn sợ hãi thì sự áp đặt tỏ ra có hiệu quả, nhưng khi người ta đã có kiến thức và không còn biết sợ thì áp đặt chỉ mang lại sự chống đối chứ không thể mang lại sự thống nhất và niềm tin. Hiện nay trong Đảng xuất hiện ngày càng nhiều những quan điểm bất đồng với sự áp đặt, lại bị vu cáo, cho là “tự diễn biến”. Những ý kiến sau đây chủ yếu xoay quanh việc xây dựng Đảng và cải cách thể chế.

1- Cần tổ chức các cuộc đối thoại
Đảng cần và rất nên tổ chức các cuộc đối thoại công khai, một bên là đại diện của Đảng, một bên là đại diện của trí thức, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự. Đối thoại công khai mới tránh được áp đặt. Đối thoại về tình hình đất nước, về nguy cơ của dân tộc, về sự đúng sai, hay dở của Chủ nghĩa Mác Lênin và con đường XHCN, về kinh tế thị trường định hướng XHCN v.v… Cần truyền hình các cuộc đối thoại như vậy cho toàn dân theo dõi và đánh giá. Đảng mở được các đối thoại công khai như vậy mới chứng tỏ được bản lĩnh lãnh đạo, sự tự tin vào chính nghĩa của mình và có lòng tin vào nhân dân. Nếu Đảng thấy không thuận tiện khi tự mình mở đối thoại thì khuyến khích, ủng hộ các đơn vị như Liên hiệp các hội KH, Viện Hàn lâm KHXH, Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức. Trong các lần bầu Tổng thống ở Mỹ, cuộc đối thoại trực tiếp giữa các ứng viên là việc được toàn dân quan tâm. Nhớ rằng đối thoại chỉ có tác dụng khi nó được tổ chức công khai, minh bạch, không lợi dụng quyền lực để dùng những thủ đoạn gian dối. Khi thấy chưa thể nào tổ chức được đối thoại thì mở rộng tự do báo chí, cho phép các tổ chức xã hội dân sự hoặc tư nhân ra báo để phản biện các đánh giá cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Khi trong tay của Đảng có hàng trăm tờ báo, phát hành đến tận hang cùng ngõ hẻm thì ngại gì một vài tờ báo của tổ chức xã hội dân sự và tư nhân nếu như Đảng tự tin vào chính nghĩa của mình và tin vào nhân dân.

2- Cần thay đổi tổ chức của Đảng
Tổ chức Đảng như hiện tại là của một đảng làm cách mạng vô sản, theo Lênin đó là đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Tổ chức như vậy có tác dụng rất tốt trong quá khứ. Hiện nay vai trò của Đảng đã thay đổi, trở thành một đảng chính trị, đảng cầm quyền, lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội văn minh tiến bộ. Tổ chức ĐCS VN hiện tại mang nặng tính áp đặt nhân dân hơn là lãnh đạo. Nên tham khảo các đảng cầm quyền tại các nước tiền tiến. Theo tôi, trong hoàn cảnh đảng cầm quyền, quan trọng là trí tuệ chứ không cần đến số lượng đảng viên quá nhiều, không cần tổ chức chi bộ đến tận từng cơ sở nhỏ bé, không cần đặt cơ quan đảng với một lượng cán bộ khá đông lên trên mọi cấp chính quyền. Thay đổi tổ chức đảng theo hướng đảng chính trị, đảng cầm quyền với sự đề cao trí tuệ không làm Đảng yếu đi mà còn mạnh thêm. Trong điều lệ và các văn kiện không nên gọi là đảng cách mạng nữa mà đổi thành đảng chính trị.

Với những đảng viên già yếu hoặc không còn tác dụng nên vận động, tổ chức cho họ ra đảng bằng một lễ trưởng thành, đồng thời bỏ danh hiệu mấy chục năm tuổi đảng. Danh hiệu đó ban đầu có tính động viên, càng ngày càng trở nên mất ý nghĩa, một số người đã ốm yếu mấy chục năm, không còn có một tác dụng gì với tư cách đảng viên, thế mà vẫn đeo bám đảng chỉ với mong ước và tự hào được kể có mấy chục năm tuổi đảng trong bài điếu văn..

3- Cần xét lại để từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lênin và đổi tên đảng
Chủ nghĩa Mác Lênin tỏ ra có nhiều sai lầm và độc hại. Không phải bây giờ, sau sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu người ta mới thấy mà ngay khi nó vừa ra đời thì hàng trăm triệu người cũng đã thấy, đã ra sức bài trừ. Chế độ cộng sản và XHCN chỉ là ảo tưởng. Trước đây Mỹ và một số nước tự do khác rất sợ “tai họa cộng sản” nên cố tìm mọi cách để chống lại, để ngăn cản. Ngày nay họ đã thấy, đã biết và tin là CNCS đã qua thời kỳ lừa dối được nhiều người, đã quá suy yếu đến mức hoàn toàn không đáng sợ, thế nào cũng bị tan rã, bị loại khỏi xã hội, không sớm thì muộn. Những người lãnh đạo đất nước theo cộng sản chỉ còn đủ sức kìm hãm tự do, dân chủ, nhân quyền của dân tộc họ để bảo vệ chủ thuyết đã lỗi thời, chứ không còn đủ sức xuất khẩu cách mạng, không còn đủ lý lẽ để lừa bịp nhân dân các nước khác. Gần đây Mỹ và các nước tuyên bố tôn trọng chế độ chính trị do chúng ta tự chọn, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ chúng ta phát triển kinh tế. Làm việc đó họ thể hiện sự tử tế, sự văn minh và chủ yếu cũng là vì quyền lợi của họ chứ không có nghĩa là họ công nhận chúng ta đã chọn được con đường đúng đắn. Họ vẫn cho những người theo và bảo vệ chủ nghĩa cộng sản là những kẻ cuồng tín, ngu tín, khờ dại nhưng họ đành chấp nhận chơi chung vì biết chắc cộng sản không thể làm hại được họ và chơi với những người như vậy cũng có cái lợi cho họ. Những từ ngữ như “Đối tác chiến lược, Hợp tác toàn diện…”chỉ có nghĩa khi thật sự tin cậy nhau vì cùng chí hướng, còn không chỉ là các câu sáo rỗng. Khi người ta cố bảo vệ ý thức hệ chính trị chống đối nhau thì khó có được tình bạn thân thiết.

Thực chất thì Đảng CS Trung Quốc đã từ bỏ những nội dung chính của CNML, Đảng CS VN cũng đã từ bỏ một số nội dung của CNML, nhưng bên ngoài vẫn cố to tiếng kiên trì nó. Làm thế để làm gì, phải chăng là để duy trì sự dối trá. Khi người ta biết anh dối trá thì làm sao người ta thật lòng với anh được. Tôi nghĩ rằng để có đường lối đúng đắn xây dựng đất nước thì điều cần thiết đầu tiên là Đảng công khai tuyên bố từ bỏ CNML. Làm cơ sở cho việc từ bỏ này là các cuộc đối thoại về CNML để toàn Đảng, toàn dân thấy rõ những độc hại, những tai họa mà nó đã mang đến cho dân tộc.

Khi đã từ bỏ CNML thì không nên giữ tên Đảng Cộng sản mà nên đổi tên, thí dụ có thể lấy lại tên Đảng Lao động. Trong 85 năm tồn tại Đảng đã 3 lần đổi tên: Đảng Cộng sản VN thành ĐCS Đông Dương, thành Đảng Lao động VN, thành Đảng Cộng sản VN. Như vậy nếu bây giờ có đổi tên cho phù hợp tình hình mới cũng là việc bình thường.

Việc từ bỏ CNML, từ bỏ CNCS sẽ thu được nhiều lợi lớn, ngoài việc tránh cho dân tộc đi nhầm đường, chui vào hang cụt thì còn tạo điều kiện để thực sự hòa hợp dân tộc, tạo niềm tin cho các nước đang có quan hệ hợp tác.

4- Kiên quyết xây dựng cho được thể chế thật sự dân chủ với tam quyền phân lập
Có xây dựng được thể chế như vậy, loại bỏ sự toàn trị độc quyền thì mới mong có cơ sở để bài trừ tham nhũng, triệt bỏ nạn mua quan bán tước, giữ ổn định xã hội. Trên kia tôi đã viết, nếu xã hội không ổn định, vẫn đầy rẫy tham nhũng mà nhà nước ký hết hiệp định này đến hiệp định khác thì không khéo không phát huy được thuận lợi mà làm tăng nguy cơ đến mức càng bị tụt hậu xa hơn nữa. Hiện nay Đảng đang bị mất lòng tin. Hãy tham khảo Đảng Nhân dân hành động của Singapore ( PAP ). Từ đầu thế kỷ 21 Đảng này dần dần mất lòng tin của dân, tại cuộc bầu cử năm 2011 bị mất nhiều phiếu. Để lấy lại lòng tin PAP đã không dùng các thủ đoạn xấu như hạn chế hoặc triệt hạ đảng đối lập, không ra sức tuyên truyền vinh quang của quá khứ, không tìm cách đàn áp những người bất đồng chính kiến, mà tự mình đổi mới, ra sức khắc phục thiếu sót, vì thế trong cuộc bầu cử năm 2015 đảng PAP đã lấy lại lòng tin và uy tín gần như tuyệt đối.

Nếu Đảng tự đổi mới để hợp lòng dân thì dù có tam quyền phân lập Đảng vẫn giữ được vai trò cầm quyền, củng cố được vai trò lãnh đạo.

Việc đầu tiên tạo nên tam quyền phân lập là tổ chức và bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Các cơ quan đó phải đóng được vai trò thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất. Muốn thế phải thực hiện đồng thời 2 điều : 1- Bỏ hẳn việc Đảng cử, dân bầu, Mặt trận giới thiệu. Mở rộng việc tự ứng cử, tự vận động, tạo cơ hội thu hút người có tài đức. 2-Đại biểu Quốc hội và HĐND không đồng thời là cán bộ chủ chốt của chính quyền. Kiên quyết không làm cái việc dối trá vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa mất dân chủ vừa lãng phí sức lực và trí tuệ.
Khi đã có chính thể tam quyền phân lập thì vai trò của Mặt trận trở nên ít cần thiết và có thể giải tán.

5- Một việc cấp bách tại ĐH
Một việc rất quan trọng của ĐH là bầu ban lãnh đạo mới. Việc này đã được Bộ Chính trị và cuộc họp lần thứ 12 của Trung ương 11 thảo luận về danh sách ứng cử, đề cử theo QĐ 244 ngày 9 tháng 6 năm 2014 (QĐ về bầu cử tại các ĐH Đảng). Xét ra đó là một QĐ vi phạm điều lệ Đảng (Mọi đảng viên có quyền ứng cử, bầu cử vào mọi chức vụ) và là một QĐ rất mất dân chủ, không tôn trọng quyền của ĐH là cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi đề nghị ĐH dùng quyền của mình bác bỏ QĐ 244, xóa bỏ danh sách được lập ra một cách mất dân chủ theo QĐ đó, để toàn quyền cho ĐH đề cử danh sách mới.

III- NHẬN XÉT VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO

Tôi đã đọc nhiều lần dự thảo báo cáo. Khi mới đọc lần thứ nhất với mục đích tìm hiểu thấy rằng dự thảo đã được viết công phu, đầy đủ, bao quát được mọi vấn đề mà xã hội quan tâm. Nhưng khi đọc vài lần nữa với mục đích góp ý kiến, phản biện thì lại thấy dự thảo được viết quá dài, theo một phong cách quá cũ, phạm phải nhiều lỗi về lôgic và phần lớn chỉ là những khẩu hiệu đã lỗi thời, là một mớ câu chữ sáo mòn, có mâu thuẩn, có rất ít những tư tưởng mới, rất ít những ý tưởng mới.

1-Dự thảo quá dài, phong cách quá cũ
Dự thảo khoảng 4 vạn chữ với 15 mục, khá dài so với báo cáo tại các ĐH trước. Để viết ra dự thảo chắc rằng những người tham gia đã rất công phu, tốn nhiều công sức, nhưng xem ra phần lớn chỉ là công sức lao động đơn giản, sao đi chép lại, thay đổi vị trí, sửa chữa câu cú chứ chất trí tuệ còn tương đối thấp, vì thế văn bản quá dài, phong cách quá cũ. Cố mà tìm cũng thấy có một vài điểm mới, nhưng rất khó thấy vì nó nằm lẫn vào giữa một đống khẩu hiệu cũ rích. Tôi thử tìm cách cải tiến thì thấy có thể rút gọn được khá nhiều, còn nếu được giao soạn thảo thì tôi sẽ viết được báo cáo khoảng 1 vạn chữ mà vẫn giữ được gần nguyên vẹn các nội dung cần thiết. Văn bản quá dài vì có nhiều câu, nhiều đoạn không có thông tin gì mới, mọi người đều đã biết rõ cả rồi, một số đoạn trùng lặp giữa các mục, và đặc biệt là ôm đồm quá nhiều thứ.

Tôi không có dịp tham khảo báo cáo chính trị của các đảng cầm quyền ở các nước tiên tiến, có nền kinh tế phát triển cao, chỉ mới vài lần đọc báo cáo của ĐCS Liên Xô, thấy rằng ĐCS VN làm theo mẫu của họ. Tôi cũng đã đọc lại báo cáo chính trị các ĐH VIII, IX; X và XI trước đây để có cái nhìn hệ thống.

Tôi nghĩ : Báo cáo chính trị chỉ nên nêu những vấn đề thật sự quan trọng, liên quan đến đường lối phát triển, như vậy chỉ cần vài nghìn chữ là đủ, không cần nêu những việc làm quá cụ thể, vụn vặt, phần lớn được chép từ báo cáo này sang báo cáo khác, một số nghe như các câu khẩu hiệu từ xa xưa vọng lại, nhiều câu lại chỉ là chung chung, sáo mòn. Cứ nhắc đi nhắc lại một số điệp khúc sáo và cũ làm cho một số nội dung trở nên nhàm chán. Phong cách quá lạc hậu trong tư duy và thể hiện báo cáo cần sớm được thay đổi. Một báo cáo quá dài lại có ít thông tin mới thường làm mất thì giờ và tạo nên sự chán nản cho người xem hoặc nghe. Thói quen của một số người tìm xem trong báo cáo viết gì về một ngành nghề, một công việc nào đó càng ngày càng tỏ ra vô tích sự.

2- Dự thảo có một số chỗ mâu thuẫn
Đó là các mâu thuẫn trong phần đánh giá tình hình. Thí dụ ở đoạn trước vừa viết: Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát… Ở đoạn sau lại viết ( sau chữ Tuy nhiên…): tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Đoạn trước: Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy…, đoạn sau: Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ… Viết như thế gần như là vẽ ra bông hoa màu hồng cho người ta xem rồi vội vàng lấy mực đen bôi lên nó.

Cách viết như vậy hình như là để xoa dịu hai loại người có quan điểm trái ngược. Loại 1 là những lãnh đạo và người dân chỉ thích màu hồng. Loại 2 là những người muốn biết sự thật và muốn phản biện. Cách viết khoa học hơn là không tách ra 2 đoạn trước sau như thế mà nên gộp lại: Về kinh tế, đạt được cái gì, chưa đạt cái gì; về dân chủ, thành tích ở đâu, thiếu sót ở đâu v.v….

3-Dự thảo có một số không chặt chẽ về luận lý
Trong phần đánh giá tình hình, ngoài việc nêu các kết quả và hiện tượng thường có mục tìm nguyên nhân và các bài học, các kinh nghiệm. Đây là phần việc rất khó, cần nhiều trí tuệ, cần thật sự nghiêm túc và khoa học, nó thường được nêu ra ban đầu dưới dạng giả thuyết rồi phải chứng minh, kiểm chứng bằng thực tế. Thế nhưng trong phần nhiều báo cáo ở các cấp nó thường được viết cho qua chuyện, theo lối mòn cũ, để lấp đầy một đề mục, chưa nhận được công sức đầu tư xứng đáng, vì vậy tác dụng rất ít, người ta chỉ nghe qua rồi để đó chứ ít tác động đến suy nghĩ sâu sắc.

Về nguyên nhân, thường chỉ thấy nguyên nhân gần, nguyên nhân đã lộ rõ mà ít thấy nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân ẩn giấu. Mà nguyên nhân thành công đầu tiên bao giờ cũng quy cho nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Nguyên nhân của sai lầm, thất bại có khách quan, chủ quan, trong đó tự nhận phần chủ quan là chính nhưng đọc kỹ thì vẫn thấy sự hời hợt và né tránh.

Về kinh nghiêm và bài học. ĐH IX đưa ra 4 bài, ĐH X và XI đưa 5 bài còn Dự thảo đưa 5 kinh nghiệm và 5 bài học. Tôi đã đọc kỹ các bài học qua các thời kỳ, của các đại hội và nhận ra rằng: Hình như tất cả những kinh nghiệm, những bài học đó là sản phẩm của tư duy trong phòng chứ chưa phải là từ tổng kết từ thực tiễn.

Hãy đưa ra định nghĩa: Thế nào là bài học và kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, nội hàm và ngoại diên của từng khái niệm đó. Sau đó đối chiếu với những kinh nghiệm và bài học được nêu ra trong dự thảo. Việc này tôi xin sự giúp đỡ các nhà lý luận, các triết gia, nếu nhận định của tôi có chỗ nào sai lầm xin được chỉ giáo.

Lời cuối. 

Viết đến đây, đọc lại, thấy đã quá dài, tôi xin tạm dừng, mặc dầu có nhiều điều còn muốn viết. Tôi viết bản góp ý này, ngoài việc gửi đến các nơi cần thiết tôi còn đăng dưới dạng thư ngỏ vì biết rằng lãnh đạo của Đảng chưa chắc đã muốn đọc những góp ý như thế, tôi đưa thêm ra trên mạng xã hội với hy vọng nhiều người, đặc biệt là các đại biểu của Đại hội các cấp biết đến và ngẫm nghĩ về một vài ý kiến trái chiều, phản biện.

N.Đ.C
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:12

-----------------------

GÓP Ý CHO DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐH XII
Nguyễn Đình Cống  |  Facebook






No comments: