Nguyễn Trần Sâm
28/10/2015
Gần đây, khi sắp diễn ra đại hội 12 của “đảng ta”, số
con ruột của các vị quan chức cấp cao được “cơ cấu” vào những chức vị trọng yếu
của các tỉnh, thành, ngành gia tăng đột biến, đã có rất nhiều bài viết mổ xẻ hiện
tượng này, hầu hết kèm theo những lời chê trách.
Phần tôi, lẽ ra tôi sẽ hoàn toàn không bàn lời nào về
chuyện này, bởi tôi không hề quan tâm đến việc trong nội bộ đảng người ta “cơ cấu”
cụ thể những ai. Quan tâm đến việc nội bộ của họ chẳng phải là tự coi mình là
người trong cuộc cùng với họ hay sao?
Ai đó có thể phản bác như sau: Người ta đang thay dần
chế độ đảng trị bởi chế độ gia đình trị mà người quan tâm đến vận mệnh đất nước
lại không bận tâm ư? Cứ như vậy, rồi sẽ đến lúc xã hội ta quay trở lại chế độ
quân chủ, cha truyền con nối, thì chẳng tệ hại lắm sao? Đảng trị còn có vài phần
trăm dân chủ, chứ cha truyền con nối thì 100% là phản dân chủ rồi. Cũng có người
có thể nói: Cứ cho là các thái tử đảng có ít nhiều năng lực so với các đồng chí
của họ, nhưng trong xã hội thiếu gì người còn giỏi hơn họ, chỉ không bao giờ được
trọng dụng mà thôi.
Đúng, những phản bác như trên ít nhiều có lý. Thứ nhất,
cha truyền con nối thì 100% là phản dân chủ, còn đảng trị vẫn có cơ may có vài
phần trăm dân chủ. Nhưng xin thưa, xã hội VN hiện nay thậm chí không phải là đảng
trị. Nếu là đảng trị đúng nghĩa thì mỗi đảng viên, dù ít dù nhiều, tùy theo
ngôi vị, đều có quyền hành. Nhưng quý vị thử nhìn xem, hàng triệu đảng viên thường,
không có chức vụ gì, có được chút quyền hành nào không? Hãy nhìn ra chung quanh
mình, trong thôn bản, phường xã để trả lời. Không, rõ ràng là không. Quyền hành
không được phân bổ cho hàng triệu đảng viên. Nó chỉ tập trung trong tay một thiểu
số trong đảng. Nếu quý vị để ý đến những cuộc đại hội đảng bộ các cấp đang diễn
ra thì quý vị càng thấy rõ điều đó: những đảng viên phải la trời về việc cấp
trên gần như ấn định danh sách trúng cử. Và ai cũng biết: nếu kẻ trúng cử không
phải “thái tử đảng” thì phải là kẻ tâm phúc của cấp trên hoặc phải chấp nhận một
cái “giá” nào đó.
Trong trường hợp như vậy, nếu một kẻ được cơ cấu
không phải là “thái tử đảng” thì liệu có tốt hơn không? Nếu không có “thái tử”
nào được cơ cấu thì liệu dân chúng có được lợi gì hơn không? Theo tôi là không.
Một câu hỏi nữa: Nếu các “thái tử” không được cơ cấu
thì có chút cơ hội nào cho những người “ngoài cuộc”, tức là không ở trong các
“nhóm lợi ích” của họ, hay không? Quý vị hãy hình dung đi: Nếu quý vị không được
ai bảo trợ, hoặc quý vị là người ngoài đảng, nhưng quý vị có ít nhiều năng lực,
liệu quý vị có được “cơ cấu” hay không, kể cả khi trong đảng người ta hoàn toàn
loại trừ việc “cơ cấu” các “thái tử”? Vẫn không, đúng không?
Tôi thì tôi tin rằng với kiểu “quy hoạch” mà lãnh đạo
đảng đang áp dụng hiện nay, đại đa số cánh không phải “thái tử” còn ngu và đểu
hơn các “thái tử” nữa. Và con cái thỉnh thoảng còn dám làm trái ý cha mẹ, chứ
người dưng mà được “cơ cấu” thì suốt đời bảo gì làm nấy thôi, nghe cấp trên còn
hơn nghe cha mẹ ấy chứ!
Việc quý vị tham gia bàn bạc nên “cơ cấu” ai, không
nên “cơ cấu” ai, chẳng phải là các vị đang góp ý xây dựng cho tập đoàn cầm quyền
hay sao? Để làm gì vậy? Để cho tập đoàn đó mạnh lên ư?
Vậy cái chúng ta cần quan tâm là những điều khác. Đó
là: Lực lượng nào (chứ không phải cụ thể là ông nào, bà nào) nắm quyền điều
hành xã hội và ảnh hưởng đến vận mệnh của chúng ta? Và (khi lực lượng đó đã có
rồi thì) cách họ đối xử với chúng ta là thế nào? Chúng ta không cần quan tâm
nhiều lắm đến việc trong nội bộ họ đối xử với nhau thế nào. Không cần quan tâm
nhiều đến tính cách cá nhân của ông bà nào. Nếu có để ý đến cách họ đối xử
trong nội bộ với nhau thì cũng chỉ là để hiểu họ, để có cách ứng xử với họ.
Không cần bàn quá nhiều về tư cách ông nọ bà kia. Không cần biết vị này vị khác
xứng đáng với cương vị được giao đến mức nào.
Là người dân, bàn quá nhiều đến ngôi vị của ông này
bà nọ trong giới cầm quyền thì có khác gì bầy cừu băn khoăn về sự sắp xếp và
chia quyền trong nội bộ bầy sói. “Lẽ ra quyền ăn thịt TÔI phải dành cho ông sói
xám, chứ không được dành cho anh sói nâu trẻ là con của ông sói nâu đầu đàn!”
NGUYỄN
TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment