Wednesday, October 14, 2015

Có phải do Đa đảng mà bất an về chính trị ? (Thiện Tùng - Bauxite Việt Nam)





Thiện Tùng  -  Bauxite Việt Nam
15/10/2015

Ở Việt Nam ta đang có sự tranh luận về thể chế chính trị giữa một bên đòi Đa nguyên (đa đảng) và một bên cố bám Nhứt nguyên (một đảng). Tự do tư tưởng, chính kiến... là quyền của mọi người được Hiến pháp hiện hành (2013) công nhận. Đã vậy, dù tư tưởng, chính kiến... có trái nhau (bất đồng chính kiến) không được xem nhau như là thù địch. Phải cùng nhau bàn luận tìm xem đâu là chân lý.

Người viết bài này, theo khuynh hướng dân chủ, đa nguyên cả chính trị và kinh tế. Vì không tán thành thể chế độc tài đảng trị, năm 1986, Tùng tôi từ nhiệm và sau đó trả thẻ đảng. Kể từ đó, tôi bị giới cầm quyền xem là phản Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật lòng mà nói, tôi xin vào Đảng Lao Động làm cuộc cách mạng “Dân tộc Dân chủ” chớ có xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam bao giờ?! - Nói vậy là oan cho tôi, không cùng chí hướng thì “ly dị” âu cũng là chuyện bình thường?.

Nghe riết nhàm tai, câu nói theo tôi cho là ngụy biện: “Đa đảng đấu đá với nhau sẽ gây rối loạn”. Diễn đàn giới cầm quyền độc chiếm, hệ thống truyền thông chính thống đâu chấp nhận ý kiến sai “định hướng” của một phó thường dân như tôi, đành phải tranh luận với nhau qua mạng xã hội.

Một câu hỏi chưa có lời giải đáp cặn kẽ: Vì sao dưới thể chế chính trị Độc tài Độc đảng, như trường hợp ở Việt Nam hiện nay chẳng hạn, mỗi kỳ đại hội chọn nhân sự phức tạp, mất quá nhiều thời gian ?. Trong khi chờ đợi những người cao kiến lý giải, Tùng tôi xin có đôi điều cảm nghĩ về việc nầy.
Dưới thể chế chính trị Dân chủ Đa đảng: Việc chọn người đơn giản, theo định kỳ 4 hoặc 5 năm bầu cử một lần, mỗi đảng tự chọn 1 người ra ứng thí (thi đấu) với những đảng bạn, mỗi kỳ cũng chỉ có vài ba đảng ứng thí. Đảng nào thắng cử chấp chính, những đảng thất cử, theo phiếu tín nhiệm, ấn định số người tham chính. Người ta đua tranh với nhau thi thố tài năng để phục vụ lợi ích toàn xã hội (toàn bộ), họ chỉ nhận tiền lương theo quy định, chủ yếu họ cầu danh chớ không phải cầu lợi, họ biết xấu hổ từ nhiệm khi không làm tròn chức trách hay phạm phải sai lầm.

Dưới thể chế chính trị Độc tài Độc đảng: Đã là độc đảng thì độc diễn – không cần đua đã thắng ?. Vậy là việc bầu cử dưới thể chế chính trị Độc tài Độc đảng chỉ diễn ra trong nội bộ đảng, phân chia quyền cai trị ở mỗi cấp, mỗi ngành, cốt để phục vụ lợi ích cho Đảng; cho cá nhân, cho gia tộc, cho băng nhóm...(cục bộ). Họ cầu cả danh lẫn lợi. Vì danh lợi, họ không nở và không hề từ nhiệm. Bao giờ họ cũng đặt lợi ích Đảng trên lợi ích dân tộc, đặt lợi ích cá nhân hay băng nhóm trên lợi ích Đảng. Khi chủ thuyết bị khủng hoảng, họ lao vào tranh giành quyền lợi theo kiểu chụp giựt chẳng cần biết thế nào là liêm sỉ, sát phạt nhau không chút nao lòng. Dưới thể chế chính trị độc đảng toàn trị, việc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng với nhau không dừng lại ở cấp TW mà ở các cấp, các ngành. Số lượng người tranh cử trong mỗi kỳ đại hội không chỉ năm ba mà hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người. Họ tranh nhau ghế nhỏ, ghế to được giới hạn ở mỗi cấp, mỗi ngành thuộc 2 hệ thống Đảng và Nhà nước. Chia thế nào đây, không khéo sẽ móc họng nhau ?!. Vấn nạn phức tạp nhân sự này Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp phải. Không nói đâu xa, chuẩn bị nhân sự cho đại hội 12 đã dành ít nhất 1 năm lo việc cơ cấu nhân sự mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Chuyện nội bộ rối như canh hẹ, Đảng còn thời giờ đâu mà lo việc nước, chuyện dân ?! . Vậy mà “Đảng ta” cứ khư khư giành quyền lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối !.

Để không bị “chệch hướng”, Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng nguyên tắc gần như bất di bất dịch “kế nhiệm phải làm theo sự chỉ dẫn của tiền nhiệm”- tiền nhiệm xếp đặt nhân sự, vạch ra đường hướng, kế nhiệm chỉ phải dựa vào đó thực hiện. Tại hội nghị lần thứ12 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên đọc dự thảo báo cáo chính trị Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam với 3 vấn đề cốt lõi:
- Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 -2020 (công khai ra dân)
- Chuẩn bị nhân sự Ban Chấp Hành TW khóa 12 (bí mật).
- Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử Hội Đồng Nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 (đang thai nghén, chờ kết quả đại hội Đảng mới
phân công).

Về phát triển kinh tế – xã hội: Đảng chủ trương đưa ra công khai “trưng cầu ý dân”. Cũng như những lần trước, không phải cốt để lấy ý kiến đóng góp của dân, mà để gọi là “dân chủ”, tạo chính danh, hợp pháp hóa quyền lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và xã hội, để mạnh miệng nói với thiên hạ đây là “ý Đảng + lòng Dân”.

Về nhân sự: Cứ đến mùa bầu cử, việc phân chia quyền lực được xem là vấn đề chết sống. Suốt cả năm trời, đã qua bước cơ cấu nhân sự cho các địa phương, Bộ Chính trị đang lựa chọn người cơ cấu nhân sự Ban Chấp Hành TW: Phải dùng hạng tuổi loại trừ, tính ai đi, ai ở; chia ghế theo nhóm anh, nhóm tôi; con anh, con tôi..., tranh giành quyền lực sát phạt nhau chí chóe âu cũng là lẽ tất nhiên. Hậu quả là phải dùng tiền thuế của dân chi trả cho những người còn khả năng phải hồi hưu vì quá hạng tuổi.

Tham nhũng trong Đảng không còn là cá biệt, Chủ tịch nước đã nhiều lần hốt hoảng trước những “bầy sâu”. Cũng dễ hiểu, vì sao từ lâu người ta cấu tạo nhân sự lãnh đạo theo “chủ nghĩa lý lịch”, theo “băng nhóm lợi ích”…Thử lấy người đương nhiệm làm trung tâm để xét xem: Có bao giờ họ mạnh tay đối với những sai trái của hậu duệ, và có khi nào họ truy cứu tội lỗi của tiền nhiệm – là dòng tộc với nhau, “tay cắt tay bao nở, ruột cắt ruột sao đành”- cứ quậy cũng được đôn, cũng được an toàn khi hạ cánh.

Thể chế chính trị Độc tài Độc đảng là mẹ đẻ tham nhũng. Tham nhũng quyền lực chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích tham nhũng vật chất. Thói thường, tham nhũng quyền lực bắt đầu trước đại hội, tham nhũng vật chất khi đã yên vị sau đại hội.

Việt Nam đang như cái nhà mục nát. Có ý kiến đề nghị lãnh đạo sửa chữa với dạng trung tu hay đại tu (cải tổ); có ý kiến cho là cột kèo bị mối mọt đục ruỗng, không thể sửa chữa được, yêu cầu lãnh đạo phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới – tức là làm cuộc cách mạng chuyển đổi thể chế chính trị từ Độc tài Độc đảng sang Dân chủ Đa đảng.

Dường như lãnh đạo còn muốn kiếm thêm chút cháo bào ngư, chủ trương trung tu “cái nhà cũ” để tạm dụng nó một thời gian nữa. Bằng chứng là, lãnh đạo đang tranh tối tranh sáng cơ cấu con em mình vào hàng ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ tới - chẳng lẽ họ đưa người thân của mình vào chỗ nguy hiểm? Việc làm ấy, chứng tỏ lãnh đạo còn quyết giữ thể chế chính trị Độc tài Độc đảng hiện hữu?.

Trước thềm đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người giục tôi tham gia dự đoán về những người chủ tương lai của những chiêc ghế quan trọng cấp trung ương và địa phương, tôi chỉ đơn giản với họ một câu cho qua chuyện: “Không phải ai, mà thể chế chính trị nào” – “Rau nào sâu nấy”.

Về Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp: Đã đến lúc phải tính đến việc “phần sân ai nấy đá ” – Đảng cơ cấu “đội hình” của mình thế nào đó là quyền của Đảng; Còn người dân Việt Nam nói chung, phải đòi cho được quyền cơ cấu “đội hình” bộ máy Nhà nước, bắt nguồn từ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đồng thời góp phần tu chỉnh Hiến pháp và các luật cơ bản.

Thực tế cho thấy, dầu một đảng mà Dân chủ trong lập Quyền, lập Hiến, như Singapore chẳng hạn, vẫn ổn định chính trị, tránh được mầm mống nội chiến. Một đảng mà độc tài toàn trị như “Đảng ta” chẳng hạn, trong thực tế đâu đã ổn định được chính trị, đâu loại trừ được mầm mống nội chiến. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ Dân chủ, Pháp quyền”? . Từ đó cho thấy, luận đề “Đa đảng đấu đá với nhau sẽ gây rối loạn” cần được bàn thảo cho ngã ngũ. Nếu câu nói ấy là ngụy biện thì phải sớm loại nó ra khỏi vòng chiến ? .

14/10/2015
T.T
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:1






No comments: