Thursday, October 29, 2015

Biển Đông: Mỹ cương quyết, TQ tức giận, Việt Nam 'mềm mỏng' (Trà Mi-VOA)





Cập nhật: 29.10.2015 22:06

Phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ cho tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông là ‘mềm mỏng’ và ‘đáng thất vọng’, theo nhận định của giới hoạt động xã hội dân sự trong nước.

Đáp câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ đưa tàu vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (29/10) tuyên bố ‘Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông’ với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Vẫn theo lời ông Lê Hải Bình, ‘Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).’

Phát biểu của ông Bình được đưa ra 2 ngày sau khi tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực và 1 ngày sau khi Philippines, quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa, mạnh mẽ tán dương và bày tỏ ủng hộ rằng các cuộc tuần tra của Washington trên Biển Đông là cần thiết để kiểm soát tuyên bố chủ quyền ‘đơn phương, bất hợp pháp, và bành trướng’ của Trung Quốc tại vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng này.

Với động thái cương quyết của Hoa Kỳ thách thức các yêu sách chủ quyền lấn lướt từ Trung Quốc, nhiều người kỳ vọng Hà Nội sẽ tỏ rõ sự ủng hộ Mỹ hầu xác quyết chủ quyền lãnh thổ và dần thoát ra sự kèm kẹp lâu nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà hoạt động xã hội và chính trị được nhiều người biết tiếng, Phạm Minh Hoàng, nói phản ứng của Việt Nam đã gây hụt hẫng và thất vọng:

“Tôi thấy cực kỳ thất vọng bởi sự lên tiếng của Việt Nam như vậy là quá yếu so với các nước trong vùng như Philippines chẳng hạn. Sự lên tiếng của họ tạm gọi là ‘đồng minh hữu hiệu’ cho Việt Nam mà Việt Nam không biết nắm lấy thời cơ đó. Đây là một thời cơ mà Việt Nam đã bỏ qua rất uổng.”

Nhà nghiên cứu lịch sử chuyên về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, cho rằng trong vị thế hiện nay của Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Hà Nội không thể làm gì khác hơn:

“Một nước nhỏ như Việt Nam gần một nước lớn như Trung Quốc thì kinh nghiệm của cha ông mình là phải khôn khéo thôi. Phải hiểu rằng Việt Nam mình bây giờ là như thế nào. Nếu có thái độ như mọi người mong đợi thì liệu có chịu nổi hay không? Việt Nam khác hẳn với Philippines, Philippines với Trung Quốc quá xa mà Philippines là một đồng minh của Mỹ. Còn Việt Nam, nếu nghiêng ngả hẳn với Mỹ thì liệu có chịu đựng nổi không với tất cả những gì từ Trung Quốc về kinh tế và về mọi mặt hay không? Nghiên cứu lịch sử, tôi biết sự khôn ngoan của lịch sử Việt Nam. Ở bất cứ thời đại nào, vấn đề ngoại giao với nước lớn bên cạnh này đây là hết sức quan trọng. Chỉ cần một hành động gì từ Trung Quốc, chẳng hạn như hành động Trung Quốc đã đưa ra là xả đập thủy điện thì gây lũ cả sông Hồng. Hay là, cả một nền kinh tế Việt Nam bây giờ nhập siêu từ Trung Quốc như thế, cùng bao nhiêu vấn đề khác nữa thì đối phó ra sao đây. Đó là cả một vấn đề lớn. Dĩ nhiên mình muốn thế nọ thế kia, nhưng những điều kiện hiện nay rất khó cho Việt Nam.”

Tiến sĩ Nhã nói có bất bình trước thái độ của Trung Quốc gây hấn và coi thường luật lệ quốc tế đi chăng nữa, Việt Nam không sớm thoát được quỹ đạo của người anh em cộng sản láng giềng này, cho nên, chưa thể kỳ vọng một thái độ cương quyết từ Hà Nội trên bàn cờ Biển Đông với Washington và Bắc Kinh:

“Khi Việt Nam vào được khối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP rồi thì sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai có thể thoát Trung được. Chứ còn bây giờ thì tôi nghĩ là khó. Bởi vì phải nhìn thực tế hiện nay: kinh tế ra làm sao, chính trị ra làm sao, cùng những yếu tố khác nữa.”

Theo nhà hoạt động xã hội dân sự Phạm Minh Hoàng, Việt Nam chưa thể tách rời khỏi sự chi phối của Trung Quốc không chỉ vì vị thế nước nhỏ-nước lớn, mà còn vì chính sách đàn áp các nguồn nội lực trong nước:

“Nêu lên ý kiến của mình, thật sự mà nói, chúng tôi cũng không hy vọng nhiều vào phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong hoàn cảnh của đất nước hiện nay, chúng ta thấy sự lệ thuộc này đã quá trầm trọng rồi. Nhưng việc đầu tiên mà nhà nước cộng sản Việt Nam phải làm là phải tận dụng tình đoàn kết dân tộc, chứ không phải chỉ đơn thuần lên tiếng phản đối Trung Quốc hay ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ. Quan trọng nhất là nhà cầm quyền Việt Nam phải tìm sự hậu thuẫn quan trọng nhất từ nội lực chúng ta, từ 90 triệu dân Việt Nam chúng ta. Chừng nào nhà nước Việt Nam còn bám vào ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’ thì chừng đó chúng ta vẫn không có hy vọng nào cả. Một khi họ vẫn còn gạt qua mọi ý kiến khác biệt, vẫn còn giam giữ tù nhân lương tâm, không chấp nhận phản đối-phản kháng, thì chúng ta không thể hy vọng gì nhiều ở cái nhà nước này.”

Trung Quốc đang thịnh nộ trước quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông khi Ngũ Giác Đài hôm 27/10 khởi sự điều tàu chiến tuần tra khu vực Bắc Kinh nói thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa.

Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc hôm nay (29/10) cho đăng bài bình luận đe dọa sử dụng võ lực chống lại kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông.

Bài viết trên Tân Hoa xã cảnh cáo ‘Mỹ không nên tự tin thái quá về khả năng tránh được đụng độ ở Biển Đông’, đồng thời lên án Hoa Kỳ tự biến mình thành một bên trong tranh chấp Biển Đông là bất hợp lý.

Hoa Kỳ khẳng định không can dự vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông mà chỉ thực thi quyền tự do hàng hải-hàng không theo đúng luật pháp quốc tế. 





No comments: