Nguyễn Đình Ấm
28/10/2015
Được
tha lại khóc
Hôm anh Phan Ngọc Hải từ trại tù Chí Linh về, bà con
thôn Mai Chung (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) hồ hởi đến nhà
thăm sức khỏe và chúc mừng. Ai mà chả mừng khi người bị kết án tù 11 năm nhưng
mới được 5 năm đã được tha mà sức khỏe lại không đến nỗi nào…
Thế nhưng, khi mọi người đang vui vẻ, chúc tụng… thì
bỗng nhiên Hải bật khóc nức nở như trẻ con. Mọi người xúm vào hỏi mãi anh mới
nghẹn ngào:
- Mừng chúng tôi nỗi
gì, bị tù oan uất ức lắm…
5 giờ sáng ngày 30/4/2005 chị Đinh Thị Lán ở thôn
Tràng Kênh, xã Kim Giang huyện cẩm Giàng (Hải Dương) đi làm đến cửa nhà hàng
xóm thì thấy một thanh niên to béo nằm thoi thóp bên vệ đường được xác định là
anh Vũ Đình Nghĩa (1960) ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (cách xã Tân Trường 6 km).
Anh Nghĩa được đưa đi bệnh viện Hải Dương cấp cứu nhưng đến 8 giờ 20 thì chết.
Sau cái chết này, năm người ở thôn Mai Chung là: Phan Ngọc Hải, Nguyễn Thế Hường
(1952), Nguyễn Thế Đức (1962), Nguyễn Thế Điềm (14 tuổi, là con trai anh Đức)
và Nguyễn Đăng Đạo (1953) bị công an huyện Cẩm Giàng bắt giữ.
Sau khi anh Nghĩa chết và 5 người bị bắt giam không
ít người tin họ đánh chết anh Nghĩa thật. Bởi vì, anh Nghĩa có tiếng về trộm cá
ban đêm, nhà không nuôi, buôn cá nhưng có cả bể sục trữ cá bán cho các mối lớn
nên rất dễ ẩu đả với những người nuôi cá khi đến trộm.
Một
kịch bản của điều tra viên?
Tuy nhiên, sau thời gian các cơ quan tố tụng địa
phương vào cuộc điều tra, đưa ra xét xử và đặc biệt, khi các bị can hết hạn
giam, khi ra tù gặp nhau thì mới vỡ lẽ: Họ bị điều tra viên (ĐTV) lừa, mớm
cung, hành hạ bắt nhận tội đều theo một kịch bản:
Theo Phan Ngọc Hải thì 17 giờ ngày 30/4/2005 anh bị
công an huyện triệu tập hỏi cung về việc đánh anh Nghĩa. Trong nhiều tiếng đồng
hồ bị công an thẩm vấn anh vẫn một mực khẳng định không biết gì về việc này với
các chứng cứ, nhân chứng ngoại phạm. Dù vậy, ĐTV tên Kiểm vẫn hỏi nhà Hải có kiếm
không thì anh khai rõ có kiếm để ở gầm ti vi ở lều nuôi cá. Sau đó Hải được đưa
tới cơ quan điều tra tỉnh tiếp tục bị hỏi cung. Sau nhiều tiếng đồng hồ không
lung lạc được ý chí Hải, ĐTV tên Trường nói thẳng:
- Không có thằng
nào vào đây mà không có tội cả, không có đánh cho phải có…
Tiếp đó, ĐTV Tuấn Anh lấy còng sắt còng hai tay Hải
vào ghế rồi dùng gậy gỗ vuông, dùi cui cao su vụt liên tục vào mắt cá chân, các
khớp xương, dùng giày đá vào ngực, mạng sườn… Hải vẫn cắn răng van xin, thanh
minh không biết gì nhưng càng van xin thì những trận đòn càng dữ dội hơn đến
khi ngất lịm. Chiều ngày 1/5/2005 Hải lại bị hỏi cung và vẫn một mực kêu oan để
nhận những lời nguyền rủa và các trận đòn của ĐTV. Đến 1 giờ sáng hôm sau, Hải
được ĐTV gọi dậy giơ ở xa cho xem 4 bản viết và bảo đó là những tờ khai của 4
người kia. Các bản khai đều nói là Hải khơi mào vụ đánh anh Nghĩa, ĐTV nói: “Khôn hồn thì nhận tội đi, chúng nó nhận hết
rồi, chỉ còn mày thôi”. Hải thất kinh yêu cầu đối chất với 4 người kia
nhưng ĐTV không thèm trả lời. Đến 3 giờ sáng ngày 2/5/2005, trong tinh thần hoảng
loạn, nghĩ sẽ không thể sống nổi nếu không nhận “như bốn người” kia lại ngẫm những
lời khuyên của ĐTV trước đó: “…sẽ được khoan hồng… đánh trộm thì quá lắm là bồi
thường vài triệu tiền mai táng…” của ĐTV nên Phan Ngọc Hải đã nhận mình cùng bốn
người kia đánh anh Nghĩa “trong khi tinh thần minh mẫn” theo chỉ dẫn của ĐTV “để
được sống sẽ kêu oan sau”.
Sau khi Phan Ngọc Hải “nhận tội” tránh được các trận
đòn nhưng lại phải tìm bằng chứng cho việc này. Phan Ngọc Hải phải dẫn các ĐTV
về lấy thanh kiếm mà anh khai vẫn để ở gầm ti vi tại trại coi cá. Khi ĐTV đến lấy
thanh kiếm thì nó đã hoen ố và nếu Phan Ngọc Hải dùng thanh kiếm đó để “phạm tội”
thì dại gì lại vẫn để đấy để ĐTV dễ dàng thu được như vậy?
Tang vật nữa chứng minh Phan Ngọc Hải “phạm tội” là
chiếc lưới thu được của anh Nghĩa. ĐTV tên Oanh gặng hỏi mãi Phan Ngọc Hải: “Nếu
Nghĩa vào ăn trộm cá thì phải thu được tang vật gì chứ, như cái lưới chẳng hạn?”
và Phan Ngọc Hải phải khai chiếc lưới đang để ở nhà em rể Triệu Văn Sáu cùng
thôn, người cũng có ao cá. Về việc này, anh Triệu Văn Sáu kể: “Sáng ngày
2/5/2005 ĐTV tên Hiển về thu tấm lưới mà Sáu nói rõ mới mượn của anh vợ (Phan
Ngọc Hải) cách đó 20 ngày và chỉ cho ĐTV xem lưới còn đầy mạng nhện, bụi bậm
nhưng họ vẫn thu tấm lưới, ĐTV Oanh nói với Sáu: “Chúng nó nhận tội cả rồi chỉ
còn chú thôi. Chú làm thế nào để Hải chóng được ra…”. Buổi chiều Sáu lên công
an đòi đối chất với anh vợ. Sáu đã chứng minh rõ ràng trước mặt các ĐTV lưới đó
là của Phan Ngọc Hải cho em rể mượn chứ không phải lưới của kẻ trộm cá và quay
sang trách anh vợ: “Sao lại khai lung tung, kéo em vào tròng?” thì Phan Ngọc Hải
hạ giọng “Bị đánh quá đau phải khai bừa cho xong” đồng thời vén quần chỉ vào
các vết thương ở mắt cá chân, đầu gối cho em xem… Thấy cảnh đó, ĐTV phất chiếc
bút vào má Phan Ngọc Hải mắng: “Thế là mày làm mất hết lòng tin của chúng tao rồi”…
Sau đó, người ta đã thu được những tấm lưới đích thực
của anh Nghĩa tận mãi bên xã Cẩm Sơn gần một ao cá khác có kích thước, kiểu loại
khác hẳn tấm lưới mà ĐTV thu của Sáu. Tình tiết về “chứng cứ” rởm này bị cơ
quan tố tụng ỉm đi không có dấu vết gì trong cáo trạng.
16g30 ngày 2/5/2005 ĐTV đưa Hải về địa phương công bố
tội trạng. Khi trở về huyện để đi trại Chí Linh vết thương quá đau không đi nổi
nên công an phải ký tiếp một lệnh tạm giam thêm 2 ngày nữa. Lần này Hải bị giam
chung với Nguyễn Đăng Đạo, Hải hỏi Đạo: “Sao lại vu tội cho cháu” thì Đạo nói:
“…tưởng là Nghĩa vào ao nhà mày rồi đánh để nó chạy qua bên này như mày đã nhận
với công an… Sao mày lại kéo cả tao vào…”.
Một trong các chứng cứ Hải “nhận tội”nữa: Trong khi
thẩm vấn, ĐTV hỏi Hải là xung quanh đó có ao nuôi cá của ai không? Hải nói có
ao của ba người kia. ĐTV yêu cầu Hải vẽ sơ đồ các ao đó cho ĐTV xem. Đến khi ra
tòa Hải mới biết việc vẽ sơ đồ của Hải được cơ quan tố tụng cho là Hải “tự tường
trình lại quá trình phạm tội” của mình…
Khi hết hạn tạm giam nhóm tù gặp nhau, khi đưa ra
xét xử và nhất là khi đã được về nhà đều tố cáo bị nhục hình, đe dọa và lừa gạt.
Trong quá trình điều tra cả 5 người đều được ĐTV nói 4 người kia đã nhận đánh
chết Nghĩa “chỉ còn mày”… Có thể khẳng định, những lời kể về bị bức cung của những
người này là sự thật. Bởi vì, là những người nông dân chất phác không hiểu pháp
luật họ không thể bịa ra những “nghiệp vụ” ấy của công an, đặc biệt nó quá giống
chuyện của ông Nguyễn Thanh Chấn nói về thủ đoạn tra tấn của công an Bắc Giang
đã dành cho mình.
Những
tình tiết phi lý
Mặc dù ngay trong hồ sơ vụ án, trên thực tế đầy rẫy
những điểm phi lý và kêu oan có cơ sở của năm bị hại nhưng cả hai cấp tòa đều bất
chấp tất cả, chỉ căn cứ lời nhận tội khi bị tra tấn, lừa gạt, vẫn tuyên phạt Vũ
Ngọc Hải 11 năm tù, Nguyễn Thế Hường 9 năm 6 tháng, Nguyễn Đăng Đạo 9 năm, Nguyễn
Thế Đức 9 năm, Nguyễn Thế Điềm (con ông Đức vị thành niên) 36 tháng tù. Sau khi
ra tù họ đều viết đơn lên Chủ tịch nước, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao…
với những bài báo vạch rõ họ bị oan sai, yêu cầu điều tra lại vụ án nhưng tất cả
không có hồi âm. Họ chịu mang mãi nỗi oan đời vì quá nghèo khó.
Có lẽ những kẻ nhẫn tâm tống năm người nông dân khốn
khổ kia vào tù để “lập thành tích xuất sắc” cũng có chút động lòng nào đó nên hầu
hết trong số họ chỉ bị thi hành bản án bất công xấp xỉ ½ thời gian tòa tuyên.
Với tình trạng
lộng hành vô nhân tính của nhiều cảnh sát điều tra khi tố tụng, tình trạng “đầu
gấu, đại ca, đại bàng, rích…” trong các nhà tù để hành hạ, tra tấn, trấn lột, mớm
cung… tù nhân từ bao năm qua, có thể khẳng định: Còn ngàn vạn vụ oan sai như
Nguyễn Thanh Chấn… nữa.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:46
No comments:
Post a Comment