Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-10-28
2015-10-28
Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng ngân sách vì
tình trạng bội chi triền miên; chính phủ không đủ tiền chi tiêu chưa nói tới trả
nợ nước ngoài và tìm cách vay thêm.
Chính phủ vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng hồi
gần đây để chi tiêu, kế tiếp dự kiến sử dụng 10.000 tỷ đồng từ tiền thoái vốn
nhà nước ở các doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tuy vậy dư luận càng
lo lắng hơn khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vào tuần cuối của tháng 10
đã đại diện Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc
tế để đảo nợ, thực tế không đủ tiền trả nợ nên vay nợ mới để trả nợ cũ đáo hạn.
Theo số liệu chính thức của Bộ Tài Chính được các Đại
biểu Quốc hội trích dẫn, năm 2015 chính phủ chỉ trả nợ được 150.000 tỷ nhưng lại
vay giải quyết bội chi ngân sách tới 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ
85.000 tỷ đồng. Số liệu này cho thấy tổng các khoản vay lớn hơn gấp đôi tổng nợ
đã trả, hoặc nói cách khác vay rất nhiều để trả một phần nợ, phần còn lại để
chi tiêu.
Tiến
sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản thống kê Liên Hiệp Quốc,
một chuyên gia am hiểu tình hình kinh tế tài chính Việt Nam từ New York nhận định:
“Tôi có cảm tưởng chính phủ càng ngày càng mất khả
năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược lại chính phủ rất muốn chi
tiêu. Chính phủ Trung ương đồng ý với các địa phương, xây nhà, xây đường xá,
ông nào cũng đòi xây cái này xây cái kia. Và nhiều khi họ chưa có ngân sách mà
đã bắt đầu xây rồi. Do làm việc thiếu hiệu quả nên hầu như công trình nào chi
phí cũng vượt dự toán ban đầu, công trình nào cũng vậy cả. Thành ra với tình trạng
này tôi thấy rất là khó, khả năng nợ ngày càng tăng nhanh và hiệu quả thì thấp.
Khả năng trả nợ chắc chắn là sẽ khó khăn.”
Tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khóa 13, diễn ra từ
ngày 20/10 vừa qua, nhiều số liệu được công bố làm nóng dư luận báo chí. Tình
hình ngân sách 2015 u tối như thế được giải thích là nguồn thu có vấn đề, như
giá dầu thô xuất khẩu giảm một nửa, cộng thêm lộ trình cắt giảm thuế quan với
hàng hóa ASEAN và một số thị trường khác mà Việt Nam hội nhập.
Đối với ngân sách 2016, các báo cáo tại Quốc hội cho
thấy còn nguy cấp hơn nữa. Theo đó trả nợ theo kế hoạch năm 2016 là 155.000 tỷ
đồng, nhưng trong đó đảo nợ hay vay nợ mới để trả nợ cũ lên tới 95.000 tỷ đồng
và bội chi ngân sách tới 254.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ lên
kế hoạch rút 100% vốn nhà nước ở 10 đại công ty như Vinamilk, Bảo Minh, FPT…nếu
làm tốt nhà nước có thể thu được 4 tỷ USD cho ngân sách. Nhưng điều làm dư luận
lo ngại nhất, chính là đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Đối với tình hình khủng hoảng ngân sách, TS kinh
tế Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của
chính phủ, từ TP.HCM nhận định:
“Ngân sách bây giờ eo hẹp quá, yêu cầu thoái vốn từ
hai năm rồi, đến giữa 2015 là phải thoái hết vốn, nhưng hiện nay chỉ mới thoái
được 20%-25% vốn. Chẳng hạn Điện lực Việt Nam, Dầu khí trước kia đầu tư vào bất
động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng khá nhiều nhưng cho tới nay chỉ
thoái được từ 20-25% vốn còn lại vẫn bị chôn vốn. Như vậy tình hình ngân sách
khó khăn làm cho nhà nước giật gấu vá vai, thoái vốn rồi xem bến cảng, đường xá
chỗ nào bán được là bán hết để thu tiền cho ngân sách nhà nước, bù đắp những chỗ
bị khuyết bội chi trầm trọng. Nhưng mà việc này hiện nay không còn toàn bộ nằm
trong tay quyền hành của Chính phủ muốn quyết gì thì quyết, mà phải thông qua Ủy
ban Thường vụ Quốc hội.”
Giải
pháp
Dư luận báo chí có nhiều ngày nổi sóng về vấn đề
chính phủ đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cứu ngân sách. Ngoài
ra còn phát biểu của Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ Ngân
sách chính phủ Trung ương 2016 chỉ còn một khoản tiền tươi thóc thật là 45.000
tỷ đồng, không thể điều tiết vào việc gì vì còn chưa trả nợ xây dựng cơ bản ở
các địa phương.
SaigonTimes
Online là tờ báo đưa tin này đầu tiên, sau đó đã giải
thích là, chi ngân sách năm 2016 gần 1,3 triệu tỷ đồng nhưng phần lớn là chi
thường xuyên và chỉ còn có 45.000 tỷ là Chính phủ có thể sử dụng cho mục đích đầu
tư phát triển, số tiền này quá nhỏ bé khó thể tiến hành bất kỳ chương trình
kích cầu nào.
Về cơ cấu ngân sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay,
PGSTS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng nhận xét:
“Trong thu ngân sách thì 75% là thu để chi còn lại
là để trả nợ, như vậy thực chất không có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đi vay,
trong bối cảnh làm không đủ ăn mà đầu tư lại đi vay thì nợ công là một gánh nặng.
Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn
nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.”
Ngày 26/10/2015, hầu hết báo chí chính thức đưa tin
về cuộc tiếp xúc báo chí của Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Theo đó,
ông Tuấn khẳng định, kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế nếu được Quốc
hội cho phép, sẽ chỉ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc
gia và không làm thay đổi tổng nợ.
Theo lời giải thích của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn
thì đây gọi là tái cơ cấu nợ ngắn hạn trong nước bằng vay quốc tế dài hạn. Tổng
nợ không thay đổi, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất. Tuy báo chí không giải
thích rõ hơn, nhưng có thể hiểu là nợ ngắn hạn trong nước tới lúc phải trả lãi
hoặc đáo hạn mà không có tiền thanh toán, nên phải vay nợ mới ở nước ngoài bằng
phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn.
Như thế câu hỏi đặt ra ai là người phải trả nợ trái
phiếu quốc tế dài hạn? rõ ràng là các chính phủ tương lai và thế hệ con cháu của
nhân dân Việt Nam phải đóng thuế để trả món nợ 3 tỷ USD này.
No comments:
Post a Comment