Mặc
Lâm -
RFA
2015-10-27
2015-10-27
Sáng ngày 27 tháng 10 Mỹ đã chính thức mang chiến hạm
USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo bị Trung Quốc bồi đắp
trái phép.
Khi Khu trục hạm USS Lassen nhận chỉ thị của Tổng tư
lệnh quân dội Hoa Kỳ là Tổng thống Barak Obama tiến vào bãi đá ngầm Subi và
Vành khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa, cũng là lúc Biển
Đông chính thức mang một diện mạo mới khác với sự độc diễn của Trung Quốc trong
một thời gian khá dài.
Sự chờ đợi phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đã đến lúc
chín muồi và dư luận không riêng gì Việt Nam mà cả Philippines và Trung Quốc
cùng nhìn vào đường đi của USS Lassen để dự đoán chính sách Biển Đông mà Hoa Kỳ
sẽ mang ra áp dụng với Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc quân sự trên
biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao.
Chiến lược đưa tàu vào tuần tra là bước đầu tham gia
sâu hơn nhằm đối trọng với những hoạt động mà Trung Quốc ngày ngày ăn mòn Biển
Đông với các sách lược mà mục tiêu là chiếm trọn vùng biển giàu năng lượng và
con đường hàng hải huyết mạch cho cả thế giới.
Hoa Kỳ thấy rõ phương án tằm ăn dâu của Trung Quốc
và sau chuyến đi của Tập Cận Bình sang Washington không đạt được một kết quả
nào về Biển Đông, cuối cùng thì quyết định đầy khó khăn cũng được mang ra thực
hành và từ bước đầu khó khăn ấy khi USS Lassen chạm vào vùng 12 hải lý cũng là
lúc mọi sự đã được an bày và tùy vào thái độ cũng như phản ứng của Trung Quốc.
Trước đây vài ngày khi tin tức về tuần tra của Hoa Kỳ
được loan tải, phản ứng không chính thức của Việt Nam được một đại biểu quốc hội
là ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng phát biểu:
"Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền
tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo
thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Câu phát biểu này hàm ý là Mỹ phải xin phép Việt Nam
khi mang tàu hải quân tuần tra trong khu vực.
Trả lời câu hỏi này chúng tôi mượn lời TS Trần
Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ trong một bài do chúng tôi
phỏng vấn ông cho biết:
"Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước
thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân
tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề
lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải
trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất
kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai."
Nhìn ở góc độ của một chuyên gia về vấn đề Biển Đông
G.S Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn
Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc nhận xét về việc khu trục hạm USS Lassen tuần tra
tại khu vực 12 hải lý như sau:
"Hoa Kỳ đã phản ứng hơi chậm trễ một chút khi
Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trong vùng thuộc khu vực đặc quyền
kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù Mỹ đã có những thông tin về
việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp chúng qua hình ảnh từ vệ tinh vào năm ngoái.
Tàu USS Lassen là khu trục hạm được trang bị hỏa tiễn
định vị mà Trung Quốc không có chiến hạm nào tương đương và Hải quân Trung Quốc
không có khả năng trực diện đối đầu với nó.
Tôi nghi ngờ rằng tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ có mặt
nhưng không làm được gì, tuy nhiên nếu tàu chiến Hoa Kỳ cứ chạy tuần tra lòng
vòng trên biển Nam Trung Hoa sẽ không dừng được việc Trung Quốc bồi lấn trên
các đảo ngầm khác nữa.
Nếu Hoa Kỳ quyết định chống lại việc này mà không buộc
được Trung Quốc bằng biện pháp mạnh thì tôi không thấy sẽ có kết quả nào. Hoa Kỳ
phải ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc nếu không thì tình hình vẫn giữ
nguyên trạng như hiện nay mà thôi."
Điều mà G.S Carl Thayer nhận xét đặt ra cho Hoa Kỳ một
trách nhiệm nặng nề hơn nếu muốn chặn trước sự lấn chiếm của Trung Quốc trên
vùng biển mà Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm giữ nó cho an ninh hàng hải cũng
như bầu trời.
Can thiệp vào vùng biển này là cách duy nhất có thể
ngăn bước tiến của Trung Quốc muốn lấn sâu hơn và từng bước thực hiện tuyên bố
của họ về đường chín đoạn.
Sự can thiệp của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết cho Bắc Kinh
thấy chiến lược của Mỹ là không hề chùn bước hay bỏ rơi đồng minh của họ trong
đó có Philippines, là quốc gia luôn mạnh mẽ chống lại sự xâm lấn các đảo đá
chìm mà Trung Quốc đang làm.
Từ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề
đốc hải quân, PGS-TS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân VN cho biết nhận xét của
ông:
"Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành
ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không
quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình
hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ
như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy
rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông
Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.
Nếu Mỹ không tham gia vào hoạt động tuần tra hoặc giải
quyết những sự việc trên biển Đông sẽ gây cho Trung Quốc ngộ nhận Mỹ là nước yếu
thế không dám làm và họ sẽ hung hăng hơn".
Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi phản ứng của
Trung Quốc. Mạnh mẽ hay kềm chế sẽ cho thấy mối tương quan quân sự và những chằng
chịt khác trong đó vấn đề cốt lõi là kinh tế có làm chùn bước Trung Quốc hay
không?
Trong khi hầu như toàn bộ các nước trong khu vực có
đường biên giới hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa đều nhận thức sự lấn lướt, bá
quyền và dùng sức mạnh quân sự để trấn áp luật biển của Trung Quốc đã vượt quá
giới hạn chịu đựng của họ, thì việc Hoa Kỳ đem chiến hạm vào tuần tra không những
làm tăng thêm sự vững tin mà chính sách đối phó của những nước trong khu vực
còn có thêm cơ sở để không còn bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc như trước
đây.
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment