Friday, October 14, 2011

CÁC "NGHỀ" THỜI BAO CẤP (Lê Anh Tuấn, Giảng viên Đại Học Cần Thơ)



Lê Anh Tuấn
Cập nhật ngày 30 tháng 4/2006

Thời bao cấp ở Việt Nam là một giai đoạn khó khăn cho tất cả mọi người dân Việt, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trong thời kỳ ấy, để mưu sinh, một số người đã nảy ra nhiều các loại “nghề” thuộc nhóm “xưa nay hiếm” để mưu sinh, theo đúng nghĩa của câu “cái khó ló cái khôn” dù là khôn vặt. Nói là “nghề”, có thể chưa chính xác, nhưng vẫn tồn tại một thời gian dài và có gần đủ tính cách như một ngành nghề như “có cầu, có cung”, nhiều người cùng làm, có rao hàng, có mua có bán, có trao đổi, …, dù nó chưa hề được công nhận chính thức. Các nghề "ít vốn dễ làm" này, nếu kể lại cho lớp trẻ sau này, có thể nhiều bạn sẽ nghi ngờ nhưng tất cả đều là chuyện có thật đến… 99%.
Số nghề này nhiều, đến nỗi có thể sắp theo ABC. Tên nghề ban đầu là cách gọi người làm công việc nào đó, sau dần dần phổ biến, gọi luôn thành “nghề”. Một số nghề còn “sống” đến ngày nay.

A
Áo may bằng vải bột mì hay bao cát: Thời bao cấp rất khan hiếm vải may mặc, một số người có "sáng kiến" tháo các bao vải đựng bột mì viện trợ dùng để may áo, ít thì may tự dùng, còn có dư thì đem bán. Ở vùng quê, người nông dân còn phải lấy vải bố, vải bao cát ở các lô-cốt phòng thủ của quân đội Saigon để may áo quần mặc. Áo quần mặc thời ấy rất dễ rách vì vải không bền, ít xà-phòng giặt. Rách đến đâu, vá đến đó, chẳng ai chê cười cả ...
B
Bán đá cục: Thời bao cấp có cái sướng là giá điện lại rẻ nhưng xài hạn chế theo định mức số KWH theo đầu nhân khẩu. Ai có được “tiêu chuẩn” xài điện cơ quan hay các khu quân đội lại nảy ra ý làm nước đá cục tủ lạnh bán cho các quán cà phê. Mùa hè nóng nực, một cái tủ lạnh trong gia đình có thể đủ tiền chợ cho cả nhà.

Bơm mực bút bi: Người hành nghề đặt tất cả đồ nghề trên chiếc xe đạp gồm ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu viết bi, đầu bi, ống ruột viết,… Chiếc bút bi khi hết mực sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hỏng sẽ được thay bằng một đầu bi… cũ khác nhưng có thể còn xài được. Sau đó, bơm mực vào ống ruột viết bi để dùng tiếp. Dùng loại viết bi “phục hồi” này, nguy cơ bị mực chảy ra áo … khá cao. Người làm nghề này thường kiêm luôn nghề “bơm quẹt ga”.

Bơm quẹt ga: Giống như viết bi, hộp quẹt ga khi hết cũng có thể sửa lại, nạp ga vào và xài tiếp. Hàng này không có “bảo hành” nếu có … hỏa hoạn.

Buôn lậu: trên thế giới, có buôn là có lậu nhưng thời bao cấp, có những món hàng bình thưòng cho nhu cầu hàng ngày của người dân như gạo, thịt, vải, thuốc,… nhưng khi đã được Nhà nước quản lý thì mang đi đâu, từ quê ra chợ thì đều gán cho là… buôn lậu. Một số người làm nghề “buôn lậu” chỉ với các món hàng như vậy. Mua chổ rẻ và bán chỗ cao hơn. Nhờ thời bao cấp mà giới tài xế, lơ xe … lên đời - lên mặt, cho hành khách để hàng trên xe như là … ban phước vậy.

C
Cắt sắt ấp chiến lược: Các thanh sắt “ấp chiến lược” còn khá dồi dào ở miền Nam sau 1975. Sắt được các thợ cơ khí thu gom ở các căn cứ quân sự cũ, hàng rào nhà dân, đem về dập thằng và dùng máy cắt ra từng thanh dẹp dài. Các thanh dẹp này lại được gia công và hàn thành cửa sắt, lan can, đồ gia dụng, … Nghề này sống dài dài cho đến lúc … hết nguyên liệu là “sắt ấp chiến lược”.

Cò:Cò” là một nghề sống “khoẻ” đến tận bây giờ, không phải là “săn cò” đâu mà là chạy giúp làm việc gì đó để nhận thù lao. Nhiều loại “cò” lắm, như “cò cơm”, “cò xe”, “cò bệnh viện”, “cò khách sạn”, “cò giấy tờ”, “cò nhà đất”,... Có “cò” rất giàu từ nghề này, có người chỉ vừa đủ “kiếm cháo” theo kiểu “anh có cơm ăn thì tôi có cháo húp”. Giá cả thì “tùy mặt, tùy việc, tùy cơ”. Bây giờ, nghề này càng ngày càng đa dạng, phong phú và phứt tạp hơn như “cò dự án”, “cò visa”, “cò tòa án”,… Nhóm cò này không “bay” mà “chạy” là chính. Hiện nay, người ta dùng một từ “văn hóa” hơn một chút là “nghề môi giới” hay cao hơn và Tây một chút là “nghề vận động hành lang”, “lobbyist”. Đi đâu, nhóm cò “cao cấp” cũng có danh thiếp cả xấp, sẵn sàng phân phát cho mọi người bất kể xa lạ hay thân quen.

Chạy xe đạp ôm: Xe ôm, hay xe thồ, ở miền Nam trước kia không thiếu, duy chỉ có xe Honda ôm hoặc gọi đúng là xe (gắn) máy ôm. Sau 1975, xăng dầu khan hiếm, xe gắn máy trở nên xa xỉ. Người ta xoay qua hành nghề chạy xe đạp ôm. Nghề này được người dân ở các thị xã, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau chấp nhận dù có lúc bị công an rượt đuổi, bắt bớ. Ở Ô Môn (Cần Thơ) có thêm nghề chạy xe ba gát chở người kèm chở hàng, chở heo, ... Thuê gì chở nấy ...

D
Dán bọc giấy: bọc xách thời đó thường làm bằng giấy báo hoặc tập vở cũ vì bao nylon khó kiếm. Giấy được thu gom về, cắt lại theo hình vuông hoặc chữ nhật theo nhiều kích cỡ rồi dán thành các bọc xách đựng hàng. Ở nhà chịu khó ngồi còng lưng dán bọc giấy rồi đem bán cho mấy sạp đường đậu ngoài chợ cũng có chút tiền.

Dập đinh: Thời bao cấp, cây đinh cũng … khó kiếm. Có người nghĩ ra “kế” gom các dây kẽm gai ở các hàng rào trại lính, tháo ra từng sợi, rồi đem vào máy dập để tạo ra cây đinh 3 phân. Đinh loại này dùng đóng vào gỗ mềm, cac-tông. Đóng vào tường hay gỗ cứng thì trung bình cứ 5 cây đóng, bị cong hết … 3 cây.

Diễn chui: hay hát chui. Một số ca sĩ, nghệ sĩ phải diễn chui, ca chui vì không được giấy phép trình diễn của bên Văn hóa - Thông tin. Họ đi diễn lưu động về đêm ở các rạp hát, tụ điểm ca nhạc hoặc đình miễu mà nơi đó người dân “đói” văn hóa và dễ tính. Nếu chính quyền nơi đó lơ qua cho thì cũng hát được vài ba đêm (nhưng phải gởi cho chính quyền sở tại một hai chục vé vào cửa miễn phí), nhưng khi có chính quyền đến đình chỉ, thì Đoàn hát “Sống Vang” thành … “sáng dông”. Ai không tin thì cứ đi hỏi nhạc sĩ Nhật Trường.

Đ
Đánh máy chữ: Nghề đánh máy chữ có từ lâu ở các văn phòng công tư nhưng sau 1975 thì tràn ra đường. Người hành nghề này phải có một cái máy đánh chữ cũ, giấy, một cái bàn, một cái ghể cho mình và một cái cho khách, cọng thêm một chút chữ nghĩa, luật lệ. Bàn máy được bày ra vệ đường, nếu không bị công an, dân phòng đuổi hay mưa gió thì mỗi ngày gõ cũng được vài chục trang giấy. Người dân nhờ họ đánh “sơ yếu lý lịch”, “đơn xin”, “đơn khiếu nại”, … Hiện ở thành phố Cần Thơ vẫn còn một “phố đánh máy chữ thuê” mặc dầu bây giờ sắm một máy vi tính cũ rẻ rề …

Đứng chợ trời: Nghề này “lạ”, chẳng cần có hàng quán gì cả. Chỉ đứng lơ thơ ngoài chợ trời, hút thuốc là, uống cà phê, nói dóc nhưng mắt phải láo liên coi ai có ghé vào chợ liền xáp lại hỏi “mua gì? bán gì?”. Tùy theo “con mồi” (tiếng lóng trong giới này chỉ người vào chợ trời mua bán) cần gì thì sẵn sàng “mua gì cũng bán, bán gì cũng mua”. Nghề này cần biết giá các mặt hàng khan hiếm đang ở đâu trên thị trường chợ đen, mà thời bao cấp nhiều thứ khan hiếm lắm. Nếu “trúng mánh”, có thể sống được vài ngày hoặc cả tuần. Nghề này ít sợ hụt vốn vì “ngưòi mua lầm chứ người bán chẳng lầm”.

E
Ép than tổ ong: Nghề này được du nhập từ miền Bắc. Nguyên liệu, chất đốt khan hiếm khiến người phải mua than cám, độn thêm mùn cưa hay trấu, rồi trộn với bùn non cho dẻo và dễ dính, xong vắt thành từng cục hoặc áp thành từng bánh hình tròn có lỗ như tổ ong. Phơi khô thành một sản phẩm đốt khá rẻ tiền và tỏa năng lượng cao, ít hao nguyên liệu. Nhà gia đình đông con hoặc các quán bán cà phê, bún phở chuộng mua loại than này. Nhược điểm của loại than này là thời gian nung đỏ ban đầu khá lâu và tỏa nhiều thán khí độc hại. Nấu với loại than này phải có loại lò than đá thích hợp. Nghề này chưa bị mai một đến ngày nay.

G
Gò tole làm ống: Tole lợp nhà loại dày 0.5 mm được đập thẳng, gò cuốn lại và hàn thành từng đoạn ống để làm khung xe đạp, ống nước, hàng rào. Đi xe đạp với loại sườn tole gò này thì ... có ngày "sườn một nơi, bánh một chỗ", nhẹ thì … té lọi tay chân, u đầu sứt trán, còn xui xẻo nặng hơn thì ... Trời kêu ai nấy dạ ...

H
Hàn dép nhựa: Dép làm bằng mủ cao su hay nhựa khi bị đứt thì bạn có thể thuê những người hành nghề “hàn dép” để “hàn” lại chỗ đứt. Dùng một thanh sắt như cái vít ốc nung nóng và các mẫu nhựa vụn đủ màu, họ có thể làm “lành” các vết đứt trên dép. Ai hành nghề khéo tay, bảo đảm không để “sẹo lồi”. Chỗ đứt được làm liền bằng phẳng. Giá bình dân, chờ 5 phút lấy liền.

L
Làm dép râu: Dép râu là một sản phẩm cho bộ đội hay cán bộ miền Bắc. Đế dép thường được làm bằng vỏ xe cũ, nhất là vỏ xe nhà binh. Quai dép làm bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai bằng ruột xe. Dép râu khá chắc chắn, mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng nặng nề, xấu xí nhưng có hề gì vào cái thời mà “ăn chắc, mặc bền” đứng ưu tiên xa hơn “ăn ngon, mặt đẹp”. Nghề này tồn tại khá dài lúc đó.

Lãnh quà biếu: Lãnh quà (đồ) cần phải hiểu như là một công việc nuôi sống của nhiều người có thân nhân vượt biên, định cư ở nước ngoài. Hàng tháng, họ chờ thư báo có hàng về là mừng rỡ chạy đến các kho lưu hàng ở phi trường hay bưu điện đề nhận quà của thân nhân gởi về, thường là quần áo, vải, thuốc tây, thực phẩm, radio cassette, vật dụng gia đình, … để xài một ít trong nhà, còn bao nhiêu đem bán ra chợ trời. Nghề này nuôi sống nhiều người, ngoài người nhận hàng, còn có những người thu mua hàng quanh nơi phát đồ, các bà ở chợ trời, nuôi sống các ông thuế vụ và cả cho người phát thư nữa. Thỉnh thoảng, chính quyền địa phương gởi thư xin các gia đình Việt kiều “yêu nước” ủng hộ tiền cho phường khóm mặc dầu nhiều lúc họ từng gây khó khăn những người trong gia đình này.

Lộn sên xe (miền Bắc thì kêu là "lật xích): Chủ yếu là sên xe đạp, ai có tay nghề “cao” hơn thì nhận luôn lộn sên xe gắn máy. Khi sên xe của bạn đã dãn nở ra hết cỡ, đừng vứt đi mà đem lại cho các “thợ lộn sên xe”. Sên sẽ được đục ra từng mắt rồi lộn các phần trong ra ngoài để “tận dụng”. Có người dùng xe đạp với cái sên được lộn tới 3-4 lần. Ngoài ra, xe đạp của bạn có thể được các thợ sửa lại các bộ phận đã mòn cũ như cặp vỏ, nối căm, đắp dĩa líp, sên, nhông, dùm xe, …

Lột bố vỏ xe: Bên trong vỏ xe nhà binh GMC, xe tải, xe hơi, … là các lớp sợi dây bố gai rất chắc để tăng sức chịu căng của cao su làm vỏ. Thời đó có một số người đi gom các vỏ xe lại, cắt ra từng khoanh, từng lớp mỏng rồi kiên nhẫn dùng kềm rút dần các sợi dây bố gai ra, sau đó nối lại thành từng cuộn tròn để bán. Dây bố gai được các người bán củi lẻ mua lại để cột củi thành từng bó nhỏ. Vài người còn dùng dây bố gai để tếch lại thành dây thừng nhỏ.

M
Mài ti bơm: Trong các béc bơm dầu của xe tải, các ti bơm đóng vai trò quan trọng, ti bị mòn (do động cơ bơm hoạt động lâu ngày) thì phải thay, nếu không xe sẽ chạy yếu và hao dầu. Thời bao cấp, các ti bơm khá mắc và khan hiếm, thế là các thợ tiện lành nghề nghĩ ra cách thu mua các thanh chốt của các tấm gi sắt lót ở các căn cứ sân bay trực thăng quân sự, cắt thành từng đoạn bằng ti bơm, tiện nhỏ lại và đưa vào máy mài với bột mài cho đến khi vừa khít bằng cái ti bơm. Nghề này phải khéo tay và biết cách dùng thước kẹp chuẩn xác. “Có công mài sắt, có ngày nên … ti”. Nghề này còn giúp tạo thêm nghề thu mua gi sắt, đem về bán gi và chốt gi.

Mò sông: trước kia và gần đây, đồ đạc bị rơi xuống sông coi như … cúng Hà Bá. Có trường hợp tàu chìm nhưng chi phí thuê trục vớt mắc quá nên khổ chủ bỏ luôn. Thời ấy, có người nảy ra ý lặn xuống đáy sông để mò hàng chìm dưới đáy, nếu sông cạn thì chỉ cần một sợi dây buộc bên mình rồi nín thở lặn, mò mẫm dưới đáy sông, nếu sông sâu thì phải có ống thở nối trên thuyền. Sau này, họ “phát minh” ra loại lưới cào đáy, cào hú họa sát đáy sông, vừa bắt cá vừa tìm phế liệu. Đôi khi, “trúng mánh” được nguyên cái máy tàu, nhưng có trường hợp mò được cả khẩu … súng đại liên đã rỉ sét.

Móc bọc: Bọc ở đây là bọc nylon nhưng không chỉ đơn thuần là bọc bylon. Nghề này, đã có từ xưa nhưng thời bao cấp có “phát triển” hơn. Miền Bắc gọi là nghề “đồng nát”, miền Nam gọi là nghề “ve chai, lông vịt”. Ngày xưa, đồ nghề là đôi quang gánh, sau “tiến bộ” hơn thì có xe đẩy, lúc đó mua - đổi là chính. Thời bao cấp, dụng cụ hành nghề chỉ là một que sắt uốn thành một cái móc, một túi và một tinh thần “chịu khó, chịu dơ” là có thể lùng sục tất cả các bãi rác ở đầu đường xó chợ. "Tất tần tật" cả những thứ bán được ở các vựa thu mua phế phẩm đều được móc "tuốt tuồn tuột": đồ mủ, cao su, nhựa plastic, ve chai, lọ, sắt vụn, đồng nát, lông vịt, giấy báo cũ, đồ hư trong gia đình, … Nghề này có cái “tích cực” là giúp làm giảm ô nhiễm, rác được phân loại và tái chế. Rủi ro nghề nghiệp lớn nhất là bị nhiễm trùng do đạp phải đinh, gai mặt dầu đa số họ có khả năng “miễn nhiễm” cao. Từ “nghề móc bọc” để chỉ nghề “tận cùng” dưới đáy xã hội.

N
Nhuộm quần áo: Hà nội 36 phố phường có Phố Nhuộm. Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, miền Nam thì hiếm hơn. Sau 1975, nghề này có cơ hội phát lên ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho… sạch hoặc chí ít cũng “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động, hoặc có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đen để … che mắt người khác như thể tôi đây cũng thuộc nhóm … người lao động (?!). Đồ được đem đi nhuộm nhiều nhất là áo quần quân đội, thôi thì đủ thứ binh chủng, từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri lính trận, đồ trắng cảnh sát,… đều được biến thành màu đen tuốt luốt. Quý bà thì chuộng nhuộm đen áo bà ba, quần tây. Thời kỳ đầu, mỗi đợt "lao động nghĩa vụ", mọi người giống như một đoàn quân đồng phục đen.

Nuôi heo "tăng gia": nuôi heo vốn là một nghề nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng trong thời bao cấp ở thành phố, nơi khu dân cư đông đúc như chung cư, nhà tập thể, khu phố, nhiều người xem “nuôi heo” là một nghề phụ nhưng “thu nhập” chính. Họ có thể là công nhân viên, thầy cô giáo, y tá, y sĩ, bộ đội, … Hình ảnh thấy rất điển hình là chiều chiều về trên chiếc xe đạp, nhiều công nhân viên có đèo thêm bó rau muống to tướng hoặc bao cám. Lắm người khi đau ốm không dám uống thuốc nhưng heo bệnh thì quýnh quáng tìm thuốc trị ngay. Nghề này kéo theo các nghề thiến heo, chích thuốc heo dạo, đỡ đẻ heo và nghề thu mua heo … lậu. Dù chuyện nuôi heo gây nhiều ô nhiễm, khó chịu nhưng ai cũng rán nín thở, chịu đựng mà … thông cảm.

P
Phân kim: Muốn hành nghề “phân kim” phải học bài bản một chút. Nghề này nguyên là của các thợ bạc, ngoài chuyên gia công chế tác nữ trang. Sau 1975, đôi người nhảy vào, thu mua đồ xưa, bạc cũ, hàng mỹ nghệ mạ vàng, răng vàng, gọng kiếng vàng, đồng hồ vàng, phim phổi,… đem phân kim để lấy chút bụi vàng, bụi bạc rồi đánh thành các khâu, chỉ. Nghề này ít ai giàu lên nhưng sống “được” lúc đó.

Q
Quấn thuốc lá: Nghề này “phục vụ” cho dân nghiện thuốc hút mà ít tiền. Chỉ với một bàn quấn nhỏ bằng gỗ chỉ bằng một cuốn tự điển loại trung, giấy thuốc, sợi thuốc thì mua trôi nổi ngoài chợ, có thể tự gia giảm thêm bớt chút ít cho sợi thuốc. Nghề này dễ làm, sẵn mọi lúc mọi nơi, chủ yếu trong gia đình. Chịu khó còng lưng làm chừng 8 - 10 giờ/ngày và có mối nhận mua đều đều thì …“sống” đủ.

Quay ly tâm đường: Đường ở đây là đường chảy, đường mật được ép từ các lò đường ra. Sau đó, đường chảy được đưa vào các lò nấu đường trong các cối đường thủ công để nấu chảy. Dùng hóa chất tẩy màu và tinh luyện theo kiểu ly tâm ta sẽ được đường cát. Nghề này thay vì làm trong nhà máy đường lại phân tán nhỏ ở các lò thủ công trong các hẻm. Mật đường còn sót lại thì làm “rượu cồn”. Người làm công trong lò suốt ngày ở trần, quần đùi, mồ hội nhễ nhại vì làm việc cật lực, nhất là ở khâu nấu đường. Lơ đễnh thì hỏng cả cối đường. Nghề này khá cực khổ. Hiện nay, các lò như vậy đều …“chết không kèn không trống”.

R
Rà phế liệu: Ở đây là nghề rà tìm phế liệu chiến tranh ở các khu quân sự hay các cánh đồng đã từng có chiến sự. Tất cả những thứ còn sót lại dưới đất như chiến cụ, quân phục, vũ khí như súng hỏng, đạn dược đến cả bom mìn cũng không từ. Không vốn thì dùng cuốc xẻng đào bới, khá hơn thì trang bị một máy rà kim loại tự chế. Làm nghề này phải có gan, rất liều mạng. Nhiều tai nạn thảm thương do cuốc nhằm mìn, cưa bom, ... đã xảy ra.

Rang bắp: Rang bắp không phải để ăn “bắp rang” mà làm … cà phê. Nghề này rộ lên từ sau 1975 và còn sống dài dài. Tùy nhà chế biến mà tính chuyện trộn thêm bắp rang, xay nhuyễn vào cà phê, cộng thêm một ít hương vị, dầu bơ cho thơm. Nhiều ông chỉ làm chuyện rang bắp, trộn cà phê bỏ mối mà có tiền nuôi 2-3 đứa con ăn học cả nhiều năm trời. Nhiều người ngày nay uống cà phê pha bắp rang riết rồi quen vị, uống cà phê nguyên chất lại chê chẳng ngon vì không thấy … mùi bắp rang.

S
Viết thư mướn: Nghề này có “trình độ văn hóa” hơn. Đối tượng “phục vụ” là các cô, các bà hoặc các ông nông dân ít học. Họ viết thư giúp “gởi ra nước ngoài” để xin tiền, xin hàng, xin bảo lãnh định cư, tâm tình để kiếm chồng ngoại, hỏi thăm,… Người viết thư còn phụ trách luôn khâu đọc thư để tìm lời văn để trả lời cho thích hợp. Thư viết bằng tiếng Anh, tiếng Tây, tiếng Tàu có giá cao hơn năm ba lần thư thường viết bằng tiếng Việt. Thư gởi đi, nếu có may mắn được phản hồi nhanh chóng, người viết thư mướn còn được “bo” lần sau. Nhiều khi, nội dung các thư “tâm sự - tình yêu” na ná như nhau, hoặc giống y như các câu văn cóp được trong quyển “Các bức thư tình hay nhất thế giới”.

T
Tẩm quất: Nghề “tẩm quất” cũng đã có từ lâu nhưng ít ai hành nghề ngoài đường phố, nhà ga, bến tàu, vỉa hè chường mặt ra giữa thiên hạ như sau 1975. Dụng cụ hành nghề là một cái hòm nhỏ bằng gỗ đựng đồ cạo gió, dầu xanh, ống giác hơi, một manh chiếu, một cái gối và một cái đèn dầu. Ông nào, anh nào đau lưng, nhứt mỏi, cảm gió, nhứt đầu, … xin mời nằm xuống chiếu, cởi áo, cất tiền bạc giấy tờ cho cẩn thận để em (hay chú) tẩm quất cho. Làm nghề này cần thạo các món đòn bấm huyệt, bẻ khớp, vặn hông, nhéo lưng, vuốt lườn, … và phải biết luôn cách cạo gió, giác hơi. Nghề này, ngày nay càng ngày càng ít khách vì ít ai bây giờ chịu nằm ngoài đường. Một số đi vào các nhà nghỉ, khách sạn kín đáo và gọi bằng một cái tên tân kỳ hơn là “massage” hoặc ... “vật lý trị liệu” (?!). Người hành nghề này bây giờ là các cô trẻ đẹp, tròn trịa chứ không phải các ông già tẩm quất gầy gò, khắc khổ như thời bao cấp.

Thử hàng: hàng hóa thời bao cấp như thuốc tây, hóa chất, mỹ phẩm, vải vóc, máy móc như động cơ, đồng hồ đeo tay, radio,… gồm đồ thiệt, đồ giả, đồ tân trang lẫn lộn. Tiền không có mà mua nhằm đồ giả thì … tức lộn ruột. Tốt hơn là nhờ các tay làm nghề thử hàng. Họ khẳng định giá trị món hàng và cho lời khuyên mua bán. Mua được, bán được xin chút huê hồng. Nghề này, bây giờ không còn nhưng hiện diện ở dạng cao cấp với tên là "nghề thẩm định” hàng hóa và giá cả.

Trồng xuyên tâm liên: “Xuyên tâm liên” là tên của một loại cây thuốc Nam, vị đắng có dược tính sát trùng, chống viêm, … Thời bao cấp, “xuyên tâm liên” là danh mục thuốc đứng hàng đầu khi được bác sĩ kê toa. Nghề trồng xuyên tâm liên được khuyến kích và Nhà nước thu mua hết để bào chế ra viên “Xuyên tâm liên”.

U
Nấu rượu .. lậu: Có thời, rượu đế cũng bị Nhà nước quản lý, chỉ có “rượu quốc doanh” làm từ đường công nghiệp, uống vào rất nhức đầu. Có lão nông tuyên bố “Đế quốc Pháp, tao chẳng sợ, đế quốc Mỹ tao cũng chẳng sợ. Tao chỉ sợ đế … quốc doanh!”. Chiều chiều, nông dân miền Đồng bằng sông Cửu Long mà thiếu rượu để nhậu lai rai chút đỉnh thì buồn quá. Có cầu ắt có cung. Nghề nấu rượu lậu phát triển âm thầm. Có dạo, bị lùng bắt quá, người dân nảy ra "sáng kiến" nấu rượu lậu trên ghe, nhất là về mùa nước nổi. Nếu bị công an, quản lý thị trường, thuế vụ đuổi bắt, họ chỉ việc quăng tất cả đồ nghề nấu rượu xuống sông để phi tang là ... xong. Ngoài ra, hèm ủ rượu còn được dùng để nuôi heo. Ai mà hành nghề này, suốt vài năm mà không bị bắt, thì có thể cất cái nhà … vườn được.

V
Vớt trùn chỉ: “Nghề” này chỉ sống được một thời, đặc biệt khi phong trào nuôi “cá trê phi” phát triển mạnh mẽ. Một lon sữa bò, một cái vợt lưới nhỏ là đủ. Mỗi ngày chịu khó đi dọc theo các cống rãnh, đường mương để vớt trùn chỉ, loại trùn màu đỏ như sợi chỉ sống ở các dòng nước thải nơi thành thị, ven đô, … Giai đoạn đó, nếu mỗi ngày vớt được chừng 2 lon sữa bò thì đủ tiền đi chợ kiểu ... nhà nghèo.

X
Xe vải: vải vụn được người dân gom lại, vắt nhỏ thành từng sợi dài rồi xe lại theo kiểu thắt dây. Dây này được “gia công” tiếp thành cái võng, thảm chùi chân, giỏ đựng hàng. Hàng này khá bền và rẻ tiền nên hợp với giới bình dân, người nông thôn. Nghề này còn “lây lất” sống đến ngày nay.

Xếp hàng mua vé xe đò: Xếp hàng mua vé xe, vé hát ở các nước phát triển không phải là chuyện lạ nhưng họ xếp hàng mua vé để chính họ đi đường, xem nhạc, xem phim. Còn ở ta, xếp hàng mua vé để bán cho người khác. An ủi là bên Tây đôi lúc cũng có: FIFA World Cup 2006 ở Đức cũng có mấy tay mua vé bóng đá rồi bán cho người kiếm lời, nhưng không là một “nghề”. Thời bao cấp, thời gian “lý tưởng” để hành nghề mua vé xe đò là phải thức dậy từ 1 - 2 giờ sáng. Thức trễ đến 5 - 6 giờ sang thì chỉ có nước … nằm nhà húp cháo. Chuyện xếp hàng mua vé để bán “chợ đen”, ngoài chỗ hành nghề ở bến xe, bến tàu, còn ở rạp hát, sân vận động bóng đá,… nữa. Nghề này còn tồn tại đến ngày nay ở các thành phố lớn.

Xe chạy bằng than đá: Thời nhiên liệu, xăng dầu khan hiếm, giới xe đò có sáng kiến "cải tiến" (hay "cải lùi"?) xe chạy dầu, xăng thành xe chạy bằng nhiên liệu là than. Một lò đốt than đá to đùng được gắn sau xe, dùng nhiệt năng của than đá bị đốt thành động năng cho xe chạy. Trên đường đi loại xe này, thỉnh thoảng một cục than cháy dở rơi xuống đường đỏ lòm là chuyện ... bình thường. Ai chạy xe cán nhầm cục than này hay đi đạp nhầm coi như là gặp xui. Phàn nàn với ai bấy giờ?

Lê Anh Tuấn
2006

Sau 20 năm kể từ thời điểm bắt đầu có chính sách xóa dần bao cấp (năm 1986), nhiều người dân lao động vẫn dùng cơ bắp của mình để mưu sinh là chính. Dù nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc sau thời kỳ "Đổi mới", Việt Nam thành một quốc gia xuất cảng nông sản lớn trên thế giới, nhưng thực tại, người nông dân vẫn nghèo khổ, và sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Do vậy, cần thiết phải có những chính sách chiến lược quốc gia cho việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao phúc lợi và công bẳng xã hội.
(Coi nguyên bổn: ở đây)

-----------------------

XEM THÊM :
[Hình ảnh] Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)
Diễn đàn Sinh viên Bách Khoa


.
.
.

No comments: