Nguyễn Gia Dương
Thứ bảy, 15 Tháng 10 2011 23:13
Vào thời điểm mà bài này được viết ra, có nhiều xác suất để nền kinh tế toàn cầu bước sang giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng kép (Double-dip recession; Récession à double creux), thay vì thoát khỏi khủng hoảng.
Nhìn lại những dữ kiện đã lần lượt nối tiếp nhau xẩy ra, có thể mô tả tiến trình của những biến cố như sau: Khủng hoảng tài chánh bùng nổ và đem lại trì trệ kinh tế. Khó khăn kinh tế này đòi hỏi nhà nước phải can thiệp, làm tăng thêm mức nợ công và khiến ngân sách quốc gia ngày càng thâm thủng. Nhiều quốc gia lâm vào tình trạng phá sản và đòi hỏi một chính sách liên đới giữa các quốc gia. Nhưng liên đới có giới hạn của nó! Những tranh cãi về biện pháp chữa cháy đang tạo ra một cơn khủng hoảng chính trị. Châu Âu với biện pháp tài trợ Hy Lạp là một thí dụ cụ thể. Bên kia bờ Đại Tây Đương, những bất đồng giữa Tổng thống và Hạ nghị viện về mức nợ tối đa của Hoa Kỳ cũng là một bằng chứng hùng hồn của sự ló dạng của cơn khủng hoảng chính trị.
Tóm lại, xuất phát từ tài chánh, khủng hoảng đã lây lan đến kinh tế để rồi gây ra khủng hoảng chính trị.
Nếu lý luận « theo dòng dữ kiện » như trên thì đáp số đã có sẵn: Điều tiết, điều tiết và điều tiết! Vì tài chánh là nguyên nhân của vấn đề, phải đưa ngành tài chánh vào khuôn khổ kiểm soát khắc khe. Phải phạt đền các ngân hàng đầu tư (Investment banks; banques d’affaires). Phải truy tố những tay buôn chứng khoán (traders). Phải tách kỹ nghệ ngân hàng ra làm hai, một bên ngân hàng cho vay và – bên kia – ngân hàng đầu cơ. Nếu cần, phải quốc hữu hoá các ngân hàng. Chính bọn này mới là thủ phạm của mọi bất hạnh: Lôi cổ bọn chúng ra đây! Bắt chúng quỳ xuống đọa đày chết thôi!
Và nếu tiếp tục lý luận theo mô thức trên thì – trong lúc chính quyền đưa kỹ nghệ ngân hàng vào khuôn phép – cần bơm tiền vào để kích thích nền kinh tế, vừa bị ngành tài chánh thiêu hủy. Cần hạ thấp lãi suất để kích thích tiêu thụ. Cần nới lỏng định lượng (Quantitative easing; assouplissement quantitatif). Nói tóm lại, nhà nước cần can thiệp để kích cầu, kích cầu và kích cầu!
Thế rồi, những dự án điều tiết đầy tham vọng, những gói kích cầu khổng lồ đã được ban hành. Can thiệp, kích cầu, điều tiết đã trở thành một phong trào thời thượng. Thuyết kinh tế của Keynes lại được đem ra để giải thích cho tất cả và để biện hộ cho mọi động thái của nhà nước. Một cách lố bịch, ngay cả những quốc gia kém phát triển như Việt Nam cũng đua đòi đưa ra một chính sách khích cầu rất… hợp thời trang.
Nhưng trái với những suy tính, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn!
Điều tiết không mang lại hiệu quả gì. Nhà nước không còn ngân sách để tiếp tục bơm tiền kích cầu với hy vọng vực dậy nền kinh tế. Tệ hơn nữa, khủng hoảng chính trị càng lộ nguyên hình. Nói tóm lại những giải pháp được chủ trương đã đem lại thất bại toàn diện.
Vậy có thể nào lý luận ngược hẳn lại với mô thức « theo dòng sự kiện »?
Có thể nào quan niệm rằng khủng hoảng chính trị mới là nguyên do của hiện trạng bi đát? Thật vậy, nó đã âm thầm xuất hiện vào thập niên 90. Nó đã đưa lên chính trường những con người thiếu can đảm – những con người « đẹp trai, học giỏi, nhà giàu mà… dở ». Họ chỉ biết đưa ra hàng loạt chính sách mị dân bằng cách tăng nợ công, và cả nợ tư qua chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tiêu thụ. Với chính sách nới lỏng tiền tệ và hạ thấp lãi suất, nhà nước đã thúc đẩy ngân hàng tháo ống nước tín dụng. Kết quả là hàng trăm, hàng ngàn người đã được khuyến khích mua nhà, mặc dù thu nhập của họ không cho phép. Chính sách này đã bóp méo nền kinh tế và đã đem lại hiện tượng mất thăng bằng – trong đó bong bóng địa ốc chỉ là một trong những triệu chứng. Cuối cùng, suy thoái bộc phát đem lại khủng hoảng tài chánh.
Song song, một hiện tượng khác cũng đã trầm trọng hoá tình trạng mất thăng bằng của kinh tế thế giới: Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong men say chiến thắng và với niềm tin cho rằng lịch sử đã kết thúc (the end of history, la fin de l’histoire) Thế Giới Tự Do đã chiếm giữ thế thượng phong, các chính giới Tây phương đã ung dung bước vào kỷ nguyên của toàn cầu hoá với bàn chân thương mại mà không màng vận dụng bàn chân chính trị. Thiếu viễn kiến, họ chấp nhận giao thương với những chế độ độc tài bất chấp tất mọi nguyên tắc và giá trị: Công nhân Tunisie, Việt Nam hay Trung Quốc có thể bị bốc lột tối đa để sản xuất những món hàng thật rẻ tiền. Người tiêu thụ Tây phương sẽ thâu mua những sản phẩm đó. Nếu không đủ mãi lực, họ sẽ được cho vay hoặc nhà nước sẽ đi vay để trợ cấp họ. Một lần nữa, kỹ nghệ ngân hàng và thị trường vốn đã được chính quyền trưng dụng để tạo điều kiện cho nhà nước, cho người dân mượn tiền… tiêu thụ.
Nếu suy luận « ngược dòng dữ kiện » như vậy, chúng ta sẽ hình dung được những chính sách cần có và những công việc phải làm để có thể hy vọng bước ra khỏi khủng hoảng.
Ngay khi khủng hoảng bộc phát, vấn đề không phải là bơm tiền để kích cầu. Mức tiêu thụ của Tây Phương đã quá cao so với khả năng thu nhập. Kích cầu sẽ không tạo ra tình huống khả quan hơn! Lượng nợ công và nợ tư sẽ không giảm đi! Ngược lại, công việc cần làm là tái cấu trúc hạ tầng cơ sở kinh tế để có thể trực diện với những thử thách của khủng hoảng và – đi xa hơn – của hiện tượng toàn cầu hoá. Nói như vậy có nghĩa là nhà nước cần đưa ra những định hướng lớn để tái thiết hạ tầng cơ sở và để bảo đảm phát triển bền vững. Chính quyền nên chú tâm vào những doanh nghiệp mới (du lịch, công nghệ sinh học, kỹ nghệ xanh, năng lượng và nhất là giáo dục, hạ tầng cơ sở…). Nhà nước Tây Âu nên dựa vào những chuyên ngành này để làm bàn đạp và tái tạo khả năng cạnh tranh của quốc gia. Từ đó, họ nên khuyến khích và, nếu cần, nâng đỡ những doanh nghiệp tương tự bằng cách đổ vốn vào những ngành nghề này.
Nói tóm lại, thay vì bơm tiền vào tiêu thụ, nhà nước nên huy động vốn – tư cũng như công – vào đầu tư. Thay vì ban hành những gói kích cầu, nhà nước nên chú tâm vào chính sách kích cung hầu tiếp tục nâng cao năng suất lao động và tái tạo năng lực cung ứng của nền kinh tế. Kích cung thành công sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ tái sinh vì tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm thấp và thu nhập lại tăng cao. Nói một cách ngắn gọn hơn, đầu tư và « kích cung » hôm nay là tạo điều kiện vững chắc để có thể « hỗ trợ cầu » ngày mai.
Vấn đề lớn của chính sách kinh tế trọng cung là nó cần nhiều thời gian và hy sinh. Hơn nữa, nó đòi hỏi một tầm nhìn mới và sự can đảm lớn để thuyết phục người dân. Tất cả những yếu tố này hình như đang thiếu vắng trong chính trường Tây Phương. Có lẽ phần đông giới chức trách Tây Phương không thấy được những thử thách mới đang đón chờ họ. Nếu không, họ đã từ bỏ những mô hình sinh hoạt chính trị mà cha anh họ đã để lại. Một thí dụ cụ thể: Họ phải hiểu rằng mô hình « Nhà nước phúc lợi » (Welfare state; Etat providence) đã lỗi thời. Với toàn cầu hoá, biên giới đã bị vô hiệu hoá. Trong điều kiện này mô hình « Nhà nước phúc lợi » sẽ không bảo vệ được ai và chắc chắn sẽ không bảo vệ được tầng lớp đáng được bảo vệ nhất. Như vậy, nên thay thế mô hình « Nhà nước phúc lợi » bằng một nhà nước nhỏ nhưng hữu hiệu; một nhà nước tĩnh lặng nhưng tràn đầy sáng kiến; một nhà nước khiêm tốn nhưng thật mãnh liệt khi đã quyết định can thiệp. Nói một cách khác, một nhà nước khuyến khích hơn răn đe, đối thoại hơn chỉ thị, thuyết phục hơn điều tiết. Trong địa hạt kinh tế, đó là một nhà nước có trách nhiệm và luôn hợp thương cùng mọi tầng lớp xã hội, mọi doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh cao. Mô hình nhà nước như trên đòi hỏi một tầng lớp chính giới quyết đoán, quyết tâm và – khi cần – phản ứng một cách quyết liệt trước những vấn đề cấp bách. Mô hình này đòi hỏi các chính giới Tây Phương thay đổi thái độ và cách hành xử. Được như vậy, thế giới sẽ tranh khỏi một cuộc khủng hoảng kép.
Trái với những lập luận hời hợt, cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ những sai lầm chính trị. Cần giải quyết ngay lập tức những vấn đề chính trị. Sau đó, những khó khăn kinh tế và tài chánh sẽ có được đáp số.
Một lời cuối, nguyên tắc « kích cung » đã được áp dụng vào thập niên 80 khi Tổng thống Reagan và Thủ tướng Thatcher lên nắm chính quyền tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Hai nhân vật này đã trở thành biểu tượng của chính sách kinh tế trọng cung. Vào thập niên 80, Tổng thống Reagan và Thủ tướng Thatcher đã hiểu rằng nền kinh tế Tây Phương cần được tái cấu trúc. Với viễn kiến đó, họ đã can đảm thực thi những chính sách khó khăn, bất chấp những chê trách, chỉ trích và chống đối. Và cuối cùng họ đã thành công.
Điều đáng mừng là vào lúc kỷ niệm 30 năm Tổng thống Reagan đắc cử, nhiều kinh tế gia, sử gia và chính trị gia đã nghiêm túc nhìn lại thời điểm 1981-1989 để cố gắng rút tỉa những kinh nghiệm quý giá. Được như vậy, Tây Phương sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Đi xa hơn, các quốc gia Tây Phương sẽ phát huy được một mô hình nhà nước dân chủ mới để làm khuôn mẫu cho các quốc gia vừa thoát khỏi độc tài và... ngay cả cho chính họ.
Nguyễn Gia Dương
.
.
.
No comments:
Post a Comment