“… Thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường cỡ Tôn Ngộ Không mà vẫn bị lộ bản lai diện mục là Mỹ Hầu Vương chỉ vì những phép mầu nó có không sao cắt được cái đuôi khỉ.”
Thiếu thời, quanh tôi có nhiều cụ già nghiện ăn trầu, mỗi cụ có một khẩu vị khác nhau, riêng một cụ gốc hoàng phái có tật ăn trầu sao đó mà trong xóm gọi cụ là mệ Nhơi. Hỏi ra mới biết mệ ni mỗi sáng chỉ têm duy nhất một miếng trầu rồi cứ thế thủng tha thủng thỉnh bỏm bẻm miếng trầu cánh phượng đó cho tới trước khi đi ngủ mới buộc lòng nhả vất đi.
Gần đây gặp lại, cụ cho biết sau 1975 đời sống quá khó khăn túng bấn, cụ phải bỏ thú ăn trầu. Tôi nêu thắc mắc về chuyện nhơi trầu của cụ lúc trước. Cụ cười bảo "mỗi miếng trầu mệ têm công phu và nghệ thuật lắm con ơi, nhai đi nhai lại hoài tuy biết nó đã hết cốt nhưng têm miếng khác mệ sợ bị phản vị nên thà nhơi bã cho chắc ăn, lúc cần thêm tí vôi cho có vị nồng, cũng như…". Cụ ngập ngừng, ngó trước ngó sau, bỏ lửng câu nói rồi lụ khụ đi vào trong, mang ra mấy cái bánh gai mời tôi, lái qua đề tài khác.
Hai tuần sau, tôi đến chào từ giã cụ, nhân thể nhờ cụ giải thích cho hai chữ "cũng như" chấm chấm chấm. Cụ cười móm mém một hồi, nhe mấy cái răng nửa trắng nửa đen còn trụ lại, hóm hỉnh nói "loạ chưa tề, thì con muốn 'cũng như' ra răng tùy con thôi !"
Triết lý ăn trầu đến là buồn cười của mệ Nhơi ám ảnh tôi dai dẳng, nhất là hai chữ "cũng như" bị bỏ lửng. Tôi đã thử linh động "vận dụng sáng tạo" triết lý ăn trầu của mệ Nhơi vào khá nhiều tình huống cụ thể nhưng thấy không ăn khớp, không vừa ý, mãi cho tới khi bắt gặp những điều kỳ lạ trong sách trong báo, trên đài trên mạng, tôi mới vỗ đầu kêu lên ba tiếng Ơ-rê-ka, vui mừng có lẽ còn hơn nỗi vui của nhà bác học Newton khi ông nhìn trái táo rơi mà khám phá ra nguyên lý Vạn vật hấp dẫn (l'attraction universelle). Các định luật Newton nói chung đều đã được phân giải rạch ròi, thực nghiệm và ứng dụng trên toàn cầu cho tới nay và những tháng năm trước mặt. Còn ba tiếng Ơ-rê-ka của tôi vỏn vẹn là cái đuôi XHCN trong các nhóm chữ, các câu nói chẳng hạn như:
Tổ quốc XHCN, vì mầm non tổ quốc XHCN, nền giáo dục XHCN, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, pháp chế / pháp quyền XHCN, lao động XHCN, tài sản XHCN, yêu nước XHCN, có đạo đức và lối sống XHCN, trí thức XHCN, thi đua XHCN, có tác phong XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân chủ XHCN, tự do XHCN, Hiến pháp XHCN, Tiến sĩ XHCN, Nude XHCN… và đặc biệt nhất đối với tôi là mấy chữ "Con người mới XHCN"
vì, tôi nghĩ, mọi thứ có tòng teng cái đuôi XHCN nêu trên đều trở nên lung linh vô nghĩa nếu không có Con người mới XHCN !
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa" (HCM tuyển tập 1, trang XXI, nxb Sự Thật, HN 20-04-1980). Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn có nguyên cuốn Xây Dựng Nền Văn Hoá Mới, Con Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa (nxb Văn Hoá, HN 1977) [1]. Nhưng trong di bút của hai vị lãnh đạo tối cao của ĐCSVN đều không hề lưu lại một định nghĩa đặc thù vượt trội nào, cụ thể khác biệt ra sao so với phẩm đạo đức bình thường trong Tam giáo đồng nguyên, cho câu hỏi :
- Thế nào là Con người mới XHCN?
- Dựa vào chuẩn mực nào để được phát bằng Tiến sĩ Con người mới XHCN?
- Đã có ai là Con người mới XHCN sau gần tám mươi năm "trồng người"?
- Đại đại lão tướng công Võ Nguyên Giáp đã "đắc đạo" thành Con người mới XHCN chưa?
- Đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng với mảnh bằng Tiến sĩ Chuyên ngành xây dựng Đảng - trần ai tiền hậu bất khả vô nhị, đã đủ tầm Con người mới XHCN chưa?
- Con số 1.160 nam thanh nữ tú bị "tạm giữ" trong vụ đột kích vũ trường New Century tại Hà Nội hôm 28/04/2007, nguyên CT UBND Nguyễn Trường Tô – hô và nguyên hiệu trưởng Sầm Đức Xương trường THPT tỉnh Hà Giang, siêu mẹ (mẫu) Ngọc Quyên – tênh hênh 100% để bảo vệ môi trường…v.v. là nhân hay là quả của nền giáo dục xây dựng Con người mới XHCN? [6]
- Những công bộc vô sản, đơn cử: Nguyên TBT Lê Khả Phiêu – Mênh mông tiền dân trên Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và Vịnh Bắc Bộ, nguyên TBT Nông Đức Mạnh – Bọ xít, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy - Polymer, đương kim TT Nguyễn Tấn Dũng - Bọ xít, Vinashin…v.v. [6] là cái gì từ quốc sách XHCN "từ dân, do dân, vì dân"?
Xin nhắc lại, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn, Chủ nghĩa xã hội chưa "hoàn toàn thắng lợi" trên trọn mảnh đất có hình cong chữ S; khi Chủ nghĩa xã hội "thắng lợi hoàn toàn" (1975) thì ‘Bác’ đã không còn từ khá lâu (1969). Còn khi TBT Lê Duẩn không còn (1986), Việt Nam XHCN đang hồ hởi liệt liệt oanh oanh trong chế độ Tem Phiếu - Bao Cấp, chưa có cái gọi là Đổi Mới, chưa có Kinh tế tư bản định hướng cộng sản (1992) ! Vậy rõ ràng bác Hồ, bác Lê (và những bác kế ngôi sau này) thuần "tiếp thị" bán chỗ trên trời từ dưới đất.
Cái đuôi XHCN được / bị gắn vào sau mỗi nhóm chữ, mỗi câu nói đơn giản lược dẫn nêu trên, theo tôi, chỉ đắc địa ở chỗ các tác giả đó đã rực rỡ thành công cấy, tạo được sự tù mù, sự hoang mang trong đại chúng và vô tình làm tôi trực nhớ lại mẩu chuyện này:
Phó giáo sư chính trị học Made in ex-CCCP khảo hạch cùng một lúc ba quan thí sinh chuyên tu tại chức thi lấy bằng cấp 2 XHCN - rồi từ đó tiến thẳng lên thành Tiến sĩ vì đã kinh qua Đại Học Pằng Pằng - với một và duy nhất một câu hỏi: Hai cọng hai là mấy?
Thí sinh A trả lời: 4.
Thí sinh B trả lời: 3.
Thí sinh C trả lời: 5.
- Ai đáp trúng ?
- Đương nhiên là thí sinh C. Phó giáo sư trả lời.
- ! ! !
Phó giáo sư nghiêm chỉnh lý luận:
- Câu trả lời của thí sinh A biểu hiện niềm kiêu hãnh và nỗi lạc quan trí thức. Câu trả lời của thí sinh B phản ánh nỗi chao đảo bi quan trong tư tưởng, đáng phạt tội. Còn câu trả lời của thí sinh C, dù đã đưa ra một đáp án không chính xác nhưng đã biểu lộ được định hướng chính trị xác thực mà Đảng và Nhà Nước mong cầu: Lạc quan: sai, bi quan: cũng sai, chỉ có hoang mang là trúng!
Triết lý ăn trầu của mệ Nhơi làm tôi liên tưởng tới bản chất duy ý chí của Đảng và Nhà Nước CSVN, đồng thời xui tôi nhớ tới nhà văn Vũ Hạnh khi ông viết (cái đuôi XHCN) [2] là "đứa con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí khước từ và nếu còn được tồn tại ở mức độ nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn".
Nền giáo dục XHCN hiện hành ở nước ta cho tôi nhận định về "Con người mới xã hội chủ nghĩa" như sau:
Trong xã hội XHCN ưu việt người ta không thể nào có cùng một lúc ba đặc tính sau đây:
- Vừa là một cán bộ cộng sản trung kiên;
- Vừa là một người chân thật; và
- Vừa là một người thông minh.
Ấy vì:
1. Nếu là một người chân thật và thông minh thì không thể là cán bộ cộng sản trung kiên.
2. Nếu là một kẻ thông minh đồng thời là cán bộ cộng sản trung kiên thì không thể chân thật.
3. Còn nếu là một cán bộ cộng sản trung kiên và chân thật thì người đó không thể thông minh. [3]
Mấy đảng cộng sản cầm quyền cuối cùng trên thế giới vẫn còn khá nhiều lạc quan để "có một tương lai trường xuân bất lão" như khẳng định của sáng lập viên Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH. Tiêu chuẩn hàng đầu của sự lạc quan đó là tất cả đều có cùng một ưu điểm rập khuôn trong việc kiên trì củng cố thành công một Bộ Chính Trị, một Nhà Nước và một Quốc Hội bao gồm những nhân-vật thừa bản năng dũng cảm gỗ đá và sự tỉnh táo sắt thép để đăng đẳng chịu đựng sự trì trệ của đất nước và mọi thống khổ trong câm nín của tuyệt đại đa số đồng bào họ.
Tôi tin chắc chắn họ là những người hiểu tận tường hơn ai hết rằng chế độ cộng sản là "chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ nầy mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ nầy vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử… Chế độ nầy là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp." [4] Do đó "yêu nước là phải từ bỏ cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa. Lúc nầy và bây giờ" [5].
Thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường cỡ Tôn Ngộ Không mà vẫn bị lộ bản lai diện mục là Mỹ Hầu Vương chỉ vì những phép mầu nó có không sao cắt được cái đuôi khỉ.
_____________
Ghi chú:
[1] [«Con người xã hội chủ nghĩa là con người có phẩm chất cao quý thể hiện nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, trung thành vô hạn với sự nghiệp của giai cấp và dân tộc, sống và làm việc theo tinh thần làm chủ tập thể: "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". […] Vì vậy, con người xã hội chủ nghĩa phải là con người có trình độ văn hoá, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, hiểu biết và vận dụng được các quy luật của xã hội và tự nhiên, kế thừa và phát triển sáng tạo mọi thành tựu văn hoá và khoa học mà loài người (!?) đã tích lũy được bằng tinh lực của hàng ngàn thế hệ.
Con người xã hội chủ nghĩa là con người có lòng yêu nước nồng nàn, có tình thương yêu sâu sắc đối đồng bào, đồng chí, có chí khí quật cường, bất khuất, có tinh thần độc lập, tự do "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", là con người thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng cách mạng chẳng những trong sự sáng tạo, xây dựng xã hội mới ; con người ấy cũng là con người thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa quốc tế vô sản [6], biết kết hợp đúng đắn lợi ích chân chính của dân tộc với lợi ích chung của phong trào công nhân quốc tế, chống mọi khuynh hướng dân tộc hẹp hòi và sô-vanh nước lớn.
Con người xã hội chủ nghĩa của nước ta không những phải hấp thụ được những thành tựu mới nhất của nền văn minh hiện đại, mà còn phải kế thừa và phát triển những đức tính tốt đẹp tiêu biểu cho tâm hồn của con người Việt Nam được hun đúc suốt bốn ngàn năm lịch sử. »] (Lê Duẩn: Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, nxb Văn Hoá, Hà Nội 1977, trang 119-122. Sách in 21.000 cuốn, giá tiền Bắc: 0đ 70; giá tiền Nam: 0đ 56).
[2] Câu nầy nhà văn Vũ Hạnh dùng phê bình thể thơ Tự Do.
[3] trích Hàn Lệ Nhân, “Ba Mâu Thuẫn”, Cười Xả Hơi Cả Nước.
[4] Karl Marx: Contribution to the critique of Hegel’s philosophy (theo Nguyễn Hữu Liêm: Dân chủ pháp trị, nxb Biển Mới – USA,1991, trang 347.
[5] Nguyễn Hữu Liêm: sđd, trang 347.
[6] Xem thêm để đối chiếu với thực tiễn: Danh sách những nhà vô sản. Đơn cử chút vậy thôi, chứ nêu ra hết chí ít e danh sách năm 2011 phải dài gấp 10 truyện ngắn (những) « Con ngựa già của chúa Trịnh ».
.
.
.
No comments:
Post a Comment