Saturday, October 15, 2011

THẾ GIỚI ĐANG ĐAU ĐẺ (Thông Luận)



Thông Luận số 262
Thứ bảy, 15 Tháng 10 2011 17:30

Sau hơn ba năm khủng hoảng thế giới thay vì ra khỏi bế tắc lại chỉ đi vào một giai đoạn suy thoái mới. Không nên quá tập trung vào những nguyên nhân trực tiếp và thuần túy kinh tế tài chính đã được mổ xẻ rất đầy đủ.

Đó trước hết là tình trạng nghiêm trọng của Châu Âu, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Euro. Các nước này quá nợ nần và tăng trưởng kém. Không chỉ những nước được đang nguy ngập như Hy Lạp, Espana, Portugal, Ý, Ireland mà ngay cả những nước được coi là vững mạnh như Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ. Khác với Mỹ, Châu Âu đã không khủng hoảng vì tín dụng dễ dãi và đầu cơ tài chính mà vì các chính sách xã hội quá quảng đại, hơn mức mà thực tế cho phép. Một cách ngắn gọn tại Mỹ khủng hoảng tài chính đã đưa đến khủng hoảng kinh tế, trong khi tại Châu Âu sai lầm kinh tế tích lũy sau cùng đã dẫn tới khủng hoảng tài chính. Điều mới là sau hơn ba năm chữa chạy người ta nhận ra là tình trạng của Châu Âu và Hoa Kỳ còn trầm trọng hơn cả những dự đoán bi quan nhất trước đây. Nó giản dị là sự kiệt sức sau một thời gian quá dài sống cao hơn mức mà khả năng thực sự cho phép, và như thế sự phục hồi sẽ rất nhiều cố gắng và thời gian.

Trong chiều sâu cả Mỹ lẫn Châu Âu đều đang trải qua một cuộc khủng hoảng về mô thức kinh tế. Đó là sự áp dụng một cách cẩu thả chủ thuyết của J.M. Keynes, với niềm tin liều lĩnh rằng chỉ cần kích thích tiêu thụ là tự động kinh tế sẽ tăng trưởng. Nếu có một quan niệm kinh tế vừa được chứng minh là sai một cách lố bịch thì chính là quan niệm này. Chủ thuyết Keynes không áp dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Mô thức kinh tế này, mà nói chung cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu đều đã theo đuổi trong hơn hai thập niên vừa qua, xuất phát từ một quan niệm sai về trào lưu toàn cầu hóa, đó là niềm tin rằng có thể toàn cầu hóa thuần túy bằng thương mại, thay vì bằng đồng thuận trên những giá trị đạo đức và chính trị nền tảng. Niềm tin khờ khạo này, mà bản chất là sự tách rời chính trị khỏi các giá trị đạo đức, đã dẫn tới sự bình thường hóa các chế độ độc tài bạo ngược và giúp chúng tiếp tục tồn tại.

Hậu quả của sự xuống cấp của đạo đức chính trị này là sự hao mòn uy tín và nền tảng chính đáng của các chính quyền dân chủ. Người ta đã quên rằng sự chính đáng dân chủ, nghĩa là người lãnh đạo xuất phát từ bầu cử tự do, chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Để áp đặt những cố gắng nhức nhối nhưng cần thiết trong đời sống của mọi quốc gia còn cần có uy tín và bản lĩnh. Điều này những người lãnh đạo được bầu ra vì trẻ đẹp, hứa hẹn nhiều và biết tổ chức tranh cử không thể làm được.

Một lý do khiến cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết nhanh chóng chính là vì các lãnh tụ không đủ tư cách để giải quyết. Tổng thống Obama không thể thuyết phục dân chúng Mỹ chấp nhận những hy sinh cần thiết bới vì ông không có công lao gì với nước Mỹ trước khi đắc cử, hơn thế nữa còn đắc cử với một khẩu hiệu lạc quan: Yes, we can! Thủ tướng Papandréou và đảng Xã Hội của ông bị dân chúng Hy Lạp chống đối dữ dội bởi vì thắt lưng buộc bụng không phải là chính sách mà họ đã đưa ra cách đây hai năm khi tranh cử. Thủ tướng Berlusconi không thể thuyết phục dân chúng Ý chấp nhận những biện pháp cần kiệm bởi vì ông là một tỷ phú với nếp sống sa hoa, thậm chí trụy lạcaws

Thế giới đang đau đẻ, và từ cơn đau này sẽ xuất hiện một trật tự tinh thần lành mạnh hơn, đặt nền tảng trên những giá trị dân chủ đúng đắn trong bang giao quốc tế, trong tổ chức xã hội, cũng như trong cách tuyển chọn người lãnh đạo tại mỗi quốc gia.

Trước mắt chúng ta phải chờ đợi những khó khăn lớn trong giai đoạn khủng hoảng này vì Việt Nam dưới chế độ cộng sản hầu như đã qui tụ tất cả mọi tật bệnh trầm trọng nhất mà một quốc gia có thể có, nhưng chúng ta chỉ có thể lạc quan trước sự chuyển hóa bắt buộc này. Đối với chúng ta đây cũng là cơn đau đẻ dân chủ.

Thông Luận
.
.
.

No comments: