Thursday, August 25, 2011

TRUNG ĐÔNG ĐI VỀ ĐÂU ? (Phạm Quang Minh)





Tiền nhân có câu: sai một ly, đi một dặm. Chữ sai tôi dùng trong bài này phải được hiểu trong ý nghĩa tương đối và tính chất tương đối ở đây là bình diện của nhãn quan. Thí dụ, hoạt động của Hồ Chí Minh là sai lầm phản quốc trên bình diện nhãn quan dân tộc Việt Nam và đúng chỉ tiêu trên bình diện chư hầu cho dân tộc Trung Quốc. Tương tự như thế, hành động của Al Megrahi là đúng tiêu chuẩn đối với chính quyền của Gadhafi mà lại tội lỗi đối với các chính quyền Tây Phương. Bài này được trình bày trên hai bình diện: nhãn quan dân tộc và nhãn quan cộng đồng quốc tế.

NHÃN QUAN DÂN TỘC

Nếu tôi phạm một sai lầm thì chỉ riêng tôi và gia đình tôi chịu hậu quả. Tổng thống Hoa kỳ phạm một sai lầm thì toàn nước Hoa Kỳ và có thể cả thế giới chịu hậu quả cùng sự di hại đến các thế hệ mai sau. Đó là lý do tại sao việc chọn lựa một người làm tổng thống Hoa Kỳ rất là hệ trọng. Trong việc chọn lựa người lãnh đạo vừa qua, công dân Hoa Kỳ đã bị lung lạc bởi nhiều yếu tố như phe đảng, chủng tộc, những tuyên truyền lệch lạc, những hình thức mị dân, mà quên đi hay bị lôi kéo khỏi những đòi hỏi cốt yếu cần thiết như tài năng, tư phong và điều kiện để lãnh đạo Hoa Kỳ. Obama là trường hợp lệch lạc điển hình của khuynh loát chính trị cận đại. Sự chọn lựa Obama thể hiện việc làm thiếu cân nhắt thận trọng của người dân Hoa Kỳ trong trọng trách gìn giữ và bảo toàn trọn vẹn cái hay cái đẹp cùng niềm hãnh diện của truyền thống Hoa Kỳ. Cái gì thái quá đều không tốt, nhất là tự do dân chủ thái quá. Hoa kỳ tự hào là một nước của luật lệ, nhưng diễn tình xã hội chính trị hiện nay để lộ những khe hở, những lỏng lẻo, những thiếu sót của luật lệ. Chúng ta đã thấy những thành quả đạt được từ một phương thức dân chủ đã bị hủy hoại bởi quyết định đơn độc vụ lợi của một cá nhân, nhưng lại hợp lệ cũng trong thể chế dân chủ đó. Sau 235 năm thực thi thể chế dân chủ, kinh nghiệm và thực tế xã hội đòi hỏi Hoa Kỳ phải thực hiện một “super reform” chính cái thể chế dân chủ của mình để sống còn.
Quan điểm trong chính sách ngoại giao mà Obama đang theo đuổi là thiển cận, nếu không muốn dùng chữ sai lầm. Cung cách hành xữ ngoại giao của Obama lại cũng vụng về. Cái tai hại của chính sách ngoại giao này sẽ vô cùng lớn lao trong những thập niên đến và đang giúp cho Trung Cộng mỉm cười tiến bước nhẹ nhàng trên con đường thực hiện chủ trương “bất chiến tự nhiên thành” trên toàn thế giới. Tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc không chỉ là kẻ thù của Hoa Kỳ mà là kẻ thù của toàn nhân loại. Sức mạnh tiệm tiến của kẻ thù, mưu lược của kẻ thù, chủ định xâm lược của kẻ thù, và hoàn cảnh đối nội của chính Hoa Kỳ không cho phép các sai lầm nêu trên; nhưng các sai lầm đó đã xảy ra. Tại Hoa Kỳ hiện nay, những xáo trộn xã hội, suy đồi luân lý, lạm dụng tự do, lợi dụng những lỏng lẻo trong cơ chế dân chủ, tinh thần phục vụ trên căn bản vì tiền trong chính quyền, khuynh loát của những tổ chức chính trị, uy tín giảm sút của đất nước, “cho đến kinh tế suy đồi, thương trường bất ổn, thất nghiệp cao, niềm tin ở chính quyền ở tương lai sa sút, đã khiến cho cái đất nước một thời vàng son này, đã khiến cho cái thiên đàn của nhân thế này, đang trên đà suy thoái trầm trọng. Bình bút của tờ New York Times, Thomas Friedman đưa ra một nhận định ý nhị: “ Suốt 50 năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, làm tổng thống, làm thống đốc, làm thị trưởng là để phục vụ và ban phát cho người dân, còn ngày nay tranh cử vào các chức vụ trên là để tận dụng người dân. Những mô thức tốt lành, những truyền thống cao đẹp đã biến dạng và xoay chiều 180 độ.
Trong khi đó, trên trường thế giới, Hoa Kỳ đang nhọc nhằn đương cự với bốn mặt trận chính liên đới lẫn nhau. Mặt trận chống khủng bố toàn cầu. Mặt trận ngoại giao đối với các cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại các nước Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi. Mặt trận ngoại giao trong việc tạo dựng một nền hòa bình lâu dài giữa Do Thái và Palestinians. Mắt trận hải đảo Thái Bình Dương, liên kết với các nước Đông Nam Á trong việc chận đứng Trung Cộng bành trướng ảnh hưởng, cưỡng chiếm các quần đảo màu mỡ thuộc chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Tất cả bốn mặt trần này nằm trong một quan điểm căn bản: ai là kẻ thù chính mà Hoa Kỳ cần đối phó cấp thời và hữu hiệu? Bà ngoại trưởng Rice, người cũng thuộc nhóm thiểu số với Obama, đã viết: “Trung Cộng là kẻ thù của Hoa Kỳ chứ không phải chỉ là nước cạnh tranh thương mại”.
Mặt trận chống khủng bố toàn cầu. Mặt trận này liên quan đến địa bàn hoạt động tại các nước như Iraq, Pakistan, Afghanistan, và một vài nước ở Trung Đông và Bắc Phi. Sau vụ đột kích vào ngôi nhà được xem là nơi trú ngụ của Bin Laden, Obama tuyên bố nay có thể xem như bớt lo về mặt trận chống khủng bố toàn cầu vì Al Qaida xem như đã bị đánh bại về mặt chiến lược. Quan điểm này chỉ nhằm thổi phồng tầm quan trọng của vụ đột kích. Thực tế khác hẳn: quan sát hoạt động của Taliban tại Afghanistan, những kế hoạch vũ khí tấn công của Al Qaida tại Yemen, khả năng phá hoại đồng loạt 17 thị xã trong tuần qua tại Iraq, chung ta sẽ thấy rõ sự thất.
Obama quyết định rút quân khỏi Iraq nhưng tình hình thật bất ổn khiến cho một số giới chức Iraq đang cứu xét việc yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục lưu lại thêm một thời gian nữa trong vai trò huấn luyện. Trung bình mỗi tháng, tại Iraq, có khoảng 250 người thương vong vì sự tranh dành ảnh hưởng và quyền lợi của các phe Kurd, Shiite, Sunni và Al Qaida. Hoa Kỳ đã hy sinh hơn 4500 binh sỹ và chi phí hàng trăm tỷ Mỹ Kim cho cuộc chiến Iraq này. Kẻ âm thầm hưởng lợi là Trung Quốc. Giữa năm 2009, Iraq đã ký với Trung Quốc những thỏa hiệp về kinh tế, quân sự và ngoại giao hầu chuẩn bị cho giai đoạn “không còn Mỹ” tại Iraq.
Tại Pakistan, sau vụ đột nhập ở Abbottabad, với đường lối ngoại giao trịch thượng của Obama, liên lạc ngọai giao trở nên thật tồi tệ. Có thể Obama đã quên câu nói ý nhị: “It is best to say pardon me when you are in a position of power”. Sự uất ức của Pakistan được thể hiện qua lời tuyên bố rằng Trung Quốc là “người bạn tốt thực sự của Pakistan”. Rồi vào giữa tháng 5 năm 2011, Pakistan lại ký với Trung Quốc một loạt những thỏa hiệp về kinh tế, quân sự và ngoại giao. Kẻ âm thầm hưởng lợi cũng là Trung Quốc trong khi Mỹ đã chi hơn $24 tỷ cho Pakistan trong mười năm qua. Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan bước vào giai đoạn tồi tệ nhất. Pakistan chính thức đòi Mỹ đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh địa Pakistan, yêu cầu Mỹ di chuyển các văn phòng của CIA ra khỏi Pakistan, lùng bắt những người Pakistan hợp tác với CIA trong vụ đột kích giết Bin Laden, Pakistan đã ra lệnh theo dõi việc di chuyển của những nhân viên ngoại giao Mỹ còn ở lại trong thủ đô Islamabad, và mới đây nhất, Đại Sứ Mỹ Cameron Munter tại Islamabad điện thoại về Washington chuyển lời yêu cầu chấm dứt ngay các phi vụ không người lái bay vào biên giới Pakistan để oanh kích quân khủng bố Al Qaida.
Còn tại Afghanistan thì sao? Hiện nay tại đây, Hoa Kỳ có khoảng 100,000 quân, nhiều hơn dưới thời Tổng Thống Bush. Nay Taliban, đồng minh của Al Qaida, hồi phục và tung hoành dữ dội. Hãy nhìn tình hình trong tháng 7 và 8. Ngày 12 7, em của Tổng Thống Karzai, Ahmed Wali Karzai, bị ám sát; ngày 15 7, bom tự sát giết chết năm người trong tang lễ em của Karzai; ngày 18 7, phụ tá thân cận của Karzai, Jan Mohammed Khan, bị sát hại; ngày 27 7, thị trưởng Kandahar, Ghulam Haider Hamidi, thân tín của Karzai bị bắn chết; ngày 28 7, hai quả bom tự sát làm 19 người chết; ngày 29 7, Taliban giết 2 binh sỹ NATO và 5 binh sỹ người Afghanistan. Ngày 6 8, Taliban bắn hạ một trực thăng Chinook chở 38 người gồm 30 binh sỹ Hoa Kỳ với 25 tinh binh thuộc Biệt Đội Navy SEALS Team 6, để trả thù sự sát hại Bin Laden vừa qua, ngày 11 8, Taliban sát hại 9 thành viên của NATO trong ngày tưởng niệm các nạn nhân của phi cơ Chinook, ngày 12 8, Taliban bắt cóc rồi sát hại tám cảnh sát và ba nhân viên an ninh của Afghabistan. Những vụ đánh bom hay quấy phá xảy ra rất thường rãi rác khắp nơi.. Giao hảo giữa chính quyền Karzai và NATO cũng chẳng có gì tốt đẹp đến nỗi Karzai phải dọa NATO rằng đừng để Ông phải xem NATO từ một đồng minh thành người xâm lược.
Cuối năm 2011 này, Obama cho rút về 30,000 quân mà Obama đã bổ sung giữa năm 2009.. Cuộc chiến Afghanistan đã tốn phí của Hoa Kỳ $120 tỷ mỗi năm và con số binh sỹ Mỹ tử vong đã hơn 1600. Hoa Kỳ đã được gì sau hơn 11 năm hy sinh xương máu và tài nguyên? Tiền bạc chi tiêu quá nhiều mà thành quả chẳng có la bao, ngoài việc thổi phồng vụ đột kích ở Abbottabad đầu tháng 5 vừa qua để gỡ gạc. Obama không điều hành nỗi cuộc chiến Afghanistan. Taliban, trốn chui trốn nhủi dưới thời Tổng Thống Bush, nay ngang nhiên tung hoành và chuẩn bị tái nắm quyền tại đây trong những năm đến. Chắc chắn rồi đây, khoảng năm 2014, Afghanistan cũng sẽ ký với Trung Quốc những hiệp ước hỗ tương như đã ký với Iraq và Pakistan.
Thật là chua chát! Những nước bao quanh Trung Quốc từ Afghanistan, xuống Pakistan, rồi Nepal, Banglades, Mayanmar (Burma), Laos, Cambodia, Việtnam, North Korea đều nằm vào quỷ đạo của Trung Quốc một cách êm ả. Còn lại cái gai phải biến đổi là Thái Lan thì nay Trung Quốc cũng vừa hoàn tất xong việc “trồng người” Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thái mặc áo đỏ phất cờ đỏ với đa số tại Quốc Hội với ghế Thủ Tướng.
Từng bước từng bước, với một chiến lược trường kỳ nham hiểm khôn khéo, tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc khủng bố tham lam khát máu đang tiến dần một cách ngang nhiên tới mục tiêu tối hậu: thống trị toàn cầu. Cũng còn may cho thế giới, Ấn Độ là cái gai lớn nhất trên vòng đai phía Nam bao quanh Trung Quốc.vẫn còn đó. Cuộc chiến tranh Trung Quốc Ấn Độ sẽ diễn ra một cách quyết liệt và cũng có thể càng sớm càng tốt trong quan niệm của Trung Quốc, một khi Trung Quốc cẩn thận lượng định được sự chiến thắng chắc chắn về phần mình. Sau khi các hải đạo chiến lược và các quần đảò chiến lược phong phú về tài nguyên trong vùng biển Thái Bình Dương được tóm thâu xong, và các thỏa hiệp kinh tế, ngoại giao, quân sự với Afghanistan được ký kết, thì vấn đề Ấn Độ sẽ trở nên nóng bỏng vào khoảng sau 2015. Mong rằng Hoa Kỳ sẽ không nhầm lẫn nữa và hành động cương quyết trong ván bài chiến lược hải đảo Thái Bình Dương này. Ấn Độ, vì đã thấy rõ tầm ảnh hưởng đến nền an ninh của chính mình, cũng đã tỏ ý kiến thuận trong việc gởi chiến hạm qua Thái Bình Dương để hổ trợ cuộc tranh chấp hải đảo hiện nay.
Mặt trận đòi dân chủ tại các nước Hồi Giáo Trung Đông. Chúng ta đã thấy tài ngoại giao trịch thượng của Obama tại Pakistan rồi đến khả năng yếu kém điều hành cuộc chiến tại Afghanistan. Trong nhãn quan quyền lợi, uy tín, và vị thế của Hoa Kỳ, Obama cũng đã thiếu thận trọng và rất vụng về trong cung cách ứng phó với các cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại các nước Hồi Giáo này.
Trước hết là những bài học lich sử Obama cần cứu xét nghiêm túc để giúp tấn thối một cách khôn ngoan đúng đắn trong cung cách hành xử của một Tổng Thống Hoa Kỳ đối với những biến động, có tầm ảnh hưởng sâu xa, trong toàn vùng Trung Đông, lan tràn qua cả Phi Châu , rồi có thể tới các nước tại Á Châu. Thứ đến là phải nhìn kỹ khuynh hướng chính trị của những nhóm chủ động và khả năng lèo lái của Hoa Kỳ khi thúc đẩy sự bộc phát của các cao trào này.
Sau hết là danh dự của các nhà lãnh đạo của những nước trong vùng, khả năng lãnh đạo của họ, uy tín và niềm tin của họ đối với vai trò lãnh đạo thế giới của đại cường Hoa Kỳ. Từ kinh nghiệm sống bản thân, Obama quyết tâm đạp đổ tất cả những ai tại chức lâu dài mà Obama xem là độc tài. Những hành động này thật nông nổi. Obama cần hiểu rằng kẻ thù nham hiểu của Hoa Kỳ, Trung Quốc, luôn luôn tìm những khe hở để thủ lợi. Mặt trận chống khủng bố tại Pakistan và Afghanistan trở nên quyết liệt và bất lợi cho Hoa Kỳ, Obama khơi động mặt trần Trung Đông, rồi với nội tình kinh tế khủng hoảng và chính trị bầu cử mà Obama phải chật vật đối phó, thì Trung Cộng tạo thêm mặt trận hải đảo Thái Bình Dương một cách có tính toán. Obama đang bị tứ bề thọ địch. Chúng ta đã có những bài học thật ý nghĩa. Tổng Thống R. Reagan đã thực hiện cuộc oanh kính để khử trừ Gadhafi năm 1986. Khi cuộc oanh kích bất thành, lượng định tầm nguy hại dây chuyền nếu tiếp tục truy kính Gadhafi, Reagan đã hủy bỏ chiến dịch hạ bệ Gadhafi. Đây là một quyết định khôn ngoan sáng suốt. Một lần khác, Hoa kỳ đã chủ xướng phong trào dân chủ vào giữa thập niên 90 mà hậu quả tiên khởi là sự hợp thức hóa nhóm bạo động Hamas qua cuộc bầu cử tự do tại Gaza Strip năm 2007. Phong trào dân chủ này đã bị ngưng ngay vì Hoa Kỳ nhận ra rằng các nhóm bạo động có tổ chức sẽ nắm lấy thời cơ mà gây ra hậu quả dây chuyền nguy hại cho an ninh trong toàn vùng Trung Đông.
Đầu thập niên 70, một phong trào mệnh danh dân chủ tại Iran được Tây Phương hổ trợ, giáo sỹ phái Shiite Ayatollah R. Komeini được đưa về nước để lãnh đạo một Iran dân chủ. Trớ trêu thay, Iran nay đã trở thành một nước độc tài quá khích, trợ giúp các nhóm khủng bố tại Gaza Strip, Lebanon, và West Bank, đòi xóa bỏ Israel khỏi bàn cờ thế giới và theo đuổi chính sách vũ khí nguyên tử để chế ngự toàn vùng.
Một thí dụ nữa mà Obama cũng cần suy ngẫm: Nam Mỹ. Vào đầu thập niện 90, có lẽ được khích động bởi sự sụp đổ của thể chế độc tài Cộng Sản Liên Bang Sô Viết, một cao trào đòi dân chủ lan tràn tại các nước như Venezuela, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Honduras, Argentina. Phong trào dân chủ này tại Nam Mỹ thành công nhưng những nhà lãnh đạo mới của các thể chế dân chủ đã không có đủ khả năng, thiếu chuẩn bị, thiếu tổ chức, đòi hỏi của quần chúng đã không được đáp ứng, và tình trạng trong vùng càng lúc càng tồi tệ. Cuối cùng các cơ chế dân chủ sụp đổ và tạo cơ hội cho những nhà độc tài xã hội như Hugo Chavez hiện nay. Ngày nay thể chế dân chủ tại đây đã bị kết tội và tự do báo chí bị xem là mầm mống của bất an trong xã hội. Khởi xướng lại một cao trào đấu tranh cho dân chủ tại những nước này là một điều vô cùng khó khăn.
Với các kinh nghiệm trên, hãy nhìn lại tình hình Trung Đông. Trình độ dân trí, lề lối sộng đạo theo từng bộ lạc, các phe nhóm kình chống lẫn nhau tại các nước Trung Đông và Phi Châu, đã cho các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Obama thấy rằng quần chúng tại đây chưa sẵn sàng để hấp thụ một thể chế dân chủ. Thêm vào đó, hai hệ phái lớn Shiite Muslim và Sunni Muslim luôn luôn xử dụng bạo lực để tranh dành quyền bính. Nếu hệ phái Shiite nắm quyền, thì hệ phái Sunni tìm cơ hội nổi lên chống phá gây xáo trộn xã hội, và ngược lại. Dầu hệ phái nào nắm quyền thì tình trạng độc tài và sự đè bẹp nhóm kia sẽ phải xảy ra để gìn giữ an ninh cho đất nước.
Tinh thần hòa hợp nhân nhượng sống chung hòa bình giữa các hệ phái chưa có. Một sự giáo dục đặc biệt nào đó để xây dựng tinh thần hòa hợp phải được thực hiện trước khi dấy động phong trào chính trị dân chủ, nếu không thì mọi biến động chỉ để làm cái công tác chuyển vị quyền hành độc tôn từ hệ phái này sang hệ phái khác mà thôi. Đây là cái tình trạng đau buồn nhưng là thực tế không chối cải được ở các nước Hồi Giáo này hiện nay. Cái câu nói “Tôi ra đi, nước tôi sẽ hổn loạn”, chung ta đã nghe từ Sunni Mubarak của Egypt, qua Shiite Saleh của Yemen, đến Sunni Gadhafi của Libya, rồi Shiite Assad của Syria, rồi Sunni Khalifa của Bahrain. Những con người này có khả năng và tư phong để duy trì thanh bình an ninh cho xứ sở họ. Cái thanh bình an ninh đó của họ Tây Phương chúng ta gọi là độc tài. Muốn đạp đổ cái độc tài đó, thuần túy vì thiện tâm xây dựng, Tây Phương chúng ta phải suy nghĩ thật chín chắn rằng chúng ta có thể đem lại một cái thanh bình an ninh tốt lành hơn cho họ không và cái giá họ phải trả sẽ là bao nhiêu. Từ Tunisia, đến Egypt, qua Yemen, sang Libya, rồi Syria, Tây Phương chúng ta đang tạo ra cho họ suy thoái, hổn loạn, đổ nát, tang thương, chết chóc! Ai gánh chịu những thương đau này nếu không là người dân của các nước đó. Nếu thực sự vì thiện tâm xây dựng, thì những gì Tây Phương cổ võ trong suốt 7 tháng vừa qua là sai và phải dừng lại để tìm một phương thức cải tổ ôn hòa hơn là vũ lực. Những gì chúng ta đã và đang làm sẽ khơi động sự hận thù sâu đậm trong lòng người dân của những nước Hội Giáo này. Chúng ta không thể tạo được cái thanh bình an ninh tốt lành hơn cho họ và hận thù sẽ triền miên. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì Trung Đông sẽ hổn loạn một thời gian lâu nữa và chúng ta đã vô tình nối giáo cho sự bành trướng của Al Qaida. Từng nước sẽ trở thành những Iran mới, và toàn vùng sẽ trở thành một khu Nam Mỹ mới của trời Âu.
Nếu không vì thiện tâm xây dựng mà vì quyền lợi tài nguyên cho các nước Tây Phương, thì chúng ta đáng bị kết tội nặng nề và phải đền tội. Nhìn từ nhãn quan dân tộc Hoa Kỳ, mà tôi nay là một công dân, biến động tại Trung Đông cổ võ bởi Obama sẽ tạo nên những tai hại vô cùng lớn lao cho chính Hoa Kỳ về chính trị, về ngoại giao, về an ninh, về kinh tế, về uy tín, và về tư thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Mười một năm Afghanistan còn hổn loạn; chín năm Iraq còn hổn loạn hoang tàn rồi thân Tàu; mười năm sau Pakistan đoạn giao với Mỹ rồi thân Tàu; chừng ấy đã đủ chưa cho Obama suy nghiệm trước khi có những quyết định nông nỗi đoạn hậu với các đồng minh trung kiên của Hoa Kỳ? Obama đã đánh mất của đất nước này những gia sản quý báu mà Hoa Kỳ đã phải tốn cả thế kỷ để tạo dựng.
Nhìn kỹ cung cách hành xử của Obama, tôi thấy vấn nạn của mình đối với Obama càng lúc càng rõ sau hơn hai năm rưởi Obama nắm quyền. Obama đã được tôi luyện hơn hai mươi năm trong những nhà thờ chống Mỹ mà văn hóa Pháp thì có câu “dis moi qui tu hantes je te dirai qui tu es”. Tháng 8 năm 2008, theo dõi cung cách tranh cử của Obama, tôi đã viết một bài trong đó có câu rằng “nếu Obama trúng cử, Obama sẽ gây ra cho Hoa Kỳ những tai hại không sữa chữa được”. Chín tháng sau đó, tháng 4 năm 2009, một bình bút của tờ bào lớn Pravda cũng viết “The collapse of the United States begins with the election of Obama into the White House”. Có phải chăng đây là phần số Thiên Định cho Hoa Kỳ cũng như Hồ Chí Minh là đại họa Thiên Định của dân tộc Việt Nam.
Một cái thảm nạn luôn luôn làm tôi ray rức: năm 1963, một vị Tổng Thống tài ba, đức độ, có tầm vóc lãnh đạo của Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, đã bị vu khống các tội kỳ thị Phật Giáo, độc tài, tham nhũng, rồi bị thảm sát một cách dã man bởi những con người làm cách mạng trá hình theo đường hướng sai lầm và phản bội của Hoa Kỳ. Cuối cùng, biến động 1963 đã khiến Miền Nam lọt vào tay Cộng Sản năm 1975 và toàn dân tộc Việt Nam đang chịu sự cai trị bạo tàn của Tàu Cộng với cùng họa diệt chủng thâm độc mà dân tộc Tây Tạng đã gánh chịu từ năm 1952.
Tạo dựng hòa bình cho người Do Thái và Palestinians. Tổng Thống Iran Mamoud Ahmadinejah tuyên bố công khai với thế giới rằng Israel cần bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới. Mối hận thù truyền kiếp này là nguyên nhân của bạo động triền miên qua bao thập niên. Iran là nguồn cung cấp vũ khí chính cho các nhóm quá khích tại Gaza Strip, West Bank, và Lebanon.
Thương thảo hòa bình Obama đề xướng sau khi nhậm chức đã bị đình trệ vì không phe nào chịu nhượng bộ. Vào đầu năm 2011, Obama kêu gọi tái nhóm với căn bản thương thảo là đường ranh trước cuộc chiến 7 ngày năm 1967. Israel quyết liệt chống đối với lý do các vị Tổng Thống tiền nhiệm đã công nhận lằng ranh lãnh thổ 1967 và đó là ranh giới chiến lược giúp bảo vệ Israel. Thủ Tướng Salam Fayyad của Palestinian Authority đã đệ trình Liên Hiệp Quốc nghị quyết xin thế giới thừa nhận một Quốc Gia Palestine với biên cương gồm luôn những phần đất mà Israel chiếm hữu năm 1967.
Theo công pháp quộc tế thì một nghị quyết như thế chỉ thừa nhận một nước chứ không thiết lập một nước. Việc thiết lập một biên giới chính thức cho Palestinians sẽ không đơn giản dễ dàng vì Israel vẫn còn chiếm hữu các phần đất mà Fayyad ghi trong nghị quyết. Tại LHQ với 192 thành viên, Israel tìm cách chống lại nghị quyết vào tháng 9 này. Thủ Tướng Israel, Benjamin Netanyahu lượng định Israel chỉ có độ 40 đến 50 phiếu hỗ trợ và Fayyad có hơn 116 phiếu hỗ trợ. Cuối cùng sự thừa nhận nghị quyết nằm trong quyền phủ quyết của Hoa Kỳ. Đến nay, không ai biết Obama có dùng quyền phủ quyết giúp Israel hay không? Israel là một đồng minh trung kiên lâu đời của Hoa Kỳ và lằng ranh 1967 đã giúp Israel tồn tại suốt 44 năm trước mối đe dọa triền miên từ các nước trong vùng. Sự đổi thay chính trị tại Egypt, vây cánh của Iran tại Gaza Strip, West Bank và Lebanon đã đặt Israel vào thế cô lập hiện nay. Syria, nước bảo vệ sự an toàn cho vùng Golan Heights, đang chịu những cơn lốc chính trị bất lợi cho Israel. Với cung cách của Obama hổ trợ những cuộc biến động tại các nước Trung Đông, tương lai Israel sẽ rất bấp bênh. Nhìn toàn bộ bối cảnh hiện nay tại Trung Đông và Bắc Phi, phủ quyết là việc Obama cần làm. Tuy nhiên, tại diễn đàn LHQ, chính trị là đổi chác. Thẻ bài phủ quyết của Hoa Kỳ đã bị Obama đổi chác chưa hay sẽ được đổi chác? Sự thay đổi thái độ của Nga về việc hậu thuẩn lập trường “Gadhafi phải ra đi” của Hoa Kỳ và NATO gần đây, là một nghi vấn trên trường chính trị thế giới.
Đang có những vận động ráo riết để thông qua một nghị quyết về Syria tương tự như nghị quyết 1973 mà không bị Trung Quốc hay Nga Sô phủ quyết. Trung Quốc và Nga Sô đang thương thảo để xem nước nào nên xử dụng quyền phủ quyết. Qua Syria, các nhóm khủng bố Hamas và Hezebollah nhận viện trợ quân sự từ Iran. Bashar Assad của Syria ra đi thì các nhóm khủng bố này bị cô lập và đây là chủ trương của NATO. Bộ Trưởng Quốc Phòng Panetta vừa tuyên bố rằng Hezbollah tồn trử hàng chục ngàn đại pháo (rockets) và phi đạn (missiles), nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Hậu trường chính trị LHQ sắp có nhiều màng gay cấn.
Mặt Trần Hải Đảo Thái Bình Dương tại Đông Nam Á: Từ đầu năm 2011, Trung Cộng đã có những hành động ngang ngược khiêu khích các nước nhỏ hơn trong vấn đề chủ quyền tại một số quần đảo phong phú tài nguyên thiên nhiên và nằm vào những vị thế chiến lược quan trọng của hải phận. Chọn năm 2011 để khởi xướng các hoạt động khiêu khích xâm lăng này, Trung Cộng đã có những toan tính chính trị khôn ngoan nhưng những toan tính này biểu lộ lòng tham vô đáy và mộng xâm lăng cố hữu của Trung Quốc. Đây là năm chuẩn bị cho kỳ bầu cử 2012 tại Hoa Kỳ. Chúng ta nhớ lại, trong suốt cuộc chiến Việt Nam, những năm sôi động nhất là những năm có bầu cử tại Hoa Kỳ. 2011 là năm bi đát của Obama: vừa thoát khỏi vỡ nợ kỷ thuật; ngân sách thâm thủng vô tiền khoáng hậu; lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ là một trong hai nước mất hạng tín dụng hàng đầu AAA; thế giới chỉ trích Obama rút quân khỏi Iraq một cách vô trách nhiệm khi tình hình Iraq, mà Hoa Kỳ bỏ lại, đang rất hổn loạn; bang giao với Pakistan bị gián đoạn; chiến sự tại Afghanistan bước vào giai đoạn tồi tệ nhất; tình hình tại Libya, dự định 60 ngày, nay đã 5 tháng vẫn chưa kết thúc được; tình hình tại Syria trở nên rất sôi động; Obama đã mất dần tầm ảnh hưởng đối với cấp lãnh đạo các biến động tại các nước Trung Đông; ghế Tổng Thống đang bị đe dọa khi các cơ quan thăm dò dư luận quần chúng cho thấy Obama ngang ngửa với Mitt Romney 46%/46% tuần vừa qua.
Trước tình trạng này của chính trường Hoa Kỳ, Trung Cộng thẳng tay hành động vì biết Obama đang bị bó tay bởi những rối rắm khác. Trong bối cảnh này như dầu thêm vào lửa, Trung Quốc cho tập trận quân sự gần biên giới phía bắc của Việt Nam, tuyên bố đã hoàn tất chiến đấu cơ tàn hình, cho “xuống nước” hàng không mẫu hạm đầu tiên. Nếu chúng ta gọi Hoa Kỳ là con cọp giấy thì Trung Quốc là con cọp non đang vương mình trưởng thành. Hai điều đầu tiên trong 8 điều răng của Đạo Đại Học là “cách vật” rồi “trí tri”; nếu Hoa Kỳ không “cách vật” tầm nguy hại do con cọp non này sẽ gây ra cho thế giới và cho các thế hệ mai sau, thì Obama sẽ không “trí tri” kế sách cần thiết để khống chế con cọp non này khi còn có thể được. Đây là đại họa đang chờ đón nhân loại. Thật khó mà trông chờ một chiêu đòn ngoạn mục từ Obama đối với sự tung hoành của Trung Quốc ở những vùng biển Thái Bình Dương tại Đông Nam Á. Quý vị đã nhìn thấy rõ “thành quả” của Obama trong cả bốn mặt trận trọng yếu của Hoa Kỳ. Vụ đột khích vào Abbottabad chỉ là một điểm đỏ nhỏ đang được thổi phồng nhưng không đủ để che phủ một trang giấy đã đen tuyền.

NHÃN QUAN CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Phần trên đây là quan điểm thuộc nhãn quan dân tộc, tức là cái nhìn và rung cảm của một người dân từ một nước nhỏ bé. Phần dưới đây là quan điểm thuộc nhãn quan cộng đồng quốc tế, tức là cái nhìn và ưu tư về những biến cố có tầm tác hại đến cộng đồng nhân loại. Nhãn quan quốc tế đòi hỏi sự hy sinh từ mỗi dân tộc, đòi hỏi một nhận thức khách quan về mối tương quan giữa các mước trong cộng đồng nhân loại, và đòi hỏi sự áp đặt tinh thần trách nhiệm trên mỗi người dân của mỗi dân tộc trong việc hỗ trợ đường lối lãnh đạo của đất nước họ lồng trong bối cảnh ảnh hưởng hỗ tương đến các dân tộc khác.
Nền văn minh nhân loại với kỷ thuật tân tiến hiện đại đã nối kết chặc chẽ các dân tộc với nhau, từ đó tạo nên những tốt lành cộng hưởng hay những tai hại liên lụy. Thí dụ điển hình mà tôi xử dụng cho phù hợp với nội dung của bài này là kỹ thuật nguyên tử. Lúc tôi hơn 10 tuổi, tôi chạy đến xem một ngôi nhà hai từng đang phát hỏa. Cảnh tượng thật ngoạn mục. Bất tình lình, một cơn gió lùa cả một tràn lửa lớn phủ lên khoảng không trên đầu tôi, bản năng tự nhiên tôi lăng người xuống mương nước hoàn hồn thoát chết, nhưng từ đó tôi mới cảm sợ cái nóng kinh hoàng của lửa. Tôi biết lửa là nóng nhưng từ cái biết đến cái cảm sợ sức nóng của lửa cách nhau vạn dặm và thường đòi hỏi một biến cố ghê gớm nào đó để tiếp giáp cái biết với cái cảm. Năm 1971, từ một cao ốc, nhìn đoàn biểu tình “chống vũ khí hạch tâm” ở đất Phù Tang, tôi liên cảm một cách sâu xa tâm tình của những người Nhật này. Toàn thế giới cần nhận thức được cài liên cảm hải sợ này. Tầm di hại của vũ khí hạch tâm, của phóng xạ hạch tâm gấp triệu triệu lần sức nóng của lửa. Thảm họa lâu dài của tai nạn ở lò nguyên tử Three Mile Island tại Pennsylvania năm 1971, ở Chernobyl năm 1986, ở Fukushima Daiichi năm 2011 này đã thức tĩnh nhân loại. Chận đứng những tai họa nguyên tử liên lụy đến cộng đồng nhân loại, bất kỳ phát xuất từ đâu, là việc phải làm cho dù phải chấp nhận hy sinh.
Trong vòng ba thập niên vừa qua, một số nước, như North Korea, Pakistan, Iran, và cả Trung Quốc, đã chủ định chế tạo các vũ khí hạch tâm, mặc dù một cách công khai, các nước này luôn luôn che giấu ý đồ của ho. Những tin tức tình báo đáng tin cậy cho thấy cả Libya và Syria cũng đang nuôi tham vọng trở thành nước có vũ khí nguyên tử. Tin tức cũng phát giác những chuyên viên nguyên tử North Korea đang làm việc tại Libya.
Chúng ta đã nhìn thấy ba biến động Tunisia, Egypt và Yemen. Theo dõi biến động thứ tư Libya, chúng ta nhận thấy một sắc thái khác với ba biến động trên vì sự bộc phát rất yếu ớt của nó nhưng lại được sự hổ trợ nhiệt tình của Liên Hiệp Quốc với nghi quyết 1973 cho phép NATO hành động. Cái gì đã được chủ định sắp xếp trong những phòng hoạch định sách lược?
Đó là “mục tiêu tối hậu” của những chiến lược gia Hoa Kỳ và Đồng Minh NATO? Trong lập luận của tôi, “mục tiêu tối hậu” đó là sự loại trừ tất cả những nhà lãnh đạo độc tài mưu dùng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạch tâm để khống chế các nước khác, và những lãnh tụ độc tài này phải bị loại trừ trước khi họ đạt được khả năng hành động.
Tai nạn Fukushima không trực tiếp gây tai hại nhiều cho cộng đồng thế giới vì Nhật là một quần đảo cô lập ngoài biển. Nếu là Iran chẳng hạn thì tai hại sẽ vô cùng lớn lao cho nhiều nước lâng bang. Mối âu lo này chắc chắn phải thể hiện trong đầu óc của các chiến lược gia NATO khi họ quyết định phê chuẩn về những “mục tiêu tối hậu” của NATO.
Với lập luận này, tôi tin rằng chiến trận Trung Đông sẽ còn dằng dai và sẽ phải lan đến cả Iran. Trung Cộng sẽ là nước phủ quyết một nghị quyết tương tự như nghị quyết Libya 1973 về Syria. Khi “mục tiêu tối hậu” đã đề ra và cần thiết cho cộng đồng Âu Châu, Hoa Kỳ và NATO chắc chắn sẽ có phương thức khác và có thể sẽ không nhọc công vì một nghi quyết sẽ bị phủ quyết. Cứ chờ xem nghị quyết về Syria sẽ tiến triển như thế nào. Có thể Trung Quốc nhận thấy mình chưa đủ mạnh về quân sự và chính trị để đương đầu với NATO và Hoa Kỳ lúc này nên sẽ im lặng như đã im lặng với nghị quyết Libya 1973. Iran và Syria là thị trường vũ khí của Nga nhưng Nga lại đang cần sự hổ trợ của Mỹ để gia nhập Khối Tự Do Mậu Dịch Toàn Cầu. Cũng cần ghi thêm rằng “Russia Association of Friendship With Syria” là một tổ chức chính thức và có ảnh hưởng lớn trong chính trường Nga. Thương lượng đổi chác đang tiếp diễn. “Mục tiêu tối hậu” đòi hỏi Gadhafi, Assad và Ahmadinejad phải ra đi, tức là một đổi thay lãnh đạo toàn diện tại Libya, Syria và Iran. Chúng ta cũng nhớ lại, trong tháng 4 11, tực là sau khi nghị quyết Libya 1973 ra đời, chủ tịch Bắc Hàn bất thình lình công du Trung Quốc. Giới truyền thông thế giới đã không đoán ra được mục tiêu của chuyến công du. Cho gọi chủ tịch Bắc Hàn qua Bắc Kinh nhận chỉ thị vì cáo già Trung Quốc cũng đã lượng định được “mục tiêu tối hậu “” của Hoa Kỳ và NATO.
Chỉ thị đó là: nếu Syria cũng bị rúng động như Libya, thì Bắc Hàn sẽ đơn phương đề nghị tái thương thảo với tất cả các phe liên hệ để giải trừ vũ khí nguyện tử tại bán đảo Triều Tiên, đồng thời đóng cửa các trường Đại Học phân tán sinh viên đi các nơi “phục vụ nông thôn” để trừ biến động. Nay thì Syria đã rúng động và Bắc Hàn đã thi hành các chỉ thị của Trung Quốc như chúng ta đã nghe thấy. Chúng ta mong rằng thế giới và những người hữu trách liên hệ nhận ra rằng đây chỉ là hoản binh chi kế của cáo già Trung Quốc.
Sau khi Gadhafi, Assad, Ahmadinejad đều mất ngôi thì Trung Đông sẽ an toàn hơn về nguy cơ vũ khí nguyên tử nhưng những chính quyến mới sẽ kém thân thiện với Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ. Các nước này sẽ phải chịu hổn loạn một thời gian lâu nữa. Nếu lập luận về “mục tiêu tối hậu” là đúng, tức là cuối cùng Ahmadinejad phải ra đi, thì những hành động của NATO và Hoa Kỳ trong những tháng qua được hoàn toàn “justified”. Nếu NATO dừng lại sau biến động tại Syria, thì chúng ta phải trở lại quan điểm trình bày trong nhãn quan dân tộc. Cuộc Cách Mạng Hoa Lài ôn hòa đã bị lu mờ vì đã trở thành bạo động bởi “mục tiêu tối hậu” chẳng đặng đừng và cần thiết của NATO. Tuy nhiên một hướng đi khác đã được mở ra. Hy vọng “mục tiêu tối hậu” của NATO thành công. Thành công này sẽ là một tiền lệ. Các nước Đông Nam Á sẽ cùng đứng lên tranh đấu đòi giải trừ vũ khí hạch tâm tại Bắc Hàn. Công tác này sẽ khơi nguồn sinh khí mới cho các dân tộc bị trị bởi Trung Quốc vương lên đòi tự do và chủ quyền. Đây sẽ là lúc thuận lợi nhất để Hoa Kỳ tuyên chiến với Trung Quốc hầu thực hiện “mục tiêu tối hậu “ của nhân loại: Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) phải ra đi sau khi Ahmadinejad mất ngôi. Đây cũng là lúc Trung Quốc cần được chia thành những nước nhỏ dân chủ tự trị vì mục tiêu hòa bình cho nhân loại. Đó là lúc giải cứu quê hương vậy!

© Phạm Quang Minh
© Đàn Chim Việt Online
.
.
.

No comments: