Tuesday, August 30, 2011

LUẬT SƯ & TÒA ÁN (Trịnh Hội)




Trịnh Hội
Chủ nhật, 28 tháng 8 2011

Nếu chúng ta cho bác sĩ, y tá là nhân viên của nhà thương thì luật sư và quan tòa là nhân viên của tòa án.
Ngày tôi tuyên thệ nhậm chức luật sư ở Melbourne, thủ đô của tiểu bang Victoria ở Úc, tôi không phải tuyên thệ là tôi phải thi hành đúng theo luật lệ hiện hành, hay phải trung thành với chính phủ Úc. Mà đơn giản kể từ hôm đó tôi được công nhận là tôi đã hội đủ tất cả các điều kiện để trở thành một nhân viên (an officer) của tòa án và từ đó trở đi tôi sẽ được đứng trước tòa đại diện thân chủ của tôi tranh cãi. Bất kể họ là ai, bị buộc tội gì hay đã có bằng chứng rành rành họ là người có tội!

Nói tóm lại kể từ đó trở đi tôi đương nhiên đứng về phía tư pháp trong hệ thống tam quyền phân lập: Luật pháp (là Quốc Hội, nơi ban hành luật), hành pháp (là chính phủ, nơi thi hành luật) và tư pháp (là tòa án, nơi xét xử xem luật đã được ban hành hay thi hành đúng hay không).

Nếu như cảnh sát, công an là nhân viên của chính phủ được dùng để thi hành luật thì tôi với tư cách là luật sư của tòa án sẽ phải cố hết sức bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình. Và quan trọng hơn, cùng với các quan tòa tranh đấu, bảo vệ sự độc lập của ngành tư pháp. Ðó không những là một nghĩa vụ thiêng liêng của nghề mình mà nó còn là một điều tối cần trong việc không để cho chính phủ, những thế lực giàu có lắm tiền, lắm quyền trong xã hội lạm dụng dùng luật để cai trị, chèn ép những người dân thấp cổ bé miệng.

Bởi vậy ngay cả ở những nước đã phát triển như Úc, Mỹ, giới luật gia bao gồm quan tòa và luật sư thường luôn có những sự giằng co, tranh cãi mạnh mẽ với hai nhóm người khác là Quốc Hội và chính phủ. Thường thì ít khi nào chúng tôi đồng ý với nhau về cách thức nhận định vụ việc, nói chi đến việc thi hành luật lệ sao cho đúng luật.
Có lẽ cũng vì vậy mà tòa án ở những nước tân tiến là nơi mà lúc nào cũng dễ bị... nghẹt. Có mau lắm thì cũng phải vài tuần tòa mới có thời gian thẩm định hồ sơ. Còn thường thì bạn phải đợi ít nhất là vài tháng hay vài năm, thậm chí trong một số trường hợp là mười, hai mươi năm thì tòa án mới có quyết định cuối cùng. Nhất là đối với những vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia hay bộ luật cao nhất của cả nước: Hiến pháp.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Tòa án chỉ cần chừng vài tiếng là xử xong. Bất kể đó là tội gì. Và trước khi ra án lệnh thì ai cũng biết bị cáo sẽ bị xử có tội. Kể cả luật sư cho bị cáo!

Hình như ở Việt Nam, tôi thấy luật sư chỉ được cho đứng ra làm cảnh, đại diện thân chủ có vài lời nói trước tòa xin chính phủ, xin tòa án khoan hồng, giảm nhẹ án. Chứ nó không phải là nơi mà luật sư và quan tòa là một, cùng nhau tranh cãi, nhận định xem giữa chính phủ và người dân, ai đúng ai sai.

Cái dở là ở chỗ đó. Việt Nam còn bị cho là tụt hậu là ở chỗ đó. Nhưng theo tôi nghĩ tệ hơn hết là khi tòa án và luật sư đoàn lại chính là người đồng lõa cùng với chính phủ ngang nhiên bức hại cả nhân viên, anh em đồng nghiệp của mình. Trường hợp của Luật Sư Huỳnh Văn Ðông là thí dụ điển hình.

Ở đây tôi không cần phải nhắc đến nhiều về những gì vừa xảy ra với Luật Sư Ðông. Hầu hết các phương tiện truyền thông trong tuần vừa qua như đài VOA, BBC, các báo Người Việt, v.v. đều đã đăng tin anh vừa bị Luật Sư Ðoàn Ðắc Lắc khai trừ thể theo yêu cầu của tòa án Bến Tre, nơi anh vừa tham dự tranh cãi một vụ án liên quan đến 2 thân chủ của anh bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm mục đích lật đổ nhà nước”.

Ở đây tôi cũng không muốn bàn về nguyên nhân thật sự tại sao anh bị khai trừ. Vì tôi nghĩ ai cũng biết điều đó. Tôi cũng tin tưởng rằng hầu hết mọi người, nếu biết rõ việc gì đã xảy ra, đều sẽ bất bình như tôi. Việt Nam là thế, đảng Cộng Sản Việt Nam là thế. Họ sẽ không thể nào tự thay đổi ngoại trừ khi chính họ bị thay đổi.

Hôm nay tôi muốn nhắc đến một vấn đề khác. Ðó là sự liêm chính (integrity) mà mọi luật gia cần phải có như một lời thề danh dự của những người trong nghề. Và những nguyên tắc căn bản mà mọi người trong nghề phải biết tôn trọng và noi theo nhằm mục đích củng cố, xây dựng cho nghề của mình được phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn. Cũng như giúp cho xã hội ngày càng được công bằng hơn, cán cân công lý sẽ là mức đo chuẩn nhất trong quá trình giúp đất nước, người dân ngày càng được sung túc, văn minh hơn, mang tính nhân bản.

Rất tiếc là hiện nay ở Việt Nam điều này chưa xảy ra như mong đợi. Vì chính Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tỉnh Bến Tre lại là nơi đưa ra cáo buộc là Luật Sư Ðông đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước...”
Và Luật Sư Ðoàn Ðắc Lắc lại đồng ý nghiêm chỉnh chấp hành kiến nghị này.

Mặc dù như ai cũng biết tòa án không thể và không bao giờ cáo buộc bất cứ một ai. Về bất kỳ tội gì. Nó chỉ là nơi xét xử những cáo buộc!

Buồn cười là thế. Mặc dù trong trường hợp này tôi buồn nhiều hơn cười.

Tôi không nghĩ những người lãnh đạo ký tên đưa ra hai quyết định này là bà chánh án Trịnh Thị Thanh Bình ở Bến Tre và ông chủ nhiệm Luật Sư Ðoàn Ðắc Lắc, Luật Sư Chu Ðức Lưu là những người không biết liêm sỉ hay không có sự liêm chính. Tôi cũng không nghĩ là họ không thấu hiểu những nguyên tắc tối thiểu trong nghề về tam quyền phân lập và sự độc lập cần phải có giữa giới hành pháp và tư pháp.

Nhưng tôi nghĩ qua hai quyết định trên chắc chắn họ là những người không biết tôn trọng thiên chức cao quý của nghề luật sư mà bất kỳ luật sư nào, cho dù vì bất cứ lý do gì, cũng phải biết và ra sức bảo vệ.

Như tất cả các bác sĩ trước khi ra trường có lời thề gặp người đang lâm vào cảnh thập tử nhất sinh, điều đầu tiên họ cần phải làm là cứu sống người ấy. Ngay cả khi người ấy là kẻ thù của mình.

Còn đằng này hai người luật sư kia, không giúp thì thôi, họ còn trực tiếp nối giáo cho đảng Cộng Sản Việt Nam bức hại những kẻ can đảm, những người có lòng, những anh em trong nghề như họ.

Nhìn về tương lai, tôi chỉ mong là trong số trên 4,000 luật sư hiện đang hành nghề tại Việt Nam sẽ có những anh em trẻ, những tiếng nói chân thật khác dám đứng lên tranh cãi cho sự công bằng và lẽ phải. Và nhất là cho sự độc lập và liêm chính của thiên chức một luật sư mà mình đang đảm nhận.

Nếu không, chắc có lẽ câu chuyện về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam sẽ làm cho chúng ta tiếp tục buồn nhiều hơn cười.
.
.
.

No comments: