Wednesday, August 31, 2011

NGƯỜI VIỆT CÒN LÀ NƯỚC VIỆT CÒN (Thanh Quang, RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-08-30

Thu luôn là đề tài xúc cảm bất tận cho tao nhân mặc khách, là nguồn thi hứng dạt dào khi thi nhân chiêm ngưỡng “mùa thu mây tím lá vàng”.

Nỗi buồn của một thế hệ

Và đặc biệt, mùa Thu năm nay cũng không tránh khỏi làm xao xuyến lòng người yêu nước. Có lẽ đó là lý do khiến nhà thơ Trường Nhân “xúc cảnh sinh tình” rằng:
Tháng Tám mùa thu Hà Nội
Tầm tã mưa rơi
Một phía biểu tình, một phía vui chơi
Ôi Hà Nội trăm chiều lá đổ.

Blogger Mẹ Nấm  cũng bồi hồi rằng “mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn”.

Blogger Đoan Trang cũng mang một nỗi buồn sâu đậm khi “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi” dưới ánh nắng vàng vọt của những ngày đầu Thu mà sao thấy lòng trống vắng. Theo blogger Đoan Trang thì hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy, khi nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, tác giả chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tác giả mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Và, blogger Đoan Trang tâm sự tiếp, “Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa”. Tại sao như vậy ? Tác giả giải thích:
"Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.
Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…
Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …
Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bót”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. ..Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa."

Qua bài “Mùa thu, không đề ” được Hoàngquang’s blog và nhiều mạng nhật ký khác phố biến, GS Phạm Toàn kêu gọi mạnh mẽ rằng:
"Hỡi những người cầm quyền, hãy hình dung Mẹ Nấm và lớp trẻ đó khi họ vẫn còn nhớ tới Tháng tám mùa thu, và xin hãy đừng để hồn thơ của họ phải kết thúc các bài họ viết như thế này.
Tháng Tám mùa thu – ngày thật buồn! Các vị sẽ phải chịu trách nhiệm về nỗi buồn của cả một thế hệ!"

Nếu không lấy dân làm gốc...

Qua blog của mình cũng như được nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, nhà báo Huy Đức đề cập tới vấn đề “Độc Tài ”, nhận xét rằng người dân Việt xuống đường biểu tình phản đối TQ xâm lược là họ còn hy vọng ở nhà cầm quyền VN, do đó giới cầm quyền đừng để “sự phẫn uất khiến họ quay lưng”. Tác giả phân tích:
"Chính quyền độc tài nào cũng cần sự trung thành của quân đội và an ninh. Nhưng, ngay cả chính quyền độc tài thì cũng cần dân. Đừng quá sợ hãi các “thế lực thù địch” mà sợ luôn cả nhân dân. Ngay cả các vụ án chính trị thì chính trị cũng phải đứng trên an ninh chứ không phải là ngược lại. Đừng nghĩ lấy lại được vài lô đất của nhà thờ là thành công.
Điều Chính quyền cần là giáo dân, là sự đoàn kết quốc gia, chứ không phải là vài thầy tu dễ bảo. Cơ quan điều tra thì có quyền bắt người, nhưng phải để cho Viện kiểm sát cân nhắc trước khi phê chuẩn và hãy để luật sư làm tròn bổn phận. Ngay cả bị cáo là Cù Huy Hà Vũ thì cũng phải để cho Tòa án độc lập, nếu tòa thấy vô tội thì phải để tòa trả tự do.
Tuyên giáo cũng phải cân nhắc chính trị trước các yêu cầu của cơ quan công an. Đừng vì áp lực mà để cho các công cụ truyền thông nhà nước trở nên lố bịch. Chính quyền có hơn 700 tờ báo, có VTV, nhưng người dân cũng có internet. Không giống Bắc Triều Tiên, Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người có thể tiếp cận với những tiếng nói đa chiều. Đảng chỉ có thể gặt hái được lợi ích chính trị khi công lý chiến thắng chứ không phải cứ nhất định là cơ quan điều tra chiến thắng."
Qua Blog Hoàngquang, tác giả Nguyễn Quang Nhàn khẳng định rằng nhân dân không bao giờ là kẻ bán nước, phản bội tổ quốc. Và tác giả nêu lên nghi vấn rằng nếu nhà nước đàn áp nhân dân, không đứng về phía người dân thì đứng ở phía nào ? Qua bài “Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất”! ”, tác giả nhận xét:
"Khi nhân dân, thanh niên, trí thức có biểu hiện lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, xuống đường đòi chủ quyền – ”Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, chỉ mới đi trên lề chưa dám bước chân xuống đường biểu tình nhưng lại bị chính những kẻ nhân danh “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” vây bắt, thẳng chân đạp vào mặt cùng với muôn vàn thủ đoạn…ngăn cấm lòng yêu nước của nhân dân. Dân là chủ, “đồng bào” là “đồng bào” của mình, yêu nước là yêu nước mình sao lại bị bắt? Yêu nước là một tình cảm tự nhiên sao phải xin phép “được yêu” ? Tổ quốc, đất nước VN là của đồng bào Việt Nam vì sao chỉ có đảng độc quyền yêu nước ? Họ có phải là “đồng bào” Việt Nam? – Nhân dân không bao giờ là kẻ bán nước, phản bội tổ quốc.
Khi kẻ độc quyền yêu nước chống lại nhân dân tỏ lòng yêu nước, lên tiếng nói bảo vệ đất nước chống kẻ thù cướp nước thì bộ mặt của kẻ độc quyền nhân danh yêu nước đã không còn ; nhà nước và bộ máy đàn áp đã không đứng cùng một phía với nhân dân mà lại đàn áp cả nhân dân thì nhà nước ấy đã đứng với ai? Là của ai? Không có nhân dân sẽ không có đất nước; không có “đồng bào Việt Nam sẽ không có Tổ Quốc Việt Nam."

... thì hãy nhìn sang Libya

Khi giải thích “Biểu tình có ích lợi gì không?”, blogger Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng thường chỉ có nhà cầm quyền là bạo động ở các quốc gia độc tài và nửa độc tài, nơi quyền lực và võ khí nằm trong tay của họ. Trong chiều hướng đó, tại VN, bạo động phát xuất từ công an nhằm đàn áp những người biểu tình ôn hòa, dù họ chỉ bày tỏ lòng ái quốc, khiến diễn ra những bi cảnh như công an bắt, bóp cổ, khiêng người đi biểu tình như khiêng vác lợn, thậm chí thực hiện “cú đạp lịch sử” nhiều lần vào mặt người dân…
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc lập luận:
"Trong một xã hội hoàn toàn không có tự do ngôn luận và tự do chính trị như tại Việt Nam, mọi cuộc vận động từng chứng minh có nhiều hiệu quả ở Tây phương hoàn toàn vắng mặt. Không có con đường nào cho các cuộc vận động hành lang cả. Không có cách gì để khuấy động lên các cuộc tranh luận tập thể cả. Biểu tình trở thành cách thức duy nhất để lên tiếng…các cuộc biểu tình ở Bắc Phi và Trung Đông, ít nhất là tại Tunisia và Ai Cập vào đầu năm nay, đã chứng minh một cách hùng hồn là chúng có hiệu quả. Hiệu quả lớn lao và vô cùng hiển nhiên. Không có ai có thể hoài nghi hay phủ nhận được…ở Việt Nam, biểu tình vẫn là một lựa chọn tối ưu cho những kẻ thấp cổ bé miệng nếu họ muốn tiếng nói của họ được nghe."

Blogger Phan Nguyễn Việt Đăng nêu lên câu hỏi rằng “Vì sao TQ lại nguy hiểm nhất” đối với quê hương và dân tộc VN?
Rồi tác giả tự trả lời rằng “Vì bởi với mọi kẻ thù trong lịch sử Việt Nam, nhân dân cùng các thế hệ lãnh đạo luôn kề vai sát cánh đi đến chiến thắng. Chỉ riêng với kẻ thù Bắc Kinh hôm nay, những nhà lãnh đạo… Việt Nam lại là kẻ luôn bị đánh bại đầu tiên, và lại tận lực bộ máy cai trị để buộc nhân dân mình cùng bị đánh bại”.

Qua blog Dân Làm Báo, tác giả Thái Phục Nhĩ  không tránh khỏi bực dọc rằng nhà cầm quyền “ém nhẹm thỏa hiệp ngầm về lãnh thổ với Bắc Kinh rồi nói mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo” trong khi các sĩ phu, những người bày tỏ lòng yêu nước thì bị đàn áp, bị vu là “muốn làm loạn”. Tác giả không quên trích dẫn lời của học giả Lê Quý Đôn vào thời Hậu Lê rằng “phi trí bất hưng”, và bày tỏ quan ngại rằng “cứ cái đà tiêu diệt dân khí và đàn áp trí thức này thì nước Việt chẳng bao lâu sẽ bị phá tan tành tới mức mà tình trạng lạc hậu và hỗn độn như bây giờ vẫn còn tốt chán”. Tác giả viện dẫn gương sáng của tiền nhân mà không khỏi buồn cho vận nước ngày nay:
"Quang Trung sau khi đánh thắng quân Thanh nói trước ba quân đại ý rằng, nước ta nhỏ, bang giao với Trung Hoa cốt ở hòa hiếu, đợi chục năm nữa ta làm cho nước hùng cường thêm thì bất tất phải sợ nó. Quả thật, ngày nay những nước nhỏ như nước Việt là Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Malaysia, cho đến đảo quốc Đài Loan có nước nào là sợ Trung Quốc.
Chỉ tiếc là Quang Trung mất quá sớm, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày nay không được như nhà cầm quyền những nước lân cận kia, nên cái đường lối ngoại giao Việt- Trung dù có tô điểm bằng những chữ vàng, chữ hảo cũng chỉ là lối ngoại giao kiểu tư thông chính trị mà thôi….Quốc gia cần một chính quyền biết chăm lo lợi ích của người dân và biết đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên mọi lợi ích bè phái, sự thay đổi đó nếu những người trong chính quyền không làm được thì chính người dân sẽ làm. Người dân đã làm tất sẽ làm được, nhân loại chưa bao giờ có một chế độ nào cai trị bằng bạo lực và ngu dân mà không bị lật đổ. Cứ nhìn sang những chế độ độc tài ở Ai Cập, Tunisia, Libya mà xem."

Qua bài “Mẹ Việt Nam ơi!” được blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN cùng nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, tác giả Quảng Trung Thiên khẳng định rằng truyền thống hào hùng của dân tộc vẫn dạt dào trong huyết quản, nên cho dù vận nước có ra sao, người con dân nước Việt quyết theo gương tiền nhân mà giữ nước:
"Thưa Mẹ Việt Nam, lũ chúng con sinh ra không nhầm thế kỷ. Nòi giống rồng tiên chúng con vẫn ghi khắc trong lòng. Truyền thống hào hùng của dân tộc vẫn chảy ào ào trong huyết quản. Hưng thịnh tùy theo thời của đất nước nhưng nhân tài hào kiệt vẫn còn đây. Có những kẻ… đã rước voi về dày mả tổ, nhưng cũng có những anh hùng tuẫn tiết với giang sơn. Lũ bán nước rồi cũng đền tội, giặc ngoại xâm rồi phải chạy dài, như ông cha đã làm từ bốn ngàn năm trước. Đớn đau của dân tộc rồi cũng sẽ phải qua, chúng con nguyện chung tay góp sức, lời Đức Thánh Trần vẫn còn sang sảng bên tai, “dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa”, cũng nguyện xin làm. Thưa mẹ, chúng con là người Việt Nam!”

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: