Mon, 08/22/2011 - 01:44
Tình cờ, đọc phần phụ lục tập 1 trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập, NXB Chính trị quốc gia, 1995), các trang 435-436 thấy bài “Yêu sách của nhân dân An Nam”, mới hốt hoảng, nếu tác giả này mà còn sống, chắc sẽ bị an ninh Việt Nam mời làm việc hoặc bị bắt nhốt.
Bản yêu sách này đưa ra 8 điểm:
1) Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2) Cải cách nền pháp lí ở Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4) Tự do lập hội và hội họp;
5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6) Tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7) Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8) Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong bài “Nhân sự phá sản của Đề án 112” (báo Lao động cuối tuần số 37, ra ngày 23/09/2007, mạng báo này chỉ được đọc đến ngày 15/1/2008 thì bị bóc xuống - nhưng vẫn còn tìm thấy trên Google) cho biết bản yêu sách này được ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Nó còn được gọi là “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam (tiếng Pháp: Revendications du peuple annamite), được gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 19/6/1919, từ Hội những người An Nam yêu nước. Tuy nhiên, ở đây không bàn đến xuất xứ và cứ liệu của nó nữa, chỉ thử phân tích vài nét ngắn gọn về nội dung mà thôi.
Thử nhìn ra xung quanh chúng ta, trong 3-4 năm gần đây, nơi bộ máy cầm quyền được sinh ra từ khẩu hiệu “Việt Minh cướp chính quyền”; được hưởng rất nhiều ân xá chính trị từ Pháp, đã có ân xá ai chưa? Thật hiếm hoi làm sao! Ngay cả người không phải bản xứ, mà quốc tịch Mỹ, Pháp… nếu xớ rớ trong quyền cá nhân tối thiểu của mình, cũng có thể bị bắt nhốt và khó thả ra, dù quốc tế lên án phóng thích kịch liệt. Cho nên, ngay điều 1 của bản yêu sách An Nam, nếu tác giả Nguyễn Ái Quốc còn sống, thì chắc rắc rối to, tù như chơi. Nhà cầm quyền này lì đòn hơn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhiều lần.
Cũng tương tự, riêng điểm 2 đã đưa bao nhiêu luật sư, người bất đồng chính kiến vào tù với tội danh hoàn toàn khác, kiểu như âm mưu lật đổ chế độ. Trong khi yêu cầu này là hết sức bình thường, bởi dân Việt Nam nếu có được sống ngang bằng châu Âu thì đáng lý, người hãnh diện và được lợi nhất là nhà cầm quyền chứ, họ dễ quản lý, được thu thuế cao. Chắc chắn họ biết điều đó nhưng không làm, vì không muốn người dân thay da đổi thịt; cứ để như vậy, nơi người dân thiếu hụt đủ thứ - nơi đó họ dễ duy trì sự áp bức, khủng bố của mình.
Điểm 3, 4 và 5 thì đừng có mơ nhé, bởi nếu có tự do, thì làm sao họ có thể vô tư bắt trí thức, văn nghệ sĩ nhốt vào tù, ép chết trong hơn nửa thế kỷ qua. Từ 1945 đến nay, vì không có những tự do tối thiểu này mà Việt Nam đã chậm phát triển và tụt hậu đáng kể. Các vụ án văn nghệ từ Nhân văn - Giai phẩm cho đến việc in thơ photocopy gần đây cũng đủ cho thấy họ sợ thứ tự do này như thế nào. Bởi chính họ lợi dụng các tự do này để cổ vũ và phát triển lực lượng của mình từ thời còn non yếu, đến khi giành thế thượng phong, họ muốn thủ tiêu luôn công cụ đã giúp cho mình.
“Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương” thì càng viển vông nữa. Vì sau 1975, Việt Nam đã chứng kiến một vụ di dân khổng lồ (vượt biên), đến mức nhiều nước nghe đến dân Việt là sợ… họ đến chiếm mất công ăn việc làm. Vì cơ chế không giống ai và nền kinh tế yếu kém ngày hôm nay, nên người Việt đi phần lớn các nước là phải xin thị thực rất khó khăn. Nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam bây giờ, nhiều khi chỉ bày tỏ chính kiến trong quyền hạn và trách nhiệm của mình đã bị nhà cầm quyền thu giữ hộ chiếu, chẳng biết khi nào trả lại, nói gì đến chuyện đi lại.
Riêng điều 7, nơi yêu cầu “thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”, họ đã làm khá “tốt” vì có đủ các văn bản để “sô hàng”, nhưng có tuân theo và thực thi hay không lại là chuyện khác. Nhìn cách hành xử, cũng như các phiên xét xử (nếu có) các nhà bất đồng chính kiến ở các phiên tòa gần đây thì đủ biết họ đã thay “sắc lệnh” bằng “luật rừng”. Từ lâu, họ đã khoái chí với việc dùng luật rừng. Bởi vậy, nếu ai đó mà kêu đòi đạo luật phân minh lúc này có thể bị quy vào tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Nghĩ tới đây, tự nhiên tôi nhớ đến chương về Đại phán quan trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky, nơi viết rằng nếu Chúa Jesus mà xuất hiện ở đây, chính nhà thờ sẽ đóng đinh chúa lên thánh giá lần nữa, vì tội dám đi ngược lại “ý chúa”. Tương tự, nếu tác giả Nguyễn Ái Quốc mà xuất hiện lúc này, trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc chẳng hạn, chắc chắn sẽ bị đạp vào mặt không chỉ một cái và bị bắt nhốt không chỉ một vài năm. Đừng nói họ đang chơi đồng chí của mình, mà họ sẵn sàng phản bội và ngược đãi tất cả.
Cuối đời, trong di chúc tháng 5/1968, có đoạn chủ tịch Hồ Chí Minh viết:“… Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. (xem tập 12, bộ Hồ Chí Minh toàn tập, trang 503).
Năm 1968 đã cần chỉnh đốn lại Đảng, bây giờ chẳng cần chỉnh đốn, sửa đổi hay thay thế sao? Thế nhưng, bây giờ mà nói ra như vậy, có khi mất tích ở trong tù như chơi. Chính vì vậy, người An Nam ngày nay muốn bình yên chỉ còn biết chấp nhận sống ngoan như bầy cừu, ai lùa đi đâu thì đi đó, đừng nói gì đến các yêu sách, dù là rất chính đáng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment