Thursday, August 25, 2011

CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT: KHI LỜI KÊU CỨU BIẾN THÀNH HÀNH ĐỘNG (Người Quan Sát, blog quechoa)




Người Quan Sát
25.08.2011

Ngày 25/8/2011 là thời điểm mà chính quyền An Giang quyết định thi hành cưỡng chế đối với các hộ dân ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, bất chấp những người dân nghèo đã bị buộc phải trở thành nạn nhân của hành động bồi thường không thỏa đáng, không kế sinh nhai sau khi giải tỏa và thói vô cảm, vô tâm của chính quyền.

Thu hồi đất hay cướp đất?

Trong khi các cuộc biểu tình của giới nhân sĩ, trí thức ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn tiếp tục bị chính quyền đối xử một cách thiếu văn hóa và còn xa mới thể hiện được bản lĩnh người cầm quyền, thì tại nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn liên tục diễn ra nạn cường hào trong các dự án đụng chạm đến vấn đề thu hồi đất của người dân.

Vụ việc chính quyền ra quyết định cưỡng chế gần đây nhất xảy ra ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang.
Vụ việc này đã kéo dài từ năm 2006 đến nay, nhưng điều đáng nói là bản thân những người dân nằm trong diện bị giải tỏa cũng không thể biết rõ về những thông tin tối thiểu như tỉnh dự kiến thu hồi đất vào mục đích gì. Họ chỉ được thông báo chung chung là sẽ có một dự án về khu cộng nghiệp hay cụm công nghiệp nào đó.
Nếu nhằm mục đích giải tỏa đất để xây dựng khu công nghiệp, đây vẫn thường là lý do “chính đáng” để các cơ quan công quyền và chủ dự án tiến hành bồi thường và di dời người dân khỏi khu đất mà họ đã sinh sống từ nhiều đời nay. Nhưng trong thực tế, sự nhập nhèm giữa mục đích công và những ý đồ riêng tư đã xảy ra nhiều lần, tại nhiều địa phương và nhiều dự án, với nhiều bằng chứng về chuyện dự án ban đầu được phác thảo như một chương trình an sinh xã hội rất tốt đẹp, nhưng sau đó toàn bộ đất đai thu hồi lại rơi vào túi các đại gia bất động sản để thực hiện việc kinh doanh bán chênh lệch kiếm lời. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần ngay tại TP.HCM – một đô thị lớn với mặt bằng dân trí khá cao, điển hình là vụ Rạch Miễu ở quận Phú Nhuận.
Trong khi đó, tại các tỉnh càng xa cách về địa lý với đô thị lớn, tình trạng bưng bít thông tin và sử dụng luật rừng càng phổ biến, thậm chí công khai đến trơ tráo. Lợi dụng sự ít học và thiếu hiểu biết của bà con nông dân, một số cấp chính quyền địa phương đã giấu nhẹm tất cả những thông tin cơ bản và ý đồ quy hoạch đất đai, dự án, chỉ cho người dân biết vào thời điểm cần phải giải tỏa.
Trường hợp Mỹ Lợi, Mỹ An trên là một minh họa điển hình. Không chỉ bị bưng bít về thông tin, người dân nơi đây còn trở thành nạn nhân của một vấn nạn muôn thuở trong hành vi thu hối đất: bồi thường không thỏa đáng. Thực ra, “không thỏa đáng” vẫn còn là từ ngữ nhẹ nhàng, trong khi thực tế lại cho thấy mức bồi thường ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra với người dân thấp hơn hẳn giá thị trường, hoàn toàn chỉ mang tính tượng trưng. Với số tiền bồi thường cho diện tích đất do ông bà để lại từ nhiều đời nay, người nông dân sẽ không thể tìm được một chỗ ở nào khác trong cùng khu vực, dù chỉ bằng một nửa diện tích bị giải tỏa của họ.

Sự cấu kết đen tối

Có thể nói gì khác hơn về hành vi ép giá bồi thường của chủ dự án, được tiếp tay bởi những cơ quan công quyền liên quan đến hoạt động bồi thường giải phóng mặt bằng? Không chỉ là tính thiếu minh bạch mà các cuộc hội thảo hay đề cập như một cụm từ có tính hoa mỹ, mà đó chính là nạn nhũng nhiễu dẫn đến tham nhũng tràn lan trong lĩnh vực đất đai, mà trong khi chính quyền trung ương vẫn mải mê với việc “đi tìm ẩn số của bài toán chống tham nhũng”, thì số phận, thậm chí sinh mạng của người dân bị giải tỏa ở nhiều địa phương đã bị định đoạt bởi sự vô cảm, vô tâm và bất chấp đạo lý của giới chủ dự án và những người thi hành công vụ.
Sự cấu kết giữa giới chủ dự án và chính quyền địa phương đã lên đến cao độ. Một vụ việc khác xảy ra tại Cần Thơ, tại khu vực Bình An, phường Long Hòa (Bình Thủy), với hàng trăm hộ dân ở tổ 7 đang sống trong cảnh bất an. Liên tục mấy tháng qua, chính quyền địa phương đã huy động gần trăm người, đủ đại diện ban ngành đoàn thể, công an, quân đội về phá cầu, phá cổng trên con đường vào khu dân cư để “hỗ trợ Công ty Cổ phần Him Lam-Cần Thơ thi công”. Một chi tiết rất đáng lưu ý là toàn bộ chi phí “hỗ trợ” là do Công ty Cổ phần Him Lam-Cần Thơ chịu. Hiển nhiên với mức thù lao hậu hĩnh cho lực lượng cưỡng chế và cả những món “lại quả” hào phóng mà giới chức chính quyền có trách nhiệm chính về dự án được nhận, người dân bị giải tỏa sẽ không còn cửa nào để thoát thân.
Vào gần gữa năm 2011, vụ việc một thanh niên tự thiêu ngay trước trụ sở Ủy ban nhân thành phố Đà Nẵng là một hình ảnh sống động cho tâm trạng quá phẫn uất do bị cướp đất trắng trợn. Những vụ cướp đất khác, xảy ra ở nhiều nơi khác như Bắc Giang, Sơn Tây… ở miền Bắc, càng lan rộng hơn hẳn ở miền Trung và miền Nam, đã khiến cho hiện tượng tự thiêu nhằm phản kháng chính quyền không còn là hiếm hoi trong những năm gần đây.
Sự vô tâm, vô cảm của chính quyền không chỉ thể hiện qua việc lấy đi cái mà người dân đang có, mà còn đẩy người dân vào tình thế có thể mất hết những cái đã có. Với những người dân ở xã Mỹ An, một triết lý thật giản dị là một khi họ không còn đất canh tác và cũng chẳng có nơi tái định cư, một khi họ đã hiểu ra ý đồ của chủ dự án và và thái độ chẳng hề quan tâm đến dân sinh của chính quyền, họ sẽ phải chống đối lại lệnh cưỡng chế, bất chấp hậu quả nặng nề có thể xảy ra sau đó.
Nếu mà lực lượng vô cưa cây thì ở đây sẽ đánh. Thí dụ như nếu bị bắt thì giữa dân và chính quyền sẽ xô xát với nhau, chứ không còn con đường nào để chọn cả, cũng như là dân ở đây giành lại sự sống thôi” – những người dân Mỹ An đã trần thuật hoàn toàn thành thật như thế, một sự bày tỏ mà nếu không làm cho chính quyền địa phương rung động thì chính quyền cũng không thể cho rằng người dân đã dựng chuyện để vu cáo.
Mà ngược lại, suy nghĩ của người dân bị giải tỏa chỉ đơn giản là cần phải phản kháng lại lực lượng cưỡng chế để bảo vệ những gì còn lại của họ, bảo vệ cho đời sống tối thiểu của con cái họ, cho dù không bao lâu nữa họ sẽ bị bắt giam và đưa ra xét xử như những kẻ phản loạn.

Nhân quả nào?

Thực trạng cưỡng chế giải tỏa đất đai ở Việt Nam thật đau xót! Đã có không biết bao nhiêu vụ việc chua xót và bất hạnh xảy đến với người dân nghèo, nhất là dân ở các vùng xa. Tất cả những hệ quả của thực trạng này chỉ có thể gom gọn ở những cụm từ “tức nước vỡ bờ” hay “giọt nước tràn ly” – người dân thường phải phản ứng quyết liệt và dẫn tới chống đối chính quyền.
Sự phản ứng đó đang diễn ra ngày càng quyết liệt và bài bản ở một số địa phương miền Bắc, nơi người dân đã quá hiểu chính quyền, nơi người dân có truyền thống cách mạng trong thời kỳ chiến tranh và lấy đó làm niềm tự hào, tự tin để nếu cần thiết thì có thể làm một cuộc cách mạng nữa. Sự kiện Thái Bình năm 1997 đang có chiều hướng tái hiện tại các vùng nông thôn Việt Nam.
Trong khi đó, với thế yếu hơn và cũng do mặt bằng học thức thấp hơn đôi chút so với miền Bắc, người dân miền Trung và miền Nam tỏ ra cam chịu hơn. Nhưng những hình ảnh phản kháng chính quyền ở mức độ vừa phải cũng đã xuất hiện. Vào năm 2007, lần đầu tiên người ta chứng kiến một cuộc tập hợp quy mô hơn 500 người khiếu kiện đất đai, đã diễn ra ngay trước Văn phòng Quốc hội (phía Nam) tại TP.HCM. Đoàn biểu tình bao gồm dân chúng từ hàng chục tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai và ngay cả TP.HCM, đã biến cuộc tập hợp thành một phong trào biểu tình ngồi trong suốt cả tuần lễ, khiến các cấp chính quyền phải đi từ chỗ cứng rắn đến thỏa hiệp với người biểu tình.
Một bài học cận kề nhất có thể rút ra cho người dân là vụ việc ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trước sức ép của chính quyền, được “hỗ trợ” bởi Công ty Formosa của Đài Loan nhằm giải tỏa đất để làm cảng nước sâu, giáo dân Kỳ Lợi đã phải phản ứng bằng cách bắt giữ 5 nhân viên công an – những người đã trở thành công cụ cho giới chủ đầu tư để hù dọa và cưỡng ép dân. Tuy nhiên với sự đồng lòng của hàng trăm giáo dân, chính quyền đã phải nhân nhượng và thỏa hiệp ở mức nhẹ nhàng nhất, trong khi thực chất của việc bắt giữ công an chính là hành vi “chống người thi hành công vụ”, nếu không muốn nói có thể bị đẩy lên thành những hành vi mang tính nguy hiểm hơn nhiều trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Với người dân khiếu kiện đất đai, giờ đây vấn đề không còn đơn thuần nằm trong những lá đơn khiếu nại gửi tới các cấp thẩm quyền. Thái độ quan liêu tắc trách và cả ý đồ không nhân nhượng của một số nhân vật đặc quyền đặc lợi trong chính quyền càng khiến cho người dân biết chắc được số phận của mình đã bị an bài như thế nào. Vì thế, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng trong khiếu tố, khoa học và bài bản trong tổ chức biểu tình và phản kháng mới có thể làm cho chính quyền địa phương thừa nhận sai lầm và mang lại cho người dân bị giải tỏa một kết thúc công bằng, có hậu hơn.
Có quá nhiều vấn đề xã hội, đất đai để chính quyền trung ương lo lắng hơn là dành toàn tâm xét nét, soi mói đối với phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc của những người mang tấm lòng yêu nước ở Hà Nội. Nếu chỉ thiên lệch về những “hoạt động lợi dụng chính trị” tại Thủ đô, đến một lúc nào đó chính quyền trung ương sẽ có thể bị bất ngờ, ngơ ngác trước hàng loạt “Thái Bình” mới, dữ dội và nhân quả hơn hẳn so với năm 1997.

Tác giả gửi cho Quêchoa

Đọc thêm :





.
.
.

No comments: