Saturday, August 27, 2011

WIKILEAKS : NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CHẶN THÔNG TIN, BỊA TIN TỨC, THAM NHŨNG (Vũ Quí Hạo Nhiên)



Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Friday, August 26, 2011 6:58:19 PM

WESTMINSTER (NV) - Trong vụ xử án các ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Ðịnh, báo chí của công an và quân đội nhà nước Việt Nam đã bịa đặt lời nói đặt vào miệng hai ông này. Ðó là một trong những điều nhân viên ngoại giao Mỹ tại Việt Nam báo cáo lại cho Bộ Ngoại Giao ở Washington D.C.

Công điện tường trình chuyến thăm của Ðại Sứ Michalak tới Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong tù. (Hình: Người Việt)


Bản tường trình của tổng lãnh sự Kenneth Fairfax là một trong hàng ngàn tài liệu được Wikileaks công bố trong hai hôm 25 và 26 tháng 8. Những tài liệu này bao gồm hàng trăm đề tài khác nhau, chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường, liên quan đến rất nhiều nhân vật quen thuộc trong và ngoài chính quyền, từ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Linh Mục Nguyễn Văn Lý, từ những chuyện trực tiếp liên quan nước Mỹ, tới chuyện nước khác, như Trung Quốc, nước Anh, đài BBC.
Hầu hết những công điện này đều thuộc dạng không bảo mật - “unclassified”. Chúng cũng có những độ dài khác nhau. Có những công điện chỉ 2 đoạn, như công điện ngày 21 tháng 10, 2009, loan báo Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân; hay như công điện ngày 8 tháng 9, 2009, về blogger Người Buôn Gió và nhà báo Ðoan Trang được thả, và blogger Mẹ Nấm vẫn còn bị giam, liên quan tới việc in áo chống Trung Quốc.
Ðây là lần đầu tiên Wikileaks công bố một con số lớn các công điện của ngành ngoại giao Mỹ về đề tài Việt Nam. Wikileaks bắt đầu công bố công điện ngoại giao của Mỹ năm 2010, và trước ngày 25 tháng 8, chỉ mới có một ít công điện liên quan đến Việt Nam được công bố.

Tự do tôn giáo
Nhiều công điện liên quan đến đề tài nhân quyền được công bố lần này. Trong số này có công điện về chuyến đi của Ðại Sứ Michalak và viên tham tán chính trị thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong tù đề ngày 16 tháng 10, 2009. Theo báo cáo này, được gởi về Bộ Ngoại Giao tại Washington D.C., tòa đại sứ yêu cầu được gặp Linh Mục Lý từ cuối tháng 8, khi được tin Linh Mục Lý bị tai biến mạch máu não, nhưng tới 14 tháng 10 mới được tới thăm.
Công điện này viết, “Cha Lý phát biểu rằng điều quan trọng là chính quyền và những nhà bất đồng chính kiến cần hiểu quan điểm của nhau... Ông Lý cám ơn chính phủ và Quốc Hội (Mỹ) đã đưa trường hợp của ông ra nói chuyện với chính quyền Việt Nam, nhưng ông tiên đoán ông sẽ phải ở tù tới mãn hạn vì ông sẽ không bao giờ ‘cải tạo’ tư tưởng của mình.” Viên chức nhà tù và truyền thông nhà nước có mặt suốt chuyến đi thăm, và sau đó Ðại Sứ Michalak có trả lời phỏng vấn và yêu cầu chính quyền Việt Nam thả Linh Mục Lý ra.

Trong một công điện đề ngày 29 tháng 12, 2009 chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm của một phái đoàn Quốc Hội, tòa đại sứ tại Hà Nội viết rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển, nhưng về nhân quyền thì hai bên vẫn còn bất đồng. Công điện này nhận xét: “Việt Nam đã đạt tiến bộ nhiều trong tự do tôn giáo, nhưng tình trạng tự do chính trị và tự do báo chí lại càng ngày càng tệ, vì đảng đàn áp người bất đồng, chuẩn bị cho đại hội đảng tháng 1 năm 2011.”
Một trong những điều đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cho rằng đã cải thiện về tự do tôn giáo, là về Phật Giáo Hòa Hảo. Một báo cáo từ tổng lãnh sự quán tại Sài Gòn đề ngày 24 tháng 2, 2010, cho rằng Phật Giáo Hòa Hảo nay đang được tạo điều kiện để thờ phượng công khai và ôn hòa. Trường hợp cụ Lê Quang Liêm, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, bị báo cáo này cho là ngoại lệ của một nhóm ít người.

Trong một công điện khác, đề ngày 12 tháng 5, 2009, tòa tổng lãnh sự tại Sài Gòn báo cáo tình trạng công an gia tăng hạch sách Luật Sư Lê Trần Luật, trong đó có cả hành động tịch thu máy điện toán và hồ sơ từ trong văn phòng của ông. Công an cũng áp lực Luật Sư Luật “ngưng hoạt động và ‘cải chính’ dư luận bằng cách công khai nói ông đã hiểu nhầm chính sách của nhà nước”. Ông bị cấm tham gia vụ xử dân oan Công Giáo Thái Hà, và những người cộng sự với ông được khuyến khích tố cáo ông gian lận. Tới ngày 25 tháng 3, chính quyền đóng cửa văn phòng luật của ông. “Hiện nay ông không có việc làm và bị công an theo dõi thường xuyên,” bản báo cáo viết.
Trong một bức thư gửi Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công An, Ðại Sứ Michalak nêu trường hợp Luật Sư Lê Trần Luật bị chặn không được ra Hà Nội bào chữa cho 8 dân oan Thái Hà bị truy tố, và viết: “Hoa Kỳ tin rằng việc gia tăng bảo vệ nhân quyền, kể cả quyền được xét xử công bằng, là quyền lợi của nước Việt Nam và về lâu về dài sẽ làm nước này mạnh hơn.”

Tự do Internet

Các công điện được Wikileaks công bố cũng cho thấy ngoại giao đoàn Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề tự do Internet. Một công điện đề ngày 23 tháng 2, 2010, từ Hà Nội nêu trường hợp trang web của ban Việt ngữ đài BBC của Anh bị chặn tại Việt Nam. Công điện này nói “Ngày càng nhiều bằng chứng, tuy chưa hoàn toàn thuyết phục, là truy cập trang web tiếng Việt đài BBC ngày càng khó.” Công điện này trích dẫn lời tham tán chính trị Anh là sau Tết 2010, có bằng chứng các dịch vụ Internet của nhà nước bắt đầu chặn trang web của BBC.

Một công điện khác, đề ngày 27 tháng 1, 2010, được gởi từ tòa đại sứ ở Hà Nội đến Washington D.C. và đồng thời gởi thêm cho một loạt các tòa đại sứ và lãnh sự khác trong khu vực: Bắc Kinh, Bangkok, Thành Ðô (Trung Quốc), Thượng Hải, Singapore, Quảng Châu, Sài Gòn, Ðài Bắc, Jakarta, Kuala Lumpur, Phnom Penh, Sơn Dương (Trung Quốc), Seoul, Vientiane.

Cựu tổng lãnh sự Kenneth Fairfax, nay là đại sứ ở Kazakhstan, là người tiết lộ sự thật trong phiên tòa xử các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long. (Hình: saintx.com)

Công điện này tường thuật một buổi sinh hoạt giữa tham tán chính trị tòa đại sứ, với một nhóm thanh niên sinh viên Việt Nam, ở Trung Tâm Hoa Kỳ, Hà Nội. Những thanh niên này khoảng 40 người, có độ tuổi từ 20 tới 30.
Trong cuộc gặp gỡ này, các thanh niên sinh viên này được cho xem trích đoạn diễn văn của Ngoại Trưởng Hillary Clinton đọc tại Washington D.C. ủng hộ tự do Internet, trong đó có cả những đoạn chỉ trích hành vi kiểm duyệt và ngăn chặn Internet tại Việt Nam.
Sau khi nói chuyện để giúp những thanh niên này dễ dàng cởi mở và thảo luận đề tài vốn nhạy cảm, viên tham tán chính trị bắt đầu hỏi về việc Việt Nam kiểm duyệt internet. Buổi gặp gỡ cho thấy những thanh niên này không phải tất cả đều đòi hỏi được tự do Internet hoàn toàn. Có những người đồng ý là phải có sự kiểm duyệt và ngăn chặn nào đó đối với mạng Internet.
Một chi tiết được đưa ra là việc Việt Nam chặn trang mạng Facebook. Một số thanh niên cho rằng không có bị chặn mà chỉ là trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, tất cả đều bất bình với việc khó vào Facebook và cho biết họ có cách trèo tường lửa. Hầu hết đều nói họ sẽ không bỏ Facebook để dùng trang mạng xã hội zing.com của nhà nước Việt Nam. “Nhiều em cười chuyện này,” bản báo cáo viết.
Khi được hỏi thẳng là những gì nên được cho phép hoặc bị cấm, nhiều thanh niên cho rằng việc ngăn chặn các trang web chính trị chỉ trích nhà nước và những trang web khiêu dâm là việc làm chấp nhận được. Nhưng khi hỏi cụ thể hơn về từng trang web, từng trang blog, họ không đồng ý là cần chặn. Khi viên tham tán chính trị so sánh với chính sách của Trung Quốc, thường xuyên ngăn chặn Facebook, Youtube, Twitter và báo New York Times, các thanh niên này bất đồng.
Ðến lúc được cho biết về trường hợp Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, bị bỏ tù từ năm 2002 tới 2006 vì dịch tài liệu trên trang web tòa đại sứ, hầu hết thanh niên trong buổi gặp gỡ này nói họ chưa hề nghe nói tới Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn “và tỏ vẻ không tin ông lại bị tù vì việc làm này”.
Kết thúc buổi gặp gỡ, viên Tham tán Thông tin-Văn hóa nhắc nhở những thanh niên này là buổi sinh hoạt đã qua chính là một hình thức thực thi quyền tự do ngôn luận. Bản báo cáo nhận xét thêm rằng mặc dù những thanh niên này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều dựa vào Internet “để giữ liên lạc với thế giới bên ngoài”.

Báo nhà nước bịa đặt

Riêng trong bản báo cáo về phiên xử bốn nhà tranh đấu trong nước, tổng lãnh sự Kenneth Fairfax có mặt tại chỗ và cho biết hai tờ báo của quân đội và của Bộ Công An - là tờ Quân Ðội Nhân Dân và tờ An Ninh Thế Giới - đã bịa đặt lời nói và chi tiết về phiên tòa. Ông gọi báo của quân đội và của Bộ Công An là những tờ báo “bảo đảm sẽ cay đắng”.
Phiên xử bốn bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Ðịnh diễn ra tại Sài Gòn ngày 20 tháng 1, 2010, với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự.
Cả bốn đều bị tuyên có tội. Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù giam, 5 năm quản chế; kỹ sư Nguyễn Tiến Trung bị 7 năm tù giam, 3 năm quản chế; Luật Sư Lê Công Ðịnh bị 5 năm tù giam, 3 năm quản chế; và ông Lê Thăng Long bị 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Tổng lãnh sự Fairfax viết trong bản báo cáo đề ngày 29 tháng 1, 2010, trong phòng xử chỉ có một vài cán bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam được vào xem. Phóng viên và nhân viên ngoại giao được đặt trong một phòng khác và xem qua truyền hình - “thường xuyên bị nhiễu âm thanh trong lúc đang điều trần”. Gia đình các bị cáo được đặt trong một phòng khác, cũng xem qua truyền hình và âm thanh cũng bị kiểm duyệt như vậy.
Ông Fairfax báo cáo rằng mọi loại máy thu, máy quay, máy chụp hình đều bị cấm, và lý do là để cho báo chí của nhà nước có thể tự do bịa đặt. Ông viết, lý do là để “ngăn ngừa không cho người quan sát dễ dàng lật tẩy những lời tường thuật rất ư sai lạc, bằng những sự thật đáng xấu hổ”.
Ông Fairfax đặc biệt nêu thí dụ bài báo An Ninh Thế Giới, trực thuộc Bộ Công An Việt Nam, đề ngày 23 tháng 1, 2010. Bài báo này có những câu hỏi trả lời phỏng vấn của ông Trần Huỳnh Duy Thức, được viết như thể phóng viên phỏng vấn ông Thức lúc ông Thức trên đường vào tòa.
Tuy nhiên, ông Fairfax cho biết, “bốn bị cáo được đưa từ xe công an vào thẳng phòng xử trong vòng vây của một đám đông công an, không ai được đến gần, chứ đừng nói chi phỏng vấn, những bị cáo này”.
Bài báo của An Ninh Thế Giới cũng trích dẫn lời khai của Luật Sư Lê Công Ðịnh rằng ông “đã bị lôi kéo vào những âm mưu hòng lật đổ chính quyền nhà nước...”
Ông Fairfax báo cáo về Washington rằng câu nói đó do phóng viên An Ninh Thế Giới bịa ra và đặt thêm vào sau lời khai của ông Ðịnh.
Tổng lãnh sự Fairfax cũng tiết lộ rằng tuy bài báo này liệt kê chính xác tên tuổi các nhân vật ngoại giao có mặt tại tòa, sự thật là rất nhiều đoàn ngoại giao khác yêu cầu được quan sát nhưng bị từ chối.
“Sau khi bị từ chối, một nhà ngoại giao Thụy Ðiển đến tận nơi, đứng dưới trời mưa để thuyết phục công an canh gác bên ngoài cho bà vào; bà đã thất bại.”
Mặt khác, tổng lãnh sự Fairfax cho rằng một số báo chí khác “như cả hai bản tiếng Việt và tiếng Anh của báo Thanh Niên” đã tường thuật chính xác nội dung chính của phiên tòa. Những báo này tường thuật rằng bốn bị cáo bị kết tội và đã “làm yếu đi sự ủng hộ đối với đảng Cộng Sản Việt Nam, và làm gia tăng sự chống đối cho đảng này”.
Hành động đó, theo ông Fairfax, “có nghĩa là những nhà tranh đấu này bị kết tội vì họ đã sử dụng quyền ngôn luận chính trị theo hướng làm cho chính sách của chính quyền bị nhìn thấy là xấu... Họ không hề bị tố cáo tham gia vào một âm mưu thật sự nào để chủ động lật đổ chính quyền hay lập kế hoạch hay sử dụng bạo lực”.

Tham nhũng

Nhiều công điện liên quan đến vấn đề kinh tế. Những công điện này cho thấy ngay cả những vụ tham nhũng nội bộ của Việt Nam cũng được nhân viên ngoại giao để ý tới.
Một trong những vụ này là vụ án Rusalka tại Khánh Hòa. Một dự án xây dựng to lớn mang tên Rusalka - Nàng Tiên Cá - được chính quyền địa phương và Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư cho phép, cuối cùng sụp đổ năm 2005. Trước vụ tai tiếng Vinashin, Rusalka là một vụ án kinh tế được cả nước quan tâm. Trong vụ này, doanh gia Nguyễn Ðức Chi bị tố cáo đã hối lộ 700,000 USD cho các quan chức.

Ông Nguyễn Trọng Hòa (phải), cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị tai tiếng vụ tham nhũng Rusalka - Nàng Tiên Cá, được đích thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cứu và cho hạ cánh an toàn làm trưởng ban quản lý Khu Kinh Tế Vân Phong, theo chính lời ông Hòa nói với tổng lãnh sự Mỹ. (Hình: congthuongkhanhhoa.gov.vn)

Ngay sau khi lên làm thủ tướng năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh điều tra ráo riết vụ án này. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, theo công điện đề ngày 22 tháng 5, 2007, những nhân vật trong các vị trí đủ để nhận hối lộ từ ông Chi, đã được hạ cánh an toàn ở những chức vụ mới.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, giám đốc Sở Kế Hoạch Ðầu Tư Khánh Hòa và sau đó là phó chủ tịch tỉnh, được bố trí làm trưởng ban quản lý khu kinh tế Vân Phong (VPEZ). Ông Hòa nói với tổng lãnh sự Seth Winnick, ông được chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn để đứng đầu VPEZ.
Một nhân vật khác trong vụ Rusalka, chủ tịch UBND Phạm Văn Chi, được chuyển qua đứng đầu một công ty được trao trọng trách tìm nguồn đầu tư cho VPEZ.
Khu kinh tế Vân Phong cũng là một dự án xây dựng khổng lồ, với rất nhiều cơ hội để đưa và nhận hối lộ, với những công trình khổng lồ như xây cảng nước sâu, nhiều khu du lịch, và cả một xưởng đóng tàu cho Vinashin. Chính xưởng đóng tàu này, tới tháng 4 năm nay, bị công an Khánh Hòa tố cáo xả chất lỏng độc hại vào vịnh Vân Phong.
Báo cáo của tổng lãnh sự Winnick cũng nhắc đến một vụ bê bối khác ở Khánh Hòa: Công trình dây cáp treo từ đất liền ra khu du lịch VinPearl. Do tháp treo này không đủ độ cao, cảng Nha Trang bị kẹt, thay vì tàu vào được từ hai phía chỉ còn vào được từ một phía.
Chủ tịch tỉnh Võ Lâm Phi nói với ông Winnick là lý do tàu không phải vào được phía bên kia không phải vì cáp treo mà “vì quy định của cảng”. Báo cáo của ông Winnick cho rằng giới chủ nhân VinPearl có liên hệ với xã hội đen Ukraine.
––-
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com

---------------------------------

ĐỌC THÊM : 






.
.
.

No comments: