Tuesday, May 24, 2011

VIỆT NAM GỌI CÁC NHÀ VĂN KHÔNG THEO LỀ PHẢI là "NHÀ VĂN TỰ BÁN MÌNH" (báo Đất Việt)



Ngọc Nhiên
Cập nhật lúc :4:57 PM, 24/05/2011

(Đất Việt) Trước nay, việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài vẫn đang bị bỏ ngỏ. Các cơ quan chức năng vẫn… đứng ngoài, hờ hững quan sát. Hầu hết những tác phẩm văn học của ta được dịch ra tiếng nước ngoài đều do tự nhà văn… "bán mình”.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá, thuế ưu đãi... đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước, văn hóa phẩm VN đưa ra nước ngoài, và giới thiệu tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới vào VN. Đến lúc này, nhiều người mới giật mình tự hỏi: vậy từ trước tới nay, các tác phẩm văn học, nghệ thuật của ta ra nước ngoài bằng cách nào?

“Các nhà văn thường “bán mình” ra nước ngoài bằng cách thông qua một số tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà văn để giới thiệu tác phẩm của mình, nhưng cách làm này cũng hạn chế. Cách thứ hai là cá nhân tự “bán mình” mà không có sự kiểm định nào. Do đó, bên cạnh những tác phẩm tốt cũng còn nhiều tác phẩm mang khuynh hướng, quan niệm riêng của cá nhân hoặc nhóm cá nhân. Thực tế này sẽ tạo ra sự khiếm khuyết cho văn học VN, và độc giả nước ngoài sẽ nhìn VN một cách phiến diện”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Cáo lỗi và thu hồi là… xong
Thực tế cho thấy, việc xuất bản tác phẩm trong nước đã và đang khiến giới quản lý phải đau đầu. Đặc biệt là vấn đề thẩm định nội dung tác phẩm. Chưa có ai, cơ quan nào tổng kết được số lượng những cuốn sách đã được các NXB bị thu hồi ở VN, nhưng có thể chắc chắn một điều là… khá nhiều. Điển hình như cuốn Quận chúa biệt động do NXB Công an Nhân dân phát hành cách đây ba năm đã có nhiều chi tiết sai sự thật, gây xôn xao dự luận.
Hay cuốn Rồng đá hay là mũi uốn ván của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai, do NXB Đà Nẵng phát hành vài năm trước. Tác giả đã xuyên tạc hiện thực một cách thô thiển, gây dư luận không tốt. Tiếp đó là tập truyện ngắn Tột đỉnh yêu thương của nhà văn Nguyễn Thúy Ái do NXB Trẻ phát hành cũng bị thu hồi, vì “trong tập sách có một truyện ngắn xuyên tạc tình yêu của đại thi hào Nguyễn Trãi”…
Tất cả những trường hợp bị thu hồi trên rồi cũng như làn gió thoảng qua. Các NXB chỉ có thể đưa ra công văn cáo lỗi và quyết định thu hồi là xong. Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, những cuốn sách được bị thu hồi trách nhiệm thuộc về các NXB. Mặc dù các NXB được ủy nhiệm của nhà nước là phải xem xét chất lượng và nhiều vấn đề khác trước khi cho ra mắt, nhưng hiện nay đôi khi các NXB quan niệm hơi khác với các nhà quản lý, thiên về kinh doanh, bán giấy phép còn ai in không quan trọng. Tất cả những thứ nêu trên đang là một kẽ hở trong ngành xuất bản.

Có tiền là… dịch
Điều gì sẽ xảy ra nếu những tác phẩm bị thu hồi trên được dịch ra tiếng nước ngoài, thế giới sẽ hiểu về văn hóa VN ra sao? Bởi hiện nay, các nhà văn đang phải tự “bán mình” cho độc giả nước ngoài. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới mới chỉ dừng lại ở những đóng góp của cá nhân và không chịu sự kiểm duyệt của cơ quan nào. Hơn nữa, những người dịch cũng như độc giả nước ngoài lại càng không để ý tới việc kiểm duyệt này. Người ta chỉ quan tâm bản dịch có tốt không, có bán chạy ở nước ngoài không và dịch đã đúng ngôn ngữ tiếng chưa mà thôi”.
“Giờ đây, ai có tiền đều có thể dịch tác phẩm của mình ra nước ngoài để giới thiệu. Điều này khó có thể thay đổi được. Tôi đã đi thăm một số thư viện khá lớn ở nước ngoài và cũng thấy sách của VN bày tại đó nhưng phần lớn là những cuốn sách hài hước, hạn hẹp và càng không phải là những cuốn sách xuất sắc đại diện cho văn học VN”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.

“Cửa chính” vẫn hơn
Để việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài một cách có hệ thống, vào cuối năm 2010, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo bàn về vấn đề này. Hầu hết các nhà văn đều rất mong mỏi có một trung tâm dịch thuật do Nhà nước quản lý ra đời. Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, hiện Hội Nhà văn VN đang được Nhà nước giao nhiệp vụ thành lập đề án Trung tâm dịch thuật văn học. “Theo dự kiến trung tâm sẽ ra mắt vào tháng 10/2011”, ông tiết lộ.

Nhà văn Y Ban cho biết: “Chúng tôi cũng có thể tự đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài được nhưng là nguồn không chính thống. Vì thế, khi trung tâm này ra đời sẽ rất tốt cho các nhà văn. Nó sẽ chấm rứt tình trạng xuất bản theo hướng tiểu ngạch. Hiện nay hoàn toàn theo hướng tiểu ngạch, ai quen ai, ai thích ai thì nhờ nhau đưa ra nước ngoài. Còn khi có trung tâm coi như là đã có sự tham gia của quản lý nhà nước. Hội Nhà văn sẽ tìm được con đường chính thống hơn để “bán” các nhà văn VN ra nước ngoài”.

Ngọc Nhiên

----------------------------------------

Mời đọc các tác phẩm bị tịch thu :

Rồng đá hay là mũi uốn ván của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai,

Tột đỉnh yêu thương của Nguyễn Thúy Ái

.
.
.

No comments: