Tuesday, May 24, 2011

NHỮNG SUY TƯỞNG CỦA MỘT NHÀ SƯ BỊ GIAM CẦM TẠI VIỆT NAM (Simon Roughneen)



Simon Roughneen
Lê Quốc Tuấn. X CafeVN chuyển ngữ.

Tin từ TP. Hồ Chí Minh - Xuất hiện ở dãy phòng đợi của Thanh Minh Thiền viện, Hòa thượng Thích Quảng Độ mỉm cười gật đầu chào, đưa bàn tay bắt chặt, đủ để đánh tan ấn tượng rằng ông đã 83 tuổi.

"Cảm ơn đã đến, ông thật đúng giờ quá", vị Tăng thống Tối cao của Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) reo lên, thoáng nhìn đường phố sau bờ vai tôi. Ông ra hiệu cho tôi đi theo ông lên lầu đến một phòng họp nhỏ ở phía trên khu vực nhà chùa.

Cánh cổng vào khu thiền viện mở ra một khu phố sinh động tại TP Hồ Chí Minh, nơi các xe hàng bán các loại thức ăn địa phương và khách qua đường ngồi bên trong những quán cà phê nhâm nhi ly cà phê đá. Tuy nhiên, một số người bên trong các quán cà phê ấy không phải chỉ đơn thuần là để thư giãn trong một buổi cà phê giữa sáng.
"Chắc ông biết, có những người công an ngồi bên kia đường ? Tôi chắc rằng họ nhìn thấy ông đi vào chùa đấy", HT Thích Quảng Độ nói.

Trong những tuần gần đây, các loa phóng thanh trên đường phố đã kêu gọi người dân Việt Nam đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội với các hình ảnh nghệ thuật và áp phích tuyên truyền quanh thành phố tán dương sự tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Cuộc bầu cử đã diễn ra vào ngày Chủ Nhật với sự tham dự của 827 ứng cử viên, 86% trong số đó là từ Đảng cầm quyền. Tất cả các ứng viên dều đã được chính quyền chấp thuận trước.
Đó không phải là loại dân chủ mà HT Thích Quảng Độ - người đã bị bắt giam nhiều lần trong những năm qua vì công cuộc vận động ủng hộ dân chủ của mình và từng bị cáo buộc là làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ - từng đấu tranh để có được. Ông là người đã thực sự bị giam lỏng trong tu viện của GHPGVNTN từ năm 1998. Dù phải chịu những hạn chế, ông cũng vẫn công bố một văn bản chính thức mang tên "Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam", kêu gọi dân chủ đa đảng vào năm 2001.

"Tôi có thể ra ngoài một lần một tháng để đi bác sĩ, nhưng chỉ có thế thôi", ông nói và thêm rằng "công an theo dõi tôi từng bước".

Từ quan điểm của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản, chính trị và tôn giáo tiêu biểu cho một hỗn hợp nhạy cảm. Một ngày trước khi người phóng viên này phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ, Phật tử trên toàn thế giới kỷ niệm ngày lễ Phật Đản. Tuy nhiên, đối với GHPGVNTN, tổ chức tôn giáo lớn nhất Việt Nam, các buổi lễ kỷ niệm đã bị rất hạn chế.

Một chỉ thị của chính phủ nêu rõ: "Nghiêm cấm thể hiện các áp phích hoặc hình ảnh đề cập đến Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất của Việt Nam. Nghiêm cấm việc tuyên đọc thông điệp về Lễ Phật Đản của Thích Quảng Độ hay bất kỳ văn bản nào khác trái với pháp luật..." Nhà chức trách đặc biệt nhạy cảm với những nhận định ủng hộ dân chủ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, những điều từng là căn cứ cho việc hơn 200 thượng nghị sĩ phương Tây đề cử Giải Nobel Hòa bình cho ông vào năm 2000.

Theo HT Thích Quảng Độ, ở thành phố Hồ Chí Minh, công an cho phép nhân viên thường phục trà trộn vào những người thờ phượng trong các chùa. "Họ không muốn đàn áp ở Sài Gòn [TP. Hồ Chí Minh]" ông nói. "Có quá nhiều người xung quanh, bao gồm cả khách du lịch và họ không muốn bị nhìn thấy là nặng tay với dân chúng".

Các thực tế ở những nơi khác trong nước không phải là yên lành lắm, ông nói thêm. Theo GHPGVNTN, hôm lễ Phật Đản, công an cô lập chùa Giác Minh và ngăn cản không cho tín đồ đến một khu thiêng liêng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ngôi chùa là trụ sở của phong trào Thanh niên Phật giáo có hơn 500.000 thành viên liên kết với GHPGVNTN.

HT Thích Quảng Độ tin rằng các tín đồ Phật tử là những "nạn nhân đau khổ nhất" của nạn kỳ thị tôn giáo và vi phạm nhân quyền từng tiếp diễn kể từ khi cộng sản lên nắm quyền vào năm 1975. Một tài liệu huấn luyện dày 602 trang của chính phủ cho công an các ban ngành công tác tôn giáo đưa ra các lệnh chi tiết nhằm "tiêu diệt" tất cả các tôn giáo không chính thức, với một phần đặc biệt tập trung vào GHPGVNTN.

Theo báo cáo về Việt Nam của Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2010, "Công an Tôn giáo của chính phủ Việt Nam thường xuyên quấy rối và làm nhục những tín đồ của GHPGVNTN, cảnh cáo rằng họ có thể bị băt giữ, bị mất việc làm hoặc con cái của họ sẽ bị đuổi học nếu cứ tiếp tục lui tới những chùa được biết là của GHPGVNTN".

Tuy nhiên, nạn nhân duy nhất không chỉ là các Phật tử. Những cuộc đụng độ giữa chính quyền và các nhóm tôn giáo khác nhau xuất hiện thường xuyên và đang gia tăng nhiều hơn.

Một số lượng không rõ những người Thượng Tin Lành sinh sống ở Tây Nguyên vẫn còn ở trong tù sau khi biểu tình phản đối những áp bức vào đầu những năm 2000. Đã có những vụ xô sát giữa cảnh sát và người Công Giáo tại Hà Nội và các vùng ven biển miền Trung, một phần là vì những tranh chấp về đất đai bị sung công, nhưng còn lại cũng là vì các vấn đề thờ phượng.

Tín đồ Phật giáo và Tin Lành thuộc người Dân tộc thiểu số đã chịu khổ đau dưới áp lực của nhà nước, với một số lượng không rõ của những người Hmong bị giam giữ và nhiều người nữa phải lẩn trốn ở khu vực tỉnh Điện Biên sau các cuộc biểu tình hồi đầu tháng Năm, được tổ chức bởi những người bị chính quyền Hà Nội coi là những kẻ "cực đoan".

Những nạn nhân khác của cuộc đàn áp bao gồm một nhóm Tin Lành Mennonite tại Sài Gòn. Ngay chung quanh khu nhà hát gần trung tâm thành phố, người phóng viên này đã gặp Long, ẩn danh của nhà lãnh đạo được thay thế của giáo hội Tin Lành Mennonite, người không thể tiết lộ tên thật của mình.
"Tôi đã lái xe quanh thành phố trong 45 phút trước khi đi đến đây", ông nói, qua một thông dịch viên. "Tôi muốn chắc chắn rằng mình không bị theo dõi".

Vào ngày 30 tháng 5, Mục sư Dương Kim Khải cùng sáu thành viên khác của giáo hội sẽ bị xét xử tại Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre, những người đã bị biệt giam kể từ tháng Sáu năm 2010. Tất cả đã bị buộc tội "có âm mưu lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa", mặc dù ông Long nói rằng họ đang là mục tiêu đa phần vì niềm tin tôn giáo của mình và bởi vì người mục sư đã cố gắng hỗ trợ nông dân để phản đối việc chính phủ trưng thu đất đai của họ.

"Chính phủ không thích giáo hội của chúng tôi bởi vì bị xem là không đăng ký với chính phủ" Long nói. "Chính phủ muốn cho chúng tôi biết phải suy nghĩ như thế nào, nhưng trong nhà thờ chúng tôi chỉ làm theo lời Kinh Thánh".

Những vụ trưng thu đất đai đã gây nên các cuộc biểu tình phản đối của giới nông dân, từng diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. HT Thích Quảng Độ đã gạt bỏ những điều lệ quản chế tại gia của ông vào năm 2007 để nói chuyện với một nhóm nông dân bị thiệt hại từ việc chống lại những việc cướp đất do nhà nước hậu thuẫn. Chính phủ của Đảng Cộng sản thống trị ngày càng thận trọng với những cuộc biểu tình như thế của công chúng trong ánh sáng của cuộc nổi dậy gần đây phổ biến ở Trung Đông và Bắc Phi.

Được biết, ngày 16 tháng 5, một ngày trước lễ Phật Đản, một bậc cao tăng của GHPGVNTN đã toan tự thiêu nhằm phản đối chính sách của chính phủ nếu không bị kềm giữ lại kịp bởi những người đồng tu. Việc tự thiêu từng có một cộng hưởng chính trị tại Việt Nam: năm 1963, hình ảnh vụ tự thiêu của một tu sĩ Phật giáo phản đối đã gửi những làn sóng chấn động ra khắp thế giới, góp phần vào sự sụp đổ của chính phủ đàn áp Ngô Đình Diệm trong những gì đã xảy ra ở miền Nam Việt Nam khi ấy.

Việc tự thiêu như là một kích động cho các biến động chính trị và xã hội cũng vừa tạo ảnh hưởng gần đây với vụ tự sát của Mohamed Bouazizi làm khởi động cuộc cách mạng ở Tunisia hồi đầu năm nay, các hiệu quả ấy vẫn còn vang động trên khắp Trung Đông và Bắc Phi. Khi được hỏi liệu một điều tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam hay không, Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời là khó có thể xảy ra.

"Nấu dân chống đối, họ sẽ bắt tất cả mọi người" ông nói. "Và nếu bắt như thế mà không có hiệu quả, họ sẽ còn bắn chết tất cả mọi người nữa".

Ông kết thúc buổi gặp gỡ với chúng tôi bằng một lời suy tưởng, một lời mà rõ ràng là các chính quyền cộng sản cố gắng chống lại. "Bất cứ điều gì tồn tại đều có thể thay đổi, và theo giáo lý Phật giáo của chúng tôi tất cả mọi điều đều là vô thường" ông nói. "Ngày mai khi bạn thức dậy, cả thế giới có thể thay đổi qua một đêm".

.
.
.

No comments: